CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG NGỪA, HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG
3.4. Một số kiến nghị
Tín dụng là một ngành hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tổn thất trong tín dụng không chỉ gây thiệt hại cho ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến người gửi tiền, đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế. Việc ngăn ngừa và hạn chế RRTD không phải chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà còn cần sự phối hợp của Chính phủ, của các bộ ngành chức năng có liên quan. Để các nhóm giải pháp trên được áp dụng một cách hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro và chất lượng tín dụng tại chi nhánh, em xin trình bày một số kiến nghị sau:
3.4.1. Đối với Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan có liên quan 3.4.1.1. Đối với Chính phủ
Môi trường pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực, nó tạo ra một hành lang những quy định, thể chế chặt chẽ mang tính cưỡng chế buộc các chủ thể phải tuân theo. Ngân hàng và khách hàng có mối ràng buộc chặt chẽ qua hợp đồng tín dụn. Tuy nhiên mức độ tuân thủ của các bên tham gia hợp đồng tùy thuộc vào sự hoàn thiện và tính hiệu lực của hệ thống pháp lý.
Vì vậy:
Thứ nhất, Chính phủ cần thiết lập một hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong tất cả các thành phần kinh tế, dần xóa bỏ những ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước, tránh tình trạng tín dụng ngân hàng trở thành hình thức phân tán vốn, tài trợ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đồng thời có những văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi luật và tránh được sự chồng chéo của cơ quan quản lý.Song song đó Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp yếu kém thoát khỏi khó khăn.
Thứ hai, Chính phủ nên phổ biến rộng rãi việc xếp loại đánh giá hiệu qua hoạt động của các doanh nghiệp, xúc tiến triển khai chương trình bình chọn cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả giúp cho ngân hàng yên tâm hơn trong khi cho vay đối với các doanh nghiệp này, nâng cao hiệu quả tín dụng của ngân hàng. Đồng thời các doanh nghiệp được bình chọn sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong kinh doanh, việc này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tìm cách hoàn thiện hơn trong chu trình công nghệ để làm ăn có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng sử dụng vốn của ngân hàng, đưa đất nước phát triển hơn nữa.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty kiểm toán có thể nâng cao chất lượng kiểm toán của mình, để nâng độ chính xác trong báo cáo tài chính mà các doanh nghiệp cần vay vốn gửi cho Ngân hàng. Đồng thời Nhà nước cần phải có chính sách bắt buộc doanh nghiệp thực hiện pháp lệnh kế toán thống kê một cách đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần ban hành những chế tài xử lý mạnh để các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành, có tránh nhiệm cao trong quá trình cung cấp thông tin cho ngân hàng.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội để tách bạch cho vay thương mại và cho vay chính sách ở các NHTM. Đảm bảo cho các NHTM được tự chủ trong quyết định cho vay, tránh tình trạng nợ tồn đọng, nợ khoanh,… làm đọng vốn của ngân hàng.
Cuối cùng Nhà nước cần tôn trọng quyền tự chủ trong kinh doanh của các ngân hàng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các TCTD.
3.4.1.2. Đối với các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan
Công tác phòng ngừa, hạn chế RRTD tại ngân hàng luôn cần được hoàn thiện, vì vậy các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ tích cực trong công tác trao đổi thông tin. Từ đó tiến tới trong tương lai có thể xây dựng một hệ thống thông tin kinh tế-xã hội, thông tin về ngân hàng để phục vụ việc quản lý RRTD được tốt hơn.
Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định và phê duyệt dự án vay vốn mà các doanh nghiệp trình lên theo hướng nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với sự phát triển của nền kinh tế, tránh tình trạng phê duyệt một cách hình thức, không tập trung và không mang tính khả thi khiến cho hoạt động bị đình trệ, gây tổn thất nặng nề. Thêm vào đó ngân hàng sẽ mất rất nhiều thời gian để xét duyệt nhưng kết quả là không cho vay được dự án vì dự án không có hiệu quả kinh tế.
Bộ tài chính cần tổ chức thực hiện tốt việc kiểm tra buộc các doanh nghiệp tiến hành hạch toán, thống kê, kế toán theo đúng pháp lệnh, bảo đảm số liệu chính xác, trung thực và kịp thời nhằm giúp các ngân hàng có được các thông tin tài chính giúp cho việc phân tích tài chính, tín dụng được chính xác.
Các cơ quan công an, Tòa án, Viện Kiểm sát tạo điều kiện cho ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp, giải quyết nhanh chóng các vụ án để thu hồi lại vốn.
3.4.2. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
❖ Tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng
- NHNN cần tham mưu cho Chính phủ trong việc hoạch định chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định trong nền kinh tế và sự an toàn trong hệ thống các NHTM.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật ngân hàng và luật các TCTD.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát từ phía NHNN, xây dựng hệ thống thanh tra đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo các hoạt động kiểm soát của hệ thống ngân hàng có hiệu quả và độ an toàn cao nhất.
❖ Xử lý thỏa đáng những việc liên quan đến hợp đồng tín dụng.
Trong thời gian qua đã xảy ra không ít những sự việc liên quan đến sai phạm trong hợp đồng tín dụng, làm suy giảm uy tín và suy yếu hoạt động ngành ngân hàng. Từ những bài học đó đòi hỏi NHNN phải thường xuyên giám sát hoạt động của các ngân hàng, phối hợp với các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát,… kịp thời phát hiện những sai phạm để ngăn ngừa, răn đe những đối tượng có ý định lừa đảo ngân hàng, góp phần lành mạnh hóa các quan hệ tín dụng, giảm thiểu RRTD đối với ngân hàng.
❖ Tăng cường các biện pháp quản lý tín dụng
NHNN cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế, thể lệ cụ thể, rõ ràng, tạo lập khung pháp lý hoàn thiện cho các hoạt động tín dụng, có những văn bản hướng dẫn cụ thể luật và các văn bản dưới luật của Chính phủ về hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN phải có những biện pháp hữu hiệu trong việc buộc các NHTM thi hành đúng các cơ chế, thể lệ đó. Kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc những sai sót, vi phạm khi xảy ra.
Ngoài ra, NHNN cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường liên ngân hàng cũng nhưu việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin phòng ngừa rủi ro của trung tâm
thông tin tín dụng. Có các hạn mức quy định về việc trích lập quỹ bù đắp rủi ro với một tỷ lệ hợp lý để các ngân hàng có thể tự bù đắp RRTD.
❖ Hỗ trợ các NHTM trong việc nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, xử lý nợ, giảm thiểu rủi ro
- Ban hành những thông tư hướng dẫn về thủ tục xử lý tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh vay vốn ngân hàng
- Hình thành quỹ bảo hiểm tín dụng nhằm san sẻ, góp phần hạn chế bớt những thiệt hại do RRTD gây ra
- Có những chính sách và biện pháp quy định bắt buộc về cung cấp thông tin tín dụng cho ngân hàng đúng thời hạn và mở rộng phạm vi cung cấp thông tin không chỉ về tín dụng mà cả thông tin về kinh tế phục vụ cho hoạt động tín dụng.
3.4.3. Đối với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam
MSB cần có những hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động của toàn chi nhánh nói chung và MSB Đống Đa nói riêng, đồng thời tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống nhằm gián tiếp giúp MSB Đống Đa cũng như các chi nhánh khác thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, hạn chế RRTD.
Chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ và của các bộ ngành có liên quan cho các chi nhánh thực thi giúp họ nhanh chóng giải tỏa những vướng mắc để nâng cao hiệu qua hoạt động.
Chuẩn hóa cán bộ ngân hàng, đặc biệt là cán bộ tín dụng, MSB cần quy định những tiêu chuẩn nhất định cho cán bộ ngân hàng, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo cán bộ chuyên sâu trong từng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tín dụng. Có thể tổ chức kỳ thi sát hạch để tuyển chọn ra những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đồng thời khuyến khích họ không ngừng học hỏi, trau dồi nghiệp vụ.
Chỉ định những người có năng lực thực sự, phẩm chất đạo đức tốt để bố trí vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt của các chi nhánh. Một đội ngũ lãnh đạo giỏi về nghiệp vụ, tốt về đạo đức là điều kiện rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế tối đa những rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ nói chung cũng như hoạt động tín dụng nói riêng.
Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo trong hệ thống để trao đổi kinh nghiệm về các hình thức RRTD và các giải pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro.
Xây dựng các mô hình quản trị rủi ro tiên tiến đảm bảo nhận diện, phòng chống và quản lý RRTD và các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro.
Tăng cường hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm soát trong toàn hệ thống Ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi, chính sách đãi ngộ hợp lý. Không ngừng nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đầy đủ cho các phòng ban để nâng cao hiệu quả làm việc.
3.4.4. Đối với các đơn vị vay vốn
Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý dự án, xây dựng, lập và thẩm định dự án. Qua đó có thể tạo nên một dự án khả thi, giúp ích cho các chi nhánh trong việc tiết kiệm thời gian cũng như ch phí thẩm định hiệu quả dự án, giảm thiểu gánh nặng cho hoạt động quản lý RRTD.
Cần phối hợp với các ngân hàng trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguồn thông tin cung cấp cho ngân hàng là chính xác, đảm bảo quá trình xét duyệt dự án đạt hiệu quả cao nhất. Có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng đúng mục đích yêu cầu nêu trong hợp đồng tín dụng, có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi đúng kỳ hạn.
Trong quá trình sử dụng vốn vay nếu có những biến động xấu trong tình hình hoạt động hay gặp những rủi ro bất khả kháng cần có biện pháp thông báo kịp thời để cùng với ngân hàng có những biện pháp xử lý, phương án điều chỉnh thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.