CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ KỶ LUÂT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN
2.1 Thực trạng pháp luật về kỷ luật lao động và thực tiễn thực hiện
2.1.2 Thực tiễn thực hiện pháp luật về kỷ luật lao động
Ở nước ta, theo các số liệu điều tra gần đây cho thấy, việc tổ chức triển khai và thực hiện pháp luật về kỷ luật lao động ở một số doanh nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về vấn đề kỷ luật lao động.
Trong đó, người sử dụng lao động đã chú ý, quan tâm nhiều hơn tới việc ban hành nội quy lao động, số doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động có xu hướng tăng lên. Theo Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, năm 2007 có 1650 bản nội quy lao động được đăng ký, đến năm 2015 thì số bản nội quy lao động được đăng ký tăng lên thành 2310 bản, trong đó đăng ký tại Sở là 496 doanh nghiệp, tại quận - huyện là 1.814 doanh nghiệp [17, 19]. Các số liệu trên đã minh chứng rằng, các doanh
nghiệp đã dần nhận thức rõ được tầm quan trọng của nội quy lao động, do đó việc triển khai xây dựng, ban hành nội quy lao động đã có sự tăng lên rõ rệt.
Không chỉ tăng về số lượng mà nội dung nội quy lao động do các doanh nghiệp ban hành cũng được nâng cao hơn về mặt chất lượng, cơ bản đã đáp ứng được đầy đủ nội dung chủ yếu mà pháp luật yêu cầu, khá chi tiết và phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh. Việc tiến hành xây dựng nội quy lao động đã có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động. Theo thống kê của Sở lao động thương binh và xã hội Hà Nội năm 2013, 100% các hồ sơ đăng ký nội quy lao động gửi lên sở đều đã có biên bản góp ý kiến của tổ chức công đoàn cơ sở [20]. Đặc biệt, nội quy lao động của nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc cụ thể hóa các hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động cùng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm đó.
Về phía người lao động, tại nhiều doanh nghiệp ý thức chấp hành kỷ luật lao động đã được nâng cao, các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, giữ gìn trật tự, văn hóa trong doanh nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động…được thực hiện nghiêm chỉnh. Tình trạng người lao động đi muộn về sớm, chây ỳ, làm việc riêng trong giờ đã bị hạn chế, giảm đi rất nhiều. Trong các khu công nghiệp, người lao động đã có sự quan tâm, tìm hiểu nội dung nội quy lao động và thực hiện những quy định của nội quy, thậm chí có những công nhân được khen thưởng thường xuyên vì đã thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp. So với trước đây, người lao động ngày càng có tác phong công nghiệp phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Như vậy, thực tiễn thực hiện pháp luật về kỷ luật lao động đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động, cũng như trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện nội quy lao động.
- Những tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh các kết quả đã đạt được thì việc thực hiện pháp luật kỷ luật lao động ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế sau:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, những đơn vị sử dụng từ 10 lao động trở lên phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản. Tuy thực tế số lượng các đơn vị ban hành và đăng ký nội quy lao động ngày càng tăng nhưng vẫn còn chiếm tỉ lệ thấp. Theo Báo cáo tình hình kiểm tra thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2012 của Sở lao động thương binh và xã hội TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2012, trên địa bàn thành phố, có gần 13.000 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động trên tổng số gần 150.000 doanh nghiệp, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp [18]. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm 2013, có khoảng trên 80.000 đơn vị sử dụng lao động song chỉ có 552 bản nội quy lao động được đăng ký hợp lệ [20]. Từ những con số thực tế trên, chúng ta có thể thấy việc chấp hành quy định về ban hành và đăng ký nội quy lao động vẫn chưa thực sự tốt.
Thứ hai, do xu thế lạm quyền của người sử dụng lao động nên tại một số doanh nghiệp nội quy lao động thường mang tính áp đặt, có những điểm không phù hợp với quy định pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đã tự ý đặt ra thêm các hình thức kỷ luật lao động như: phạt tiền, trừ lương, cảnh cáo,… để xử phạt đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động, như vậy là trái với quy định tại Điều 125 Bộ luật lao động 2012. Ví dụ:
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ thời trang Linh – Phú Tài, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nội quy lao động của công ty đặt ra các hình thức kỷ luật để áp dụng gồm: Nhắc nhở; lập biện bản; trừ thưởng; quyết định chấm dứt hợp đồng lao động [34].
Không chỉ trái pháp luật về mặt nội dung mà nhiều điều khoản của nội quy lao động chỉ đơn thuần là sự sao chép lại các quy định của pháp luật, nội dung còn khá sơ sài. Các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động,…nhiều khi không được thể hiện rõ. Đặc biệt, tại một số doanh nghiệp, nội quy lao động đã không cụ thể hóa các hành vi vi phạm kỷ luật lao động có khả năng xảy ra. Ví dụ: Điều 28 nội quy lao động của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Hải có trụ sở tại phường Tân lập, thành phố Thái Nguyên, quy định các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật sa thải giống như quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động 2012 mà không cụ thể hóa từng trường hợp [8].
Thứ ba, quá trình ban hành nội quy lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc về mặt trình tự, thủ tục. Chẳng hạn, khi xây dựng nội quy lao động, việc tham khảo ý kiến của người lao động và tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cấp cơ sở về nội quy lao động là bắt buộc nhưng trên thực tế tại nhiều doanh nghiệp, việc tham khảo ý kiến không được thực hiện hoặc được thực hiện nhưng chỉ mang tính hình thức.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khi nội quy lao động có hiệu lực pháp luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thông báo và niêm yết công khai cho mọi người lao động trong đơn vị biết rõ. Tuy nhiên trên thực tế, việc niêm yết nội quy lao động tại nhiều doanh nghiệp lại không được người sử dụng lao động quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Nhiều người sử dụng lao động không ý thức được rằng nếu không thông báo cho người lao động biết nội quy lao động thì việc thiết lập và duy trì kỷ luật của doanh nghiệp sẽ khó được đảm bảo, không những thế quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ tư, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người lao động tuy đã được nâng cao nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện tượng người lao động coi thường các quy định của nội quy lao động, ý thức kỷ luật kém vẫn tồn tại nhiều trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật về thời giờ làm việc, an toàn, vệ sinh lao động còn chưa nghiêm túc, tình trạng người lao động đi làm muộn, tự ý nghỉ việc không xin phép, hút huốc lá trong phạm vi doanh nghiệp, không sử dụng các trang thiết bị bảo hộ được cấp phát, không tuân thủ đúng quy trình vận hành máy móc,…diễn ra phổ biến.
Trên đây là một số ưu, hạn chế của thực tiễn thực hiện pháp luật về kỷ luật lao động trong những năm gần đây. Thực trạng này đòi hỏi người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kỷ luật lao động, còn người lao động thì cần đề cao hơn nữa ý thức chấp hành kỷ luật lao động của mình nhằm khắc phục những hạn chế, thiết sót, đồng thời tích cực phát huy những ưu điểm đã đạt được.