Trong quá trình tiến hóa, tính mềm dẻo của sinh vật được giới hạn bởi chọn lọc tự nhiên và thu được đặc tính định hướng các phản xạ thích nghi của các hệ thống tổ chức cao.
Mức độ tổ chức của chất sống càng thấp thì tính mềm dẻo của nó càng lớn và càng có khả năng chịu được những thay đổi của môi trường.
Những cấu trúc mô và các chất được hình thành trong đó có tính mềm dẻo sinh lý và sức chịu đựng những tác động của môi trường bên ngoài lớn hơn so với cơ thể nguyên vẹn. Hiện nay chúng ta chưa hoàn toàn sử dụng được các khả năng của cơ thể khi đưa chúng vào những điều kiện mới. Nhiệm vụ đặt ra của chúng ta là phải tìm những phương pháp tác động vào các quá trình sinh lý và các mô để tăng khả năng thích ứng của cơ thể với điều kiện sống mới.
Trong quá trình tiến hoá, sự chọn lọc đã kìm hãm tính mềm dẻo của cá thể và do đó cơ thể nguyên vẹn có tính mềm dẻo thấp hơn so với từng thành phần của nó, nhưng cơ thể vẫn là vật mang những tính chất của chất sống.
Tính mềm dẻo vẫn mang tính chất di truyền chung của loài.
Những cá thể của từng loài có khả năng chịu được những biến đổi của môi trường sống trong một giới hạn nào đó, và thích nghi với những thay đổi đó. Mức độ thích nghi của cá thể do tính mềm dẻo tạo ra và bị giới hạn chủ yếu bởi đặc tính di truyền của loài, còn những phản ứng của cá thể bị giới hạn bởi tính mềm dẻo sinh lý của chúng cũng như bởi tính chất và liều lượng gây phản ứng.
5.1.2. Tính thích nghi của cá thể
Tính thích nghi của cá thể trước tiên phụ thuộc vào nguồn gốc và tính bảo thủ di truyền của chúng, phụ thuộc vào tính mềm dẻo sinh lý, vào giai đoạn phát triển và đặc tính của chất gây phản ứng
+ Thích nghi độ muối:
Nhắc đến thuỷ sinh vật nước ngọt người ta thường nghĩ rằng chúng chỉ sống được trong nước ngọt với độ muối 0 - 0,5 ‰. Trong thực tế, nhiều loài nước ngọt có khả năng chịu được sự dao động rất lớn của độ muối: Cá chép chịu được trong giới hạn 0 - 12‰, ếch trong khoảng 0 - 5‰, lươn đồng chịu được trong giới hạn 0-6‰.
+ Thích nghi nhiệt độ:
Những thích nghi này hết sức rộng rãi và được thể hiện trong sự thay đổi cường độ diễn biến các quá trình sinh lý, tốc độ các phản ứng tập tính, cũng như trong sự thay đổi nhiều đặc tính sinh học: tốc độ lớn, tốc độ thành thục, sức sinh sản và cuối cùng được thể hiện trong sức sống chung của các cá thể.
Một số loài dù hẹp nhiệt đến đâu vẫn có khả năng chịu được những dao động đáng kể của nhiệt độ môi trường. Các cá thể động vật biến nhiệt có khả năng quen khí hậu trong những giới hạn rộng lớn của nhiệt độ, nhưng chúng rất nhạy cảm với những biến đổi nhiệt đột ngột. Đặc biệt nguy hiểm là sự tăng đột ngột của nhiệt độ trong môi trường sống.
+ Phản ứng của cá thể đối với liều lượng và phương thức tác động của tác nhân gây phản ứng:
Tác động trực tiếp của các thành phần và các tác nhân của môi trường gây lên sự trả lời trực tiếp - phản ứng của cơ thể. Phản ứng phụ thuộc vào tính mềm dẻo của cá thể, vào liều lượng của tác nhân gây phản ứng, vào tính đột ngột và thời gian tác động. Ví dụ những thay đổi quá đột ngột trong môi trường sống có thể gây nên phản ứng tiêu cực của cơ thể, và thậm chí làm cho cơ thể bị chết, trong khi đó sự thay đổi chậm và từ từ về liều lượng của các tác nhân gây phản ứng cho phép cơ thể làm quen dần và sống được một thời gian trong những điều kiệm tới hạn.
+ Thích nghi của cá thể với những giá trị cực đoan của các thành phần và các tác nhân của môi trường:
Khi chuyển thực vật và động vật đến những điều kiện khí hậu mới và miền mới rất có thể xảy ra trường hợp các giá trị cực đoan của các yếu tố môi trường:
nhiệt độ, độ muối, pH. . . sẽ cản trở sự sống còn của sinh vật.
5.2. Thực tiễn thuần dưỡng một số đối tương thuỷ sản 5.2.1. Cá Chình
Cá chình giống Anguilla là đối tượng rất được quan tâm ở Nhật Bản; Trung Quốc, Đài Loan... Nhưng ở Việt Nam thì đây là một đối tượng còn khá mới mẻ.
Năm 1935 đã có những nghiên cứu đầu tiên về cá chình khi thấy sự có mặt của chúng ở Sông Hồng. Một vài năm gần đây bắt đầu có nhiều nghiên cứu về thuần dưỡng, nuôi và sinh sản cá chình, tuy nhiên kết quả cũng không đạt được nhiều
Theo kết quả báo cáo của Nguyễn Phi Nam (2001), cá chình khai thác tự nhiên trước khi đưa vào nuôi và sử dụng thức ăn chế biến phải trải qua thời gian tập luyện để chuyển dần tập tính bắt mồi, từ bắt mồi động sang bắt mồi tĩnh từ thức ăn là ăn tôm cá tươi sang thức ăn công nghiệp. Cá có kích thước càng nhỏ thì càng dễ thuần hoá.
5.2.2. Cá lóc
Cá lóc vốn là loài thích ăn mồi sống nên thức ăn thường dùng là cá tạp, cá con hoặc nuôi cá rô phi sinh sản trong ao nuôi cá lóc để tạo thức ăn. Vì vậy nếu muốn cho cá ăn thức ăn chế biến phải có thời gian thuần dưỡng.
Thức ăn chế biến phải đảm bảo đạm 30 - 35%, thường gồm cá tạp xay nhuyễn 78%, cám gạo 15% và rau xanh 8%. Rau xanh và cám nấu chín làm nhuyễn trộn với cá tạp tạo thành viên. Phải tiến hành luyện cho cá có phản xạ đớp mồi. Thời gian đầu, nên thả từ từ thức ăn để cá có phản xạ đớp mồi, ngày cho ăn 4-5 lần, tới khi cá đã quen thì cho ăn 2 lần/ngày .
5.2.3. Cá Bống Tượng.
Cá Bống Tượng có tập tính ăn động vật là chủ yếu. Sau khi hết noãn hoàng, cá chuyển sang ăn sinh vật phù du, ngày thứ 10 bắt đầu ăn giáp xác cỡ nhỏ: Monia, Daphia, ấu trùng Artemia... từ ngày 20 bắt đầu ăn trùn chỉ.
Trong giai đoạn ương từ cá hương lên cá giống phải tập cho cá con chuyển dần từ ăn trùn chỉ sang ăn cá tạp.
Tháng đầu: cá xay 30%, trùn chỉ 70%, cho ăn bằng 10% trọng lượng thân.
Tháng thứ hai: cá xay 50%, trùn chỉ 50%, cho ăn 8-9% trọng lượng thân.
Tháng thứ ba: 6-7% trọng lượng thân trong đó cá xay 70%, trùn chỉ 30%.
Tháng thứ tư: 5% trọng lượng thân trong đó cá xay 85%, trùn chỉ 15%.
Từ tháng thứ năm cho ăn hoàn toàn bằng cá. Và muốn cho cá ăn thức ăn chế biến thì phải tiếp tục luyện tập cho cá.