Yếu tố chương trình đào tạo

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng GDTC cho sinh viên các trường Đại học tại thành phố Vinh (Trang 56 - 59)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.6. Những yếu tố ảnh hưởng đến công tác giáo dục thể chất trong các trường Đại học

1.6.4. Yếu tố chương trình đào tạo

Trong công tác GDTC ở trường học thì nội dung chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy rất quan trọng. Là yếu tố cốt lõi giữ vai trò quyết định đến chất lượng của mặt giáo dục này. Nội dung phong phú đa dạng và thích hợp sẽ thu hút và kích thích được sinh viên tham gia vào các hoạt động thể thao một cách tự giác và hứng khởi. Bên cạnh đó cần phải đảm bảo được thời gian học tập thì mới phát triển được thể chất cho sinh viên.

Tại Điều 6 của Luật Giáo dục năm 2005 như sau: “Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học hoặc trình độ đào tạo” [41]. Tại Điều 41 Luật Giáo dục năm 2005 cũng quy định “Chương trình giáo dục đại học thể hiện mục tiêu giáo dục đại học; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục đại học, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo của giáo dục đại học; bảo đảm yêu cầu liên thông với các chương trình giáo dục khác” [41].

Thông tư 25/2015/BGD&ĐT quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất với mục tiêu nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, hoàn thiện nhân cách, nâng cao khả năng học tập, kỹ năng hoạt động xã hội với tinh thần, thái độ tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.[18]

Chương trình môn học Giáo dục thể chất được thực hiện từ năm học đầu tiên, khi sinh viên mới nhập học; các trường bố trí dạy đối với sinh viên trình độ đại học tối thiểu 03 tín chỉ. Chương trình môn học Giáo dục thể chất dùng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng thể hiện mục tiêu chương trình, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ hành vi của người học; nội dung chương trình, cách thức đánh giá kết quả học tập. Nội dung chương trình môn học Giáo dục thể chất bao gồm: Phần lý thuyết chung; phần thực hành và phần các môn tự chọn.

Biên soạn và tổ chức thực hiện chương trình theo các nội dung sau:

Nội dung chương trình môn học Giáo dục thể chất được xây dựng căn cứ vào đặc điểm, tính chất của các ngành nghề đào tạo, điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; việc xây dựng chương trình môn học phải đảm bảo tính kế thừa, logic và khoa học; các quy định về số lượng học phần, tín chỉ của chương trình.

Việc tổ chức dạy học theo kế hoạch đào tạo của các trường, đảm bảo sinh viên hoàn thành chương trình môn học Giáo dục thể chất trước khi tốt nghiệp; kết hợp giữa học nội khóa với rèn luyện ngoại khóa.

Lớp học lý thuyết nếu bố trí lớp ghép phải phù hợp với phương pháp dạy học và phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của từng trường; lớp học thực hành không quá 40 SV/lớp.

Giờ học thực hành kỹ thuật được quy định trong chương trình, phải có giảng viên hướng dẫn; các trường không sử dụng giờ học này để sinh viên tự học.

Căn cứ vào chương trình môn học Giáo dục thể chất đã được phê duyệt, các trường nghiên cứu và biên soạn giáo trình, tài liệu môn học để phục vụ cho việc dạy, học môn học Giáo dục thể chất của trường.

Đối với đào tạo liên thông chính quy, thời lượng chương trình môn học Giáo dục thể chất của các cấp liên thông được xác định trên nguyên tắc bù trừ kiến thức còn thiếu ở các trình độ đào tạo trước đó.

Đối với những sinh viên bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh, bị các bệnh tim mạch, không có khả năng vận động với khối lượng và cường độ vận động lớn, các trường cần biên soạn các bài tập đơn giản phù hợp với sức khoẻ và chất của sinh viên.

Chính vì những yếu tố tác động trên nên việc phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học cần có chiến lược và các giải pháp cụ thể:

Tăng cường chất lượng dạy và học thể dục chính khóa;

Cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp với thể dục, thể thao với hoạt động giải trí, chú trọng nhu cầu tự chọn của học sinh. Xây dựng chương trình giáo dục thể chất kết hợp với giáo dục quốc phòng; kết hợp đồng bộ y tế học đường với dinh dưỡng học đường;

Xây dựng hệ thống các trường, lớp năng khiếu thể thao, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài thể thao cho quốc gia.

Phát triển hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa

Xây dựng các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học; khuyến khích học sinh dành thời gian từ 2 – 3 giờ/tuần để tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa trong các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu thể thao. Củng cố và phát triển hệ thống thi đấu thể dục, thể thao giải trí thích hợp với từng cấp học, từng vùng, địa phương;

Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch cơ sở giáo dục đào tạo có cơ sở vật chất đáp ứng hoạt động thể dục, thể thao trường học theo quy chuẩn quốc gia.

Ban hành Nghị định về phát triển GDTC và hoạt động thể thao trường học, tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục, thể thao; đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể dục, thể thao, hướng dẫn viên thể dục, thể

thao cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện khó khăn theo quy định của Nhà nước;

Tiến hành điều tra khảo sát thực trạng thể dục, thể thao trường học, thể chất và sức khỏe của học sinh theo định kỳ 5 – 10 năm/lần; ban hành chế độ kiểm tra, đánh giá định kỳ thể chất và sức khỏe học sinh;

Tăng cường công tác đào tạo giáo viên thể dục, thể thao, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động ngoại khóa cho hướng dẫn viên thể dục, thể thao. Ban hành quy chế hỗ trợ đối với các cán bộ, chuyên gia về thể dục, thể thao, trực tiếp tham gia hướng dẫn hoạt động ngoại khóa hoặc hỗ trợ giảng dạy chính khóa… tại các trường thuộc hệ thống giáo dục phổ thông và mẫu giáo;

Ban hành các chính sách huy động, khuyến khích các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia tài trợ hoạt động thi đấu thể dục, thể thao trong trường học;

Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông trong giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động thể dục, thể thao trường học.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng GDTC cho sinh viên các trường Đại học tại thành phố Vinh (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)