Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội quận Ba Đình
1.3.3. Điều kiện kinh tế - xã hội
Đến ngày 31/12/2013 tổng dân số của quận là 242.800 người, mật độ dân số:
26.249 người/km2, trong đó nữ giới là 124.462 người chiếm 51,94%, nam chiếm 48,06% [9]. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình trong vòng 5 năm qua là 13,36%, tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới mức 0,95%. Dân số của quận tăng nhanh chủ yếu là tăng cơ học, do những năm qua thu hút được số lượng đáng kể lao động từ các địa phương đến làm việc trong các ngành dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn quận. Năm 2012 trên địa bàn quận có 5.813 lao động, hàng năm tổ chức giới thiệu và giải quyết việc làm từ 5.000 - 5.500 lao động bằng nhiều hình thức đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 còn 1,31%, giảm 201 hộ nghèo, đạt 111,7% kế hoạch.
1.3.3.2. Điều kiện kinh tế
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ và các văn bản của UBND thành phố, UBND quận đã triển khai Chương trình hành động số 238/CTHĐ-UBND về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh toàn quận đạt 1.047 tỷ đồng,
so với năm trước bằng 105%. Thu ngân sách nhà nước năm 2012 thực hiện 3.250 tỷ đồng đạt 101,3% dự toán giao, trong đó thu thuế ngoài quốc doanh ước thực hiện 2.127 tỷ đồng đạt 91,5% dự toán giao. Số chi ngân sách là 639,6 tỷ đồng đạt 117,9% so với dự toán giao đầu năm. Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động giết mổ, kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, hoạt động kinh doanh gia súc, gia cầm và công tác phòng chống dịch bệnh, kinh doanh sản xuất thuốc lá, rượu, khí đốt hóa lỏng trên địa bàn 14 phường. Tiếp nhận và giải quyết 1.445 hồ sơ đăng ký kinh doanh, trong đó: cấp mới 997 trường hợp, thay đổi nội dung 323 trường hợp, ngừng kinh doanh 127 trường hợp.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp và xây dựng, cụ thể xem bảng sau:
Bảng 1.3: Chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn quận
Đơn vị tính: %
TT Chỉ tiêu Năm
2000
Năm 2005
Năm 2012
I. Cơ cấu GTSX trên địa bàn 100 100 100
1 Công nghiệp và xây dựng 35,0 37,6 37,1
1.1 Công nghiệp 24,3 22,0 21,1
1.2 Xây dựng 10,7 15,6 16,0
2 Dịch vụ 64,9 62,2 62,9
3 Nông nghiệp 0,1 0,1 0,0
II. Cơ cấu khu vực quận quản lý 100 100 100
1 Công nghiệp và xây dựng 25,7 42,7 44,0
1.1 Công nghiệp 20,2 30,2 25,7
1.2 Xây dựng 5,6 12,5 18,3
2 Dịch vụ 74,3 57,3 56,0
3 Nông nghiệp 0,0 0,0 0,0
Khu vực kinh tế công nghiệp:
Trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp Ba Đình khá cao nhưng tốc độ này có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân chính là do mặt bằng sản xuất trên địa bàn quận chật hẹp, giá thuê mặt bằng lại cao, khó tìm, không ổn định thường xuyên bị thay đổi địa điểm.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn hiện nay chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp thuộc khu vực quốc doanh. Theo thống kê của Cục thống kê Hà Nội năm 2012 trên địa bàn quận có 658 cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước, với tổng giá trị sản xuất đạt 1.602 tỷ đồng và có mức tăng trưởng cao hơn so với các cơ sở công nghiệp nhà nước.
Khu vực kinh tế dịch vụ:
Theo thống kê của Cục thống kê Hà Nội, ngành dịch vụ trên địa bàn quận Ba Đình phát triển khá, mức tăng trưởng giá trị bình quân đạt 14,46%/năm, các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng đã có bước phát triển nhanh có tốc độ tăng trưởng mạnh.
Bên cạnh đó ngành thương mại của quận cũng khá phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế quận. Trung tâm triển lãm Giảng Võ là trung tâm lớn nhất khu vực phía Bắc, là nơi chuyên tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm, là nơi giới thiệu sản phẩm hàng hóa trong và ngoài nước vào những dịp lễ lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận với hầu hết các đối tác, giao lưu nghiên cứu thị trường. Bên cạnh đó, trên địa bàn quận có chợ đầu mối Long Biên là chợ trung chuyển và buôn bán hầu hết các loại nông sản và nhiều sản phẩm khác phục vụ không chỉ trên địa bàn quận, thành phố Hà Nội mà còn phân phối đi các vùng thuộc khu vực phía Bắc.
1.3.3.3. Điều kiện xã hội a. Giao thông
Mạng lưới đường:
* Các tuyến đường vành đai:
Quận Ba Đình gần như nằm hoàn toàn trong vành đai 1 và vành đai 2, trừ phường Phúc Xá nằm ngoài đê sông Hồng
Vành đai 1: đường vành đai 1 chạy qua quận Ba Đình đoạn từ Âu Cơ đến chợ Long Biên và đoạn từ ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành đến Cầu Giấy. Bề mặt hiện tại tuyến đường Đê La Thành từ 7-10 m. Đoạn này chủ yếu giải quyết lưu lượng xe nội đô trên hướng Đông Nam - Tây Bắc của thành phố, từ quận Cầu Giấy sang Ba Đình, Đống Đa và ngược lại. Do lòng đường hẹp không đảm bảo số làn xe cần thiết nên đoạn này thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông.
Vành đai 2: đường vành đai 2 chạy qua Ba Đình từ Cầu Giấy đến nút giao thông Bưởi có chiều dài 2050, mặt cắt 6 - 9 m.
* Các tuyến giao thông chính:
- Tuyến đường Liễu Giai - Ngọc Khánh có mặt cắt ngang 50 m với 6 làn xe chạy nối từ đoạn cắt Đội Cấn nối đường Nguyễn Chí Thanh tới đầu đường Láng - Hòa Lạc ở ngã tư Trung Kính.
- Tuyến Kim Mã - Cầu Giấy dài 1.500 m với mặt cắt ngang 33 m, có 6 làn xe (riêng khu Ngoại giao đoàn rộng 30 m với 4 làn xe).
- Đường Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng có mặt cắt ngang 30 m với 4 làn xe.
- Đường Hoàng Hoa Thám có chiều dài 3,5 km, mặt cắt 6 - 9 m. Điểm đầu là đường Hùng Vương, điểm cuối là nút giao thông Bưởi. Tuyến đường này hiện hầu như chưa có vỉa hè (chỉ một số đoạn có vỉa hè).
- Đường Đội Cấn nối từ chợ Ngọc Hà đến Bưởi với mặt cắt hiện tại là 6 - 9 m.
- Đường Giang Văn Minh - Hoàng Hoa Thám mặt cắt ngang từ 22,5 - 30 m.
- Đường Nguyễn Tri Phương dài 800 m, mặt cắt 21,5 m.
- Tuyến đường Quán Thánh nối từ bốt Hàng Đậu đến đầu đường Thanh Niên dài 2.200 m, mặt cắt ngang 8 - 10 m.
- Đường Trần Phú nối từ Điện Biên Phủ đến Bắc Sơn.
- Đường Lê Hồng Phong nối từ Điện Biên Phủ đến Đội Cấn.
Các điểm giao thông tĩnh:
Hiện tại trên địa bàn quận có 6 điểm đỗ xe với tổng diện tích 39.848 m2 như:
điểm đỗ xe Ngọc Khánh, điểm đỗ xe dọc đường Yên Phụ cầu Long Biên, điểm đỗ xe chợ Long Biên, điểm đỗ xe công viên Thủ Lệ, dọc đường Đào Tấn v.v Do nằm trong khu vực hạn chế phát triển nên quỹ đất dành cho các bãi xe trong khu vực rất khó khăn, khả năng áp dụng diện tích theo quy chuẩn là kém khả thi.
Hệ thống đường trên địa bàn quận được phân cấp quản lý với 85 tuyến phố với tổng diện tích khoảng 334.000 m2. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng về giao thông của Ba Đình tương đối tốt và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho giao thông là 18%
vẫn còn rất thấp so với mức 25% theo quy hoạch giao thông của thành phố Hà Nội đến năm 2020.
b. Cấp - Thoát nước
Khả năng cung cấp nước sạch trên địa bàn quận cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, cấp nước sinh hoạt mới chỉ đạt 100 - 110 lít/người/ngày vẫn đang ở mức thấp so với mức cấp nước của các đô thị tiên tiến trên thế giới. Hiện tại trên địa bàn quận có các nguồn cung cấp nước chính như:
Nhà máy nước Ngọc Hà II (công suất 28.000 m3/ngđ); nhà máy nước Yên Phụ (công suất 80.000 m3/ngđ). Trong giai đoạn tới, hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn quận cần được đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cá nhân và các tổ chức.
Hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Ba Đình đều do thành phố quản lý.
Hiện tại hệ thống tiêu thoát nước chính của quận là sông Hồng (qua phường Phúc Xá), sông Tô Lịch (qua phường Vĩnh Phúc) và các mương thoát nước như mương Thụy Khê, mương Sông Lốc, mương Kẻ Khế, mương Đê La Thành v.v được phân bố đều trên địa bàn các phường.
Bên cạnh đó còn có một số hồ ao tự nhiên tương đối lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu nước cục bộ và giữ vai trò điều hòa khí hậu như hồ Thủ Lệ, hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch, hồ Giảng Võ, hồ Thành Công và thoát Hồ Tây theo hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm ngập úng cục bộ, đây là vấn đề cần phải đầu tư nhằm khắc phục hạn chế này trong giai đoạn tới.
c. Giáo dục và đào tạo Bậc giáo dục mầm non:
- Trường mầm non: Năm 2012 trên địa bàn quận có 28 trường mầm non, trong đó có 11 trường công lập, 1 trường dân lập và 16 trường khác với tổng số 244 phòng học, 2.168 trẻ và 216 cô nuôi dạy trẻ.
- Trường mẫu giáo: Năm 2012 trên địa bàn quận có 11 trường mẫu giáo, trong
đó có 10 trường công lập, 1 trường dân lập với tổng số 383 phòng học, 11.775 học sinh và 833 giáo viên. Đảm bảo 100% trẻ em dưới 5 tuổi được hưởng chương trình giáo dục mầm non.
Bậc tiểu học
Năm 2012, có 19 trường tiểu học, trong đó có 17 trường công lập, 2 trường dân lập toàn quận có 21.415 học sinh tiểu học đến trường và có 1.048 giáo viên giảng dạy. Cơ sở vật chất thiết bị giảng dạy cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động và học của các trường.
Bậc trung học cơ sở
Trên toàn quận hiện nay có 14 trường THCS, trong đó: có 11 trường công lập/14 phường; 1 trường THCS Thực nghiệm thuộc Viện khoa học giáo dục không có nhiệm vụ tuyển sinh theo địa bàn phường; 1 trường THCS Tư thục ở phường Ngọc Khánh quy mô nhỏ (8 lớp với 146 học sinh). Tính đến 31/12/2012 tổng số học sinh bậc THCS là 12.360 học sinh trên 319 phòng học, bình quân 39 học sinh/lớp (chuẩn quy định 45 học sinh/lớp) và có 669 giáo viên giảng dạy. Đến nay, cơ sở vật chất thiết bị giảng dạy cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động và học của các trường.
Bậc trung học phổ thông
Hiện nay, toàn quận có 4 trường THPT, tổng diện tích 45.950 m2 bao gồm trường THPT Phan Đình Phùng, THPT Phạm Hồng Thái, THPT Nguyễn Trãi với tổng số 7.524 học sinh và 418 giáo viên giảng dạy.
b. Y tế
- Bệnh viện trung ương: Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân đội 354, Bệnh viện Nhi trung ương.
- Các bệnh viện của thành phố: Bệnh viện Saintpaul, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Hòe Nhai.
- Phòng Y tế quận Ba Đình: gồm khối cán bộ công chức và trạm y tế 14 phường (đã cải tạo, xây mới 9 trạm y tế còn lại cần được nâng cấp sửa chữa).
- Trung tâm Y tế dự phòng: gồm các phòng ban chuyên môn, nhà hộ sinh và phòng khám đa khoa.
Với vị trí là quận nằm ở trung tâm Thủ đô thì mạng lưới y tế trên địa bàn quận có thể đánh giá là nhiều về số lượng và dày về mật độ cơ sở y tế.
c. Văn hóa
Quận Ba Đình có trung tâm văn hóa với 2 địa điểm hoạt động tại 180 Quán Thánh và 60 Ngọc Hà với tổng diện tích là 1.529 m2, có 7/14 phường có nhà văn hóa phường, 74 nhà văn hóa khu dân cư và 45 thư viện.
d. Thể dục - Thể thao
Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới được triển khai tích cực và sôi động, đạt kết quả tốt và bước đầu đi vào nền nếp. Tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 45%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 35%.
Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được chính quyền các cấp tổ chức sâu rộng, thiết thực, góp phần khơi dậy và phát triển nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hiện tại trên địa bàn quận có nhiều công trình thể thao với đa dạng các loại hình thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, tennis, bơi lội v.v
Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thể dục thể thao thực hiện có nền nếp từ cơ sở đến quận thường xuyên được quan tâm đẩy mạnh.
e. Năng lượng
Quận Ba Đình cấp điện từ 3 nguồn trạm 110kV: Nguồn E8 Yên Phụ (nằm trên quận Tây Hồ) và E9 Nghĩa Đô (nằm trên quận Cầu Giấy), E11 Thành Công và trạm E14 Quốc Tử Giám.
f. Bưu chính - Viễn thông
Dịch vụ bưu điện trên địa bàn quận Ba Đình được cung cấp từ trung tâm bưu điện 1 và trung tâm bưu điện 4. Các bưu cục trên địa bàn quận khá dày đặc, đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ bưu điện của người dân, tổ chức trên địa bàn quận.
Mạng lưới thông tin bưu chính viễn thông phục vụ thuê bao cho quận Ba Đình được cấp từ tổng đài điều khiển Quán Thánh, Phúc Tân II. Các tổng đài vệ tinh đã sử dụng 1/2 dung lượng. Về cơ bản các tổng đài này hiện đang đảm bảo được phục vụ thuê bao trên địa bàn quận. Chất lượng mạng gốc tương đối tốt và hầu hết được đi ngầm.
g. Quốc phòng và an ninh
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Trung ương và Thành phố, triển khai 150 phương án để bảo vệ an toàn, tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn (đặc biệt là các hội nghị của BCH TW Đảng, khóa XI và các kỳ họp Quốc hội). Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương và chính sách hậu phương quân đội. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu với hơn 9.500 cán bộ, chiến sỹ tham gia tuần tra canh gác, bảo vệ địa bàn. Tổ chức Lễ ra quân huấn luyện cho lực lượng vũ trang quận.