3.1 Định hướng phát triển
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân ở mức thấp, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 11% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.
Theo các chuyên gia phân tích, tăng trưởng bền vững chính là định hướng bền vững cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển hiệu quả bất chấp giai đoạn khó khăn thời gian qua. Với bảo hiểm nhân thọ, yếu tố then chốt để có thể tạo dựng được niềm tin nơi khách hàng chính là chiến lược phát triển bền vững - bền vững để thực hiện lời hứa với khách hàng.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ tương lai đang phụ thuộc rất lớn vào các dịch vụ ngân hàng và các đại lý bảo hiểm. Mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm hiện nay đặt ra là tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng bình quân 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025. Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.
Xu thế thị trường dự báo sẽ xuất hiện các sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn mới, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, thân thiện, sản phẩm bảo hiểm cá thể hóa, sản phẩm bảo hiểm tích cực, sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi bảo hiểm là dịch vụ và bảo hiểm chỉ số. Để thực hiện được các mục tiêu trên, xu thế cũng cần phải thay đổi và rút gọn một
số công đoạn trong quy trình cung cấp sản phẩm bảo hiểm, rút ngắn thời gian xử lý các bước trong quy trình.
3.2 Giải pháp
Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam, cần thực hiện một số các giải pháp:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ
Nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần phối hợp với nhau trong việc tuyên truyền, quảng bá để người dân cảm nhận được vai trò quan trọng của bảo hiểm nhân thọ trong việc bảo vệ nguồn tài chính cá nhân khi rủi ro xảy ra. Từ đó, người dân có cái nhìn thân thiện hơn đối với đội ngũ tư vấn bảo hiểm nhân thọ của các công ty.
Thứ hai, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm.
Nhà nước thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định về phê chuẩn bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng kịp thời cơ hội triển khai, bảo đảm mặt bằng chung tối thiểu giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ khi triển khai trên cùng một loại hình bảo hiểm sức khỏe và tăng tính hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm so với các sản phẩm tài chính thay thế khác, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần xây dựng và thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đa dạng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý bảo hiểm.
Nhà nước cần hoàn thiện các quy định về chuẩn hóa chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm và điều kiện tiêu chuẩn của các tổ chức đào tạo, đại lý bảo hiểm. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo, thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cần có quy định, chế tài xử lý với những đại lý bảo hiểm vi phạm quy định, nguyên tắc nghề nghiệp khi thực hiện tư vấn tài chính cho khách hàng để nêu gương.
Thứ tư, đa dạng hóa kênh phân phối bảo hiểm
Ngoài các kênh phân phối bảo hiểm hiện có, nhà nước có thể nghiên cứu ban hành hướng dẫn đối với các kênh phân phối mới như phân phối bảo hiểm qua thương mại điện tử, phân phối bảo hiểm qua điện thoại di động..., nhằm tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa kênh phân phối.
Thứ năm, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng sau bán hàng tại các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Các công ty bảo hiểm cần giữ mối quan hệ với khách hàng cũ thông qua việc gọi điện hỏi thăm để tư vấn tài chính cho khách hàng, tổ chức các buổi hội thảo, tri ân khách hàng, tặng quà sinh nhật, cuối năm,...Việc duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng cũ sẽ giúp công ty bảo hiểm nắm được tâm tư tình cảm của khách hàng, hỗ trợ khách hàng khi khách hàng gặp khó khăn về tài chính, tránh việc tất toán hợp đồng trước hạn hay tìm kiếm được nguồn khách hàng mới từ khách hàng cũ.
3.3 Kiến nghị
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới và đón bắt những xu hướng phát triển của thị trường bảo hiểm thế giới, có thể đưa ra một số khuyến nghị đến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam như sau:
Một là, về khung pháp lý: Chính phủ cần sớm ban hành sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; trong đó, các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây; thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm; đồng thời, cần đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu chặt chẽ hơn về việc công bố thông tin.
Hai là, về công nghệ: Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh của mình giúp các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, tối ưu hóa quy trình kinh doanh đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm của mọi tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện tối đa và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Ba là, về hoạt động hợp tác: Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tích cực triển khai các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành nhằm tận dụng lợi thế của nhau, đồng thời mở rộng mạng lưới với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ngoài ngành nhằm tăng nguồn thu và cần tiếp cận, hợp tác với các ngân hàng để triển khai hoạt động để tận dụng cơ sở khách hàng và mạng lưới phân phối của họ.