Kết quả điều trị bệnh buồng trứng được thể hiện qua bảng 4.4.
Bảng 4.4. Tỷ lệ điều trị với vòng ProB và vòng CIDR trên đàn bò thí nghiệm Tổng số bò thí nghiệm
(con)
Số bò điều trị thành công (con)
Tỷ lệ (%)
ProB 35 28 80,0
CIDR 54 45 83,3
(P > 0,05)
Tuy nhiên, khi so sánh tỷ lệ có chửa với phương pháp gây rụng trứng thụ tinh nhân tạo có quan sát thời điểm động dục, phương pháp mới này đạt tỷ lệ chửa đẻ thấp hơn. Nguyên nhân chính bởi sự biến động của quá trình động dục và rụng trứng, nhiều bò xảy ra sớm hơn so với sinh lý bình thường (Rivera et al., 2004, 2005), dẫn đến thụ tinh muộn không đem lại hiệu quả. Việc ứng dụng vòng tẩm progesterone đặt âm đạo vào trong các công thức đã giúp ngành chăn nuôi khắc phục nhược điểm này (Kim et al., 2003; Sakase et al., 2007). Trong nghiên cứu của Iwakuma et al. (2008), tỷ lệ có chửa của nhóm thí nghiệm (Ovsynch + vòng CIDR) cho tỷ lệ có chửa cao hơn hẳn so với nhóm thí nghiệm (Ovsynch), và nhóm thí nghiệm (EB + Heatsynch). Sau điều trị, 28/35 (80%) bò động dục trở lại, thấp hơn so với nghiên cứu của Looney và cs. (2005) gây động dục trên đàn bò Bos indicus đạt tỷ lệ động dục là 94,0%.
Tỷ lệ có chửa tăng từ 7 – 10% sau khi thụ tinh nhân tạo được so sánh giữa hai nhóm bò gây động dục bằng phương pháp Ovsynch, một nhóm bổ sung progesterone vào công thức và một nhóm không (Bisinotto et al., 2010; Dewey et al., 2010). Trong nghiên cứu của El-Zakuorny et al. (2004), bổ sung P4 vào công thức gây động dục làm gia tăng tỷ lệ có chửa. Tuy nhiên, khi kết hợp thêm công thức trước đồng pha (Pre-synch) thì tỷ lệ có chửa không thay đổi. Việc bổ sung progesterone vào công thức gây động dục đồng pha cho hiệu quả cao hơn (Dewey
et al., 2010), bởi giảm tỷ lệ trứng rụng sớm (Chebel et al., 2013), và giúp dự đoán chu kỳ hoạt động của buồng trứng bò ở các chu kỳ tiếp theo. Cùng nhận định trên, Martins et al. (2011) nhận thấy những bò có nồng độ P4 vào ngày thứ 7 cao có tỷ lệ thụ tinh nhân tạo có chửa cao, do thúc đẩy quá trình phá vỡ thể vàng.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới hiệu quả gây động dục đồng pha là khoảng thời gian giữa mũi tiêm PGF2 và mũi tiêm GnRH thứ hai. Theo nghiên cứu của Forro et al. (2015), khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm từ 48h – 60h giúp tăng nồng độ progesterone P4 vào thời điểm thụ tinh nhân tạo. Ngoài ra, lứa đẻ cũng ảnh hưởng tới hiệu quả gây động dục trên đàn bò sữa. Bò ở lứa đẻ 1 có giá trị P4 lớn hơn vào ngày thứ 7, có thể khiến cho tỷ lệ có chửa cao hơn. Nguyên nhân trực tiếp có thể do ảnh hưởng của quá trình tiết sữa đối với nồng độ các hormone steroid trong cơ thể. Bò lứa 1 sản xuất sữa thấp hơn nên lượng thức ăn tinh thu nhận thấp và sẽ hạn chế lượng hormone chuyển hoá so với bò đẻ nhiều lứa (Sartori et al., 2004). Trong các nghiên cứu khác (Bisinotto et al., 2010; Martins et al., 2011) bò lứa 1 có nồng độ P4 lớn đạt tỷ lệ động dục, tỷ lệ có chửa sau khi gây động dục đồng pha cao hơn so với bò đẻ nhiều lứa.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các nghiên cứu khác trên thế giới khi cùng sử dụng vòng tẩm progesterone để gây rụng trứng, có lẽ do thời tiết nóng ẩm làm ảnh hưởng đến tỷ lệ động dục. Điều này phù hợp với Gwazdauskaset al. (1973), cho rằng độ ẩm và nhiệt độ cao ảnh hưởng đến khả năng động dục. White et al. (2002) cũng kết luận rằng stress gây ra bởi nhiệt độ môi trường cao làm giảm biểu hiện động dục trên bò.
Stress nhiệt là yếu tố môi trường chính làm giảm tỷ lệ có chửa vào mùa hè (Hansen, 1997a), do kìm hãm quá trình tiết LH và progesterone thể vàng. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của stress nhiệt làm thay đổi quá trình thành thục của nang trứng (Wolfenson et al., 2000), giảm lưu lượng máu tới tử cung (Roman- Ponce et al., 1978), và giảm nồng độ progesterone huyết thanh (Rosenberg et al., 1982; Howell et al., 1994). Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy tế bào trứng bị tổn thương khi thân nhiệt bò mẹ tăng cao, làm mất khả năng thụ tinh và phát triển (Putney et al., 1989; Ealy et al., 1993). Hiệu quả chọn lọc nang trứng trội thay đổi trong điều kiện stressn nhiệt, đem lại tác động xấu tới chất lượng nang trứng.
Kết quả thu được từ nghiên cứu ứng dụng 3 phương pháp gây động dục khác nhau cho thấy tỷ lệ có chửa vào mùa hè (27,71%) thấp hơn mùa xuân (50,79%);
mùa thu (60,61%) và mùa đông (68,50%) (Mohammad và Hamid, 2007). Đồng
thời, mùa hè có nhiệt độ cao và độ ẩm thấp nhất trong năm, khiến cho tỷ lệ có chửa giảm. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự khác biệt lớn trong công tác phát hiện động dục, ngày phối giống lần đầu sau đẻ, tỷ lệ có chửa (Cavestany et al., 1985; De Rensis et al., 2002; Almier et al., 2002) giữa mùa đông và mùa hè.
Đây là vấn đề chung của ngành chăn nuôi bò, gây thiệt hại cho 60% đàn bò sữa trên toàn thế giới. Khả năng sinh sản thấp được duy trì dưới sự ảnh hưởng của biến đổi nhiệt độ, khi mà nhiệt độ cao nhất vào ngày phối giống lớn hơn hoặc bằng 330C (Cavestany et al., 1985). Tỷ lệ có chửa trong mùa nóng thấp hơn mùa đông trong khoảng dao động từ 20 -30% (Cavestany et al., 1985; De Rensis et al., 2002). Stress nhiệt khiến cho cường độ và khoảng thời gian biểu hiện động dục giảm (Abilay et al., 1975; Gangwar et al., 1965), nên chỉ một số ít bò có biểu hiện động dục được phát hiện trong điều kiện stress nhiệt (Thatcher và Coiller, 1986). Tỷ lệ có chửa bị tác động bởi stress nhiệt vào giai đoạn trước khi phối (Chebel et al., 2004). Các quy trình và phương pháp làm mát được áp dụng tại các trang trại hiện nay không đem lại nhiều hiệu quả trong việc nâng cao khả năng sinh sản, thậm chí tại các trang trại được áp dụng hệ thống làm mát, điều hoà nhiệt độ xuống ngưỡng tương tự vào mùa đông (Hansen, 1997b).
Mặt khác, chế độ dinh dưỡng chưa đầy đủ tại trang trại cũng có thể là nguyên nhân khiến cho kết quả trong nghiên cứu thấp hơn so với các nghiên cứu khác (Wiltbank et al., 2011). Qua điều tra ban đầu, chúng tôi nhận thấy chế độ dinh dưỡng cho bò tại Phù Đổng còn đơn điệu, còn phụ thuộc vào mùa vụ, chưa có bộ phận cán bộ chuyên trách về dinh dưỡng để lên khẩu phần ăn hoàn chỉnh.
Đặc biệt, trong khẩu phần ăn của bò cung cấp không đủ lượng vitamin A và vitamin E, chính vì thế khi khám lâm sàng cơ quan sinh dục bò thấy cơ quan sinh dục bé, xơ xác, khiến cho tỷ lệ cấy truyền phôi thành công từ trước tới nay rất thấp. Sau khi bổ sung vitamin A và vitamin E vào khẩu phần ăn của bò dưới dạng bột trộn thức ăn trong vòng 20 ngày, kiểm tra lại thấy cơ quan sinh dục phát triển tốt, mềm mại, đủ tiêu chuẩn để thực hiện thí nghiệm. Kết quả này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra vai trò quan trọng của vitamin A và E đối với khả năng sinh sản của bò. Chế độ dinh dưỡng có bổ sung β-carotene và vitamin A làm tăng kích cỡ thể vàng và nồng độ progesterone huyết thanh so với nhóm đối chứng (không bổ sung). Tương tự với nghiên cứu của Graves – Hoagland et al. (1988), mối tương quan tỷ lệ thuận giữa nồng độ progesterone huyết thanh và nồng độ β-carotene được ghi nhận trong thời điểm rụng trứng và
pha thể vàng sau đó. Trong nghiên cứu của Snježana Trojačanec et al. (2012) sau khi bổ sung β-carotene và vitamin A, giúp tăng kích thước các tế bào thể vàng và tăng quá trình tổng hợp các hormone sinh sản dạng sterioid.
Một số bò sau đẻ rơi vào trạng thái cân bằng năng lượng âm, do khẩu phần ăn không theo kịp nhu cầu của quá trình tiết sữa. Cân bằng năng lượng âm sau đẻ, bò sữa rơi vào trạng thái quá ngưỡng nồng độ acid béo không ester hoá (NEFA). Những acid béo này được vận chuyển tới các nội quan, đặc biệt là gan, tại đây sẽ được oxi hoá để tạo năng lượng, hoặc chuyển thành thể keton và tái ester hoá thành triacylglycerols. Cân bằng năng lượng âm làm tăng nguy cơ gặp các rối loạn chuyển hoá, nhiễm khuẩn kế phát và các rối loạn sinh sản. Ngoài ra, nồng độ NEFA trong máu cao gây rối loạn chức năng buồng trứng sau đẻ trên bò sữa (Jackson et al., 2011). Quá trình tích tụ của triacylglyceol trong gan làm kéo dài thời gian tới lần rụng trứng đầu tiên sau đẻ (Rukkawamsuk et al., 1999b).
Qua bảng 4.4, nhận thấy kết quả điều trị của 2 phác đồ ứng dụng vòng ProB và vòng CIDR, đều cho kết quả điều trị khả quan (80,0% và 83,33%), P > 0,05.
Do số lượng bò điều trị còn hạn chế, cho nên không đánh giá được sự khác biệt trong hiệu quả điều trị của hai mẫu vòng.