* Thực trạng THA ở người cao tuổi tại xã Bắc Phong.
Tăng huyết áp là bệnh không lây nhiễm ngày càng phổ biến, tuổi càng cao nguy cơ THA càng cao, bệnh tiến triển kéo dài, có nhiều biến chứng nguy hiểm gây tử vong hoặc tàn phế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng [21].
Trong nghiên cứu này đối tượng nghiên cứu được chọn là nhóm tuổi trên 60 tuổi, không phân biệt giới tính. Nhóm tuổi này do chịu tác động của nhiều yếu tố phơi nhiễm nên có nguy cơ cao, có thể đã mắc một số bệnh mạn tính nhất là các bệnh không lây nhiễm, mà đặc biệt là THA. Việc phát hiện sớm những người có nguy cơ cao, những người đã mắc THA để từ đó can thiệp các giải pháp phòng bệnh, ngăn chặn tình trạng tiến triển thành bệnh, ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn, hạn chế các biến chứng do THA gây ra, phù hợp với chiến lược hiện nay của Việt Nam. Đó cũng là lý do mà chúng tôi chọn những người trong nhóm tuổi này để nghiên cứu. Trong 460 đối tượng tham gia nghiên cứu có 41,96% là nam và 58,04% là nữ. Đối tượng nghiên cứu đa số là dân tộc Mường chiếm 52,6%; trình độ học vấn chủ yếu là trung học cơ sở chiếm 40,7%, nghề nghiệp của đối tượng chủ yếu là nông dân chiếm 73%. Tỷ lệ dân tộc Mường chiếm chủ yếu trong nghiên cứu, điều này phù hợp với đặc điểm của tỉnh Hòa Bình, nơi mà tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đến 74,3%.
Qua nghiên cứu trên 460 đối tượng người cao tuổi tại xã Bắc phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình năm 2020. Cho thấy tỷ lệ người cao tuổi bị mắc bệnh THA tại đây chiếm 42%, thấp hơn tỷ lệ báo cáo từ tuyến y tế cơ sở (báo cáo từ Trạm Y tế xã Bắc phong) năm 2019 là 50,6%. Điều này cho thấy trong năm 2020 tỷ lệ mắc bệnh THA ở người cao tuổi tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong có chiều hướng giảm mạnh, tuy nhiên cũng có thể do công tác quản lý, báo cáo thống
kê số liệu về bệnh THA ở người cao tuổi tại tuyến y tế cơ sở chưa thực hiện tốt.
Việc quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là quản lý các bệnh mãn tính hầu hết là đang phải kiêm nhiệm nhiều các chương trình, hoạt động khác tại Trạm Y tế. Đây cũng là một trong những khó khăn ở hầu hết các Trạm Y tế xã/thị trấn.
Tỷ lệ THA trong nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu của Võ Thị Kim Anh nghiên cứu trên 450 người cao tuổi tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2013 (tỷ lệ THA ở người cao tuổi chiếm 35,56% [2]. Thấp hơn nghiên cứu của tác giả Hoàng Phương Thủy nghiên cứu trên 232 người cao tuổi tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng năm 2013 (tỷ lệ THA ở người cao tuổi chiếm 51,29% [34]. Thấp hơn nghiên cứu của Trần Văn Long nghiên cứu trên 345 người cao tuổi tại xã Tam Thanh và xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định năm 2012 (tỷ lệ THA ở người cao tuổi chiếm 52,8% [16].
Cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc nghiên cứu trên 210 người cao tuổi tại phường (tỷ lệ THA ở người cao tuổi là 37,6%) [19]. Tương đương với nghiên cứu về tỷ lệ và một số yếu tố liên quan đến tăng huyết áp ở người cao tuổi tại thị trấn Châu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội (năm 2011), cho thấy 45% người cao tuổi bị tăng huyết áp, trong đó có hơn 1/3 đối tượng nghiên cứu không biết mình bị tăng huyết áp [12].
* Thực trạng THA ở người cao tuổi tại xã Bắc Phong theo giới tính.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ THA ở nam giới và nữ giới có sự khác biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ THA của người cao tuổi ở nữ giới (54,4%) cao hơn nam giới (45,6%). Tỷ lệ này ở nữ giới cao hơn nam giới có thể do nữ giới ít hoạt động thể lực hơn nam giới hoặc do thói quen sinh hoạt của nữ giới có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp hơn nam giới. Ở tuổi trẻ thì THA ở nam cao hơn do hút thuốc, uống rượu, kinh tế - xã hội, nhưng ở nữ khi trên 50 tuổi thì tỷ lệ THA cao hơn do ảnh hưởng của nội tiết tố thời kì mãn kinh, sử dụng hormon thay thế, béo phì, giảm hoạt động thể lực,... Tuy nhiên sự khác
biệt không rõ rệt. Vậy việc khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị dự phòng đều được quan tâm ở cả nam giới và nữ giới [10].
Kết quả này giống với kết quả nghiên cứu của Võ Thị Kim Anh, tỷ lệ THA của người cao tuổi ở nữ giới là 53,3%, ở nam giới là 46,7% [2]. Giống với kết quả nghiên cứu của Hoàng Phương Thủy, tỷ lệ THA của người cao tuổi ở nữ giới là 52,94%, ở nam giới là 48,96%[34]. Giống với kết quả nghiên cứu của Trần Văn Long, tỷ lệ THA của người cao tuổi ở nữ giới là 62,09%, ở nam giới là 37,91%[16]. Kết quả nghiên cứu khác với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc, tỷ lệ THA của người cao tuổi ở nữ giới là 32,4% và ở nam giới là 48,5%
[19].
* Phân độ THA ở người cao tuổi tại xã Bắc Phong.
Trong tổng số 460 đối tượng nghiên cứu có 267 đối tượng có HA bình thường (chiếm 58%), 139 đối tượng mắc THA độ I (chiếm 30,2%), 46 đối tượng mắc THA độ II (chiếm 10%) và 8 đối tượng mắc THA độ III (chiếm 1,7%). Tỷ lệ người cao tuổi có huyết áp bình thường chiếm tỷ lệ cao nhưng vẫn nên tăng cường tư vấn, kiểm tra sức khỏe và thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh bị mắc các bệnh về tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng. Vì theo nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới bệnh tăng huyết áp ngày càng phổ biến ở mọi đối tượng, giới tính và nghề nghiệp nhưng người ta thấy tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn ở người cao tuổi [8].
Trong số những người bị THA thì tỷ lệ người cao tuổi bị THA độ I cao nhất (chiếm 30,2%) là mức độ nhẹ, cần được phát hiện và can thiệp y tế kịp thời sẽ hạn chế biến chứng, góp phần giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho y tế, gia đình và xã hội. Đối với các đối tượng bị THA độ II và độ III cần điều trị và theo dõi chỉ số HA hàng ngày tránh để xảy ra các tai biến, biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với sự tiến bộ của ngành y tế nói chung và sự thành công của chương trình y tế quốc gia về phòng chống bệnh tăng huyết áp mà công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp đã tốt hơn. Cùng với đó là ý thức phòng và điều trị
bệnh của người dân ngày càng được nâng cao. Do vậy mà những người mắc tăng huyết áp thường ở mức độ nhẹ và tăng huyết áp ở các mức độ nặng giảm dần.
Kết quả nghiên cứu này gần giống nghiên cứu của Võ Thị Kim Anh, tỷ lệ THA độ I chiếm 20,2%, THA độ II chiếm 10,4%, THA độ III chiếm 4,9% [2].
Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc, tỷ lệ THA độ I chiếm 32,9%, THA độ II chiếm 20,0%, THA độ III chiếm 2,9% [19].
* Đặc điểm THA ở người cao tuổi.
Hầu hết các đối tượng THA đều THA cả tâm thu và tâm trương (chiếm 73,1%), THA tâm trương đơn độc chiếm tỷ lệ còn lại 26,9%. Tỷ lệ THA tâm trương đơn độc cao, tỷ lệ này có thể được kiểm soát tốt với những thay đổi cá nhân và lối sống. Kết quả nghiên cứu này tương đồng so với nghiên cứu của Hoàng Phương Thủy, tỷ lệ THA cả tâm thu và tâm trương là 65,55%, tỷ lệ THA tâm thu đơn độc là 25,21%, THA tâm trương đơn độc là 9,24 [34].
* Thực trạng THA theo nhóm tuổi.
Tỷ lệ THA ở người cao tuổi của xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình chủ yếu ở nhóm tuổi từ 60-69 tuổi (chiếm 56,5%), tiếp đến là nhóm tuổi từ 70-79 tuổi (chiếm 26,9%) và tỷ lệ này ở nhóm tuổi trên 80 tuổi là 16,6%. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ THA có chiều hướng giảm dần từ nhóm tuổi 60 đến trên 80 tuổi. Điều này có thể do thói quen sinh hoạt ở các nhóm tuổi khác nhau hoặc do ở nhóm tuổi 60-69 tuổi vẫn phải tham gia lao động chân tay, ít có thời gian nghỉ ngơi, quan tâm đến sức khỏe.
Kết quả nghiên cứu này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc, tỷ lệ THA ở nhóm tuổi từ 60-69 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 51,9%), tiếp đến là nhóm tuổi từ 70-79 tuổi (chiếm 41,8%) và tỷ lệ này ở nhóm tuổi trên 80 tuổi là 6,3% [19]. Kết quả nghiên cứu này khác với nghiên cứu của Trần Văn Long, tỷ lệ THA ở nhóm tuổi từ 70-79 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 51,6%), tiếp đến là nhóm tuổi từ 60-69 tuổi (chiếm 28,0%) và tỷ lệ này ở nhóm
tuổi trên 80 tuổi là 20,3% [16]. Kết quả nghiên cứu này khác với kết quả nghiên cứu của Hoàng Phương Thủy, độ tuổi càng cao thì tỷ lệ THA càng tăng [34]. Khác với kết quả nghiên cứu của Võ Kim Anh, Tỷ lệ THA ở nhóm >80 tuổi là cao nhất (chiếm 71,4%) và tỷ lệ này ở nhóm từ 60-69 tuổi là 33,0% [2].
Một nghiên cứu khác tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội của nhóm tác giả Trần Thúy Liễu, Lê Văn Tuấn và cộng sự cũng chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp gia tăng theo tuổi, cụ thể nhóm tuổi 60 – 69 có tỷ lệ mắc tăng huyết áp là 42,1%; nhóm 70 – 79 tuổi là 54,8% và nhóm trên 80 tuổi là 60,6%
[30]. Có thế thấy tuổi càng cao thì sức khỏe của con người sẽ càng suy giảm do chức năng của các cơ quan không còn khỏe mạnh và sức đề kháng sẽ càng ngày càng yếu dần, vì vậy có thể sự gia tăng của các bệnh trong đó có bệnh tăng huyết áp sẽ song hành cùng với độ tuổi ngày một lớn hơn. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả, tuổi càng cao thành mạch càng xơ cứng và càng dễ THA. Mối liên quan giữa tuổi và THA đã được xác định qua nhiều nghiên cứu cắt ngang cho thấy có liên hệ giữa tuổi và huyết áp trong hầu hết các dân tộc với những khác nhau về địa dư, văn hóa, đặc tính kinh tế xã hội, tuổi càng cao thì tỉ lệ tăng huyết áp càng cao[2],[8].
* Thực trạng THA theo nghề nghiệp trước khi nghỉ hưu.
Tỷ lệ THA ở người cao tuổi trước khi nghỉ ngơi chủ yếu ở các đối tượng có nghề nghiệp làm nông (nông dân) chiếm 73,6%, tiếp đến là cán bộ công chức nhà nước. Điều này có thể do thói quen sinh hoạt ở nhóm đối tượng làm nông có nguy cơ cao như ăn mặn, ăn nhiều mỡ động vật, thường xuyên uống bia, rượu, hút thuốc lá, thuốc lào,...