Đánh giá tiềm năng phát triển của Vân Đồn

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động của phát triển khu kinh tế vân đồn tới sử dụng đất và đời sống của người dân huyện vân đồn, tỉnh quảng ninh, giai đoạn 2017 2019 (Trang 49 - 52)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quá trình thành lập, phát triển Khu

3.1.3. Đánh giá tiềm năng phát triển của Vân Đồn

- Vị trí địa lý của Vân Đồn thuận lợi cho việc xây dựng một Khu kinh tế du lịch biển - đảo chất lượng cao, góp phần khai thác tốt vùng biển phía Bắc:

+ Vân Đồn nằm trong một không gian kinh tế sôi động bao gồm Vịnh Bắc bộ và vành đai kinh tế ven vịnh Bắc bộ, tiếp giáp với thị trường Trung Quốc rộng lớn và giàu tiềm năng.

+ Vân Đồn thuộc vành đai kinh tế Hạ Long - Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái, là địa bàn tiếp giáp với Trung Quốc, là cửa ngõ ra biển của cả vùng Bắc bộ. Đây sẽ là động lực của miền Đông tỉnh Quảng Ninh, là hạt nhân của vùng KTTĐ Bắc bộ, hỗ trợ các tỉnh phía Nam sông Hồng và các vùng khác.

+ Vân Đồn nằm cách Thủ đô Hà Nội không xa (khoảng 175 km), đồng thời nằm kề đảo Cát Bà và cách Hải Phòng 80 km. Đây là điều kiện tốt cho sự hợp tác khai thác vùng vịnh.

+ Nhiều công trình, dự án lớn trong khu vực thuộc “hai hành lang một vành đai” của Việt Nam đã, đang và sẽ được tiếp tục triển khai sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của Vân Đồn.

- Tiềm năng tài nguyên thiên nhiên tương đối lớn để phát triển các ngành dịch vụ và du lịch biển-đảo chất lượng cao:

+ Đất, rừng toàn huyện còn đang ở dạng nguyên sơ, độc đáo, chưa có nhiều tác động của con người; đất cho xây dựng còn nhiều là những điều kiện thuận lợi để tiến hành quy hoạch một cách hiện đại ngay từ đầu.

+ Nằm trong vịnh Bái Tử Long, với nhiều kỳ quan thiên nhiên, có nhiều đảo đá, hang động, có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều di tích lịch sử-văn hoá đặc sắc là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch biển-đảo đa dạng, độc đáo.

+ Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới và đảo Cát Bà, khu du lịch sinh thái, sẽ hỗ trợ nhiều mặt cho sự phát triển tổng hợp của Vân Đồn.

+ Ngoài tiềm năng cho phát triển du lịch, biển Vân Đồn còn là điều kiện tốt để phát triển kinh tế đa dạng bao gồm vận tải biển, nuôi trồng và chế biến hải, đặc sản chất lượng cao.

- Dân cư và các giá trị văn hóa độc đáo bổ sung cho khả năng phát triển du lịch đa dạng:

+ Vân Đồn là nơi cư trú của người Việt cổ, có truyền thống chống ngoại xâm giữ nước vẻ vang và phát triển kinh tế từ lâu đời.

+ Vân Đồn còn lưu giữ nhiều di tích (kiến trúc cổ Đình, Đền, Miếu, Nghè) và nhiều lễ hội văn hoá, xã hội đáng chú ý. Đây là điều kiện tốt để phát triển du lịch văn hóa.

- Chủ trương của Nhà nước là xây dựng vành đai kinh tế Hạ Long - Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái trở thành lãnh thổ động lực của cả nước ở phía Bắc:

Để phát triển kinh tế với nhịp độ tăng trưởng cao, hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, Nhà nước đã nghiên cứu và cho phép xây dựng một số lãnh thổ động lực dọc ven biển của cả nước. Đó là Khu Vân Đồn (cả Hạ Long - Hải Hà-

Móng Cái) ở phía Bắc; Vân Phong (cả Cam Ranh - Nha Trang) ở miền Trung và Phú Quốc (cả Kiên Giang - Cà Mau) ở phía Nam. Trong khi khu Vân Phong được xác định là khu kinh tế biển mang đặc tính cảng biển container, công nghiệp và du lịch; khu Phú Quốc chủ yếu là du lịch và tài chính thì vành đai Hạ Long - Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái xem như chủ yếu là du lịch, công nghiệp và thương mại. Ba khu kinh tế động lực sẽ bổ sung, hợp tác và thúc đẩy nhau cùng phát triển, đóng góp phần rất lớn cho giá trị sản phẩm cả nước.

- Xu thế phát triển của Việt Nam và quốc tế tạo ra những cơ hội lớn cho Vân Đồn phát triển nhanh: Việt Nam phát triển đặt ra yêu cầu phải phát triển các lãnh thổ động lực và cuốn hút Vân Đồn phát triển nhanh hơn. Điều đó được thể hiện ở những điểm sau:

+ Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phát triển nhanh với tốc độ 7-8%/năm(1) trong thời kỳ 2011-2020. Điều đó vừa tạo cơ hội cho Vân Đồn phát triển, vừa yêu cầu Vân Đồn phải bứt lên nhanh hơn.

+ Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong đó đặc biệt là du lịch, thương mại và hàng không. Xây dựng Khu kinh tế với chức năng chính là phát triển du lịch chất lượng cao, trung tâm tài chính, thương mại quốc tế; đồng thời xây dựng sân bay quốc tế tại đây sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi để Vân Đồn phát triển hội nhập nhanh chóng vào xu thế của Thế giới.

3.1.3.2. Khó khăn

- Nền kinh tế nhỏ bé, kết cấu hạ tầng còn yếu, dân trí chưa cao, thiếu nước sạch là những hạn chế chính đối với phát triển Vân Đồn hiện nay.

- Thách thức cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh:

+ Thách thức xuất hiện ngay từ mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế. Phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo bền vững là những thách thức không nhỏ.

+ Cạnh tranh với Trung Quốc và các nơi trong nhiều lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

+ Đồng thời các nhà đầu tư lớn chưa quan tâm nhiều đến Vân Đồn.

+ Cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch với vùng lân cận và với Bắc Hải, Hải Nam của Trung Quốc.

- Vừa phát triển đặc khu kinh tế với các cơ chế, chính sách thông thoáng, vừa phải chú trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ khó khăn của Vân Đồn.

- Những nguy cơ từ vấn đề an ninh Biển Đông và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động của phát triển khu kinh tế vân đồn tới sử dụng đất và đời sống của người dân huyện vân đồn, tỉnh quảng ninh, giai đoạn 2017 2019 (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)