CHƯƠNG III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI – CHI NHÁNH ĐỐNG ĐA
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1.1. Nhà nước cần hoàn thiện môi trường pháp lý
Hiện nay Luật các tổ chức tín dụng đang chi phối hoạt động của các NHTM nói chung và ngân hàng ngoài quốc doanh Việt Nam nói riêng. Sau nhiều năm đi vào
hoạt động, trước sự biến đổi của tình hình kinh tế - chính trị - xã hội Luật này đã có một số điểm không phù hợp với hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng. Vì vậy việc ban hành các nghị định kịp thời và chính xác của chính phủ sẽ giúp cho các NHTM thực hiện đúng và đủ luật.
Tài sản đảm bảo luôn là một vấn đề gây tranh cãi trong hoạt động tín dụng của NHTM. Công việc định giá tài sản đảm bảo hết sức vất vả, chưa có một quy trình hợp lý thống nhất. Hiện nay, việc định giá tài sản đảm bảo được thực hiện theo sự thoả thuận của ngân hàng và khách hàng. Tuy nhà nước đã ban hành khá nhiều văn bản pháp luật quy định có liên quan đến định giá tài sản nhưng thực tế lại có nhiều điểm không theo kịp với tốc độ biến đổi của thị trường, tiêu biểu như vấn đề đất đai, khung giá theo quy định của nhà nước so với thực tế thấp hơn rất nhiều gây tranh cã giữa ngân hàng và khách hàng đi vay. Vấn đề về quyền sử dụng đất vẫn đang còn nhiều rắc rối. Điều này gây nhiều khó khăn cho ngân hàng trong việc nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất.
1.2. Chấn chỉnh hoạt động của hệ thống doanh nghiệp
Nhìn chung hệ thống doanh nghiệp nước ta thời gian qua đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, vấn đề gây nhiều nhức nhối ở đây lại là chất lượng doanh nghiệp. Các DN ở nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết phương thức kinh doanh chưa bài bản, còn mang tính chất “chộp giật”, tình trạng lậu thuế, trốn thuế còn diễn ra phức tạp. Điều này khiến cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng dễ gặp rủi ro. Vì vậy thời gian tới chính phủ cần sớm có nhiều biện pháp để một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động mặt khác chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp đó.
Đồng thời, nhà nước cần có những biện pháp kinh tế và hành chính nhằm tăng cường hiệu lực buộc tất cả các doanh nghiệp chấp hành đúng pháp lệnh kế toán thông kê, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Nhà nước cần thực hiện việc rà soát các doanh nghiệp, cần có thái độ xử lý kiên quyết với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không có khả năng phục hồi. Tuy nhiên việc quản lý nhà nước cũng cần đổi mới theo hướng tăng tính tự chủ cho các doanh nghiệp, nhà nước không can thiệp sâu mà chỉ quản lý ở tầm vĩ mô mang tính hướng dẫn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
2. Đối với ngân hàng nhà nước Việt Nam.
2.1. Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm thông tin tín dụng.
Ở các nước phát triển, để giúp các nhà đầu tư và ngân hàng có được các thông tin đáng tin cậy, các trung tâm chuyên thu thập, cung cấp thông tin đã được thành lập dưới dạng các công ty. Các công ty này thực hiện việc thu thập thông tin, nghiên cứu và dự báo các diễn biến thị trường, phân tích tình hình của các doanh nghiệp, tiến hành phân hạng rủi ro tín dụng đối với các doanh nghiệp. Các ngân hàng hay các nhà đầu tư muốn có được các thông tin này phải bỏ tiền ra mua.
Hiện nay, ở Việt Nam NHNN cũng đã có trung tâm thông tin tín dụng. Trung tâm này mới chỉ thực hiện cung cấp thông tin về dư nợ của các doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng chứ chưa có đầy đủ các thông tin tài chính khác, các thông tin phi tài chính thì hoàn toàn không có. Vì vậy, hiệu quả mà các thông tin trung tâm đem lại cho ngân hàng chưa cao. Để giải quyết vấn đề này, NHNN nên đưa ra những quy định bắt buộc các ngân hàng cung cấp thông tin về dư nợ của khách hàng đồng thời NHNN nên tổ chức trung tâm này dưới dạng các công ty hoạt động độc lập nhằm làm cho thông tin trở thành hàng hoá mua bán trên thị trường. Khi ấy các công ty này sẽ đáp ứng cầu về thông tin, cung về thông tin sẽ chuyên môn hơn, phong phú hơn, chất lượng hơn, giúp ích nhiều hơn cho các ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng tín dụng.
2.2. Tăng cường công tác thanh tra của NHNN.
Phát hiện kịp thời, xử lý và ngăn chặn vi phạm trong mọi lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng, đồng thời chấn chỉnh hoạt động Ngân hàng sau thanh tra là mục tiêu của công tác thanh tra của NHNN. Với tư cách là cơ quan quản lý hệ thống Ngân hàng ở tầm vĩ mô hiện nay, thanh tra hoạt động tín dụng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NHNN. Quá trình thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành trung thực, khách quan và chủ động, phải có sự kết hợp đồng bộ giữa việc thanh tra kiểm tra tại cơ sở và việc giám sát từ xa, khai thác tính ưu việt của hệ thống mạng máy tính trong việc giám sát hoạt động của các ngân hàng, cần phối hợp với chính quyền các cấp và các bộ liên quan như bộ tài chính, viện kiểm soát trong việc xử lý vi phạm và điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, NHNN chỉ quản lý ở tầm vĩ mô, công tác thanh tra của NHNN cũng phải đảm bảo nguyên tắc tự chủ của các ngân hàng thương mại.
2.3. Ngân hàng nhà nước cần hoàn thiện các quy chế, quy định và môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng cụ thể.
Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng về việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, các mức trích lập cũng như danh mục nội dung cần trích lập để các tổ chức tín dụng chủ động trong vấn đề giải quyết các khoản nợ có vấn đề của mình.
Có những vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật như luật các tổ chức tín dụng, điều 52, khoản 2 có nói rõ là các tổ chức tín dụng có quyền bán tài sản cầm cố thế chấp để thu hồi nợ hoặc yêu cầu người bảo lãnh thực hiện trách nhiệm hoặc có quyền khởi kiện nếu khách hàng không trả nợ được. Nhưng theo nghị định 86/ CP thì Ngân hàng không có quyền bán đấu giá tài sản cầm cố thế chấp.
2.4. Thành lập công ty bảo hiểm tín dụng.
Khi doanh nghiệp gặp rủi ro dẫn đến tình trạng không có khả năng thanh toán với Ngân hàng, tuỳ theo tính chất của từng loại rủi ro và tình hình tài chính của doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại có thể sử dụng các biện pháp như: trích chuyển tài khoản tiền gửi của khách hàng tại các Ngân hàng thương mại, gia hạn các khoản tín dụng, bán tài sản thế chấp, khoanh nợ và cuối cùng là bù đắp bằng quỹ rủi ro. Quỹ rủi ro không phải bao giờ cũng là cái phao cứu sinh của các Ngân hàng, bởi quỹ này có những hạn chế nhất định:
+ Quy mô của quỹ nhỏ (chỉ được trích 10% lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng thương mại cho tới khi bằng vốn điều lệ) cho nên không có khả năng bù đắp khi có rủi ro lớn.
+ Quỹ này hình thành từ lợi nhuận của các Ngân hàng thương mại nên không phát huy được tính tương trợ giữa các Ngân hàng thương mại trong cùng hệ thống.
Bên cạnh việc hình thành quỹ bù đắp rủi ro là tất yếu, để khắc phục hạn chế của quỹ này, các Ngân hàng thương mại có thể tham gia bảo hiểm với các khoản cấp tín dụng, bảo hiểm tín dụng có ưu điểm rất lớn như sau:
+ Bảo hiểm tín dụng có nghĩa vụ bồi thường cho Ngân hàng thương mại khi có rủi ro xảy ra theo luật định, ngoài ra bảo hiểm tín dụng còn có nghĩa vụ phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức các biện pháp đề phòng, ngăn chặn, hạn chế các tổn thất xảy ra đảm bảo an toàn cho các công ty bảo hiểm cũng như an toàn cho các Ngân hàng thương mại.
+ Bảo hiểm tín dụng thu hút được nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm nên có khả năng thanh toán nhanh, kịp thời bù đắp khi có tổn thất lớn đồng thời phát huy được tính cộng đồng, tính tương trợ giữa các Ngân hàng.
Trên thế giới hiện nay tồn tại hai hình thức của công ty bảo hiểm tín dụng:
+ Một là thành lập công ty bảo hiểm trực thuộc ngành Ngân hàng. Việc thành lập công ty bảo hiểm tương tự như đối với các doanh nghiệp, vốn tự có do ngân sách nhà nước cấp hoặc do các cổ đông đóng góp (phần lớn là các NHTM). Hoạt động của công ty này chỉ kinh doanh trên lĩnh vực bảo hiểm đối với hoạt động của Ngân hàng, cả tiền gửi và tiền cho vay.
+ Hai là các công ty bảo hiểm tín dụng độc lập. Phương thức thứ nhất phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Theo hướng đó, công ty bảo hiểm này hoạt động dưới sự điều tiết can thiệp của Ngân hàng nhà nước, các NHTM đều tham gia nên phí rẻ hơn, góp phần đảm bảo an toàn trong kinh doanh của từng NHTM cũng như an toàn trong hệ thống Ngân hàng.
3. Đối với ngân hàng TMCP hàng hải.
Ngân hàng MSB nên dành cho các chi nhánh của mình nhiều quyền quyết định hơn nhằm nâng cao tính tự chủ của các chi nhánh. Hiện nay, cơ chế hoạt động của MSB là hạch toán phụ thuộc, điều này đã làm đã làm giảm tính tự chủ trong hoạt động của các đơn vị thành viên. Cụ thể, về địa bàn hoạt động của các chi nhánh, chi nhánh chỉ được quyền cho vay đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nếu muốn cho vay với các doanh nghiệp khác địa bàn thì phải được sự đồng ý của hội sở MSB. Như vậy, tính cạnh tranh ngay trong hệ thống Ngân hàng MSB đã không có, các chi nhánh không nỗ lực tìm kiếm khách hàng. Mặt khác, do nhu cầu của các doanh nghiệp, trụ sở chính là ở một nơi nhưng văn phòng đại diện, chi nhánh thì có ở rất nhiều nơi, theo đó khách hàng của doanh nghiệp cũng ở rất nhiều nơi. Nhu cầu đặt quan hệ với nhiều Ngân hàng của một doanh nghiệp là rất lớn. Nếu theo cơ chế hiện nay thì nhu cầu của doanh nghiệp không được đáp ứng.
Chính vì vậy, Ngân hàng TMCP Hàng Hải nên cho phép chi nhánh mở rộng địa bàn hoạt động của mình. Tóm lại, cơ chế hạch toán phụ thuộc làm cho các chi nhánh không có nhiều động lực trong hoạt động của mình vì lỗ hay lãi đều chuyển lên trên. Xu hướng hiện nay, Ngân hàng TMCP Hàng Hải nên chuyển sang hoạt động theo cơ chế tập đoàn, không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các chi nhánh mà chỉ nên tham gia góp vốn. Ngân Hàng TMCP Hàng Hải nên tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề tín dụng để cho các cán bộ tín dụng của các chi nhánh có điều kiện trao
đổi kinh nghiệm công tác và nâng cao trình độ của mình. Ngân Hàng TMCP Hàng Hải nên nghiên cứu tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ tín dụng.
- Ngân Hàng TMCP Hàng Hải nên tiếp tục phát huy việc sử dụng mạng vi tính để thu nhận số liệu báo cáo, hạn chế làm báo cáo bằng tay để cán bộ tín dụng tập trung thời gian vào chuyên môn hơn.
- Triển khai kịp thời, hướng dẫn cụ thể các văn bản, quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
- Để phục vụ khách hàng vay vốn một cách thuận lợi, nhanh chóng, đề nghị Ngân hàng TMCP Hàng Hải cho phép bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết. Hiện nay, đã có rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ sản xuất kinh doanh phàn nàn rằng để vay vốn của Ngân hàng thì cần phải có quá nhiều điều kiện liên quan đến nhiều loại giấy tờ không cần thiết và tốn rất nhiều thời gian.
- Đặc biệt đối với chiết khấu giấy tờ có giá Ngân hàng TMCP Hàng Hải phải có hướng dẫn cụ thể với thủ tục gọn nhẹ, giải quyết cho vay nhanh chóng để thu hút được khách hàng.
- Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để tổ chức có hiệu quả chương trình thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi thông tin, giúp các chi nhánh phòng ngừa rủi ro một cách tốt nhất.
- Tăng cường hoạt động thanh tra kiểm soát nội bộ trong toàn hệ thống nhằm chấn chỉnh các hoạt động của chi nhánh và đội ngũ nhân sự.
Phối hợp với cơ quan công chứng Nhà nước xác định rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan công chứng Nhà nước trong việc công chứng các loaị giấy tờ có giá trị thế chấp hay các thủ tục pháp lý khác. Trong thực tế hiện nay, mặc dù các loại giấy tờ như giấy uỷ quyền, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cơ quan công chứng Nhà nước chứng thực nhưng khi có hiện tượng giả mạo xảy ra thì cơ quan công chứng lại không chịu chia trách nhiệm, đây là điều vô lý bất lợi cho Ngân hàng.
Thường xuyên cung cấp thông tin tín dụng Ngân hàng qua hệ thống CIC.
Cập nhập kịp thời các thông tin mới nhất về các văn bản pháp quy, tình hình biến động giá cả một số mặt hàng chủ yếu trên thị trường thông tin về các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Ngân hàng, tổ chức đánh giá về uy tín khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Ngân hàng, đề nghị có hướng dẫn đầy đủ các văn bản, chế độ đó để thực hiện, nhất là quy định đảm bảo tiền vay.