Nguyên nhân gây chậm động dục lại sau 120 ngày ở buồng trứng

Một phần của tài liệu Sử dụng pgf2α khắc phục rối loạn sinh sản ở đàn bò lai hướng sữa tại ba vì hà nội (Trang 40 - 45)

4.1. Đánh giá tình trạng hoạt động của buồng trứng bò sau khi đẻ

4.1.2. Nguyên nhân gây chậm động dục lại sau 120 ngày ở buồng trứng

Phần vỏ của buồng trứng đặc biệt quan trọng đối với chắc năng sinh sản, quá trình tế bào trứng phát triển, chín và rụng xảy ra tại phần này. Nó có hai chức năng là nuôi dưỡng tế bào trứng phát triển đến lúc chín và tiết ra hormone sinh dục cái, các hormone này có ảnh hưởng đến những đặc điểm giới tính và chức năng của bộ máy sinh sản.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng rối loại sinh sản, chậm động dục bao gồm các yếu tố liên quan đến độ tuổi, hệ nội tiết, hệ thần kinh, mùa vụ, lứa đẻ, điểm thể trạng và các trường hợp do thức ăn, dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc (chủ yếu gây rối loạn trao đổi chất, đặc biệt là vitamin, khoáng đa lượng và vi lượng).

Trong số 235 bò sữa sau khi đẻ 120 ngày không có biểu hiện động dục hoặc động dục không rõ ràng, chúng tôi tiến hành khám buồng trứng qua trực tràng, hai lần liên tiếp cách nhau 7-10 ngày để xác minh bệnh ở buồng trứng. Kết quả khám lâm sang được thể hiện ở bảng 4.2 và biểu đồ 4.2.

Bảng 4.2. Các nguyên nhân trên buồng trứng gây chậm động dục ở bò sữa

Chỉ tiêu n (con) Tỷ lệ (%)

Thiểu năng buồng trứng 49 20,85

Thể vàng tồn lưu 106 45,11

U nang buồng trứng 59 25,11

Nguyên nhân khác 21 8,93

Tổng 235 100

0 5 10 15 20 25 30 35 40 45 50

Thiểu năng buồng trứng

Thể vàng tồn lưu

U nang buồng trứng

Nguyên nhân khác

Biểu đồ 4.2. Các nguyên nhân trên buồng trứng gây chậm động dục ở bò sữa

Qua bảng 4.2 và biểu đồ 4.2 chúng tôi có nhận xét các bệnh trên buồng trứng xuất hiện trên đàn bò lai hướng sữa tại xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội là: tỷ lệ thiểu năng buồng trứng (20,85%), thể vàng tồn lưu (45,11%), u nang buồng trứng (25,11%), nguyên nhân khác (8,93%).

Kết quả theo dõi, quan sát, khám lâm sàng các loại bệnh được chúng tôi ghi lại như sau:

* Bệnh thiểu năng buồng trứng: Kết quả thu được thông qua khám lâm sàng buồng trứng thông qua trực tràng, chúng tôi thấy rằng bệnh thiểu năng buồng trứng thường xuất hiện ở những bò có chế độ dinh dưỡng kém, khẩu phần thức ăn thiếu năng lượng. Bệnh này thường xuất hiện trên đàn bò được nuôi tại các hộ chăn nuôi với nguồn thức ăn tự có, ít bổ sung nguồn thức ăn hỗn hợp dạng viên do các doanh nghiệp sản xuất. Tỷ lệ này chiếm 20,85%.

* Bệnh thể vàng tồn lưu: Là do thể vàng không thoái hóa và chu kỳ động dục không được biểu hiện. Thể vàng tồn lưu thường xuất hiện ở những bò có sừng tử cung không bình thường, có thể là do viêm nội mạc tử cung, viêm tử cung dạng cata hoặc tử cung có chứa dịch không bình thường, có thể là dịch mủ viêm, xuất hiện trong trường hợp phôi chết, thai chết lưu (Sato et al., 1992a). Bò bị tồn lưu thể vàng không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, ăn uống bình thường, hô hấp, thân nhiệt không thay đổi. Kiểm tra buồng trứng thông qua trực tràng thấy một hoặc cả hai bên buồng trứng to lên, trên bề mặt sần sùi, sờ thấy thể vàng nổi rõ trên bề mặt của buồng trứng, tuy nhiên vẫn có trường hợp trên một buồng trứng xuất hiện cả thể vàng tồn lưu và nang trứng. Tỷ lệ bò mắc bệnh thể vàng tồn lưu chiếm tỷ lệ khá cao 45,11%.

Hình 4.1. Thể vàng sinh lý

* U nang buồng trứng: Tỷ lệ này chiếm khoảng 25,11%, qua khám trực tràng chúng tôi thấy buồng trứng to hơn bình thường, trên bề mặt nổi những khối u, khối u này cho cảm giác mềm hơn so với khi sờ vào thể vàng, sần hơn so với khi sờ vào nang trứng trong chu kỳ (hình 4.2).

Hình 4.2. U nang và thể vàng cùng tồn tại trên buồng trứng

Trên những buồng trứng bị u nang, là do một hoặc nhiều nang trứng không rụng nên lưu lại trong một bên buồng trứng (có thể cả hai) từ 10 ngày trở lên (có đường kính > 2,5 cm). Dẫn đến con vật có thể động dục thường xuyên, kéo dài, có sự thay đổi cân bằng hormone, thay đổi trương lực cơ dạ con, trứng không rụng. Đôi khi có kèm theo viêm nội mạc tử cung.

Theo Sato et al. (1992a), có hai loại u nang buồng trứng: u nang nang trứng và u nang thể vàng. U nang nang trứng gồm một u nang hoặc hiều và có vách nang trứng. U nang thể vàng thường có một hoặc nhiều u nang với vách dày hơn so với u nag nang trứng. U nang thể vàng được coi là hoàn toàn bình thường nếu cho kỳ động dục bình thường, do đó cần phân biệt u nang nang trứng với u nang thể vàng.

* Bệnh khác: Tỷ lệ này chiếm khoảng 8,93% tổng số bò chúng tôi khám lâm sàng. Một số bò được xác định cụ thể nguyên nhân gây chậm động dục, một số không xác định được nguyên nhân. Theo chúng tôi có thể do môi trường chăm sóc nuôi dưỡng trên quy mô nông hộ khác nhau dẫn đến hiện tượng này.

Nghiên cứu trên đàn bò lai hướng sữa tại Ba Vì, Tăng Xuân Lưu và cs.

(2001), cho biết tỷ lệ chậm sinh là 18,26% trong đó thể vàng tồn lưu ở nhóm bò

F2 là 29,69%, nhóm F1 là 13,46%. Trạng thái buồng trứng kém hoạt động ở bò tơ nhóm F1 và F2 là 60,86% và 50,49%. Tỷ lệ u nang ở nhóm bò F2 và F1 tương đương nhau và tương ứng 17,04 và 17,30% ở bò sinh sản, 3,96 và 3,26% ở bò tơ.

Trịnh Quang Phong và cs. (2012) khi nghiên cứu trên đàn bò sữa vùng Tản Lĩnh, Ba Vì và Gia Lâm, Hà Nội cho biết bệnh u nang buồng trứng ở nhóm bò F2 16,70%, nhóm F3 là 3,12%, bò HF là 7,14%, thể vàng tồn lưu nhóm F2 là 20,80%, F3 là 25,0% và HF là 21,43%, Buồng trứng kém hoạt động của F2 là 62,5%, F3 là 71,88% và HF thuần là 71,43%.

Chung Anh Dũng và cs. (2013), khi nghiên cứu về bệnh sinh sản trên bò sữa trong cả nước cho thấy có 41,7% đàn cái sinh sản bị các bệnh sinh sản khác nhau, trong đó chậm sinh 59,2%, phối giống nhiều lần 12%, sót nhau 11,7%, động dục không theo chu kỳ 4,25%, trong đó bò chậm sinh sản là bò vắt sữa 5 tháng mà vẫn chưa được thụ thai.

Theo Cao Viết Dương (2011), bệnh buồng trứng xuất hiện trên đàn bò sữa của các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hòa tương ứng là thiểu năng buồng trứng và teo buồng trứng 64,71% ; thể vàng tồn lưu là 23,53% ; u nang buồng trứng là 11,76%. Nhận xét của Settergeen et al. (1986), bệnh thiểu năng buồng trứng xảy ra phổ biến và là nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn sinh sản ở gia súc.

Theo Hoàng Kim Giao và Nguyễn Thanh Dương (1997), thời gian động dục trở lại sau khi đẻ khoảng 90-120 ngày, dao động 30-180 ngày, phụ thuộc vào chế độ chăm sóc nuôi dưỡng và hộ lý sau khi đẻ. Cần thiết phải tiến hành kiểm tra khả năng sinh sản thông qua khám cơ quan sinh dục, buồng trứng sau khi đẻ để quan tâm, chăm sóc, xử lý nhanh và kịp thời các nguyên nhân gây chậm động dục. Tuy nhiên, nhiều dẫn tinh viên không chú ý tìm nguyên nhân đối với những trường hợp bò cái được phối giống mà không thụ thai, đây cũng là nguyên nhân làm hệ số phối giống cao.

So sánh với các nghiên cứu trước đây, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tuy có khác về tỷ lệ nhưng vẫn cùng một xu hướng đó là bệnh thể vàng tồn lưu vẫn chiếm tỷ lệ cao 45,11%.

Nhìn tổng thể về chăn nuôi nông hộ, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của các hộ gia đình rất khác nhau, chế độ dinh dưỡng chưa đầy đủ và thiếu cân đối giữa tỷ lệ protein, năng lượng, khoáng đa lượng, vi lượng… trong khẩu phần ăn

hàng ngày, đặc biệt về mùa đông thức ăn xanh thô còn thiếu. Tình trạng vắt sữa kéo dài, dẫn đến hiện tượng bò bị suy kiệt, buồng trứng chậm phát triển. Hơn nữa do chuồng nuôi chật, ẩm độ cao, nuôi nhốt ít vận động… đã làm tăng tỷ lệ bệnh sản khoa, bệnh thể vàng tồn lưu, u nang buồng trứng, viêm nhiễm đường sinh dục...

Để đánh giá chính xác các nguyên nhân gây chậm sinh do hoạt động của buồng trứng, thì cần phải tiến hành thêm một số phương pháp khác như định lượng hàm lượng hormone progesterone. Tuy nhiên việc xác định progesterone trong thực tế sản xuất không phải lúc nào cũng thực hiện được và phương pháp thăm khám buồng trứng qua trực tràng vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.

Tác giả Kafi et al. (2011) cho biết qua kiểm tra định lượng progesterone phát hiện có 23,8% bò bị thể vàng tồn lưu sau khi đẻ. Theo Shrestha et al.

(2004a) bằng đinh lượng progesterone đã phát hiện 32,5% bò mắc thể vàng tồn lưu, chủ yếu do viêm tử cung nên không tiết được PGF2α, dẫn đến thể vàng không bị tiêu biến.

Đối với bò có buồng trứng nhỏ và có hàm lượng progesterone dưới 0,2 ng/ml được xác định là buồng trứng kém hoạt động (Tăng Xuân Lưu và cs., 2003b). đối với gia súc có thể vàng tồn lưu hoặc bị u nang thể vàng thì nồng độ progesterone trong máu luôn luôn cao, ức chế sự hình thành và phân tiết các hormone sinh dục khác, hậu quả là trong buồng trứng không có quá trình trứng phát triển, chín và rụng, gia súc không động dục.

Một phần của tài liệu Sử dụng pgf2α khắc phục rối loạn sinh sản ở đàn bò lai hướng sữa tại ba vì hà nội (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)