Chương 3. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - KINH TẾ XÃ HỘI
3.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1. Vị trí địa lý, hành chính
Khu rừng Phòng hộ Quỳ Hợp cách thành phố Vinh 90 km về phía Tây Tây Bắc, có tọa độ địa lý như sau:
- Từ 19 o 06'47 ” đến 19 o 28'38” vĩ độ Bắc;
- Từ 104 o 16'13 ’’ đến 105 o 13'52 ” kinh độ Đông;
- Phía Bắc huyện Quỳ Châu;
- Phía Nam giáp huyện Tân Kỳ;
- Phía Đông giáp các xã trong huyện Quỳ Hợp;
- Phía Tây giáp huyện Con Cuông.
3.1.2. Địa hình, địa mạo
Địa hình huyện Quỳ Hợp chủ yếu là đồi núi, nằm trong khối núi cao của vùng Tây Bắc Nghệ An, với các đỉnh núi cao như Bù Khạng cao 1.087 m, Bù Tang 670 m. Ba phía là núi cao tạo cho Quỳ Hợp thành một thung lũng lớn, thấp dần theo hướng Đông - Đông Bắc, các khu vực địa hình có độ cao 200 m so với mặt nước biển chiếm tới 75% diện tích tự nhiên của huyện. Đất bằng nhỏ hẹp và phân tán, bị chia cắt bởi nhiều khe suối và các dãy núi đá vôi đã hạn chế việc mở rộng diện tích lúa nước và các loại cây trồng khác.
3.1.3. Đất đai, thổ nhưỡng
Diện tích tự nhiên của huyện 94.266 ha, chiếm 5,7% so với diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó, diện tích núi đá, sông suối là 5.096 ha, còn lại 89.170 ha thuộc 2 nhóm chính là nhóm đất địa thành và nhóm đất thuỷ thành.
3.1.3.1. Nhóm đất địa thành
Với diện tích: 78.743 ha, chiếm 88,3% tổng diện tích, tập trung ở một số xã như: Nam Sơn, Châu Lý, Châu Tiến, Châu Thành, Châu Hồng... gồm các loại đất chính:
- Nhóm đất Feralit đỏ vàng phát triển trên núi đá vôi: 8.510 ha, chiếm 10,8%;
- Nhóm đất Feralit vàng đỏ phát triển trên đá phiến sét: 14.255 ha chiếm 18,1%. Đây là loại đất có giá trị phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Quỳ Hợp, 2 loại đất này được phân bố chủ yếu ở đồi núi thấp thoải với độ cao < 200 m, tập trung nhiều ở các xã vùng thấp;
- Nhóm dạng đất Feralít điển hình trên vùng đồi và núi thấp (F): Loại đất này phân bố ở độ cao < 700 m có diện tích là 36.880 ha, chiếm 44,8%
diện tích, rất có ý nghĩa đối với phát triển lâm nghiệp;
- Nhóm dạng đất Feralít mùn trên núi trung bình (FH): Loại đất này được hình thành ở độ cao > 700 m, có diện tích 20.723 ha, chiếm 26,3%, có giá trị với các khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng.
3.1.3.2. Nhóm đất thuỷ thành
Với diện tích 10.427 ha, chiếm 11,7% diện tích, phân bố rải rác trên khắp địa bàn, tập trung ở một số xã như: Tam Hợp, Thọ Hợp, Châu Quang...
và ven sông suối thung lũng ở các xã vùng cao. Phần lớn các loại đất thuộc nhóm này được sử dụng vào canh tác sản xuất nông nghiệp như: lúa, ngô và cây màu khác.
3.1.4. Khí hâu, thủy văn 3.1.4.1. Khí hậu
Khí hậu của huyện chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh và khô, mùa hè nóng ẩm.
Nhiệt độ bình quân hàng năm 23,3 0 C, tối cao tuyệt đối 40,8 0 C (tháng 7), nhiệt độ tối thấp tuyệt đối - 0,3 0 C (tháng 12). Tổng nhiệt bình quân năm:
8.503 0 C; tổng số giờ nắng trung bình nhiều năm: 1.618 giờ; ngày nắng cao nhất 13 giờ, bình quân tháng 140 giờ, tháng thấp nhất 58 giờ, tháng 1 bình quân 79 giờ, tháng 7 bình quân 206 giờ.
Độ ẩm không khí biến đổi theo mùa, nhưng chênh lệch giữa các mùa là không lớn. Độ ẩm các tháng trong năm dao động từ 65% đến 85%, tháng 1 và tháng 2 có độ ẩm cao nhất có khi lên tới 86%, các tháng 5 và 6 có độ ẩm thấp, từ 65 - 71%. Lượng bốc hơi bình quân năm là 1.700 mm.
Lượng mưa trung bình năm từ 1.530 mm, mưa tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 10 (chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm).
Hướng gió đặc trưng trong vùng là gió mùa nhiệt đới. Về mùa Đông khu vực chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa Hè chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 8 (gió Lào). Ngoài ra trên địa bàn còn phải kể đến tác hại của sương muối, mưa đá… những hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng không thường xuyên và không lớn.
3.1.4.2. Đặc điểm thuỷ văn a. Nước mặt
Trên địa bàn huyện có lượng mưa hàng năm 1.530 mm, tương ứng lượng nước mưa khoảng 1,5 tỷ m 3 /năm. Lượng mưa phân bố không đều, tập trung chủ yếu vào tháng 8, 9 và tháng 10 (chiếm 70 - 80% tổng lượng mưa và số ngày mưa trong năm). Điều này phụ thuộc vào quy luật chung trên địa bàn toàn tỉnh và lượng mưa phân bố không đồng đều giữa các mùa và theo các vùng có sự khác nhau.
Nguồn nước mặt chủ yếu dựa vào nguồn nước của Sông Dinh và các khe suối ở các tiểu vùng trong huyện. Độ dốc lớn, lòng sông, suối hẹp là đặc
điểm của nguồn nước mặt ở Quỳ Hợp, do vậy, đòi hỏi phải có các biện pháp thích hợp để khai thác, điều tiết, sử dụng nguồn nước. Toàn huyện đã xây dựng 46 hồ, đập lớn nhỏ với tổng diện tích mặt nước khoảng 200 ha.
b. Nước ngầm
Qua khảo sát các giếng đào dân dụng trên địa bàn, mực nước ngầm trung bình từ 13 - 15 m, chất lựơng tốt, cá biệt có vùng đào 18 - 20 m, nước bị nhiễm đá vôi. Do vậy, việc sử dụng nước ngầm cho sản xuất là rất hạn chế và khó khăn. Thậm chí có một số xã như Văn Lợi, Hạ Sơn, Thọ Hợp vẫn thiếu nước cho sinh hoạt.
3.1.5. Tài nguyên rừng
Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên 94.177 ha, dân số toàn huyện có trên 127.000 người; là một trong những huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh. Theo kết quả kiểm kê rừng tại Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt số liệu hiện trạng rừng năm 2016, toàn huyện có 68.100 ha đất lâm nghiệp; diện tích có rừng là 46.430 ha; trong đó diện tích rừng đặc dụng: 1.907 ha; rừng phòng hộ: 11.177 ha; rừng sản xuất: 51.061 ha; diện tích có rừng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp là 3.954 ha; diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng: 21.193 ha. Độ che phủ đạt 49,3%.
Tổng diện tích khu vực nghiên cứu: 11.177,0 ha, trong đó:
- Đất có rừng là 9.416 ha, bao gồm:
+ Rừng tự nhiên là 8.855 ha, trong đó:
* Rừng giàu: 187 ha;
* Rừng trung bình: 2.597 ha;
* Rừng nghèo: 5.632 ha;
* Rừng hỗn giao: 402 ha;
* Rừng tre nứa: 37 ha;
+ Rừng trồng là 561 ha.
- Đất chưa có rừng là 1.762 ha.