Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động của phát triển khu kinh tế vân đồn tới sử dụng đất và đời sống của người dân huyện vân đồn, tỉnh quảng ninh, giai đoạn 2017 2019 (Trang 44 - 48)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quá trình thành lập, phát triển Khu

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

Hình 3.1. Sơ đồ vị trí địa lý huyện Vân Đồn

Vân Đồn là một huyện miền núi hải đảo nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, được hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu và Vân Hải, có khoảng 600 hòn đảo trong vịnh Bái Tử Long.

Với tọa độ địa lý: Từ 20o40’ đến 21o12’ Vĩ độ Bắc và từ 107o15’ đến 107o42’

Kinh độ Đông.

Phía Bắc giáp huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà;

Phía Đông giáp huyện đảo Cô Tô;

Phía Nam giáp thành phố Hạ Long;

Phía Tây giáp thành phố Cẩm Phả.

Huyện Vân Đồn diện tích thống kê năm 2018 có tổng diện tích đất tự nhiên là 58.183,28 ha (đây là diện tích nổi) gồm thị trấn Cái Rồng và 11 xã trong đó có 5

xã đảo (Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi). Ngoài ra là diện tích mặt biển hơn 2.000 km2 với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ.

3.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Vân Đồn có địa hình đa dạng và phức tạp, có nhiều đồi núi, chủ yếu là núi đá vôi độ cao từ 200 - 300 m. Địa hình thấp dần từ phía Đông xuống phía Tây, độ cao trung bình từ 40 m so với mực nước biển, độ dốc trung bình 25o

- Vùng núi trong đất liền có độ cao từ 100 - 150 m so với mặt nước biển, bị chia cắt mạnh có độ dốc lớn (từ 18 – 25o ), thường bị xói mòn, rửa trôi làm giảm độ phì của đất, nhất là những nơi có ruộng bậc thang nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

- Địa hình trên biển đa dạng có nhiều hòn đảo khác nhau, như đảo đá vôi có vách đứng, đỉnh hình răng cưa, sườn dốc có nơi thấp thoải tuỳ thuộc vào sự bào mòn của nước mưa. Đảo Cái Bầu cao về phía Đông Nam, thấp về phía Bắc, có đỉnh núi cao như: Nàng Tiên cao 450,0 m, Vạn Hoa cao 397,0 m, Bằng Thông cao 366,0 m, Cái Đài cao 302,0 m.

3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn

- Nhiệt độ trung bình hàng năm đạt 23,3oC, ở những vùng thấp < 150,0 m có nhiệt độ trung bình là 23,8oC, vùng > 150,0 m nhiệt độ trung bình 23,0oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối lên tới 36,2oC, về mùa đông nhiệt độ tối thấp tuyệt đối đạt 4oC.

- Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 84 %. Sự chênh lệch độ ẩm không khí giữa các vùng trong huyện không lớn lắm nhưng có sự phân hoá theo mùa khá rõ rệt. Vào mùa mưa độ ẩm không khí đạt tới 90 %, về mùa khô thấp nhất đạt 78 % vào tháng 12.

- Nắng ở Vân Đồn tương đối cao, trung bình số giờ nắng dao động từ 1.600 - 1700 h/năm. Nắng tập trung từ tháng 5 đến tháng 11.

- Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.095,30 – 2.339,50 mm/năm, mưa phân theo 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa nhiều: từ tháng 5 đến tháng 9, lượng mưa tập trung chiếm 83 – 86 % tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng lớn nhất là tháng 8. Mùa mưa ít: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 1.

- Hải văn: Chế độ thuỷ triều ở Vân Đồn là chế độ nhật triều thuần nhất, trong một ngày đêm mực nước giao động khá đều đặn. Trong một tháng số lần nhật triều chiếm 26 - 28 ngày, càng lên phía Bắc độ lớn thuỷ triều càng tăng và ngược lại về phía Nam thuỷ triều giảm. Triều mạnh trong năm thường vào các tháng I, VI, VII, XII, triều yếu vào các tháng III, IV, VIII, IX, tốc độ dòng triều xấp xỉ 1 m/s.

- Thuỷ văn: Vân Đồn có tổng số 25 hồ đập chứa nước trong đó có một số đập khá lớn như hồ đập Khe Mai xã Đoàn Kết có diện tích trên 26,0 ha; đập Khe Bòng xã Bình Dân có diện tích trên 4,0 ha; đập Voòng Tre xã Đài Xuyên có diện tích trên 12,0 ha.

Vân Đồn là huyện ít sông suối, chỉ có 1 con sông lớn là sông Voi Lớn có chiều dài 18 km. Hệ thống sông suối ở Vân Đồn thường nhỏ, ngắn và dốc. Chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển.

3.1.1.4. Tài nguyên, khoáng sản a. Tài nguyên đất

Đất đai Vân Đồn được đánh giá, điều tra, phân loại theo tài liệu phân hạng đất năm 2005 của Viện Điều tra quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp gồm: Nhóm đất cát (C): Diện tích 5.551,67 ha; nhóm đất mặn (M): Có diện tích khoảng 4.533,41 ha; nhóm đất phèn (S): Phân bố hầu hết trên địa bàn huyện có diện tích 85,70 ha;

nhóm đất phù sa (P): Đất phù sa là những dải đất hẹp chạy dọc theo bờ sông, có diện tích khoảng 76,20 ha chiếm 0,14 % diện tích tự nhiên; nhóm đất xám (X): Diện tích 443,10 ha, ở hầu hết các xã trong huyện; nhóm đất nhân tác: diện tích có 52,10 ha; nhóm đất nâu tím (N): Diện tích 3.748,70 ha chiếm 6,8 % diện tích tự nhiên của huyện và nhóm đất vàng đỏ (F): Diện tích 34.081,32 ha.

Nhìn chung, huyện có nhiều loại đất có giá trị kinh tế cao.

b. Tài nguyên nước

- Nguồn nước mặt: Lượng nước ở Vân Đồn do địa hình chia cắt thành các đảo nên sông suối rất ít, dòng chảy nhỏ, mùa mưa chiếm 75 – 85 % lượng mưa cả năm. Lượng nước mặt ở Vân Đồn chủ yếu là nước mưa và nước ở các đập chứa bao gồm các hồ đập: Voòng Tre, Khe Bòng, Khe Mai, Đồng Dọng...

- Nguồn nước ngầm tương đối phong phú với trữ lượng đã tìm kiếm thăm dò tại Kế Bào khoảng 14.200 m3/ngày đêm, có nơi đào khoảng 3 - 4 m đã đến mạch nước ngầm.

c. Tài nguyên rừng

Rừng Vân Đồn phong phú về nhiều chủng loại, đặc biệt vườn Quốc gia Bái Tử Long gồm những khu rừng nguyên sinh quý giá như: rừng Bãi Dài, rừng trám Minh Châu, rừng Ba Mùn,... Tại vườn Quốc gia Bái Tử Long: Về thực vật: có 117 họ, 337 chi, 494 loài, trong đó có 11 loài quí hiếm được ghi vào sách đỏ bảo tồn.

Về động vật: có 37 loài thú, 96 loài chim, 15 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát, loài quí hiếm được ghi vào sách đỏ là 9 loài.

d. Tài nguyên biển

Vân Đồn có thềm lục địa rộng lớn 1.620,83 km2 (gấp 3 lần diện tích đất nổi của Huyện) nằm trong vịnh Bái Tử Long, có nhiều vũng vịnh, bãi triều ven biển và rừng ngập mặn tạo nên nguồn hải sản khá phong phú như: Mực ống, tôm, cua, cá, nhuyễn thể, bào ngư, ốc biển, ngọc trai,... có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

e. Tài nguyên du lịch

Vân Đồn là một quần đảo nằm giữa đảo Cô Tô và vịnh Hạ Long có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ với những hình thù đa dạng tạo nên một vẻ đẹp huyền diệu, thêm vào đó sự hấp dẫn bởi các làng đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Trà Bản, Bản Sen,... với những bãi cát dài phẳng, sạch đẹp rất thích hợp cho việc tắm biển, lướt ván. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nhiều lượt khách du lịch đến với Vân Đồn thăm quan nghỉ mát tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên.

g. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn huyện có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị đáng kể như: Mỏ than đá ở Vạn Yên có trữ lượng khoảng 107,0 triệu tấn, mỏ quặng sắt Cái Bầu có trữ lượng khoảng 154,0 ngàn tấn. Cát Vân Hải có trữ lượng khoảng 11.367,0 ngàn tấn với chất lượng cao, được phân bố ở xã Quan Lạn, Minh Châu đang khai thác mỗi năm đạt trên 20 ngàn tấn.

Ngoài các khoáng sản quý có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện còn có nhiều nhóm vật liệu xây dựng phong phú cả về chủng loại và chất lượng, như mỏ núi đá

vôi, đất sét, sỏi, cát biển... được tập trung ở các xã Đông Xá, Hạ Long và ở các xã đảo phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động của phát triển khu kinh tế vân đồn tới sử dụng đất và đời sống của người dân huyện vân đồn, tỉnh quảng ninh, giai đoạn 2017 2019 (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)