Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC THỂ DỤC THỂ THAO QUA KHẢO SÁT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỂ DỤC THỂ THAO I TỪ SƠN BẮC NINH
2.2.3. Đào tạo nguồn nhân lực đảm nhiệm công tác thể dục thể theo trường học
Do sự gia tăng số trường học và số lượng người học kể cả các bậc phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học công lập, ngoài công lập, và các trường của quân đội, công an, cho nên nhu cầu ngày càng lớn về loại hình nguồn nhân lực đảm nhiệm công tác TDTT trường học.
Cần nhận rõ vai trò của TDTT trường học có tác dụng rất quan trọng nâng cao sức khoẻ, thể lực và tầm vóc của tuổi trẻ học sinh, sinh viên, góp phần tích cực vào công tác giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quốc gia chất lượng cao và từng bước cải thiện tầm vóc, thể trạng nòi giống Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển con người toàn diện. Trong bài phát biểu của ông J.A.Samaranch, Chủ tịch Uỷ ban Olimpic Quốc tế, tại khoá họp lần thứ 50 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (New York, 6-11-1995) đã nêu lên quan điểm đúng rằng: "Muốn thay đổi thế giới, người ta trước hết phải đem lại sự thay đổi cho ngay dân tộc mình, và chắc chắn là trong lĩnh vực này, vai trò của thể thao như là một triết học sẽ phát huy tác dụng, bằng cách thúc đẩy việc thực hiện lý tưởng phát triển con người toàn diện" [60, tr.87].
Do quy mô giáo dục - đào tạo ngày càng mở rộng với vai trò quan trọng của TDTT học đường, cần phải đào tạo ra một lực lượng lớn, có chất lượng cao nguồn nhân lực đảm nhiệm công tác TDTT trong tất cả các trường học của nước ta.
Thể dục thể thao trường học bao gồm giáo dục thể chất chính khoá và thể thao ngoại khoá, trong đó giáo dục thể chất chính khoá là cơ bản, là một trong những mặt quan trọng "làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em" [35, tr.32]. Luật thể dục thể thao năm 2006, Điều 20 ghi rằng:
"Giáo dục thể chất là môn chính khoá thuộc chương trinh giáo dục nhằm cung
cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động nhằm thực hiện mục tiêu toàn diện" [63, tr.14]. Giáo dục thể chất học đường đó là giáo dục rèn luyện, nâng cao năng lực thể chất và năng lực tinh thần cho học sinh, sinh viên, cho tuổi trẻ thiếu nhi, thanh niên.
"Sức mạnh của dân tộc của đất nước phụ thuộc một phần quan trọng những năng lực của tuổi trẻ. Giáo dục và rèn luyện thể chất có tác dụng tăng cường năng lực sinh thể và năng lực tinh thần cho tuổi trẻ" [60, tr.136].
Thể thao ngoại khoá được tiến hành theo sở thích, tính tự giác, năng lực của học sinh, sinh viên, nhằm tăng cường hiệu quả tích cực của giáo dục thể chất, gây sự hứng thú và phát triển tài năng thể thao cho tuổi trẻ. Luật thể dục, thể thao năm 2006, điều 20 chỉ rõ: "Hoạt động thể thao trong nhà trường là hoạt động tự nguyện của người học được tổ chức theo phương thức ngoại khoá phù hợp với sở thích giới tính, lứa tuổi và sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học thực hiện quyền vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu thể thao" [63, tr.15].
Mấy chục năm qua, nhất là từ ngày đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, giáo dục - đào tạo nước ta đã có bước phát triển quan trọng, đào tạo ra các thế hệ lao động nối tiếp nhau cho đất nước, nguồn nhân lực to lớn đó là kết quả tổng hợp của nhiều mặt giáo dục, trong đó giáo dục thể chất góp phần không nhỏ. Nguồn nhân lực to lớn đó đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của đất nước, trong tiến trình hội nhập với thế giới.
Tuy vậy nền giáo dục và đào tạo của nước ta những năm qua mở rộng quy mô đã không kết hợp một cách hài hoà với sự đổi mới nâng cao chất lượng, trong đó có mặt chất lượng của TDTT trường học. Cho nên chất lượng giáo dục - đào tạo của nước ta vẫn còn nhiều yếu kém về tất cả các mặt.
Trong sự yếu kém chất lượng nguồn nhân lực như vậy của nước ta hiện nay, có sự yếu kém về yếu tố sức khoẻ, thể lực.
Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đang đứng trước những thách thức của thời đại cách mạng tri thức gắn liền với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế với sự đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo một cách có hệ thống, quy củ, có phương pháp đúng đắn, khoa học trong nhà trường sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của hoạt động thực tiễn.
Sức khoẻ, thể lực của học sinh, sinh viên là một yếu tố cơ bản mà nhiệm vụ giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải thực hiện được. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có yếu tố sức khoẻ, thể lực mới đáp ứng được những yêu cầu của lao động phức tạp với tần suất cao, cường độ lớn đòi hỏi người lao động phải có thể chất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, bền bỉ, linh hoạt, kiên định. Giáo dục thể chất, rèn luyện thể thao trong trường học có chất lượng cao nhằm đem lại cho nguồn nhân lực sức khoẻ, thể lực như vậy.
Bởi thế, quan tâm tới chất lượng TDTT trường học tức là quan tâm tới giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hiện đại hoá công nghệ thông tin, kinh tế tri thức ở các nước tiên tiến mà nước ta đang từng bước tiếp cận, phát triển, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ trong trường học trở nên cấp thiết để tăng cường và thay thế dần nguồn nhân lực hiện đang lao động nhưng chất lượng thấp kém như WEF khảo sát và xếp hạng.
Mấy chục năm qua, nhất là từ ngày đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, TDTT trường học nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật như:
Tuyệt đại đa số trường học thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp, câu lạc bộ thể thao trường học hình thành ngày càng nhiều thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đến tập luyện, thành tích nhiều môn thể thao tại các Hội khoẻ Phù Đổng, tại các giải thể thao học sinh, sinh viên toàn quốc và quốc tế ngày càng
cao hơn so với những năm trước, đội ngũ giáo viên thể dục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, tính đến nay đã có trên 30 ngàn giảng viên, hàng chục tiến sĩ và thạc sĩ giáo dục học TDTT cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao của các trường cũng được xây dựng, nâng cấp, bổ sung nhiều, tính đến nay cả nước có trên 15 ngàn sân tập, 300 nhà tập đúng tiêu chuẩn, hàng nghìn phòng tập các loại hình TDTT. Giáo dục thể chất và thể thao trường học thực sự đã góp phần tích cực thúc đẩy việc học tập, rèn luyện toàn diện của học sinh, sinh viên trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Tuy vậy TDTT trường học còn không ít khó khăn yếu kém như: Sự nhận thức của các cấp quản lý giáo dục về vai trò của TDTT trường học chưa đầy đủ, chưa coi trọng hoặc chưa đặt đúng vị trí và sự bình đẳng của môn học giáo dục thể chất như những môn học khác trong nhà trường; Cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT chưa đáp ứng đầu đủ cho giáo dục thể chất, nhất là đối với các trường ngoài công lập, nhiều trường trung học phổ thông và đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngoài công lập mở ra thu hút đông đảo học sinh, sinh viên vào học những cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục thể chất thiếu nghiêm trọng, đội ngũ giảng viên, giáo viên còn thiếu nhiều, nhất là đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở, hiện nay còn phải phân công hơn 4 ngàn giáo viên kiêm nhiệm, trình độ giảng viên, giáo viên có văn bằng tiễn sĩ giáo dục học TDTT chưa đến một chục người, thạc sĩ cũng còn rất ít ở bậc đại học và trung học phổ thông. Như thành phố Hà Nội có hơn 100 trường trung học phổ thông trong đó 41 trường công lập chưa có trường nào có giáo viên thể dục trình độ thạc sĩ...
Do những khó khăn, yếu kém như trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học. Kết quả học tập, sức khoẻ, thể thực của học sinh, sinh viên thể hiện trong các kỳ kiểm tra các nội dung môn học giáo dục thể chất nói chung còn thấp. Trong thực tế, nhiều học sinh, sinh viên của không ít trường không đạt được yêu cầu về kỹ thuật và
thành tích tối thiểu các nội dung, nhất là nội dung chạy bền ít có học sinh, sinh viên đạt được tiêu chuẩn.
Sức khoẻ của học sinh, sinh viên nước ta hiện nay có được cải thiện như những chỉ số chiều cao đứng, cân nặng, vòng ngực, pignet tăng lên mức độ nhất định, nhưng nói chung tăng chậm và còn thấp kém so với học sinh, sinh viên các nước trong khu vực, châu lục. Nhiều học sinh sinh viên Việt Nam mắc các bệnh học đường như cong vẹo cột sống, béo phì, cận thị... đã ảnh hưởng tiêu cực tới học tập, rèn luyện và sự phát triển thể chất.
Đứng trước những bức xúc về tình hình giáo dục thể chất trường học và sức khoẻ của học sinh, sinh viên khó khăn, yếu kém như trên phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp quản lý giáo dục về nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học. Trong sự quan tâm đó, đặc biệt cần phải tăng cường đủ số lượng giảng viên, giáo viên có chất lượng cao.
Đứng trước yêu cầu đó, các trường Đại học TDTT, cao đẳng TDTT các khoa giáo dục thể chất của các trường Đại học và cao đẳng sư phạm có nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực sư phạm TDTT nhằm đáp ứng với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có yếu tố sức khoẻ, thể lực chỉ có thể được đào tạo từ tuổi trẻ học sinh, sinh viên, từ bậc học cơ sở đến bậc học cao. Sau khi tốt nghiệp ra trường, nguồn nhân lực đó tiếp tục trau dồi thêm, phát huy và vận dụng các yếu tố chất lượng của mình tham gia vào các hoạt động thực tiễn ngày càng có hiệu quả tích cực. Các thế hệ học sinh, sinh viên được đào tạo toàn diện trong đó có giáo dục thể chất với sư phạm quan tâm không ngừng nâng cao chất lượng, chắc chắn rằng trong vài chục năm tới đất nước ta sẽ có nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao.
Nhiệm vụ giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực sư phạm TDTT có chất lượng cao là rất quan trọng và trở nên cấp thiết trước sự đòi hỏi của thực tiễn
đặt ra. Nguồn nhân lực này được đào tạo có chất lượng tốt, sau khi ra trường họ sẽ phục vụ đắc lực công tác TDTT ở các trường học.