* Thừa cân, béo phì
Trong xã hội hiện đại và năng động như hiện nay thì thừa cân và béo phì đang có xu hướng phổ biến và tăng nhanh trong cộng đồng, là một trong những
vấn đề nổi cộm ở các nước phát triển và có xu hướng tăng mạnh ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam tỷ lệ thừa cân béo phì khoảng 12,5%. Người bị béo phì ngoài thân hình phì nôn, nặng nề, khó coi... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp và các bệnh lý Tim mạch, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp... và ung thư. Các bệnh lý về tim mạch có liên quan đến thừa cân, béo phì là: Bệnh động mạch vành (đau thắt ngực), nhồi máu cơ tim; Suy tim ứ huyết; Tai biến mạch não (đột quỵ); Tăng huyết áp; Rối loạn mỡ (lipid) máu Qua các nghiên cứu, người ta thấy nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do béo phì gây ra là: Tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường; Tăng nguy cơ đột quỵ lên 6 lần; Tăng huyết áp 12 lần; Tiểu đường tăng 6 lần…[2].
Béo phì là một yếu tố nguy cơ gây THA, béo phì còn liên quan với một số yếu tố nguy cơ khác như rối loạn lipid máu, hiện tượng kháng insulin, glucose tăng máu, thiếu hụt lipoprotein lipase, các yếu tố này có vai trò trong bệnh sinh THA. Tim của người béo phì buộc phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu và oxy cho khối mỡ thừa[10].
Kết quả phân tích cho thấy nguy cơ mắc bệnh THA ở người cao tuổi thừa cân, béo phì cao hơn 2,95 lần so với đối tượng bình thường. Kết quả này có ý nghĩa thống kê với p<0,05 (95% CI: 1,79-4,86).
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Võ Kim Anh, nguy cơ mắc THA ở người thừa cân, béo phì cao gấp 2,03 lần so với đối tượng bình thường (kết quả có ý nghĩa thống kê với p<0.05)[2]. Kết quả nghiên cứu này khác với nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc, nguy cơ mắc bệnh THA ở người thừa cân, béo phì cao hơn 2,31 lần so với đối tượng bình thường, tuy nhiên kết quả này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05, (95%CI: 0,111-1,689) [19].
Nghiên cứu của Trần Văn Long tỷ lệ THA, nguy cơ mắc bệnh THA ở người thừa cân, béo phì cao hơn 1,47 lần so với đối tượng bình thường, tuy nhiên kết quả này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05, (95% CI: 0,78-2,76) [16].
Vậy béo phì là một yếu tố nguy cơ gây THA, béo phì còn liên quan với một số yếu tố nguy cơ khác như rối loạn lipid máu, hiện tượng kháng insulin, glucose tăng máu, thiếu hụt lipoprotein lipase, các yếu tố này có vai trò trong bệnh sinh THA. Tim của người béo phì buộc phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu và oxy cho khối mỡ thừa
* Hành vi hút thuốc lá
Nguyên nhân của tình trạng tăng huyết áp ở những người hút thuốc lá là nicotin. Nicotin là chất gây nghiện, làm kích thích sản sinh adrenaline nên hút thuốc lá làm tim đập nhanh, nhịp tim trở nên nhanh hơn và huyết áp cao. Vì vậy, tình trạng này dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Huyết áp sẽ trở lại bình thường ở khoảng giữa những lần hút thuốc nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu không ngừng hút thuốc. Nếu hút thuốc lá quá nhiều lần trong ngày sẽ làm tăng chỉ số huyết áp trung bình. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng huyết áp dao động là yếu tố nguy hiểm hơn cả bệnh tim mạch [40].
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 2-3 lần. Khi hít khói thuốc vào cơ thể sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu.
Khói thuốc gây THA cấp tính và THA dao động. Hút thuốc còn giảm tác dụng của các thuốc điều trị THA. Mặc dù chưa được chứng minh rõ ràng là yếu tố nguy cơ về tăng huyết áp nhưng là một nguy cơ lớn về bệnh tim mạch. Một vài nghiên cứu chứng minh giữa hút thuốc lá và THA có mối liên quan và các chương trình giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân THA đều khuyên bỏ hút thuốc [33].
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ THA ở các đối tượng có hút thuốc lá cao gấp 2,19 lần so với các đối tượng không hút thuốc. Kết quả này có ý nghĩa thống kê ((với p<0,005, 95%CI: 1,49-3,23). Kết quả nghiên cứu này khác với kết quả nghiên cứu của Trần Văn Long, nguy cơ THA ở các đối tượng có hút thuốc lá cao gấp 1,05 lần so với các đối tượng không hút thuốc, tuy nhiên kết quả này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05 (95%CI: 0,47-2,32) [16]. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc, người có thói quen hút thuốc thì tỷ lệ thấp hơn 0,84
lần nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm [19]. Kết quả nghiên cứu của Võ Kim Thanh, người có thói quen hút thuốc thì tỷ lệ thấp mắc THA thấp hơn 0,74 lần nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm [24].
Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều đối tượng tuổi càng cao thì tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm dần do sức khỏe không còn dẻo dai như trước, sự xuất hiện các bệnh mạn tính sẽ gia tăng vì vậy giảm thói quen hút thuốc lá là lời khuyên của cán bộ y tế dành cho đối tượng nghiên cứu. Cùng chung xu hướng trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới luôn cao hơn nữ giới và đặc biệt ở những đối tượng cao tuổi thì tỷ lệ này càng chênh lệch rõ.
* Thói quen ăn mặn
Các thử nghiệm cho thấy rằng ăn muối nhiều natri (trên 14g/ngày) sẽ gây THA trong khi ăn ít muối (<1g/ngày) gây giảm huyết áp động mạch. Theo WHO nên ăn <6g muối/ngày, hạn chế muối trong khẩu phần ăn hàng ngày là một trong những biện pháp dễ nhất để phòng ngừa THA và đây cũng là cách điều trị hiệu quả nhất mà không phải dùng thuốc.
Hiện nay, WHO khuyến cáo chế độ ăn muối chỉ có 6g/ngày là giới hạn để phòng chống THA. Các nghiên cứu cũng cho thấy nhiều trường hợp còn chưa biết chế độ ăn nhạt. Chế độ ăn giảm muối vừa phải (1-2,5g muối/mỗi ngày) áp dụng cho các trường hợp THA hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu, trong chế độ ăn này chỉ cần có ý thức giảm bớt muối cho vào thức ăn hơn trước. Mặt khác, một số người biết cần phải ăn nhạt nhưng lại khó từ bỏ được thói quen ăn mặn [40].
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối thì tần suất mắc bệnh THA tăng cao rõ rệt. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể kiểm soát được bệnh. Muốn sống được, cơ thể con người ta cần có muối. Tuy nhiên ăn quá nhiều muối sẽ làm ứ nước trong cơ thể, tăng khối lượng tuần hoàn khiến huyết áp cũng tăng lên và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu điều tra khẩu phần ăn từng vùng, các nhà nghiên
cứu thấy rằng vùng nào ăn nhiều muối thì có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn. Như vậy, lượng muối ăn hàng ngày quá cao là một nguyên nhân gây tăng huyết áp trong các quần thể.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh THA ở các đối tượng ăn mặn cao gấp 2,24 lần so với các đối tượng không ăn mặn. Kết quả này có ý nghĩa thống kê (với p<0,05, 95%CI: 1,24-4,03). Kết quả nghiên cứu này khác với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc, tỷ lệ THA ở người có thói quen ăn mặn là 38,1%, tỷ lệ này ở người không có thói quen ăn mặn là 36,8% (OR = 0,99;
95%CI: 0,53-1,99; p > 0,05) [19].
* Thói quen uống rượu bia.
Thói quen uống rượu bia hiện nay rất phổ biến không chỉ có ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Nhiều người vẫn xem việc mời rượu bia là hình thức hết sức bình thường, cứ có dịp gặp mặt, liên hoan, chung vui, chia buồn đều có rượu bia. Tỷ lệ người đã từng uống rượu bia cho đến thường xuyên uống rượu, bia qua nghiên cứu rất cao chiếm hơn 70%. Trên địa bàn xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình việc uống rượu bia đều xuất hiện ở nhiều các hoạt động của gia đình, đoàn thể như các hoạt động hiếu hỉ, ăn cơm mới, các dịp lễ kỉ niệm, đầy tháng,... Việc uống rượu bia là hết sức bình thường và dần có thể đã trở thành phong tục, tập quán của người dân trên địa bàn. Khi được hỏi về vấn đề uống rượu bia thì hầu hết mọi người đều biết có hại cho sức khỏe tuy nhiên nhiều công việc không thể không có rượu bia.
Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ mắc bệnh THA ở người thường xuyên uống rượu bia chiếm 89,6%; Nguy cơ tăng huyết áp ở các đối tượng thường xuyên uống rượu bia cao gấp 3,38 lần so với các đối tượng không thường xuyên uống rượu bia. Kết quả này có ý nghĩa thống kê (với p<0,005, 95%CI: 1,98-5,77). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Trần Văn Long, tỷ lệ mắc bệnh THA ở những người thường xuyên uống rượu bia cao hơn gấp 1,47 lần so với những người không thường xuyên uống bia (95%CI: 0,65-3,35) [16]. Nghiên cứu
của Nguyễn Thanh Ngọc đã cho thấy tỷ lệ THA ở người có thói quen uống rượu bia là trên 50% và người không có thói quen uống rượu bia là 36,5% (OR=1,74, 95%CI: 0,66-4,59) [19]. Nghiên cứu của Võ Thị Kim Anh đã cho thấy tỷ lệ THA ở người có uống rượu bia là 37,7%, người không uống rượu bia là 30,1% (p>0,05).
* Thói quen ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật
Qua nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật là một trong số những yếu tố tiềm ẩn có thể gây bệnh THA. Người dân tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong thường xuyên có thói quen sử dụng thức ăn có nhiều mỡ động vật từ xưa tới nay. Người dân ở đây thường dùng mỡ lợn để xào rau, rang cơm, chế biến các món rán, thậm chí mỡ lợn là món chính để ăn với cơm và nước mắm. Có nhiều người dân cho rằng dầu ăn (dầu thực vật) ăn không ngon, không có vị béo, ngậy và không thơm nhưng hầu hết là người dân không có điều kiện để thường xuyên sử dụng dầu thực vật.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ tăng huyết áp ở các đối tượng ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật cao gấp 3,85 lần so với các đối tượng ăn thức ăn không có nhiều mỡ động vật. Kết quả này có ý nghĩa thống kê (với p<0,005, 95%CI:
2,1-7,02). Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc đã cho thấy tỷ lệ THA ở người không có thói quen ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật là 35,2% [19].
* Hành vi thường xuyên vận động thể lực.
Hoạt động thể lực trong nghiên cứu này bao gồm cả thời gian làm việc và tập thể dục thể thao. Tỷ lệ người cao tuổi thường xuyên vận động thể lực chiếm tỷ lệ tương đối cao 50,9%. Tỷ lệ này trong nghiên cứu cao do hầu hết những người trong độ tuổi từ 60-69 tuổi vẫn đang phải lao động chân tay như làm vườn, chăn nuôi,... Do đặc điểm địa bàn xã Bắc Phong, huyện Cao Phong không có làng nghề, không có những công việc nhẹ nhàng thích hợp với người cao tuổi nên hầu hết người cao tuổi ở đây vẫn tham gia các công việc cần có sức khỏe.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ tăng huyết áp ở các đối tượng ít vận động thể lực cao gấp 1,49 lần so với các đối tượng thường xuyên vận động thể lực. Kết quả này có ý nghĩa thống kê (với p<0,05, 95%CI: 1,03-2,17). Tỷ lệ mắc bệnh THA ở những người ít vận động thể lực là 54,9%. Kết quả này cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc (43,7%) [19] và kết quả nghiên cứu của Trần Văn Long (49,7%) [16].
* Tiền sử gia đình có người mắc bệnh THA.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ THA ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh THA chiếm 25,8%, tỷ lệ này thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Ngọc (37,1%) [19] và nghiên cứu của Võ Thị Kim Anh (54,9%).