Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.3. Đa dạng về dạng sống của hệ thực vật
4.3.2. So sánh với phổ dạng sống của khu vực khác
Dựa trên nguồn tài liệu của Đinh Thị Hoa (2017) [15], Nguyễn Nghĩa Thìn (2008) [23], Lê Trần Chấn (1999) [8], chúng tôi đã so sánh các đặc trưng của hệ thực vật khu vực nghiên cứu với các khu vực khác tại Việt Nam. Kết quả tổng hợp trong các bảng 4.11.
Bảng 4.11. So sánh phổ dạng sống Khu vực nghiên cứu với các VQG, Khu bảo tồn của Việt Nam
Khu vực Ph Ch Hm Cr T
Việt Nam 54,7 10,0 21,4 10,7 5,7
VQG Cúc Phương 57,8 10,5 12,8 7,4 11,0
VQG Bến En 75,9 5,8 8,5 6,1 3,7
KBT Xuân Nha 78,8 6,7 6,4 5,2 2,8
VQG Pù Mát 78,9 4,1 5,8 6,0 5,3
VQG Ba Vì 83,7 5,0 1,3 4,2 5,8
Khu vực nghiên cứu 86,5 5,5 1,8 2,2 4,0
Từ kết quả của bảng 4.11 cho thấy dạng sống của hệ thực vật Khu vực nghiên cứu khá tương đồng với các VQG của Việt Nam đặc biệt là VQG Bến En, Pù Mát, Ba Vì và KBT Xuân Nha. Các khu vực này đều có chất lượng môi trường sống rất tốt cho các loài thực vật, nên dạng sống chồi trên đất chiếm chủ yếu, hầu hết đều trên 75% tổng số loài của hệ thực vật.
4.4. Các tác động đến hệ thực vật tại khu vực nghiên cứu 4.4.1. Các tác động trực tiếp
4.4.1.1. Tình trạng khai thác, mua bán trái phép các loài thực vật
Mặc dù hầu hết diện tích khu rừng phòng hộ Quỳ Hợp đã được khoán cho các hộ gia đình trên cơ sở hợp đồng bảo vệ rừng, việc khai thác gỗ để sử dụng vì mục đích sử dụng và thương mại vẫn xẩy ra ở các khu vực có rừng phòng hộ. Việc khai thác chọn các loài gỗ có giá trị kinh tế do sức ép của nhu cầu từ thị trường bên ngoài vùng nghiên cứu cộng với sự yếu kém trong việc thực thi pháp luật của một số cán bộ đã tạo ra những tác động đáng kể lên vùng nghiên cứu đồng thời tạo thêm khả năng tiếp cận vào sâu trong vùng cho các hoạt động bất hợp pháp. Do cơ chế thị trường, giá cả một số mặt hàng nông, lâm sản tăng cao, nhu cầu về đất canh tác các mặt hàng này cũng tăng theo, nên đã kích thích người dân phá rừng để lấy đất trồng các loại cây có giá trị cao hoặc buôn bán đất, sang nhượng trái phép.
Khai thác gỗ bất hợp pháp được quan sát chủ yếu tại rừng phòng hộ Quỳ Hợp. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loài cây gỗ có giá trị thương phẩm cao: Đinh Markhamia stipulata, Chò chỉ Parashorea chinensis, Lim xanh Erythrophleum fordii…
4.4.1.2. Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, nhiều công trình xây dựng, đường xá và cơ sở hạ tầng khác được xây dựng gây áp lực lớn đối với rừng và đất lâm nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép. Việc phát, đốt rừng tự nhiên để trồng rừng nguyên liệu trái pháp luật, năm 2017, Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp và chính quyền địa phương các xã phát hiện một số vụ việc phát rừng tự nhiên với mục đích trồng rừng nguyên liệu trái pháp luật tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn và đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ mọi hoạt động trên
diện tích phát, đốt. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm đã báo cáo Thường trực Huyện ủy và tham mưu cho UBND huyện công văn ngăn chặn tình trạng trên. Tuy nhiên, người dân không chấp hành và đã đốt diện tích phát trước đó.
4.4.1.3. Cháy rừng
Tình hình thời tiết diễn biễn ngày càng phức tạp, khô hạn kéo dài, bão lũ xảy ra thường xuyên gây thiệt hại không nhỏ tới tài nguyên rừng. Diện tích rừng khoanh nuôi phục hồi và rừng trồng tăng lên, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng và sinh vật hại rừng cao hơn.
4.4.2. Các tác động gián tiếp
4.4.2.1. Sức ép dân số, nhận thức của người dân và cộng đồng
Áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh do tăng cơ học, di cư tự do từ nơi khác, đòi hỏi cao về đất ở và đất canh tác, những đối tượng này chủ yếu là những hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, sinh kế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên rừng. Nhận thức về bảo vệ rừng còn hạn chế, do đó vẫn tiếp tục phá rừng kiếm kế sinh nhai, lấy đất canh tác hoặc làm thuê cho bọn đầu nậu, bảo kẻ có tiền để phá rừng hoặc khai thác gỗ, lâm sản trái phép.
Mặc dù các đơn vị quản lý rừng đều đã có hoạt động tuần tra trên diện rộng và giáo dục cộng đồng, kiểm soát canh tác nông nghiệp. Nhưng các hoạt động xâm lấn đất rừng vẫn xẩy ra như:
- Mở rộng diện tích đất nông ngiệp: Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lương thực trong đó những người sản xuất nhỏ, du canh là nguyên nhân quan trọng nhất. Hiện nay, mở rộng diện tích đất nông nghiệp ở Quỳ Hợp xảy ra với tốc độ mạnh mẽ hơn;
- Nhu cầu lấy củi: Chặt phá rừng do nguyên nhân lấy củi đốt cũng là nguyên nhân quan trọng làm cạn kiệt tài nguyên rừng ở nhiều vùng. Hiện nay vẫn còn khoảng 20.000 hộ gia đình chủ yếu dựa vào nguồn gỗ củi cho nấu ăn;
- Chăn thả gia súc: Sự chăn thả trâu bò và các loại gia súc khác đòi hỏi phải mở rộng các đồng cỏ cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích rừng.
Khai thác gỗ và các sản phẩm từ rừng: Việc đẩy mạnh khai thác gỗ và các tài nguyên rừng khác cho phát triển kinh tế là nguyên nhân làm tăng tốc độ phá rừng ở Quỳ Hợp.
- Phá rừng để trồng cây công nghiệp và đặc sản: Nhiều diện tích rừng trên ở Quỳ Hợp đã bị chặt phá để lấy đất trồng cây Cao su, Cam, Mía… phục vụ cho kinh doanh. Mục đích là đạt được lợi nhuận cao mà không quan tâm đến tài nguyên rừng và môi trường.
- Cháy rừng do đốt rừng làm nương rẫy: Là nguyên nhân khá phổ biến và có thể làm mất diện tích rừng lớn một cách nhanh chóng.
4.4.2.2. Tỷ lệ đói nghèo cao
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên toàn huyện là 15% (cao hơn trung bình cả nước), đây là tỷ tương đối lớn. Đáng chú ý là những vùng có tỷ lệ nghèo đói cao thường tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi còn rừng tự nhiên, có độ che phủ cao. Nguồn thu nhập của sản xuất lâm nghiệp của người dân chủ yếu dựa vào khai thác rừng trồng, khoán bảo vệ rừng và khai thác lâm sản. Sự nghèo đói của bộ phận dân cư sống gần rừng vốn được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá rừng.