3.4. Đề xuất biện pháp phòng trừ mối cho các công trình di tích trong
3.4.1. Cơ sở khoa học của biện pháp đề xuất
3.4.1.3. Những ưu, nhược điểm của các biện pháp phòng trừ mối cho các công trình di tích thuộc khu di tích Cố đô Huế
* Biện pháp ngâm hoặc phun tẩm gỗ bằng hoá chất
Nguyên lý: Gỗ được ngâm hoặc phun tẩm các hoá chất có tác dụng xua đuổi gây độc cho mối và các côn trùng gây hại khác do đó bảo vệ được các cấu kiện gỗ trong công trình khỏi sự phá hại của các loài côn trùng hại gỗ.
Cách làm: Các cấu kiện gỗ sau khi chế tác được tập trung vào 1 khu vực riêng biệt để tiến hành phun hoặc ngâm tẩm các hoá chất phòng trừ mối và các côn trùng gây hại khác trước khi được thi công lắp đặt vào công trình.
Hình 3.15. Công tác phun tẩm hóa chất vào các cấu kiện gỗ trước khi đưa vào thi công
(Nguồn: Lê Quang Thịnh, 2013)
69
Các loại thuốc thường được dùng để ngâm tẩm gỗ cũng thay đổi theo điều kiện cụ thể của công trình: các nơi khuất có thể dùng crêôzôt, những nơi dễ thấy thường được dùng các loại thuốc bảo quản gỗ như Cislin 2.5 EC, Lentrek 40 EC, Borat…. Crêôzôt có ưu điểm là bền với thời gian nhưng có mùi khó chịu và tạo cho gỗ có màu đen, hiện nay chất này đã bị cấm. Cislin và Lentrek 40 EC là các loại thuốc lân hữu cơ tương đối bền. Borat là loại muối vô cơ rất bền, hầu như không gây ô nhiễm con người. Nhưng nó lại ăn mòn kim loại và có bị rửa trôi, nên được dùng đối với các cấu kiện gỗ không đóng đinh sắt và ở trong mái che. Khi sử dụng loại thuốc này, người ta có thể dùng các loại dung môi khác nhau, thường là dầu và nước. Các loại dung môi dạng dầu giúp thuốc ngấm nhanh vào gỗ nhưng thường làm thay đổi màu của gỗ, dung môi dạng nước không làm thay đổi màu của gỗ nhưng thuốc khó thấm vào gỗ.
Ưu điểm: Nhanh, dễ thực hiện. Biện pháp này có hiệu quả phòng trừ mối tương đối dài sau khi xử lý. Ngoài ra, đây là một trong số ít những biện pháp có hiệu quả với cả giống Coptoterms và Cryptotermes.
Nhược điểm: Dễ gây độc cho người sử dụng (trừ Borat). Dung môi dầu làm thay đổi màu của gỗ. Borat gây rỉ đối với đinh sắt. Giá thành cao.
* Biện pháp trộn hoá chất vào đất nền
Nguyên lý: Tạo 1 hàng rào hóa chất khép kín xung quanh công trình cần bảo vệ khỏi sự xâm hại của mối.
Cách làm: Biện pháp này được quy định chi tiết trong Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam 7958:2008: Bảo vệ công trình xây dựng - Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới [1]. Theo đó, hàng rào được tạo ra xung quanh bên ngoài hoặc bên trong công trình bằng cách đào hoặc khoan xuống nền đất để đưa hóa chất phòng trừ mối vào trong đất. Hàng rào bao quanh công trình
70
phải tạo thành một hệ thống khép kín để ngăn mối xâm nhập từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong công trình. Hoá chất sử dụng trong biện pháp này trước kia là các hợp chất clo hữu cơ còn hiện nay là các hợp chất lân hữu cơ như Lentrek 40EC, MapSedan 48EC, Lenfos 50EC, Agenda 2.5EC v.v.
Hình 3.16. Công tác khoan tạo hàng rào hóa chất xung quanh công trình (Nguồn: Lê Quang Thịnh, 2010) Ưu điểm: Dễ dàng thi công khi công trình đang xây dựng mới; đạt hiệu quả cao trong giai đoạn đầu.
Nhược điểm: Sử dụng lượng thuốc độc lớn nên dễ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tồn lưu của thuốc thường không quá 5 năm. Giá thành cao.
Chỉ áp dụng được với những công trình độc lập. Hàng rào hóa chất chỉ có tác dụng phòng trừ đối với nhóm có đường đi ngầm (mối ngầm), không có tác dụng với nhóm mối gỗ khô.
* Biện pháp lây nhiễm hoá chất
Nguyên lý: Các cá thể mối đi kiếm ăn bị nhiễm độc sẽ truyền chất độc cho các cá thể khác bằng con đường liếm láp nhau để làm vệ sinh lẫn nhau, loại bỏ các cá thể ốm yếu hay nhiễm độc ra khỏi bầy đàn gây nhiễm độc cho cả đàn.
71
Cách làm: Biện pháp này lần đầu tiên được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam bởi Nguyễn Chí Thanh từ năm 70 của thế kỷ trước và cho đến nay vẫn được sử dụng phổ biến tại khu di tích Cố đô Huế để diệt các loài mối thuộc giống Coptotermes.
Biện pháp này được thực hiện như sau:
- Khảo sát, xác định vị trí hoạt động của mối trong công trình.
- Đặt hộp nhử hấp dẫn mối. Biện pháp này chỉ đạt hiệu quả khi thu hút được ít nhất 15% số lượng cá thể của đàn mối.
- Khi mối đã tập trung vào hộp nhử, phun đều một lượng thuốc độc dạng bột vừa đủ lên mình các cá thể kiếm ăn trong hộp. Phun sao cho không nhiều quá gây chết mối tại chỗ nhưng cũng không ít quá để đủ gây nhiễm độc cho cả đàn mối.
- Sau khi kiểm tra dấu hiệu cho thấy đàn mối đã bị tiêu diệt, tiến hành thu dọn hộp nhử, hoàn trả mặt bằng.
Hình 3.17. Hộp nhử mối đƣợc đặt tại chân cột trong công trình thuộc lăng Minh Mạng
(Nguồn: Lê Quang Thịnh, 2012)
72
Ưu điểm: Chi phí thấp. Hiệu quả đặc hiệu đối với giống Coptotermes.
Nhược điểm: Khó nhử được đủ lượng mối 15% số cá thể của đàn. Khó phun chính xác lượng thuốc cần phun nên hiệu quả diệt triệt để đàn mối thấp.
Do diện tích cơ thể của mối trong hộp nhử nhỏ nên lượng thuốc đi vào tổ mối rất nhỏ so với lượng thuốc phun gây tốn hoá chất. Khi phun bột thuốc độc dễ bay vào không khí gây ô nhiễm môi trường. Không diệt được mối gỗ khô.
Trên cơ sở phân tích những ưu nhược điểm của các biện pháp phòng trừ mối nói chung và giống Coptotermes nói riêng đang được áp dụng phổ biến tại khu di tích Cố đô Huế, chúng tôi nhận thấy rằng các biện pháp này chỉ có hiệu quả khi xử lý phòng trừ mối cho một công trình riêng lẻ, không hiệu quả khi áp dụng trong một khu vực rộng lớn như khu di tích Cố đô Huế. Ngoài hiệu quả phòng trừ mối thấp, gây ô nhiễm cho không gian di tích thì những biện pháp này đã tương đối cũ và lạc hậu so với những biện pháp tiên tiến hiện nay như biện pháp lây nhiễm bằng bả độc và biện pháp sử dụng trạm bả phòng chống mối.