1.4 ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA NẤM GÂY BỆNH Ở CÂY
1.5.5 Các bệnh do Rhizoctonina gây ra trên cây trồng
Ở Việt Nam có nhiều bệnh do Rhizoctonia gây ra (Hình 1.11). Một số loài phát triển, xâm nhiễm, gây bệnh trên thân cây và bề mặt lá trong điều kiện thời tiết ấm, mưa hoặc ẩm độ cao. Ví dụ, một loài Rhizoctonia xâm nhiễm vào lá ngô và gây ra triệu chứng bệnh khô vằn điển hình trên lá (Hình 1.11d). Người ta cho rằng cũng loài đó, hoặc một loài tương tự, gây thối bắp cải bắp. Những nấm này có thể sinh ra các hạch nấm màu nâu với hình dạng bất định trên bề mặt cây bị bệnh. Rhizoctonia oryzae gây bệnh khô vằn trên lúa, một bệnh rất phổ biến.
Các loài Rhizoctonia cũng gây hiện tượng lở cổ rễ cây con như đậu cô ve, cải bắp, lạc và bông. Triệu chứng lở cổ rễ do nấm xâm nhiễm ở phần cổ rễ sát mặt đất có thể làm chết cây con. Bệnh thối rễ Rhizoctonia hình thành do nấm xâm nhập vào cây ở đỉnh sinh trưởng của các rễ phụ nhỏ. Nấm sau đó phát triển từ đầu rễ và lan vào rễ chính làm thối rễ. Rhizoctonia xâm nhiễm ở đỉnh sinh trưởng của rễ con thường đưa đến triệu chứng “đầu mác” ở rễ (Hình1.11a).
Hình 1.11. Các ví dụ về bệnh do Rhizoctonia:
(a) triệu chứng nhọn như “đầu mác” ở rễ bệnh.
(b) bệnh khô vằn trên lúa do Rhizoctonia.
(c) hạch nấm của Rhizoctonia trên cải bắp bị bệnh.
(d) bệnh do Rhizoctonia trên vỏ ngô.
- Triệu chứng chính: Các triệu chứng phụ thuộc vào loài, chủng nấm và cây ký chủ, bao gồm lở cổ rễ cây con, héo, chết cây con, thối rễ con và thối rễ. Thối bắp cải do Rhizoctonia gây ra những vết thối đen trên lá. Bệnh khô vằn lúa và khô vằn ngô gây ra các vết bệnh màu vàng và các vết mất màu bất thường xen kẽ.
- Dấu hiệu chẩn đoán: phụ thuộc vào quá trình phân lập và giám định nấm thuần trên môi trường nhân tạo. Các hạch nấm điển hình màu nâu, hình dạng bất định được hình thành ở một số loài trên các mô ký chủ bị bệnh.
- Phổ ký chủ: đa dạng, tùy thuộc loài và chủng nấm.
- Thời tiết: các bệnh ở cây con và thối rễ lại gây hại nặng hơn trên cây trồng ảnh hưởng bởi những điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ví dụ, cây con đậu cô ve dễ
mẫn cảm với bệnh lở cổ rễ khi trời lạnh vì nhiệt độ thấp làm chậm việc nảy mầm và nhú chồi.
- Bảo tồn: các loài Rhizoctonia tồn tại trong đất dưới dạng hạch nấm hoặc sợi nấm trong tàn dư cây ký chủ.
- Xâm nhiễm: sợi nấm Rhizoctonia trong tàn dư cây bệnh xâm nhiễm trực tiếp vào mô cây và một số tạo các cấu trúc xâm nhiễm đặc biệt. Hạch nấm nảy mầm tạo ra sợi nấm xâm nhiễm vào cây.
- Phòng trừ: bệnh chết rạp cây con (lở cổ rễ) có thể được giảm thiểu bằng cách xử lý hạt với thuốc trừ nấm như Quintozene (pentachloronitrobenzene) và thay đổi thời vụ (ngày) trồng sao cho nhiệt độ và độ ẩm đất có lợi cho nảy mầm và nhú chồi nhanh. Hiệu quả của việc luân canh tùy thuộc vào phổ ký chủ của các loài Rhizoctonia là đối tượng phòng trừ.
1.5.6 Bệnh chết rạp (bệnh lở cổ rễ) do Rhizoctonia solani.
1.5.6.1 Bệnh chết rạp (chết ẻo hay bệnh lở cổ rễ).
Bệnh phân bố rộng rãi, bệnh gây hại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và cả ở nước ta. Bệnh phá hoại suốt thời kì sinh trường của cây nhưng chủ yếu là vào giai đoạn cây con. Bệnh làm cây con chết hàng loạt, có khi phải gieo trồng lại toàn bộ, làm mất nhiều thời gian và công chăm sóc.
1.5.6.2 Triệu chứng.
Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh là: rễ, cổ rễ và gốc thân sát mặt đất bị thâm đen, thối mục, cây bị héo, đổ gục xuống. Lúc đầu vết bệnh chỉ là một chấm nhỏ màu đen ở gốc thân, cổ rễ, sau đó lan ra rất nhanh bao bọc quanh cổ rễ. Bộ phận bị bệnh thối mục có màu nâu đen, ủng nước hoặc hơi khô, cổ rễ teo tóp, lá thân bị héo rũ nhưng vẫn còn màu xanh. Sau 5 – 6 ngày, cây héo rũ đổ gục và chết hàng loạt.
Trên vết bệnh ở cổ rễ thối nhũng hình thành một lớp nấm màu trắng xám, có hạch nấm màu nâu đỏ, hình tròn dẹt, nằm rãi rác hoặc thành từng đám. Nhổ cây lên thường bị đứt ở gốc thân hoặc cổ rễ.
1.5.6.3 Đặc điểm phát sinh bệnh.
Bệnh lở cổ rễ (chết rạp) ngoài nấm Rhizoctonia, một số loài nấm khác như:
Thielaviopsis hoặc Fusarium… cũng có thể gây bệnh.
Bệnh phát sinh trong điều kiện độ ẩm cao (mưa phùn), mưa nhiều, đất bị ẩm, và nhiệt độ thấp 18 – 250C, hoặc thời tiết nóng lạnh thất thường. Khi nhiệt độ trên 250C, khả năng gây bệnh giảm nhiều, khi nhiệt độ trên 300C thì cây ít khi bị bệnh.
Bệnh thường gây hại nặng nề trên những vùng đất trũng, ứ đọng nước. Đất thịch dẽ chặt, dễ đóng váng sau khi mưa. Mặt khác, trên những loại đất này, thì cây trồng cũng sinh trưởng yếu nên sức chống chịu bị giảm đi.
Sự phát triển của bệnh ngoài việc liên quan nhiều về nước còn có liên quan đền chế độ bón phân. Trong canh tác, nếu chúng ta bón phân không cân đối, bón phân quá nhiều đạm cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh, do đó, nên bón phân cân đối, đặc biệt bón thêm Kali có tác dụng làm cây cứng cáp làm giảm mức độ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, bệnh còn phát triển mạnh do làm không tốt các khâu trong kĩ thuật trồng cây: làm đất không tốt, hạt gieo quá sâu, sử dụng hạt giống có chất lượng kém, sức nảy mầm thấp hoặc độc canh một loại cây trồng trong nhiều năm liên tiếp.
1.5.6.4 Các biện pháp phòng trừ hiện nay.
Bệnh lở cỗ rễ do các loại nấm trong đất đặc biệt là Rhizoctonia solani gây ra, bệnh chủ yếu tấn công vào cây con nên để phòng trừ bệnh này ta cần áp dụng một số biện pháp phòng trừ như sau:
- Làm đất kĩ, lên luống cao, san phẳng mặt luống không để ứ đọng nước.
- Sử dụng hạt giống tốt, có sức nảy mầm cao, không nên gieo hạt giống quá sâu. Nên xử lý hạt giống bằng thuốc trước khi gieo và phun thuốc khi bệnh mới vừa xuất hiện.
- Luân canh nhiều loại cây trồng, không nên độc canh một loại cây nào đó.
- Gieo trồng đúng thời vụ với từng loại cây trồng.
- Bón phân thích hợp, cân đối. Chú ý, phải làm đất, bón lót bằng phân hữu cơ và vôi trước khi gieo trồng. Tránh bón phân quá nhiều đạm.
- Có thể dùng thêm các loại thuốc sau để phòng trừ: Ridomil MZ72 WB, Topsin M, Rovral,… theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Đặc biệt, nên sử dụng các chế phẩm sinh học (Trichoderma).