Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC THỂ DỤC THỂ THAO QUA KHẢO SÁT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỂ DỤC THỂ THAO I TỪ SƠN BẮC NINH
2.2.2. Đào tạo nguồn lực con người đảm nhiệm công tác thể dục thể thao quần chúng và thể dục thể thao trong các lực lượng vũ trang
Đây là loại hình nguồn nhân lực thể thao được đào tạo từ trước tới nay và ngày càng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng. Nguồn nhân lực này đảm đương hoạt động thực tiễn như: tổ chức điều hành và hướng dẫn phong trào TDTT quần chúng ở các cơ sở xã, phường, thị trấn; tổ chức, điều hành, hướng dẫn phong trào TDTT của những người lao động trong các nhà máy, hầm mỏ, công ty, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các lực lượng vũ trang (quân đội, công an).
Phong trào TDTT quần chúng hàng chục năm qua nhất là những năm đầu thế kỷ 21 này phát triển khá mạnh, tính đến năm 2007 có tới 21% số dân trong cả nước tập luyện TDTT thường xuyên. Quần chúng thường tập các loại hình rèn luyện thân thể như thể dục sáng, đi bộ, chạy bền, thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền và các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, những nơi có điều kiện thì còn tập cả quần vợt.
Thi đấu thể thao phong trào sôi nổi giữa các câu lạc bộ huyện này với huyện khác, quận này với quận khác, giữa các tỉnh với nhau, giữa các cơ quan, nhà máy, các doanh nghiệp với nhau, giữa các câu lạc bộ người cao tuổi này với các câu lạc bộ người cao tuổi kia.
Tuy vậy phong trào TDTT quần chúng phát triển thiếu đồng bộ, chưa rộng khắp. Chẳng hạn ở nông thôn những vùng xa thành thị, vùng sâu, vùng xa số người tập TDTT còn rất ít, không ít xã, ấp bản miền núi vắng bóng người tập, gọi là "xã trắng". Đối với những cơ sở có số người tập luyện tích cực đông đảo như những vùng giáp ranh thành thị, các cơ quan, nhà máy, hầm
mỏ, công ty, doanh nghiệp nhưng chất lượng thấp. Biểu hiện động tác, bài tập thiếu chính xác, phương pháp và cường độ tập luyện không phù hợp với độ tuổi, giới tính, kỹ thuật và chiến thuật trong thi đấu các môn thể thao phong trào (thể thao quần chúng) còn nhiều hạn chế.
Về cơ sở vật chất, nhất là nhà tập, sân tập còn thiếu nhiều. Điều này cũng hạn chế phần lớn công chúng hứng thú tập luyện và chậm thu hút mọi người tham gia rèn luyện sức khoẻ.
Tình hình phong trào TDTT quần chúng như trên và nhu cầu tập luyện ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng, nhất là đối với những người đang lao động, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực thể thao có năng lực trực tiếp hướng dẫn, tổ chức điều hành các hoạt động TDTT ở các cơ sở nông thôn, thành thị, cơ quan, nhà máy, công ty, doanh nghiệp. Nguồn nhân lực thể thao đảm trách công tác đó phải được đào tạo có chất lượng.
Đặc biệt đối với lực lượng lao động hiện nay có nhu cầu lớn về nâng cao chất lượng trong đó có yếu tố sức khoẻ, thể lực rất quan trọng. Lao động không chỉ trong các công ty, nhà máy, các cơ sở sản xuất công nghiệp của nước ta mà cả của nước ngoài, sức khoẻ của người lao động là một những yếu tố có tính chất quyết định hiệu quả kinh tế. Bởi vậy cần có đủ những cán bộ, hướng dẫn viên TDTT vững vàng đảm trách phát triển phong trào TDTT của những người lao động hiện nay.
Trường Đại học Thể dục thể thao I có vai trò và nhiệm vụ lớn đảm nhiệm đào tạo loại hình nguồn nhân lực công tác TDTT quần chúng nhân dân nói chung và những người lao động nói riêng.
Đối với phong trào TDTT trong các lực lượng vũ trang hiện nay nói chung tốt. Toàn thể cán bộ chiến sĩ (100%) rất tích cực tập luyện TDTT thường xuyên. Các hoạt động thể thao ở các đơn vị sôi nổi. Các hội thao toàn quân được tổ chức thành công. Thể thao quân đội và thể thao công an đã và đang đóng góp nhiều vận động viên ưu tú cho các đội tuyển quốc gia tham gia
các giải thể thao quốc tế và các đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới, dành được những thành tích, lập được những kỷ lục vẻ vang.
Tuy vậy, phong trào TDTT của các lực lượng vũ trang còn những hạn chế như: Nhiều bài tập thể lực chưa phù hợp với các binh chủng, các lực lượng cụ thể chưa phù hợp với địa bàn đóng quân, nhất là các đơn vị ở miền núi, hải đảo...
Hiện nay trong quân đội đang triển khai mạnh tiêu chuẩn rèn luyện thể lực, bao gồm: tiêu chuẩn rèn luyện thể lực của bộ đội địa phương, tiêu chuẩn rèn luyện thể lực của các quân nhân trên tàu thuyền và học viện các trường Hải quân. Tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong quân đội là nội dung huấn luyện bắt buộc đối với cán bộ chiến sỹ trong toàn quân, là tiêu chí đánh giá trình độ thể lực của quân nhân và từng cấp đơn vị nhằm đáp ứng nâng cao sức chiến đấu.
Tình hình đó cần phải có một bộ phận nguồn nhân lực thể thao có chất lượng tốt mà Trường đại học Thể dục thể thao I phải đóng góp một phần quan trọng, phần lớn là loại hình nguồn nhân lực công tác TDTT trong các lực lượng vũ trang.
Hiện nay Bộ Quốc phòng có nhu cầu lớn về loại hình nguồn nhân lực thể thao đó nhằm cung cấp cho các quân khu, các binh chủng, các doanh trại đóng quân. Bộ công an có nhu cầu ít hơn so với Bộ Quốc phòng song lại cần cho các hoạt động thể thao ở các đơn vị công an của Bộ, sở công an tỉnh thành phố, các đơn vị công an vũ trang lớn.
Như vậy, Trường Đại học Thể dục thể thao I hiện nay có nhiệm vụ đào tạo loại hình nguồn nhân lực đảm nhiệm công tác TDTT quần chúng, công tác TDTT trong các lực lượng vũ trang là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Quần chúng nhân dân, các lực lượng vũ trang ngày càng có nhu cầu về sức khoẻ, thể lực, về đời sống vui tươi lành mạnh, để đáp ứng cho nhu cầu đó, phải có nguồn nhân lực thể thao được đào tạo có chất lượng, ngành nghề phù hợp với các hoạt động TDTT của các đối tượng, giới tính, lứa tuổi.
Trường Đại học TDTT I vẫn là trọng điểm cung cấp loại hình nguồn nhân lực cho phong trào TDTT của quần chúng nhân dân, phong trào TDTT của những người lao động và phong trào TDTT của các đơn vị quân đội, công an.