Hà Trung- mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng của Xứ Thanh. Qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, các di sản văn hóa đã gắn liền chặt chẽ đời sống của người dân nơi đây. Từ những dấu vết hoạt động chủ yếu của con người cổ xưa được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật ở các di chỉ Cồn Cổ Ngựa, Hang Chùa trong thời đại đồ Đá mới khoảng hơn 5000 năm phát triển qua thời đại văn minh Đông Sơn, rồi 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, đến thời nhà nước phong kiến tự chủ trên dưới 1000 năm và gần một thế kỷ đấu tranh cách mạng kiên cường của dân tộc [37].
Với tổng số gần 700 di tích lịch sử- văn hóa, trong đó có 406 di tích lịch sử- văn hóa đã được kiểm kê gồm: 342 di sản văn hóa vật thể, 64 di sản văn hóa phi vật thể. Về di sản văn hóa vật thể đã có 72 di tích lịch sử- văn hóa được xếp hạng, bao gồm 08 di tích lịch sử- văn hóa được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 64 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Về văn hóa phi vật thể có 28 di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền được khôi phục, phát triển, tiêu biểu như: Lễ hội Đốt Đình Liệu xã Hà Tiến, Lễ hội Cơm Thi xã Hà Thanh, Lễ hội rước nước, Lễ hội Kỳ Phúc, Lễ hội rước bóng tại các đình, đền... Hà Trung được người xưa ca ngợi là vùng đất “non thanh cẩm tú” có nhiều núi, đồi, hang động như: núi Chiếu Bạch, các ngọn núi Thần Đầu, Ngưỡng Sơn, Thiên Tôn, Chum Vàng... đã đi vào ca dao, tục ngữ, đặc biệt còn lưu lại trong các thi phẩm của Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Sĩ... [37]
Hệ thống di tích lịch sử- văn hoá danh thắng huyện Hà Trung có mật độ dày đặc và có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phát huy giá trị văn hoá gắn với du lịch: Các di tích gần trục đường giao thông chính và liên hoàn gắn với các lễ hội lớn.
- Cụm phía Tây Bắc huyện ngay ở chân dốc Xây đầu nguồn sông Tam Điệp có đền Rồng, đền Nước (di tích cấp tỉnh) sát quốc lộ 1A, dọc đường số 7 (đi Thạch Thành) có đình Gia Miêu (di tích cấp quốc gia), đền Đức ông (di tích cấp tỉnh), đập Bến Quân (Di tích cấp tỉnh), nhà thờ họ Nguyễn Hữu (Di tích cấp quốc gia) và lăng miếu Triệu Tường (Di tích cấp quốc gia) đều thuộc xã Hà Long (quê hương nhà Nguyễn) cụm di tích Hà Long lại rất gần với Đền Sòng (Bỉm Sơn). Từ Hà Long theo đường Long- Sơn cách khoảng 3km là cụm di tích đền Tô Hiến Thành (di tích cấp tỉnh), đình Quan Chiếm (di tích cấp tỉnh) ở Hà Giang, đình Trung xã Hà Yên (di tích cấp quốc gia), ở xã Hà Tiến có đình Đồng Bồng (di tích cấp quốc gia) và chiến khu Bãi Sậy (di tích cấp tỉnh); ở xã Hà Tân có chùa đô Mỹ, chùa Tam Quy đều là di tích cấp tỉnh.
Từ Chùa Tam Quy theo đường Long- Sơn khoảng 1km về phía nam là rừng Sến Tam Quy (khu bảo tồn thiên nhiên) có Đập Cầu dưới chân rừng Sến tạo nên sơn thuỷ hữu tình [37].
- Cụm phía Tây Nam của huyện theo quốc lộ 217 ở xã Hà Phong có chùa Long Cảm (di tích cấp tỉnh), xã Hà Đông có Ly cung nhà Hồ (di tích cấp quốc gia), đình Thượng Phú (di tích cấp tỉnh); từ cụm di tích lịch sử chiến thắng Đò Lèn đi về phía tây dọc theo sông Lèn có các di tích cấp tỉnh như Gác chuông Chùa Trần, đền Lý Thường Kiệt, đền Cô Thị ở xã Hà Ngọc; ở xã Hà Sơn có đền Hàn, đền Cô Ba.
Rải rác còn có các di tích khác như đền thờ Trần Hưng Đạo (di tích cấp quốc gia) ở Hà Dương; Phủ Suối (di tích cấp tỉnh) ở Hà Vinh, đình Cơm Thi (di tích cấp tỉnh) gắn với Lễ hội cơm thi ở Hà Thanh, núi Chiếu Bạch, chùa Lê Phụng Hiểu ở Hà Lâm đều là di tích cấp tỉnh.
Tại các di tích lịch sử- văn hoá hàng năm đều diễn ra các lễ hội. Một số lễ hội lớn như lễ hội Hàn Sơn (Hà Sơn- Hà Ngọc) diễn ra rất sôi động có hàng chục ngàn du khách. Lễ hội đền Rồng, đền Nước, đền Chín giếng, lễ hội cơm
thi... thu hút nhiều khách thập phương. [Nguồn: tổng hợp từ cổng thông tin điện tử huyện Hà Trung].
3. Tổng quan về hệ thống di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở huyện Hà Trung
Tiểu kết chương 1
Các nghiên cứu về quản lý di sản văn hóa vật thể nói chung, các nghiên cứu về di tích và quản lý di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia ở Hà Trung nói riêng đã cho chúng ta một cái nhìn tương đối tổng thể về vấn đề nghiên cứu mà luận văn quan tâm. Qua đó, có thể nhận thấy rằng, các nghiên cứu đi trước chủ yếu tập trung giới thiệu, làm rõ giá trị của các di tích hoặc tiếp cận một phần của hoạt động quản lý về một loại hình, nhóm di tích thuộc một giai đoạn lịch sử nhất định.
Luận văn áp dụng khung về lý thuyết quản lý di sản văn hóa để tiến hành nghiên cứu hoạt động quản lý di tích, nhìn nhận các di tích là đối tượng quản lý cần có những biện pháp phù hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ đồng thời phát huy được giá trị của chúng phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng.
Hà Trung- mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng của Xứ Thanh. Có 72 di tích lịch sử- văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, bao gồm: 08 di tích lịch sử- văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 64 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Về văn hóa phi vật thể có 28 di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền được khôi phục, phát triển, tiêu biểu như: Lễ hội Đốt Đình Liệu xã Hà Tiến, Lễ hội Cơm Thi xã Hà Thanh, Lễ hội rước nước, Lễ hội Kỳ Phúc, Lễ hội rước bóng tại các đình, đền...
Chương 2