II. Thực trạng phát triển thị trường BHNT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
2.2 Thực trạng phát triển thị trường BHNT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
2.2.1 Về quy mô thị trường
Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao với mức trung bình 27,35%/năm trong giai đoạn 2016-2020, phí bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 69,83% tổng phí của toàn thị trường bảo hiểm. Mặc dù tăng trưởng cao, ổn định song quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh làm cho người dân có xu hướng quan tâm hơn đến ngành bảo hiểm nhân thọ. Điều này khiến cho doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường năm 2021 đã vươn lên 160.000 tỷ đồng - tăng gần 9 lần so với mức trung bình 10 năm trở lại đây. Tính đến năm 2022, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp, bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên cả nước ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09%
so với cùng kỳ năm 2021) trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng. Mặc dù tăng trưởng của thị trường đang có xu hướng giảm nhưng so với các thị trường lân cận như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., khi mức tăng chỉ ở 3-5%, thì Việt Nam, mức tăng trưởng trên 10% vẫn là hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Về thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường, Bảo Việt Nhân Thọ chiếm doanh thu và tỷ trọng lớn nhất thị trường 9 tháng đầu năm, chiếm 19,25% thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm với doanh thu đạt 24.457 tỷ đồng.
Manulife ở vị trí thứ hai với doanh thu đạt 22.790 tỷ đồng, chiếm 17,94% thị phần.
Tiếp đến là Prudential và Dai-ichi Life với doanh thu lần lượt là 21.484 tỷ đồng và 15.694 tỷ đồng, chiếm 16,91% và 12,35% thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường.
(Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam IAV) 2.2.2 Về tình hình khai thác hợp đồng bảo hiểm mới
Trong giai đoạn 2016-2021, số lượng hợp đồng khai thác mới của các sản phẩm bảo hiểm chính luôn tăng qua các năm từ 1,53 triệu hợp đồng năm 2016 tăng lên hơn 3,55 triệu hợp đồng vào năm 2021.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 37.677 tỷ đồng tăng 6,35 % so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỷ đồng, Prudential với 6.678 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 3.985 tỷ đồng và MB Ageas với 2.847 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,5%), nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đơn vị (20%).
Về số lượng hợp đồng khai thác mới 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2,38 triệu hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,21% giảm 0,15%
so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 38,6%
giảm 22,08% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 22,6% tăng 91,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 26,6% giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,9% giảm 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 11,24%, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 11,2%; sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm tỷ trọng 0,03%; sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,0003%.
2.2.3 Về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số người sử dụng BHNT ngày càng tăng.
Trong năm 2019, tại Việt Nam có khoảng 8% dân số tham gia BHNT, nhưng đến năm 2020, con số này tăng lên khoảng 11%, ước tính đến năm 2025 tăng lên 15% dân số.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2020, gần 16 triệu người có bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe (11,9 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm sức khỏe); 12 triệu học sinh được bảo hiểm tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); trên 32 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); gần 4 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1,62 tỷ lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%).
2.2.4 Về trung gian bảo hiểm
Có 2 kênh chính làm trung gian bảo hiểm nhân thọ đó là môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm. Trong đó, đại lý bảo hiểm chiếm tỷ trọng chủ yếu. Theo số liệu thống kê năm 2020, có gần 900.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động (bao gồm đại lý cá nhân và đại lý cá nhân trực thuộc tổ chức) chiếm gần 85% tổng số đại lý bảo hiểm cả nước. Hiện nay, có 18 công ty môi giới bảo hiểm đang hoạt động tại Việt
Nam, tuy nhiên phí bảo hiểm nhân thọ thông qua môi giới rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,16% tổng phí bảo hiểm qua môi giới.
Bảng: Số lượng môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm giai đoạn 2016-2020
Loại hình trung gian bảo hiểm
Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020
Đại lý cá nhân và đại lý cá nhân trực thuộc tổ chức
507.165 641.880 761.611 866.769 895.438
Công ty môi giới bảo hiểm
14 14 14 16 18