1.2. Tình hình dạy/học thực địa trên thế giới và Việt Nam
1.2.2. Tình hình học thực địa ở Việt Nam
Tại Việt Nam việc cải tiến chương trình giảng dạy trong trường Đại học Y nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ sức khỏe nhân dân là một vấn đề cấp thiết và phù hợp với chủ trương đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Trên thực tế cho thấy chương trình giảng dạy truyền thống đào tạo bác sĩ đa khoa còn có mặt chưa hợp lý cho nên khi bác sĩ mới ra trường đã gặp không ít khó khăn trong nhiệm vụ CSSK nhân dân tại khu vực họ phụ trách.
Thiếu bác sĩ, điều dưỡng làm việc đặc biệt là ở khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa đang là vấn đề cấp thiết của ngành y tế Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, trong nhiều năm qua Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyết khích đào tạo CBYT cho khu vực này. Được cụ thể hóa qua nghị định số 134/2006 NĐ-CP “quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân’’, và quyết định của thủ tướng chính phủ số 1544/QĐ-TTg, ‘‘phê duyệt đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh
thuộc miền Bắc, miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển’’ [9], [10]. Quá trình đào tạo diễn ra trong cơ sở đào tạo, bản chất là quá trình giảng dạy và học tập, là sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, kết quả đó là sản phẩm của quá trình đào tạo, là kiến thức, kỹ năng và thái độ người học sau một khóa đào tạo [18]. Tại trường Đại học Y tế Công cộng đã trình bày tóm tắt nội dung học thực địa đối tượng y sỹ thực hiện tại TYT xã và cộng đồng dân cư để giúp học sinh thực hành các kỹ năng xác định vấn đề sức khỏe, lập và thực hiện kế hoạch tuyên truyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng [28]. Tại hội thảo 8 trường Đại học Y trong toàn quốc (2001) về giảng dạy thực địa cho thấy: hầu hết các trường Đại học Y khoa ở Việt Nam đã tiến hành giảng dạy theo định hướng cộng đồng, nhưng ở các mức độ khác nhau và phương pháp làm cũng khác nhau. Một số trường đã có một số kinh nghiệm về vấn đề đào tạo thực địa như; Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Thái Nguyên, Trung tâm đào tạo CBYT thành phố Hồ Chi Minh... Tuy nhiên cách làm ở mỗi trường khác nhau, việc chia sẻ và thống nhất giữa các trường là rất cần thiết [13].
Bên cạnh đó, việc giảng dạy thực địa tại các trường cao đẳng/trung học y tế trên toàn quốc cũng được thực hiện thông qua học phần TTCĐ trong khung chương trình đào tạo của BGD&ĐT. Tuy nhiên, số đơn vị học trình, thời gian đào tạo, hoạt động giảng dạy và học tập có sự khác biệt đôi chút giữa các trường. Trường Đại học Y Dược Huế, với sự hỗ trợ của Chinh phủ Hà Lan trong dự án “Tăng cường giảng dạy dịch tễ và CSSKBĐ” và dự án “Tăng cường giảng dạy hướng cộng đồng trong 8 trường đại học y của Việt Nam “ cho thấy việc tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thực địa là hết sức cần thiết. Do vậy trường Đại học Y Dược Huế đã làm quen với việc giảng dạy hướng cộng đồng và giảng dạy thực địa. Ngoài ra trường Đại học Y Dược Huế cũng nhận được sự hỗ trợ của dự án sức khoẻ
sinh sản nhằm đầy mạnh công tác giảng dạy thực địa, bước đầu đã đáp ứng tốt trong việc học tập thực địa cho sinh viên. Đối với sinh viên chính quy năm thứ 5 của trường đại học Y Dược Huế có thời gian đi thực địa là 2 tuần. Mục tiêu của đợt thực tế được đặt ra là:
- Trình bày và tiến hành được 3 bước của chẩn đoán cộng đồng.
- Thực hiện một số điều tra định lượng dựa vào các bộ câu hỏi.
- Thực hiện được các phương pháp nghiên cứu định tính có sự tham gia của cộng đồng trên một số chủ đề thích hợp, phân tích và báo cáo các kết quả thu được.
Tiến hành khám sức khoẻ cho các hộ gia đinh nơi sinh viên đang cư trú và xây dựng được 01 dự án nhỏ về giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng và tuỳ mỗi đợt đi thực địa các bộ môn phụ trách có thể kết hợp thực hiện một số đề tài nghiên cứu nhỏ. Với sự cố gắng của mạnh Đại học Y Dược Huế cũng đã đạt được một số thành công nhất định, tuy còn rất nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí, kinh nghiệm giảng dạy ở cộng đồng [13].
Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh: công tác giảng dạy thực địa với 3 nội dung tổ chức hoạt động của TYT, can thiệp vấn đề sức khoẻ ưu tiên, trình bày một tiểu luận tốt nghiệp qua thực địa cộng đồng. Có điểm đặc biệt khác ở đây là sinh viên trước khi đi cộng đồng đã được bố trí 20 tuần thực tập chuyên môn lâm sàng (nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền) do các giảng viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy, phối hợp hướng dẫn của bác sỹ lâm sàng bệnh viện thành phố.
Sự đánh giá thực hành chuyên môn cũng phối hợp giữa giảng viên bộ môn của nhà trường và bác sỹ mời giảng bệnh viện thành phố. Qua đây trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thu được kết quả khả quan, thực hiện tương đối tốt mục tiêu giảng dạy của nhà trường [26].
Trường Đại học Y Dược Hà Nội với mục tiêu yêu cầu đào tạo bác sỹ đa khoa hướng cộng đồng và dựa vào cộng đồng là trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết, phự hợp với nơi làm việc sau khi tốt nghiệp. Nhà trường đã có quy trình tổ chức dạy và học tại cộng đồng rất cụ thể, chi tiết, mọi việc được chuẩn bị rất chu đáo [27]. Sinh viên năm thứ năm nhà trường thời gian học một tuần tại trường, hai tuần tại cộng đồng, với mục tiêu sau đợt thực địa có khả năng thiết kế và thực hiện, chẩn đoán vấn đề sức khoẻ cộng đồng và bước đầu LKH can thiệp. Dưới sự hỗ trợ, giám sát của các giảng viên và ban điều hành chương trình. Sau mỗi đợt dạy/học tại cộng đồng, nhà trường tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm về mọi mặt cho đợt học sau gồm:
ban điều hành, các giảng viên, đại diện các lớp sinh viên. Trong tài liệu học tập của mình, mỗi sinh viên đều có một nội qui học tập cộng đồng với 10 điều rất cụ thể hướng dẫn cho sinh viên khi về với cộng đồng, tránh được những sai lầm đáng tiếc xảy ra. Qua đó việc đào tạo bác sĩ đa khoa theo hướng cộng đồng và dựa vào cộng đồng đã thu được những thành công nhất định tuy còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua [27].
Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Y Dược Thái Bình, Đại học Y Dược Cần Thơ, Khoa Y - Đại học Tây Nguyên… cũng đã và đang chú trọng kết hợp đào tạo sinh viên có kiến thức y học cơ sở vững chắc, kỹ năng khám, điều trị lâm sàng với thực hiện các chương trình CSSK cho nhân dân ở trong vùng [17], [24], [25]. Các nhà trường luôn tạo điều kiện tổ chức đưa sinh viên học tập ở thực địa. Mặc dù chương trình học tập, cách thức tổ chức đào tạo thực địa có khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu nâng cao khả năng giao tiếp, tiếp cận cộng đồng, biết cách thu thập các dữ liệu phục vụ chẩn đoán cộng đồng và LKH can thiệp. Để bệnh nhân và những người dân nơi sinh viên thực địa có điều kiện tiếp cận với thông tin về sức khoẻ, điều này có lợi cho việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho họ.
Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đào tạo các bác sĩ đa khoa để phục vụ các tỉnh trung du và miền núi phía bắc của Việt Nam. Hầu hết các tỉnh này được coi là những vùng khó khăn. Các bác sĩ chỉ được đào tạo thông qua giáo dục trong nhà trường và bệnh viện lâm sàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn sau khi ra trường về phục vụ các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Do đó, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đang thực hiện chương trình đào tạo học phần thực hành cộng đồng I theo hình thức tín chỉ. Trong học phần này, hoạt động, học tập của sinh viên không chỉ tập trung tại trường, giảng đường... mà cả thầy và trò cùng gắn bó với cộng đồng, nơi người dân đang sống và làm việc. CBYT huyện, xã trở thành những giảng viên kiêm nhiệm và trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên tại cộng đồng. Đối tượng học tập chủ yếu là sinh viên y đa khoa hệ chính quy năm thứ năm (sinh viên được thực tập tại bệnh viện và TTYT huyện (2 tuần), TYT xã và cộng đồng (3 tuần)) và sinh viên hệ liên thông năm thứ 3 (02 tuần ở bệnh viện và TTYT huyện, 02 tuần ở TYT xã và cộng đồng) [6].