Chương 4: Giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng Khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Quân Đội …
4.2. Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng Khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Quân Đội
4.2.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác thẩm định Khách hàng cá nhân …
Nhân sự phục vụ công tác thẩm định tín dụng là một yếu tố quan trọng, then
chốt trong mọi hoạt động tín dụng nói chung và trong công tác thẩm định tín dụng nói riêng. Tại các TCTD, nhân sự thẩm định tín dụng thường xuyên biến động, do đó công tác thẩm định tín dụng cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để chất lượng thẩm định tín dụng được đảm bảo thì công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác thẩm định luôn được các TCTD đặt lên hàng đầu.Để làm được điều đó, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:
- Nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên viên thẩm định tín dụng KHCN, cụ thể:
+Lập kế hoạch và tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, cơ chế chính sách, pháp luật, thẩm định và quản lý khách hàng, phân tích hoạt động kinh tế, thanh toán quốc tế, tin học, ngoại ngữ,…kết hợp giữa đào tạo chính quy với đào tạo tại chỗ, kết hợp giữa đội ngũ giảng viên bên ngoài có kỹ năng sư phạm với đội ngũ giảng viên nội bộ có kinh nghiệm, am hiểu về MB.
+Tổ chức các chương trình đào tạo thẩm định tập trung, đồng bộ trên toàn hệ thống về định hướng của Ngân hàng, định hướng của Khối Thẩm định và phê duyệt tín dụng trong công tác thẩm định, đảm bảo toàn bộ CVTĐ nắm vững được chỉ đạo chung của Ban lãnh đạo, từ đó áp dụng vào thẩm định hồ sơ.
+ Tổ chức các chương trình đào tạo nhận biết chứng từ giả mạo, một trong những vấn đề đang gây khó khăn cho CVTĐ trong việc đánh giá tính chân thực của hồ sơ.
+ Tổ chức đào tạo CVTĐ cách thức đánh giá, nhận biết, phân tích chuyên sâu báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
+ Chú trọng đào tạo chuyên viên thẩm định mới gia nhập, kinh nghiệm từ 1 – 3 năm về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lập Báo cáo thẩm định và kỹ năng đàm phán với Chi nhánh. Đồng thời, trong quá trình đào tạo, có thể luân chuyển qua một số bộ phận để có sự am hiểu sâu sắc, có cái nhìn tổng quan về công việc mình sẽ thực hiện, cũng như mối quan hệ tác nghiệp giữa mình với các bộ phận khác để công việc đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất.
- Chuẩn hóa Bộ quy tắc theo vị trí chức danh Chuyên viên thẩm định: Chuẩn
hóa Bản mô tả công việc CVTĐ theo hướng mô tả chi tiết các công việc CVTĐ cần làm và mục tiêu cần đạt được; Điều chỉnh Bản đánh giá thực hiện công việc (KPIs) theo hướng tăng giảm tiêu chí đánh giá định tính, tăng tiêu chí đánh giá định lượng, đảm bảo đánh giá công việc một cách công bằng, công khai. Khi đánh giá thực hiện công việc định kỳ cần tổ chức họp theo nhóm, theo phòng, để lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên về công tác tổ chức, công tác chuyên môn.
- Định kỳ 06 tháng/lần, Khối Thẩm định và phê duyệt tín dụng thực hiện đánh giá một cách toàn diện thực trạng nhân sự thẩm định bao gồm chất lượng báo cáo thẩm định, thời gian thẩm định, năng suất thẩm định, phản hồi của Đơn vị kinh doanh về thái độ, tác phong của CVTĐ. Trên cơ sở đó, Khối Thẩm định và phê duyệt tín dụng phối hợp với Khối Tổ chức nhân sự xây dựng định biên nhân sự hợp lý, tổ chức tốt công tác tuyển dụng nhân sự có chất lượng, đảm bảo đáp ứng đủ nhân sự cho nhu cầu phát triển tín dụng của toàn ngân hàng.
- Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ hợp tác trong nội bộ Khối Thẩm định và phê duyệt tín dụng để chia sẻ kinh nghiệm thẩm định và năng lực nhận biết rủi ro tín dụng trong cho vay KHCN.
- Tăng cường tổ chức đào tạo kỹ năng giao tiếp nội bộ cho CVTĐ. Công việc của CVTĐ thường xuyên phải trao đổi với Đơn vị kinh doanh. Thái độ trao đổi đúng mực, cách thức giao tiếp chuẩn chỉnh thì sẽ khai thác được nhiều thông tin từ Đơn vị kinh doanh, quan điểm thẩm định sẽ ít xung đột với đơn vị kinh doanh, từ đó nâng cao được chất lượng thẩm định và rút ngắn thời gian thẩm định..
- Xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý đối với chức danh thẩm định tín dụng KHCN, trong đó bao gồm cả quyền lợi và trách nhiệm của CVTĐ, cụ thể:
+Xây dựng cơ chế lương thưởng gắn với năng suất lao động, level của CVTĐ để khuyến khích phát huy tính chủ động, sáng tạo của CVTĐ. Để đảm bảo cách thức tính năng suất lao động khách quan và công bằng, cần thiết thực hiện biện pháp quy đổi hồ sơ ra điểm để tạo cơ sở đánh giá (Ví dụ: căn cứ vào mức độ phức tạp của hồ sơ, sản phẩm thẩm định, thẩm quyền phê duyệt của khoản vay, … để đưa ra một mức điểm hợp lý). Cơ chế lương thưởng căn cứ trên những tiêu chí định
lượng sẽ tạo nhiều động lực hơn cho người lao động.