Một số đề xuất và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp huyện Sơn Dương

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Đánh giá hiệu quả một số loại hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (Trang 69 - 75)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.4. Nghiên cứu và đề xuất giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp huyện Sơn Dương

3.4.2. Một số đề xuất và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp huyện Sơn Dương

3.4.2.1. Một số đề xuất

Việc lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý không những giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt mà còn hạn chế được các yếu tố bất lợi và phát huy các yếu tố thuận lợi để cây trồng mang lại năng suất và sản lượng cao, giảm thiểu chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tận dụng khai thác triệt để tiềm năng của đất đai, cây trồng và các nguồn lực tại địa phương.

Qua thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Sơn Dương; trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố; kết quả tổng hợp hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường của các loại hình sử dụng đất, trình độ thâm canh của người dân địa phương. Chúng tôi xin đề xuất một số loại hình sử dụng đất cho 3 vùng nghiên cứu như sau:

- LUT 1 (chuyên lúa): mặc dù hiệu quả của LUT này ở cả 3 vùng nghiên cứu chỉ đạt mức thấp đến trung bình; nhưng đây là phương thức canh tác truyền thống và

chủ yếu của người nông dân ở địa phương, giúp đảm bảo an ninh lương thực, với mức rủi ro thấp hơn so với các LUT khác do sản phẩm nông sản của loại hình sử dụng đất này dễ tiêu thụ cũng như khá dễ dàng bảo quản.

- LUT 2 (2 lúa – 1 đông): Đề xuất giữ nguyên các kiểu sử dụng đất của LUT này ở cả 3 tiểu vùng vì hiệu quả kinh tế LUT đem lại cao và tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Trong thời gian tới cần quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng tập trung, ưu tiên 2 kiểu sử dụng đất Lúa xuân - Lúa mùa – Ngô đông, Lúa xuân - Lúa mùa - Lạc vì 2 kiểu sử dụng đất này có hiệu quả cao, thu hút được nhiều lao động nhất; đồng thời những mặt hàng nông sản của 2 kiểu sử dụng đất này được nhiều người dân chấp nhận và dễ tiêu thụ trên thị trường.

- LUT 3 (1 lúa – 2 màu): lựa chọn kiểu sử dụng đất Lạc xuân - Lúa mùa – Ngô vì kiểu sử dụng đất này có hiệu quả cao hơn các kiểu sử dụng đất còn lại.

- LUT 4 (chuyên rau, màu): Đề xuất giữ nguyên các kiểu sử dụng đất của LUT này ở cả 3 tiểu vùng vì hiệu quả kinh tế LUT đem lại cao và tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân. Hiệu quả đem lại tốt nên cần được quan tâm đầu tư ở những diện tích vàn cao và vàn có thành phần cơ giới đất từ trung bình đến nhẹ.

- LUT 5 (cây công nghiệp hàng năm): Đề xuất bỏ LUT này ở tiểu vùng 1 do hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường thấp.

- LUT 6 (cây công nghiệp lâu năm): Đề xuất giữ nguyên kiểu sử dụng đất chè vì chè là cây công nghiệp lâu năm, có đời sống kinh tế lâu dài, mau cho sản phẩm; chè cũng là một trong những cây trồng chính của địa phương có giá trị cao về mặt kinh tế, thu hút được nhiều lao động. Việc sản xuất và cung cấp chè giống cũng như sản phẩm từ cây chè vừa có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao trong nước và nhu cầu xuất khẩu.

3.4.2.2. Một số giải pháp

- Đối với LUT 1 (chuyên lúa): cần tích cực hướng dẫn người nông dân đưa các giống lúa lai cho năng suất và hiệu quả cao vào sản xuất trên diện rộng. Ngoài ra cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các công cụ lao động cải tiến, máy móc…để giảm lao động thủ công, nâng cao hiệu quả và giá trị ngày công. Thực hiện các biện pháp quy hoạch và bảo tồn các giống cây trồng của địa

phương như gạo Dự (xã Tân Trào). Bên cạnh đó, huyện cần có chính sách khuyến khích đầu tư và kế hoạch cụ thể để cải tạo đất vì diện tích đất 1 vụ lúa của huyện còn nhiều, kết hợp việc xây dựng hệ thống tưới tiêu để nâng hệ số sử dụng đất từ 1 vụ lên 2 vụ. Ở những xã chưa có điều kiện khắc phục được ngay vấn đề này thì hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng màu hoặc trồng luân canh thêm vụ màu trên ruộng lúa 1 vụ để nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người nông dân.

- LUT 2 (2 lúa – 1 đông): đây là LUT có hiệu quả kinh tế, xã hội cao, giải quyết tốt các vấn đề về lao động và việc làm cho người nông dân, đảm bảo ổn định nguồn lương thực tại chỗ. Các tổ chức hội cần ưu tiên hỗ trợ vay vốn để bà con sản xuất, đưa ra các giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các cây trồng vụ đông; với các giống cây trồng mới cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách thức gieo trồng và chăm sóc. Các loại rau đông nên hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV vượt quá định mức, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người sử dụng. Tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân tự thu gom rác thải, vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV…sau khi sử dụng tập kết vào những điểm thu gom chung để xử lý, tránh vứt bừa bãi tại đồng ruộng và xả thải vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường.

- LUT 3 (1lúa – 2 màu): Tăng cường sử dụng những giống cây mới và những cây trồng màu cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có khả năng chịu hạn tốt và các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết như sương muối, nhiệt độ…tận dụng tối đa các sản phẩm phụ trong sản xuất như rơm rạ, cỏ khô để làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ tái phục vụ sản xuất, tránh lãng phí.

- LUT 4 (chuyên màu): Cần đưa vào sử dụng các loại giống cây trồng, giống rau màu mới có năng suất cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh cao hơn. Tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến, hướng dẫn nông dân nên bón phân theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành tại địa phương; hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, nên sử dụng các chế phẩm sinh học góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường. Xây dựng hạ tầng thương mai, dịch vụ nông thôn gồm hệ thống các quầy hàng, cửa hàng bán lẻ ở các khu dân cư tập trung, xây dựng chợ trung tâm cho các xã để phục vụ tốt cho việc trao đổi nông sản. Tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò của hệ thống thương mại, dịch vụ; hướng dẫn tạo điều kiện để các hợp tác xã nông

lâm nghiệp có thể đảm nhận được đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.

Đồng thời, cần có các biện pháp dự báo trước sự thay đổi của thị trường và cung cấp đầy đủ các nguồn thông tin về thị trường tiêu thụ đối với từng loại nông sản và hàng hóa khác của kinh tế nông thôn để người nông dân chủ động sản xuất.

Tránh việc ùa theo sản xuất những mặt hàng nông sản có giá trị cao gây nên hiện tượng thừa cung - thiếu cầu làm mất giá nông sản.

- LUT 5 (cây công nghiệp hàng năm): Thời gian tới huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút đầu tư vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và có chính sách phù hợp để hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang loại hình sử dụng đất khác có hiệu quả hơn như LUT cây lâu năm hoặc trồng cây nguyên liệu giấy để phục vụ cho nhà máy giấy của tỉnh, mang lại giá trị cao hơn về mặt kinh tế, xã hội, môi trường.

- LUT 6 (cây lâu năm): Cần tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng quy cách và liệu lượng tránh các tác động lên môi trường; nên trồng xen một số loại cây ngắn ngày, cây họ đậu để che phủ đất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ I. Kết luận

1. Sơn Dương là huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Tuyên Quang có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 25.937,76 ha chiếm 32,92% tổng diện tích đất tự nhiên. Huyện có điều kiện khí hậu, đất đai và giao thông tương đối thuận lợi cho việc đa dạng hóa cây trồng và lưu thông hàng hóa nông sản với các vùng lân cận.

2. Huyện Sơn Dương có 6 loại hình sử dụng đất bao gồm 18 kiểu sử dụng đất khác nhau. Với 4 kiểu sử dụng đất phổ biến, trong đó chuyên rau màu cho hiệu quả kinh tế cao nhất, 2 Lúa ( lúa xuân- lúa mùa) cho hiệu quả kinh tế thấp nhất.

3. Dựa trên kết quả đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện lựa chọn ra 2 loại hình sử dụng đất đai thích hợp và có triển vọng cho huyện:

- LUT 4 (chuyên rau, màu): Đây là loại hình sử dụng đất đai có hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường đất, LUT đã giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động lúc nông nhàn đồng thời góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

- LUT 2 (2 lúa - 1 đông): mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, phù hợp với năng lực sản xuất của nông hộ tại địa phương, vừa tận dụng hết nguồn lực lao động dư thừa ở địa phương, đảm bảo an toàn lương thực và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong tương lai để tăng hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích đất cần có nhiều chính sách đầu tư thích hợp xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích lúa có giá trị kinh tế cao.

Để thực hiện các loại hình trên thì huyện cần phải tiến hành các giải pháp như: Nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để các loại hình được chọn đạt hiệu quả cao.

4. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cho quan điểm sinh thái và bền vững, thì huyện Sơn Dương cần tổ chức khai thác tiềm năng đất đai theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác quản lý nhà nước về đất đai trong nông nghiệp, chính sách

về sử dụng và bảo vệ đất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ. Quá trình sử dụng đất phải gắn với việc cải tạo, bồi dưỡng và bảo vệ đất, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác khuyến nông, quản lý tốt việc bón phân và thuốc trừ sâu.

II. Đề nghị

Để nâng cao sản lượng cho cây trồng tại địa phương trong những năm tiếp theo tôi xin có một số đề nghị như sau:

- Đối với cấp tỉnh: Có chính sách phù hợp, ưu đãi với thực trạng hộ. Nhất là đầu tư cơ sở sản xuất, khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân ngày càng nâng cao mức sống và có thu nhập ổn định.

- Đối với cấp huyện: Cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, cung cấp các tài liệu tuyên truyền về khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc, tăng cường mở hội nghị đầu bờ cho nhân dân tham gia các mô hình trình diễn ở các xã để nhân dân được tham gia và học tập.

- Đối với cấp xã: Đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố, đảm bảo đáp ứng đủ nước phục vụ sản xuất, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm

- Đối với hộ nông dân trong huyện: Cần tích cực tham khảo ý kiến của cán bộ có chuyên môn kỹ thuật, các hộ nông dân giỏi làm ăn có nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, để áp dụng các phương thức luân canh mới có hiệu quả kinh tế cao. Cần phát triển cây trồng theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, xóa bỏ tập quán lạc hậu, khai thác triệt để hợp lý tiềm năng đất đai, lao động, vốn... không còn diện tích đất ruộng bỏ hoang hóa.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Đánh giá hiệu quả một số loại hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (Trang 69 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)