2.3. Những nghiên cứu trong nước
2.3.4. Những nghiên cứu về sâu đục thân lúa hai chấm
Sâu đục thân bướm hai chấm là loài đục thân phổ biến và quan trọng nhất ở Việt Nam. Chúng phân bố rộng rãi ở khắp các vùng trồng lúa trong cả nước, từ
đồng bằng, ven biến đến các vùng trung du và miền núi. Chúng phá hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây lúa, từ giai đoạn mạ cho đến lúc thu hoạch, gây hiện tượng nõn héo, bông bạc. Những năm sâu phát sinh nhiều, tỷ lệ bông bạc trên một số trà lúa có thể lên tới 20-30%, đôi khi lên tới 90% và thậm chí là mất trắng. Ở Gia Lâm (Hà Nội) vụ mùa 1987 và 1988 nhiều ruộng lúa cấy giống Mộc tuyền và nếp bị hại rất nặng, tỷ lệ bông bạc trên Mộc tuyền từ 20-30%, trên nếp lên tới 70-80%. Năm 1996 diện tích lúa bị hại do sâu đục thân trên cả nước là 742.000 ha, trong đó có 167.000 ha bị hại nặng; năm 1997, các số liệu tương ứng là 657.000 và 75.000 ha. Các số liệu tổng kết trong những năm 2006-2010 cũng cho thấy thiệt hại của sâu đục thân là rất lớn, nhìn chung năm sau cao hơn năm trước, dao động từvài trăm ngàn ha. Các loài sâu đục thân lúa khác như loài sâu đục thân lúa 5 vạch đầu nâu, 5 vạch đầu đen, sâu bướm cú mèo... thường ít phổ biến hơn và không gây tác hại đáng kể trong các năm gần đây (Tổng cục thống kê, 2016).
* Đặc điểm sinh học của sâu đục thân lúa hai chấm
Một số nghiên cứu được tiến hành năm 1955 - 1956 ở Viện Khảo cứu Nông Lâm và vào thập niên 70 thế kỷ XX ở khoa Sinh đại học Tổng hợp Hà Nội. Các thí nghiệm nuôi sinh học sâu đục thân lúa 2 chấm được thực hiện trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, biến động từ 15,80C đến 280C và ẩm độ là 75 - 80%. Vì vậy kết quả thu được rất biến động.
Pha trứng: Thời gian phát dục của pha trứng, tuỳ theo điều kiện nhiệt độ khi thí nghiệm, biến động từ 6,2 - 20,4 ngày (Vũ Đình Ninh, 1974; Phạm Bình Quyền, 1976).
Pha sâu non: Sâu non của sâu đục thân lúa 2 chấm có 5 tuổi. Thời gian phát dục của pha sâu non (tuỳ theo nhiệt độ thí nghiệm) kéo dài khoảng từ 27,5 ngày đến 73,5 ngày (Vũ Đình Ninh, 1974; Phạm Bình Quyền, 1976) .
Pha nhộng: Thời gian phát dục của pha nhộng (tuỳ theo nhiệt độ thí nghiệm) kéo dài từ 6,6 ngày đến 27 ngày (Vũ Đình Ninh, 1974; Phạm Bình Quyền, 1976).
Pha trưởng thành: Thời gian của pha trưởng thành biến động từ 1 ngày đến 12 ngày (Vũ Đình Ninh, 1974).
Thời gian vòng đời: Thời gian vòng đời của sâu đục thân lúa 2 chấm thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ khi nuôi. Trong thí nghiệm tại
Viện Khảo cứu Nông Lâm ở điều kiện nhiệt độ biến động từ 15,80C đến 24,50C thì thời gian vòng đời của sâu đục thân lúa 2 chấm biến động từ 68 đến 98 ngày. Thí nghiệm tại Trạm BVTV vùng Khu 4 năm 1967 - 1968 ở điều kiện nhiệt độ 18,6 - 250C sâu đục thân lúa 2 chấm có thời gian vòng đời kéo dài là 46 - 82 ngày (Vũ Đình Ninh, 1974). Nuôi trong điều kiện nhiệt độ 20 - 280C, ẩm độ 75 - 80%, thời gian vòng đời của sâu đục thân lúa 2 chấm trung bình là 41,5 - 115,9 ngày (Phạm Bình Quyền, 1976).
Khả năng đẻ trứng của trưởng thành cái: Mỗi ngài cái có thể đẻ từ 1 - 5 ổ, mỗi ổ có số trứng trung bình cao nhất theo dõi năm 1973 trên 7 lứa sâu trong năm với 1.854 ổ trứng của Trạm Bảo vệ thực vật vùng đồng bằng biến động từ 89 - 285,2 quả/ ổ, theo dõi 676 ổ trứng năm 1974 số quả trứng biến động từ 115 - 217,7 trứng/ ổ (Hồ Khắc Tín, 1982). Theo Đường Hồng Dật (2006), mỗi ngài cái đẻ từ 1 - 5 ổ trứng, mỗi ổ trứng có trung bình từ 100 - 150 quả trứng.
* Các yếu tố sinh thái ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của sâu đục thân lúa hai chấm
Nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến thời gian phát dục các pha và thời gian vòng đời của sâu đục thân lúa bướm 2 chấm. Ở nhiệt độ 280C, thời gian vòng đời của sâu đục thân lúa bướm 2 chấm là 41,5 ngày. ở nhiệt độ 200C có thời gian vòng đời kéo dài tới 115,9 ngày. Thời gian phát triển các pha trứng, sâu non, nhộng tương ứng biến động trongcác khoảng 6,2 - 20,4; 27,5 - 73,5 và 6,6 - 22,0 ngày (Phạm Bình Quyền, 1976) . Điều kiện thời tiết đầu năm ảnh hưởng lớn đến sự phát sinh của sâu đục thân lúa bướm 2 chấm. Nếu đầu năm rét muộn kéo dài thì lứa 1 xuất hiện muộn và chỉ hoàn thành 6 lứa trong năm. Nếu đầu năm ấm áp, lứa 1 xuất hiện ngay từ cuối tháng 2 thì sâu đục thân lúa bướm 2 chấm hoàn thành 7 lứa trong năm (Mai Thọ Trung, 1979).
Cơ cấu giống lúa, mùa vụ, phân bón đều ảnh hưởng tới sự phát sinh và số lượng của sâu đục thân lúa bướm 2 chấm (Nguyễn Mạnh Chinh, 1977; Vũ Đình Ninh, 1974).
*Biện pháp phòng chống sâu đục thân lúa hai chấm - Biện pháp canh tác
Hiện tại vẫn chưa thấy có công trình nghiên cứu chuyên sâu về biện pháp canh tác trong phòng trừ sâu đục thân lúa ở Việt Nam. Các biện pháp canh tác phòng trừ sâu đục thân lúa đã được tổng kết là: cày lật đất ngay sau thu hoạch để
diệt nhộng sâu đục thân trong gốc rạ; luân canh lúa nước với cây trồng cạn; gieo cấy thời vụ sớm thích hợp với từng địa phương; dùng giống ngắn ngày và giống cực sớm trong vụ mùa để tránh sâu đục thân; sử dụng các giống kháng sâu hại.
Vùng đồng bằng sông Hồng, lúa đông xuân trỗ bông vào đầu tháng 5, lúa mùa trỗ bông vào đầu tháng 9 hầu như không bị sâu đục thân gây hại nặng. (Phạm Văn Lầm, 2006). Sử dụng giống kháng, theo Lampe (1994) đã nhận định: “Giống kháng là hòn đá tảng để phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Kết hợp giống kháng với biện pháp sinh học và biện pháp canh tác là chiến lược phòng trừ sâu bệnh hại lý tưởng đối với những nông dân nghèo ít vốn (Phạm Văn Lầm, 2006).
- Biện pháp thủ công
Các biện pháp thủ công đã được khuyến cáo và đưa vào sử dụng như bẫy đèn bắt bướm đồng loạt; tổ chức ngắt ổ trứng trên mạ, trên lúa; nhổ dảnh héo.
Vụ mùa 1988 tại Kiến Thụy (Hải Phòng) đã huy động các tổ chức đoàn thể đặt 5.056 bẫy đèn, thu được 0,5 triệu trưởng thành sâu đục thân lúa hai chấm. Tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã cắt được trên 40.000 dảnh héo sâu đục thân. Vụ mùa 2002 tại Hải Phòng thu được 23,5 triệu ổ trứng sâu đục thân lứa 5 (Phạm Văn Lầm, 2006; Hồ Khắc Tín, 1982).
- Biện pháp sinh học
Nghiên cứu từ đầu thập niên 1970 đã phát hiện được 12 loài ký sinh đồng thời đã đánh giá vai trò của chúng trong hạn chế số lượng sâu đục thân lúa hai chấm ở miền Bắc, Việt Nam (Phạm Bình Quyền,1972). Đến cuối thế kỷ 20, ở nước ta đã ghi nhận được 28 loài thiên địch của sâu đục thân lúa hai chấm (Phạm Văn Lầm, 2000). Các loài ong ký sinh đã được phát hiện trên trứng sâu đục thân hai chấm thuộc họ Trichogrammatidae (Trichogramma japonicum, T.
dendrolimi, T. Chilonis), họ Scelionidae (Telenomus digrus, Telenomus rowani), họ Eulophidae (Tetrastichus schoenobii) (Hồ Khắc Tín, 1982; Hà Quang Hùng, 1986).
Những nghiên cứu biện pháp sinh học trừ sâu đục thân lúa ở nước ta hầu như chưa được quan tâm. Năm 1995, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga đã đánh giá tính mẫn cảm của sâu đục thân lúa hai chấm S. Incertulas đối với các chế phẩm từ vi khuẩn Bt trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy trong điều kiện phòng thí nghiệm, chỉ có 3 trong 15 chế phẩm Bt có hiệu lực đạt 82,3 - 87,5% đối với sâu đục thân lúa hai chấm. Đó là các chế phẩm Bikol, Dipel và Bitoxibacillin.
Ong mắt đỏ Trichogramma japonicum xuất hiện trong sinh quần ruộng lúa từ tháng 1 đến tháng 12 hàng năm. Ong thích hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ 25 - 28oC, ẩm độ 80 - 86%. Có ý nghĩa nhất là ký sinh trứnglứa 2 là 65% ổ sâu đục thân bị ký sinh, trứng lứa 3 (mạ mùa) với 51,3% ổ trứng bị ký sinh. Ong đen Telenomus dignusxuất hiện trong sinh quần ruộng lúa từ tháng 2 đến tháng 11 hàng năm, nhiệt độ thích hợp 22 - 280C, ẩm độ 81 - 86%, có ý nghĩa nhất là ký sinh lứa trứng 1 với 41,6% ổ trứng sâu đục thân hai chấm bị ký sinh, lứa trứng 2 với 51,8%; lứa trứng 4 với 54,3%. Ong xanh Tetrastichus schoenobii xuất hiện trong sinh quần ruộng lúa từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, nhiệt độ thích hợp 18 - 28oC, ẩm độ 81 - 83%, có ý nghĩa nhất là ký sinh lứa trứng 5 và 6 với tỉ lệ 60% và 92% ổ trứng bị ký sinh Hà Quang Hùng, 1986).
- Biện pháp hóa học
Biện pháp phòng trừ phổ biến hiện nay vẫn là phun thuốc trừ sâu theo dự tính dự báo 1 tuần sau khi trưởng thành ra rộ. Thực tế việc phun thuốc trừ sâu có 1 số nhược điểm như phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vào sự sẵn có của công cụ như bình phun thuốc, lại có ảnh hưởng trực tiếp tới thiên địch… Trong khi đó người dân không quan tâm nhiều tới việc rắc 1 số loại thuốc hạt có hiệu quả.
Rắc thuốc có thể có 1 số ưu điểm khác mà việc phun thuốc không có được. Các thuốc hóa học được khuyến cáo dùng trên lúa trừcác sâu đục thân lúa là Padan 95 SP, Regent 800WG, Oncol 5G,. (Nguyễn Trường Thành, 1999, v.v..). (Các loại thuốc thuộc nhóm Cartap, Nereitoxin, Fipronil, Chlopyryfos Ethyl, Chlorantranilipron....).
Theo Nguyễn Trường Thành (1979) thì việc sử dụng thuốc hóa học trừ sâu đục thân lúa hai chấm ở các giai đoạn lúa đẻ nhánh, đòng già và bắt đầu trỗ chỉ tiến hành khi mật độ ổ trứng sâu đục thân đạt ngưỡng tương ứng là 1,0 - 1,5; 0,3 - 0,4 và 0,5 - 0,7 ổ trứng/m2.