Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Đánh giá việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trên địa bàn thành phố Thanh Hoá
4.3.5. Đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện đúng, đầy đủ QSDĐ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa
Pháp luật đất đai là một bộ phận cấu thành nên hệ thống pháp luật của Nhà nước, do đó nó có đầy đủ những thuộc tính của hệ thống pháp luật nói chung và một trong những thuộc tính đó là tính thống nhất. Tất cả các hành vi (về quản lý và sử dụng đất đai) của người sử dụng đất đều áp dụng chung một hệ thống quy phạm pháp luật về đất đai do Nhà nước ban hành, đồng thời không cho phép mỗi ngành, mỗi địa phương đưa ra những quy định riêng, trái với pháp luật đất đai của Nhà nước. Việc điều tra chỉ thực hiện trên địa bàn Thành phố Thanh Hoá với những kết quả nghiên cứu nêu trong đề tài là những giải pháp được đề xuất cho việc thực hiện các QSDĐ tại điạ bàn Thành phố Thanh Hoá.
4.3.5.1. Giải pháp về tuyên truyền và phổ biến pháp luật
- Cần tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai bằng các phương tiện thông tin, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai để qua đó giúp cho việc quản lý và sử dụng đất đai với các thông tin được cập nhật chính xác nhằm nắm chắc, quản chặt đất đai được tốt hơn.
- Cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể và dễ hiểu hơn đối với các quy định của pháp luật về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, để người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để đến đăng ký theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai tới người dân còn nhiều bất cập, một bộ phận người dân và thậm chí cả những cán bộ ở cơ sở còn chưa nắm bắt được đầy đủ quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đất đai nói chung và trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất nói riêng. Do đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin, cần xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật về đất đai theo các chủ đề phù hợp với nội dung quản lý nhà nước về đất đai để cung cấp cho các địa phương.
- Từ kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ người dân nắm được các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn
bản pháp luật đến người dân, để người dân nắm được và thực hiện theo đúng quy định.
4.3.5.2. Giải pháp về đầu tư cho con người và cơ sở vật chất
Qua khảo sát cho thấy điều kiện, phương tiện làm việc của Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Thanh Hoá, văn phòng đăng ký QSDĐ thành phố còn hạn chế. Phòng làm việc chật hẹp, các phương tiện làm việc còn đơn giản, thủ công. Lực lượng biên chế làm việc tại phòng Tài nguyên và Môi trường còn quá mỏng chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong quản lý đất đai hiện nay. Đối với cán bộ địa chính xã thì các phương tiện, trang thiết bị lại càng thiếu thốn. Do đó cần có quy định dành một tỷ lệ nhất định trong nguồn thu tài chính từ đất đai để đầu tư trực tiếp cho công tác quản lý đất đai của địa phương như đào tạo nguồn nhân lực, mua sắm trang thiết bị, cung cấp thông tin, tài liệu chuyên môn, pháp luật, internet... chế độ khen thưởng.
- Cần quan tâm hơn nữa về ngân sách chi cho công tác quản lý đất đai đặc biệt là công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai, cấp GCNQSDĐ để người sử dụng đất thực hiện các QSDĐ được thuận lợi hơn.
4.3.5.3. Giải pháp về tổ chức quản lý hoạt động thực hiện các QSDĐ
- Phần lớn các hộ gia đình được điều tra cho rằng thời gian hoàn thiện các thủ tục chuyển QSDĐ còn dài, mất quá nhiều thời gian, do vậy cần giảm bớt các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho công dân trong quá trình thực hiện các quyền của người sử dụng đất, rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Thay đổi và hoàn thiện hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hoạt động của bộ phận một cửa liên thông tại UBND thành phố để mang lại hiệu quả cao hơn nữa đối với người dân và doanh nghiệp trong việc đăng ký đất đai.
Nhiều hộ dân được điều tra chưa nắm được trình tự thực hiện các thủ tục hành chính, do vậy cần công khai minh bạch mọi thủ tục, hồ sơ, phí và lệ phí để người dân nắm được để giảm bớt được thời gian đi lại và hoàn thiện hồ sơ của công dân.
- Thành lập đường dây nóng để tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính, về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên
chức thực thi nhiệm vụ hạn chế sự sách nhiễu, phiền hà, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong khi giải quyết công việc của công dân.
- Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ địa chính cơ sở.
- Hoàn thiện việc cấp GCNQSDĐ.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đất đai, xử lý dứt điểm không kéo những vi phạm, đồng thời ngăn chặn kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm phát sinh.
4.3.5.4. Giải pháp về chính sách
Nhà nước cần hoàn thiện các quy định về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng trong thời gian tới. Bởi vậy, việc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án luôn luôn được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và sự xem xét tháo gỡ kịp thời các chính sách. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng vẫn cần được Nhà nước xem xét hoàn thiện các quy định chung và cần đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Tỉnh và thành phố cần tăng cường biện pháp quản lý việc cho thuê đất nông nghiệp và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định. Có như vậy, hộ gia đình, cá nhân được thuê đất sẽ yên tâm đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cần có những quy định cụ thể về quy trình thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất để quản lý việc chuyển nhượng QSDĐ. Người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định với dự án đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất sẽ mang lại lợi ích cao hơn cho người sử dụng đất. Vì họ được thỏa thuận về giá chuyển nhượng trực tiếp với chủ đầu tư, Nhà nước đã cho phép người sử dụng đất quyền này, tuy nhiên Nhà nước cần có biện pháp quản lý tốt để phát huy hiệu quả xã hội.
Để nâng cao tỷ lệ người dân thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp đến đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm các khoản phí khi thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ.
Tỉnh và thành phố cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để người sử dụng đất thực hiện các QSDĐ được thuận tiện, nhanh chóng. Thủ tục
hành chính đặt ra cho cơ quan nhà nước và người sử dụng đất khi người sử dụng đất thực hiện QSDĐ đúng quy định pháp luật và thực hiện một cách thống nhất.
Trong điều kiện kinh tế-xã hội ngày càng biến đổi không ngừng và đòi hỏi sự đáp ứng của bộ máy nhà nước ngày càng tiến bộ, phát triển. Do đó, nếu không cải cách thủ tục hành chính thì không thể đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tế được. Nhất là tại Thành phố Thanh Hoá, nhu cầu thực hiện các QSDĐ rất cao, đặc biệt là chuyển nhượng QSDĐ, thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị QSDĐ. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục có biện pháp cải cách các thủ tục hành chính hơn nữa.
Qua thực tế tại thành phố về cho thuê QSDĐ, Nhà nước cần có các biện pháp nhằm tận thu thuế cho thuê nhà đất trong dân, giải quyết tình trạng thất thu thuế như hiện nay.
- Trên địa bàn Thành phố Thanh Hoá tỷ lệ người dân thế chấp QSDĐ đến đăng ký tại Văn phòng đăng ký QSDĐ đạt tỷ lệ 100%, tuy nhiên số lượng người dân thực hiện quyền này vẫn còn thấp. Do đó cần giảm các thủ tục hành chính và giảm các khoản phí, lệ phí để người dân thực hiện quyền thế chấp nhiều hơn.
- Công khai quy hoạch sử dụng đất; xác định rõ địa chỉ, vị trí ranh giới đất thuộc dự án đầu tư, người sử dụng đất không được sử dụng vào mục đích khác.
Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, hoạch định rõ các khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất sẽ có các kế hoạch sử dụng đất hợp lý, yên tâm chuyển nhượng, cho thuê hay nhận chuyển nhượng, cho thuê QSDĐ để đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, thành phố cần xây dựng phương án quy hoạch dài hạn, có tính khả thi cao để người dân yên tâm sử dụng đất theo quy hoạch, kích thích “cầu” đất phát triển.
- Bổ sung, hoàn thiện hơn nữa chính sách thu tiền sử dụng đất. Thực tế giá đất tính nộp tiền sử dụng đất áp dụng quá cao, gần sát giá thị trường. Chính vì vậy, nhiều người dân chỉ làm công việc nhà nông, kinh doanh nhỏ lẻ không đủ tiền SDĐ để nộp vào ngân sách.
- Cần có chính sách thuế hợp lý phù hợp với thu nhập của người sử dụng đất thực hiện tốt quyền của theo quy định của pháp luật.