Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Định hướng và giải pháp tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt ở các hộ nông dân trên địa bàn huyện phú xuyên
4.4.2. Các giải pháp chủ yếu tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn huyện
4.4.2.1. Giải pháp về qui hoạch
Dựa vào các tính chất đất đai, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và lợi thế của huyện, sử dụng đất đai có hiệu quả, định hướng phát triển các cây trồng hàng hoá chủ lực nhưng vẫn coi trọng sản xuất cây lương thực. Tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Thực hiện luân canh tăng vụ, mở rộng diện tích cây màu vụ đông, mô hình trồng hoa, cây cảnh, mô hình trồng rau an toàn và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Việc điều tra rà soát, kiểm kê các quỹ đất đánh giá kỹ thuật chất đất và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Đặc biệt là các yếu tố nông hóa thổ nhưỡng để quy hoạch, bố trí cây trồng hợp lý hơn, khoa học hơn và ổn định hơn vì vậy cần phải đẩy mạnh việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch vùng chuyên canh, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn xã. Tăng diện tích gieo trồng, nhất là quy đất cho cây trồng vụ đông. Hoàn thiện việc dồn điền đổi thửa, nhanh chóng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông hộ, phát triển trang trại.
Lập quy hoạch các thị trấn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh việc xây dựng các quy hoạch giao thông, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành, lĩnh vực, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh trồng trọt theo quy hoạch tổng thể chung của huyện, từ đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hợp lý phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao như rau an toàn, hoa, cây cảnh, lúa hàng hóa và vùng sản xuất mô hình công nghệ cao.
Quy hoạch đất đai nhằm sản xuất chuyên môn hóa, thành vùng sản xuất tập trung quy mới, thuận tiện trong ứng dụng TBKT. Trong tương lai phát triển nền nông nghiệp công nghiệp hóa, đòi hỏi người nông dân phải làm chủ trang trại, diện tích thửa đất của mình. Quy hoạch phát triển tập trung sẽ thuận lợi trong quản lí về môi trường, dịch bệnh đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất gieo trồng. Quy hoạch đất đai nhằm nâng cao lợi thế so sánh vùng. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có chính sách đúng đắn trong quy hoạch phát triển trồng trọt gắn với thị trường.
4.4.2.2. Giải pháp về lao động, chất lượng lao động
Việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng trọt một mặt giải phóng lao động nông
nghiệp mặt khác nó cũng tạo ra áp lực nếu các lao động giải phóng ấy không được sử dụng vào công việc nào đó. Mặc dù hiện nay huyện đang trong điều kiện áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tuy nhiên lượng lao động thủ công vẫn còn thiếu hụt và gây ra áp lực lao động trong mùa vụ. Khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật ở mức độ cao hơn, sẽ có một số lượng không nhỏ lao động trong nông nghiệp trở lên “nhàn rỗi” do đó cần phải có phương án để các lao động này có việc làm qua đó tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên không phải vì thế mà ta dừng, không đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt để giải phóng lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp. Muốn tăng thu nhập cho khu vực nông thôn thì ta cần phải tiến hành đồng thời hai giải pháp, một là giảm bớt lượng lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp qua đó tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị lao động. Hai là giải quyết việc làm cho các lao động được giải phóng, tạo ra một nguồn thu nhập mới tăng thêm vào thu nhập của cả gia đình.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng những TBKT trong sản xuất đòi hỏi chất lượng lao động cũng phải được nâng cao. Người nông dân làm nông nghiệp đòi hỏi phải biết vận dụng những phương tiện cơ giới hiện đại và những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, những máy móc, phương tiện sản xuất phức tạp hoặc những kỹ thuật tiên tiến khi chuyển giao cho nông dân gặp nhiều khó khăn, do sự khác nhau về trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn. Người dân vẫn quen với tập quán sản xuất nông nghiệp truyền thống. Phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực sự đi vào thói quen sản xuất của nông dân. Cán bộ khuyến nông và chuyên gia nông nghiệp thường mất khá nhiều thời gian để đào tạo, chuyển giao những tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến cho người dân.
4.4.2.3. Giải pháp về cơ chế chính sách đầu tư phát triển
Trong những năm tới, huyện cần tiếp tục triển khai, vận dụng một số chính sách sau:
- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích chuyển đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả. Tăng tỷ trọng đầu tư cho ngành trồng trọt, trong đó chú ý tăng tỷ lệ đầu tư cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ sinh học, công nghệ cao trong trồng trọt.
- Tiếp tục thực hiện chính sách trợ giá một số giống mới theo chủ trương của Thành phố và trợ giá giống mới ở các vùng sản xuất hàng hoá tập trung đối với các sản phẩm hàng hoá chiến lược của huyện.
- Tiếp tục thực hiện chính sách về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn theo Quyết định số 132/2001/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục thực hiện triệt để Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại; các nội dung của Luật đất đai mới, nhằm hỗ trợ cho người sản xuất và tạo cơ sở pháp lý bền vững để người nông dân, chủ trang trại yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 08 /7/2015 của Thành phố Hà Nội về “một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông thôn ứng dụng công nghệ cao thành phố giai đoạn 2016 - 2020”. Nghị quyết số 25/2013/NQ – HĐND ngày19/12/2013 của HĐND thành phố Hà Nội về “chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014 – 2020”.
- Thực hiện triệt để các chính sách về tài chính tín dụng hiện hành như chính sách trợ giá, trợ cước, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để phát triển các sản phẩm chiến lược, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ rủi ro...
- Thực hiện chính sách tập trung đầu tư cho phát triển trồng trọt, tăng tỷ trọng đầu tư cho ngành trồng trọt, trong đó chú ý tăng tỷ lệ đầu tư cho việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ sinh học, công nghệ cao trong trồng trọt. Trong đầu tư phải coi trọng việc gắn đầu tư với quy hoạch, nhất là quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, không có quy hoạch không phê duyệt đầu tư, có vậy mới quản lý được quy hoạch.
- Thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục làm tốt việc các cấp, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân.
4.4.2.4. Giải pháp về vốn
Vốn là yếu tố hàng đầu và quan trọng trong quá trình sản xuất của người nông dân. Với lượng vốn hiện có của các hộ nông dân thì việc mở rộng sản xuất để tăng thêm thu nhập cho gia đình là rất khó. Khi được tiếp cận với các nguồn vốn từ bên ngoài người nông dân không những có cơ hội để đầu từ mở rộng sản xuất ra các lĩnh vực khác, đồng thời họ càng mạnh dạn đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Thực tế tại Phú Xuyên cho thấy, việc tiếp cận với các nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại cổ phần đối với người nông dân là rất khó, nếu không nói các ngân hàng không mặn mà với các chương trình vay vốn của người dân bởi lượng vay nhỏ lẻ hoặc là do người dân không có đủ điều kiện để vay vốn như thiếu năng lực tài chính, thiếu tài sản thế chấp theo quy định, chưa có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi. Các nguồn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội luôn có hạn và không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận được, các Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay trên địa bàn huyện mới đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu của người dân.
Như vậy, để người dân có thế tiếp cận được với các nguồn tín dụng, Huyện cần tăng cường đầu tư vốn từ ngân sách nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu, vừa để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa là để xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho nông nghiệp.
Để huy động được nguồn vốn đầu tư phát triển ngành trồng trọt của huyện, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:
- Vốn ngân sách ưu tiên cho xây dựng công trình thuỷ lợi, xây dựng cơ sở sản xuất giống, công tác khuyến nông, trợ giá cước, xây dựng hệ thống nước sạch.
- Khuyến khích tín dụng đầu tư vào lĩnh vực phát triển trồng trọt. Tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các dự án đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá đối với một số cây trồng chiến lược của huyện.
- Ngành ngân hàng thực hiện việc mở rộng tín dụng, tăng dần vốn vay trung hạn, thời gian thu hồi vốn hợp lý để đảm bảo cho nông dân vay vốn phù hợp với chu kỳ sinh trưởng và chu kỳ kinh doanh của cây trồng.
- Huy động mọi nguồn đóng góp của dân, vốn tự có của các doanh nghiệp, đồng thời quản lý có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
4.4.2.5. Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng
Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ ở nông thôn có ý nghĩa quan trọng to lớn đối với sự phát triển của nông nghiệp. Các yếu tố quan trọng nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, hệ thống chợ… Đẩy mạnh việc nâng cấp và xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hoá chất lượng cao.
Quy hoạch phát triển thuỷ lợi là nhân tố quyết định để mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất cây trồng, tạo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, phát triển thuỷ lợi còn có tác dụng ngăn dòng, chống hạn, bảo vệ mùa màng và đời sống người dân trong huyện. Vì vậy, cần hoàn thành nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi theo hướng kiên cố hoá để sử dụng tiết kiệm nước và chủ động tưới, tiêu cho nông nghiệp, khai thác có hiệu quả công suất các công trình hiện có.
Bảng 4.19. Dự kiến nâng cấp, cải tạo hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện Phú Xuyên giai đoạn 2016-2020
Tuyến kênh Chiều dài (km)
Chiều rộng (m)
GĐ 2010 – 2015 (km)
GĐ 2016 – 2020 (km)
Cứng hoá kênh tưới cấp 1 15,0 15,0 5,0 5,0
Cứng hoá kênh tưới cấp 2 50,0 5,0 15,0 20,0
Cứng hoá kênh tưới cấp 3 150,0 0,8 50,0 70,0
Làm mới kênh tiêu 50,0 10,0 10,0 20,0
Nguồn: Tổng hợp điều tra cán bộ quản lý huyện Phú Xuyên (2016) Đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sản xuất trên địa bàn huyện cần cải tạo nâng cấp, xây mới các hồ để có thể giữ nước, đặc biệt là vào mùa khô hạn có thể chủ động cung cấp nguồn nước. Ngoài ra, cần khai thác tốt nguồn nước từ sông Hồng để cung cấp nước cho các hoạt động của người dân trên địa bàn huyện.
Những ngành nghề chế biến nông sản có nước thải gây ô nhiễm môi trường cần có sự giúp đỡ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để xử lý các nguồn nước trước khi đổ vào ao hồ, sông tưới tiêu chung như hỗ trợ kinh phí xây dựng bể Bioga, bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV. Bên cạnh đó cần phải xây dựng và hoàn thiện các chợ đầu mối nông sản.
4.4.2.6. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công tác khuyến nông
Việc ứng dụng TBKT vào sản xuất trồng trọt trên địa bàn huyện Phú Xuyên trong giai đoạn qua có bước phát triển tuy nhiên vẫn mang tính chất tự phát. Do đó, công tác tuyên truyền, tập huấn cho người nông dân để họ hiểu rõ hơn hiệu quả và kỹ thuật áp dụng là điều vô cùng quan trọng. Một số công việc cần làm:
Tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương, thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật nông
nghiệp tiên tiến cho nông dân. Đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và cơ giới hoá trong sản xuất.
Trong quá trình đào tạo, tập huấn cần kết hợp tốt giữa lý thuyết và thực tế để người nông dân dễ tiếp thu và ứng dụng. Tạo điều kiện cho nông dân các địa phương tham quan học tập kinh nghiệm, triển khai mở rộng sản xuất.
Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh địa phương, nêu gương điển hình sản xuất giỏi để nâng cao nhận thức của người nông dân chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, máy móc mới vào sản xuất lúa.
Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ chuyển giao kỹ thuật. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ chính quyền để làm cầu nối chuyển giao KHKT và đẩy nhanh triển khai quá trình ứng dụng TBKT. Không ngừng nâng cao hoạt động công tác khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật hiện có. Tiến hành xã hội hóa công tác khuyến nông để mọi thành phần xã hội có thể tham gia. Gắn kết chương trình khuyến nông, khuyến ngư với xúc tiến thương mại.
Mạng lưới khuyến nông được tổ chức thông suốt từ cấp thành phố, huyện và địa phương nhằm nắm bắt kịp thời những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung. Mỗi khuyến nông viên cơ sở phải đảm bảo đầy đủ thông tin và chuyên môn đảm bảo kịp thời nhất, hiệu quả nhất đối với kinh tế trồng trọt của địa phương. Mỗi khuyến nông viên phải đảm bảo kiểm soát tốt nhất những vấn đề nông nghiệp của địa phương.
4.4.2.7. Phát triển các thành phần kinh tế và các hình thức liên doanh liên kết trong nông nghiệp, nông thôn
Kinh tế hộ là loại hình chủ yếu trong nông nghiệp hiện nay ở Phú Xuyên nhưng bị hạn chế về nhiều mặt, thiếu vốn, thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu cả đất canh tác. Vì thế muốn phát triển sản xuất, kinh tế hộ gia đình nhất thiết phải liên kết với kinh tế hợp tác và cần được nhà nước hỗ trợ thông qua chính sách tín dụng và công tác khuyến nông.
Trên cơ sở kinh tế hộ phát triển từng bước hình thành kinh tế trang trại thông qua tập trung ruộng đất và tích tụ vốn đầu tư cho sản xuất, kinh tế trang trại phát triển sẽ tạo điều kiện tiếp thu ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung và chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả.
Đổi mới, phát triển hợp tác xã, liên hiệp HTX phù hợp với nguyên tắc tổ chức HTX và cơ chế thị trường, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển, bên cạnh đó cần mở rộng mô hình các HTX chuyên ngành.
Trong việc ứng dụng một số TBKT vào sản xuất trồng trọt đặc biệt là cơ giới hoá thì muốn thực hiện có hiệu quả nhất thiết phải phát triển các hình thức liên doanh liên kết như:
Hợp tác giữa các hộ nông dân với nhau, hộ nông dân với hợp tác xã, hộ nông dân với các doanh nghiệp để có thể mua sắm và sử dụng có hiệu quả công suất của máy móc đặc biệt đối với những loại máy lớn cần nhiều vốn thì hợp tác xã có thể đầu tư vốn mua sắm sau đó hợp tác xã sẽ làm thuê cho nông dân như:
máy cày, máy bừa. Hợp tác giữa nông dân với các dịch vụ cung cấp phụ tùng thay thế máy nông nghiệp để đảm bảo cho cơ giới hoá được diễn ra liên tục không bị gián đoạn.
Tăng cường năng lực các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, song song với mở rộng các hình thức “liên kết 4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông để có cơ chế ràng buộc, lợi ích chắc chắn giữa các bên và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, các Hợp tác xã nông nghiệp giữ vai trò then chốt, có thể đứng ra cung ứng dịch vụ giống, đưa TBKT, làm đất, gieo cấy, thu hoạch, sửa chữa máy móc, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, là cầu nối để liên kết các hộ nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước. Thực hiện tốt mối liên kết này sẽ giúp nông dân giảm được rủi ro khi tiếp cận những cây trồng mới. Trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, các chủ trang trại, hộ sản xuất quy mô lớn càng cần thiết phải tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản để bảo đảm sản xuất ổn định.
4.4.2.8. Phát triển sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa
Thị trường tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện hiện nay khá tốt, sản phẩm ít bị ứ đọng. Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương khác, mối liên kết giữa sản xuất và chế biến còn lỏng lẻo, giá cả thị trường nông sản bấp bênh, kênh tiêu thụ chưa được đa dạng, mối quan hệ mua bán giữa hộ nông dân, chủ trang trại với các tư thương còn nhiều tiềm ẩn. Do đó cần phải thực hiện một số giải pháp: