TƯƠNG QUAN GIỮA ĐẸP NGƯỜI VÀ ĐẸP NẾT

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn học thị hiếu thẩm mỹ của người việt qua ca dao – dân ca (Trang 144 - 153)

CẢM NHẬN VỀ VẺ ĐẸP CON NGƯỜI

3.4.2. TƯƠNG QUAN GIỮA ĐẸP NGƯỜI VÀ ĐẸP NẾT

Người xưa thường quan niệm“đẹp người, đẹp nết” và “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. TS.

Lâm Vinh cũng cho rằng: “Cái đẹp hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất là một sự hoàn mỹ về hình thức, sự toàn thiện, sự chân thực về nội dung… Cái thiện phải là động lực, là kẻ hướng đạo của cái chân và cái mĩ” [112, tr.27]. Quan niệm về cái đẹp như vậy không chỉ đúng với tác phẩm văn học mà còn đúng với con người. Thật thú vị khi số lượng lời ca dao thể hiện sự hoà hợp giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn của người đàn ông và phụ nữ chia đều cho hai giới: mỗi giới 8 lời. Điều này chứng tỏ người Việt quan niệm:

phải có sự hoà hợp giữa vẻ đẹp toát ra từ hành vi và hình thể thì đó mới là con người đẹp hoàn thiện dù là phụ nữ hay đàn ông. Khi viết về đàn ông, các lời ca đã cho thấy sự hoà hợp giữa “nết tốt tươi” với “tươi quần, tươi áo, tươi đôi má hồng”; giữa “mĩ mạo” với

“nết na dịu dàng”; giữa “mĩ miều” với “bút nghiên đèn sách”, “nhất bảng đề danh”; giữa

“lịch sự” với “có duyên dịu dàng”,… :

- …Thấy chàng đẹp nết tốt tươi Tươi quần, tươi áo, tươi đôi má hồng…

(Caâu 32-tr.1628)

Ở lời ca trên, người con gái cảm thương chàng trai ở “nết” đẹp rồi mới chú ý đến hình thức đẹp: quần, áo, má hồng. Dường như vẻ đẹp sâu lắng toát ra từ phẩm chất bên trong đã làm bừng sáng hình thức bên ngoài chàng trai ? Dù hiểu theo nghĩa nào chúng ta cũng thấy có sự hoà hợp giữa người và “nết”. Bốn từ “tươi” lặp đi lặp lại trong hai lời ca đã chứng tỏ điều này.

Lời ca dưới đây thì cô gái chú ý ở chàng trai “cái sắc” trước rồi mới đến “cái tài”. Thế nhưng, với lối ngắt nhịp 4/4, lời ca dao tạo nên sự cân xứng giữa “cái sắc” với “cái tài”.

“Sắc” và “tài” sánh ngang nhau, cùng tồn tại hài hoà với nhau trong một con người : - Hỡi anh Hai ơi ! tuổi anh chừng độ đôi hai

Em trông cái sắc, cái tài em yêu (Caâu 289-tr.1127)

Nói chung, các cô gái yêu thương tha thiết những chàng trai có đầy đủ vẻ đẹp toát ra từ hành vi và vẻ đẹp hình thể. Người phụ nữ nông thôn trong bài ca sau đã ca ngợi chồng mình đẹp người, đẹp nết bằng những lời ca dí dỏm:

- Chẳng ai đẹp bằng anh chồng tôi Cái miệng cái môi, nhắm nha nhắm nhẩy

Hay vẽ, hay viết, hay cuốc, hay phát

Làm thầy, làm thợ, việc làng, việc xã, đủ cả moị điều (Caâu 157–tr.554)

Phụ nữ thành thị thường dùng những lời súc tích, hoa mỹ để ca ngợi đàn ông, phụ nữ nông thôn thì lại dùng những từ ngữ dân dã đến suồng sã để ca ngợi vẻ đẹp hình thể chồng mình: “Cái miệng cái môi, nhắm nha nhắm nhảy”- chỉ cái miệng có duyên. Còn để ca ngợi vẻ đẹp toát ra từ phẩm chất bên trong thì không gì cụ thể hơn, thích hợp hơn là kể ra đầy đủ những hành động mà người chồng đã làm. Biện pháp liệt kê trong lời ca giúp người đọc hình dung ra cảnh một ngừơi đàn ông biết làm, làm giỏi tất cả các công việc từ lao động trí óc đến chân tay: “Hay vẽ, hay viết,…”. Cách nhận biết rõ nhất phẩm chất của

một người là nhìn người đó làm việc, đặc biệt là không nề hà công việc chung “việc làng, việc xã”.

Cũng như đàn ông, người Việt nói chung thích phụ nữ có vẻ đẹp hài hoà giữa hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong. Đồng quan niệm với người Việt Nam, nhà văn Nga nổi tiếng A.Sêkhốp cách đây hàng thế kỉ đã viết: “Tất cả mọi cái đẹp trong con người đều phải đẹp, từ mặt mũi áo quần, đến tâm hồn tư tưởng”. TS. Lâm Vinh có một phát hiện thú vị: “Ca dao ta có câu rất hay về đôi mắt: “Trời xanh con mắt là gương.

Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài”. Con mắt phát tín hiệu bằng thứ ngôn ngữ yên lặng nhưng rất dễ hiểu” [112, tr.143]. Theo tác giả, con mắt là hiện thân của sự thống nhất giữa vẻ đẹp toát ra từ phẩm chất bên trong và hình thức bên ngoài của con người.

Trong ca dao, người phụ nữ được nâng niu khi: “Nhất xinh, nhất lịch khôn ngoan trăm chiều”, “Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng”,…:

-…Nhaát xinh, nhaát lòch khoân ngoan traêm chieàu Người ngoan ai chả nâng niu…

(Caâu 126-tr.1648)

Ở bài ca trên, “nhất xinh, nhất lịch” là lời khen về hình thức, còn “khôn ngoan trăm chiều” thuộc về phẩm chất cô gái. Người xưa thật tinh tế trong dùng từ: khi xếp thứ hạng thì vẻ đẹp của cô gái đứng đầu “nhất”, khi xếp số lượng-mức độ thì phẩm chất chiếm số lớn nhất, nhiều nhất “trăm chiều”-số nhiều, không xác định. Thật là một sự tương xứng về sắc và tài. Tình cảm của chàng trai càng tăng thêm khi người con gái không chỉ “đẹp nết” mà cả đẹp người. Cách thể hiện trong ca dao thật tinh tế, sâu sắc: Khi miêu tả cô gái

“đẹp nói đẹp cười” dường như người xưa không chỉ miêu tả vẻ đẹp hình thể mà còn kín đáo ca ngợi vẻ đẹp toát ra từ phẩm chất bên trong. Vẻ đẹp bên ngoài thường biểu lộ rõ nhưng vẻ đẹp từ phẩm chất bên trong có khi cần phải khám phá, tìm hiểu. Phẩm chất có tốt, có đẹp thì cách nói, cách cười cũng duyên dáng hơn, hay hơn. Nhưng thế vẫn chưa đủ, người xưa còn nhấn mạnh về điều này ở câu thứ hai: “đẹp người đẹp nết”:

- Thấy em đẹp nói đẹp cười Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng…

(Caâu 358-tr.128)

Các cô gái cũng đã thể hiện phẩm chất đáng quý khi hy sinh cả nhan sắc để chăm sóc mẹ chồng. “Má hồng” biểu tượng cho vẻ đẹp hình thể, là niềm hãnh diện, tự hào của người con gái. Vẻ đẹp ấy dù có bị mất đi vì phải vất vả lao động nuôi mẹ già thì lại càng sáng bừng lên qua những hành động mang vẻ đẹp phẩm chất bên trong :

- Mò giậm được mấy trăm đồng Em về giữ lại má hồng cho anh

-Má hồng em để lại nhà Em ra mò giậm, nuôi mẹ già cho anh

(Caâu 370-tr.1371)

Người xưa nhìn dáng người con gái mà nhận biết được phẩm chất bên trong. Những người có dáng hình thon thả, mảnh mai “thắt đáy lưng ong”–vóc dáng đẹp được tạo nên bởi sự đảm đang, tháo vát–là những người khéo chiều chồng, khéo nuôi con. Ngược lại, những người “béo trục béo tròn”–biểu hiện của sự lười biếng, ăn tham–thì có những hành vi đáng chê trách:

- Những người thắt đáy lưng ong Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con

Những người béo trục béo tròn Aên vụng như chớp đánh con cả ngày

(Caâu 253-tr.1677)

Không chỉ chú ý đến dáng hình, người xưa còn chú ý đến màu da. Màu da cũng phần nào thể hiện phẩm chất con người. Những người phụ nữ có màu da ngăm ngăm của con nhà lao động “găm gắm mà giòn”-màu da đẹp, khoẻ mạnh theo thị hiếu của nông dân–là những người chịu thương chịu khó :

-Trông em găm gắm mà giòn Siêng mần siêng mạn, sớm hôm tảo tần

(Caâu 485–tr.2237)

Trong những bài ca mười “yêu”, chúng ta thấy các chàng trai yêu các cô gái ở cả hai mặt: giỏi lao động và miệng chào có duyên; có lúm đồng tiền và nết na hiền tài,…:

- Một yêu cô cả lắm thay Hai yêu cô cả khéo may yếm đào…

…Bốn yêu cô cả miệng chào có duyên Năm yêu má lúm đồng tiền…

…Tám yêu cô cả nết na hiền tài…

(Caâu 597–tr.1419)

Bài ca trên không chỉ là thị hiếu của các chàng trai mà chính là thị hiếu của người Việt thông qua sự tương quan giữa đẹp người, “đẹp nết”. Người xưa còn xếp thứ hạng những người con gái ở các làng quê với tiêu chuẩn: đẹp người, “đẹp nết”. Họ đã rất sáng suốt khi cho raèng:

- Nhất đẹp là gái làng Cầu Khéo ăn khéo mặc, khéo hầu mẹ cha

(Caâu 120-tr.1647)

“Nết” ở đây chính là:“khéo hầu mẹ cha”-vẻ đẹp mà tất cả mọi người đều ưa thích. Sở dĩ người có “nết” được mến yêu như vậy là do thị hiếu của người Việt thích vẻ đẹp toát ra từ phẩm chất bên trong hơn vẻ đẹp bên ngoài: “Cái nết đánh chết cái đẹp”:

- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người (Caâu 428-tr.1961)

TS. Lâm Vinh đã rất xác đáng khi cho rằng: “Người ta vẫn giải thích cái đẹp thông qua cái hài hoà và trước hết đó là hài hoà giữa nội dung và hình thức. Ở con người đẹp, sự hài hoà này càng đạt tới trình độ cao hơn” [112, tr139]. Và “Vẻ đẹp thân thể là sự hài hòa do thiên nhiên và do sự rèn luyện lâu dài qua lao động mà con ngừơi đã đạt được. Nhưng điều phải quan tâm hơn vẫn là vẻ đẹp tinh thần. Cái thứ nhất thì ở thời nào, nơi nào cũng có thể có được, nhưng cái thứ hai thì chỉ có thể có ở nơi nào làm tốt công cuộc cải tạo xã hội, giáo dục con người” [112, tr.158].

Kết luận: TS. Lâm Vinh đã rất đúng khi cho rằng: “Loài người chân chính luôn luôn bảo vệ và ca ngợi vẻ đẹp thân thể, xem như thành quả cao quý nhất của con người trong tự nhiên và là bông hoa đẹp nhất của các loài hoa” [112, tr.140]. Trong ca dao–dân ca người Việt, vẻ đẹp hình thể của đàn ông được ưa thích nhất ở cái miệng- nhất là miệng cười. Đối với người Việt, người đàn ông hay cười thường cởi mở, dễ gần, tính tình dễ chịu, dễ thương. Người đàn ông còn được ưa thích ở răng đen (xếp thứ hai)-vẻ đẹp truyền thống của dân tộc- và nhiều râu (xếp thứ ba)- vẻ đẹp nam tính của người anh hùng, trượng phu. Quả là:“Cái răng, cái tóc là góc con người” rất đúng trong trường hợp này.

Người Việt không thích ở đàn ông những mặt: hình dáng không cân đối, không râu, râu quặp, đầu tóc bờm xờm, xanh xao gầy guộc. Nhận xét về đàn ông thời trước, tác giả Lý Khắc Cung có viết: “Nói chung, người đàn ông Việt Nam những năm xưa có tinh thần học hỏi, chăm chỉ, cởi mở, hiếu khách, lạc quan. Những chàng trai dong dỏng, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, sản xuất giỏi, lịch sự, mặt vuông chữ điền thường được các chị em săn đón” [10, tr.454]. Ca dao viết về vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp hành vi và trang phục của phụ nữ nhiều hơn khi viết về đàn ông. Phải chăng vì phụ nữ biểu tượng cho cái đẹp theo quan điểm thị hiếu thẩm mĩ của người Việt và thế giới ? Vẻ đẹp hình thể cũng được miêu tả chi tiết hơn so với đàn ông (gồm: da, chân mày, tóc, mắt, má, miệng, răng, cổ tay, dáng hình). Người phụ nữ được yêu thích nhất qua hình ảnh: da trắng, chân mày lá liễu, tóc dài,Mắt của phụ nữ được miêu tả kĩ, đa dạng, nhiều hình, nhiều vẻ. Trong số các bộ phận của cơ thể, má của người phụ nữ được quan tâm nhất, đặc biệt là “má hồng” được yêu thích nhất. Điều này có lẽ vì “má hồng” không chỉ thể hiện vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ mà còn mang ý nghĩa biểu tượng: Cứ nói đến “má hồng” là mọi người nghĩ đến hình ảnh người con gái trẻ đẹp. Chi tiết được chú ý thứ hai là miệng, nhất là “miệng cười”(ở đàn ông “miệng cười” được ưa thích nhất). Hình ảnh “răng đen” được yêu thích thứ ba. Cách miêu tả vẻ đẹp tổng thể cũng rất chi tiết, đa dạng, sinh động (từ cổ, ngực, ngón tay, cổ tay, chân đi đến dáng hình). Bên cạnh đó cũng có những quan niệm khác:

người con gái không đẹp, quê mùa cũng vẫn được yêu thích, chứng tỏ thị hiếu thẩm mĩ

của người Việt rất đa dạng. Những mặt không đẹp trong hình thể của phụ nữ thường được viết theo lối phóng đại, chủ yếu người phụ nữ bị chê khi miệng rộng.

Aên mặc cũng là văn hoá, dù mặc bộ quần áo nào thì bên trong nó vẫn là một tâm hồn, một con người. Thời phong kiến quy định rất nghiêm ngặt về màu sắc trong trang phục. Người dân chỉ đựơc mặc các màu đen, trắng, nâu. Màu vàng dành cho nhà vua.

Màu tía, đỏ dành cho các quan lớn. Màu xanh, lục dành cho các quan nhỏ. Thường phục truyền thống của người Việt với đàn ông là quần trắng, áo nâu, đầu vấn khăn, chân đi guốc hoặc dép. Bộ lễ phục thêm áo dài màu đen bằng vải hoặc the, đầu đội khăn xếp.

Đối với phụ nữ, trang phục diêm dúa hơn: váy đen, yếm trắng, áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ, thắt lưng hoa lý. Bộ lễ phục gồm ba chiếc áo, ngoài cùng là áo dài tứ thân bằng the thâm hay màu nâu non, kế đến là chiếc áo màu mỡ gà và trong cùng là chiếc áo màu cánh sen…Khi mặc, cả ba chiếc áo chỉ cài khuy bên sườn, phần từ ngực đến cổ lật chéo để lộ ba màu áo. Bên trong là chiếc yếm thắm. Đầu đội nón trông rất duyên dáng và kín đáo. Trong ca dao-dân ca, trang phục của đàn ông được coi là đẹp khi quần áo chải chuốt, quần áo nhiều màu (họ thích nhất màu vàng). Về trang phục, người đàn ông thích nhất là khăn (gồm khăn đội đầu, khăn vắt vai). Chất liệu để may quần áo là: gấm lam hoa bạc, tơ, lụa làng Trúc. Trang phục của người phụ nữ được miêu tả kĩ lưỡng hơn: từ trên đầu xuống dưới chân. Ở trên đầu, người phụ nữ thích đội nón hơn khăn đội đầu –sự yêu thích này đứng thứ ba trong số trang phục của phụ nữ. Nón đội đầu nhiều loại, nhiều hình. Ở trên cổ, tai và tay người phụ nữ thường đeo nữ trang. Aùo của họ thì may bằng nhiều loại vải, sắc màu. Đặc biệt yếm được yêu thích nhất, xuất hiện nhiều nhất. Thắt lưng được ưa thích thứ hai. Dưới chân người phụ nữ cũng thích đi dép quai ngang như đàn ông. “Sau khi mặc yếm, các cô gái mặc ra ngoài chiếc áo cánh trắng không cái cúc cổ làm tôn màu yếm hoa hiên hoặc đỏ thắm. Khi đi ra ngoài, mặc thêm chiếc áo dài. Bên dưới mặc váy lưỡi trai bằng lĩnh hay sồi đen dài chấm gót. Lưng có dải thắt màu mỡ gà, hồng đào hoặc hoa lý dịu dàng. Phía cạnh sườn đeo xà tích bạc có chùm ống vôi và con dao con bổ cau. Chân đi dép. Đầu vấn khăn nhiễu hoặc nhung với đường ngôi ở giữa hoặc bên cạnh. Trùm ngoài là chiếc khăn mỏ quạ. Có người để tóc bỏ đuôi gà hoặc vấn

đầu trần, có cài chiếc lược. Nếu đi xa hoặc đi xem hội, cô gái đội chiếc nón quai thao.

Cái nón nặng về làm duyên…Tất cả những cái đó phối hợp với cái yếm làm nên dáng nét của người con gái mềm mại, hiện hữu trong cuộc đời và thoáng hiện trong những giấc mơ cùng với những con cò, con vạc Việt Nam” [10, tr.477].Chất liệu may quần áo mà người phụ nữ thích nhất là lụa (An Thái, Kiểng Hàng, Cổ Đô, Chợ Hạ, lụa đậu ba), sau đó mới đến gấm (Nước Mặn). TS. Lâm Vinh viết rất đúng như sau: “Việc trang điểm, trang phục không phải là việc riêng của một người mà có khi cũng có liên quan đến xã hội. Mặt khác, các kiểu, các cách ăn mặc và đầu tóc không bao giờ chịu đứng yên, cách ăn mặc và đầu tóc thường phản ánh bộ mặt xã hội của một thời nào đó, như câu ngạn ngữ nước ngoài: “Hãy cho xem bộ tóc, tôi sẽ cho anh biết là người của thời nào””[112, tr146].

Trong số các hành vi của đàn ông được ưa thích, chúng ta thấy mọi người thích nhất ở đàn ông là lời ăn tiếng nói. Đó là những lời nói đầy tình nghĩa, lời nói ngọt ngào, có duyên. Và thật thú vị khi đàn bà cũng được ưa thích nhất ở sự “khôn ngoan, ăn nói dịu dàng”. Điều này phù hợp với cách sống mà người Việt Nam nói chung ưa chuộng:

“ăn ở vừa lòng người”. Cách sống “dĩ hoà vi quý” được người xưa khuyên bảo con cháu, truyền từ bao đời. Hành vi mà mọi người không thích ở người đàn ông là thói rượu chè, cờ bạc. Đối với phụ nữ, hành vi khiến cho người ta ghét nhất là sự “mất nết”, thứ nhì là

“lười biếng”. Mọi người nói chung ghét nhất thói tham lam (nhất là tham ăn), thứ nhì là thói “chê bai nhau, nói nhau nặng lời”. Văn hào nổi tiếng A.Sêkhốp đã nói: “Tất cả mọi cái đẹp trong con người đều phải đẹp, từ mặt mũi áo quần, đến tâm hồn tư tưởng”.

Vì thế, khi biết được những điều mà người xưa thích hay không thích trong ca dao-dân ca, chúng ta có thể điều chỉnh cách sống của mình sao cho phù hợp với thị hiếu tốt đẹp của dân tộc: trở thành “Con người đẹp” hay “Con người toàn diện”. TS. Lâm Vinh nhận xét rất xác đáng như sau: “Con người đẹp–con người toàn mĩ–phải gồm đủ các phương diện:

một hình thể cân xứng toàn vẹn, một dung nhan, một phong cách ăn mặc nói năng và ứng xử… Quan điểm “con người toàn diện” mỗi thời mỗi khác, nhưng nói chung, thời nào cũng có sự đòi hỏi sự hoàn thiện, hoàn mĩ, có hình mẫu lí tưởng về con người đẹp của thời đại mình” [112, tr.217].

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ văn học thị hiếu thẩm mỹ của người việt qua ca dao – dân ca (Trang 144 - 153)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(344 trang)