CHƯƠNG 3: CHẤT LIỆU ĐIỆN ẢNH TRONG NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TẮM
3.1. Ngôn ngữ hình ảnh
3.1.1. Những hình ảnh miêu tả con người
Là một nhà văn nữ, Thiết Ngưng có cái nhìn rất ưu ái, thương cảm, đồng tình đối với những người phụ nữ. Cho nên, hình ảnh con người hiện lên trong
các sáng tác của bà chủ yếu là hình ảnh những người phụ nữ. Tác giả Lê Huy Tiêu đã từng nhận xét: “Ma lực độc đáo của ngòi bút Thiết Ngưng là thông qua lời văn ca ngợi vẻ đẹp thuần phác của vóc dáng người con gái, thông qua sự đồng thuận tự nhiên của dục vọng nữ giới, thông qua sự lí giải rõ ràng về trạng thái sinh tồn của nữ tính để thể hiện đặc tính bí ẩn nhưng rất nhạy cảm, lương thiện của họ” [49;226]. Trong cuốn tiểu thuyết Những người đàn bà tắm, nhà văn đã khắc họa thành công hình ảnh những nhân vật nữ. Đáng chú ý nhất là hai nhân vật: Doãn Tiểu Khiêu và Đường Phi.
Các nhân vật nữ được Thiết Ngưng khắc họa với nhiều góc độ mang ý nghĩa thẩm mỹ nhất định. Có những nhân vật được nhà văn miêu tả kĩ lưỡng, có nhân vật lại chỉ được miêu tả ngắn gọn, song cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Doãn Tiểu Khiêu là một cô gái xinh đẹp, có suy nghĩ và hành động rất người lớn. Tác giả miêu tả cô không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình “có khuôn mặt đẹp, tao nhã”, mà còn có vẻ đẹp tâm hồn đáng quý, với tấm lòng khoan dung, độ lượng, “tận tụy với công việc của nhà xuất bản sách thiếu nhi, sống thân thiện với đồng nghiệp và cả những người không tốt bụng, cười với cả những người làm hại mình, bỏ qua những khắt khe của cô em gái Tiểu Phàm, hết lòng tha thứ, hết lòng tha thứ cho những hành vi ngang trái của Phương Kăng…” [24;252]. Với cái nhìn của nhà văn đan xen với suy nghĩ của chính nhân vật, Khiêu hiện ra với cả một trường đoạn miêu tả sau: “Một người con gái có khuôn mặt đẹp, tao nhã bước đi từ một phố buôn bán của Phúc An, rẽ vào một ngõ nhỏ yên tĩnh. Cô vừa ăn trưa xong, một tác giả được nhà xuất bản in sách, mới ăn cơm. Cô ăn xong, tạm biệt khách ở cửa nhà hàng rồi thong thả đi về phía phố buôn bán. Người qua lại không thể biết cô gái này có điều gì không bình thường, thực tế thì trong miệng cô ta, đầu lưỡi đang đưa mạnh vào kẽ răng. Khi ăn một mẩu thịt giắt vào răng, tay cô che miệng, dùng tăm xỉa mãi nhưng cũng không ra… Kẽ răng làm cô khó chịu, nhưng lại tỏ ra
không việc gì. Giữa phố đông người cô phải thế. Cô mím chặt môi, lưỡi vẫn không ngừng đá vào nơi kẽ răng có miếng thịt. Lưỡi đã đưa đúng vào nơi có miếng thịt nhưng không làm sao lấy ra được, vì lưỡi không có tay, lưỡi chỉ dùng để nếm. Đầu lưỡi vẫn đưa vào nơi có miếng thịt nhưng cô khó chịu lắm, nghĩ chắc chắn đó là miếng thịt con lừa già, nếu không thì sao thớ thịt lại khô như vậy, mà vì sao lại ăn miếng thịt đó cơ chứ? Thịt lừa là đặc sản của Phúc An. Cô thích ăn nhưng lại không thích nói đến “lừa” nghe như chửi mắng không bằng. Bây giờ cô đang bị lừa hành hạ. Cô rẽ vào một ngõ vắng, nhìn chung quanh không có ai cô mới há miệng một cách kín đáo, đưa tay vào, ngón tay đã chạm vào miếng thịt, cô nghiêng đầu, hơi méo miệng và cuối cùng cũng lấy được miếng thịt giắt trong kẽ răng. Vì há miệng quá lâu, nước dãi chảy ra, hàm dưới cũng tê cứng. Cô lấy khăn lau miệng, đưa đi đưa lại hàm dưới. Thế là cô đã loại bỏ được sự khó chịu rất bất tiện trước đông người, trông dáng cô thật tao nhã. Chung quanh cô không có ai càng làm cô bằng lòng” [24;251, 252]. Khi viết về trường đoạn này, hẳn tác giả đã tạo ra sự khác lạ trong việc miêu tả nhân vật. Chỉ một chi tiết nhỏ về hành động của cô gái lấy “mẩu thịt giắt vào răng” cũng làm cho nhà văn thỏa sức miêu tả.
Tác giả như một nhà quay phim đi vào cận cảnh từng hành động của nhân vật, với bút pháp miêu tả tỉ mỉ: tay cô che miệng, dùng tăm xỉa, cô mím chặt môi, lưỡi vẫn không ngừng đá vào nơi kẽ răng, cô nghiêng đầu, đưa tay vào… Tuy rằng, Doãn Tiểu Khiêu là một cô gái xinh đẹp, tao nhã, vị tha, nhưng cô cũng là một cô gái rất bình thường như bao cô gái khác trong cuộc sống. Khi khắc họa các chi tiết này, Thiết Ngưng muốn nói rằng: Khiêu hay bất kì cô gái nào trong tiểu thuyết của mình đều có vẻ đẹp khác nhau nhưng vẻ đẹp đó không bao giờ hoàn mĩ. Đó là vẻ đẹp rất đời thường và con người cũng có những khoảnh khắc mang đậm tính bản năng. Chính hiện thực cuộc sống có thể làm cho cái đẹp được nhân lên, hoặc có thể bị nhấn chìm trở thành cái xấu.
Cũng giống như Khiêu, Đường Phi được khắc họa vài nét về ngoại hình thông qua cái nhìn của Khiêu: “Khiêu lập tức bị Đường Phi cuốn hút. Năm ấy, Đường Phi mười lăm tuổi, nhưng trong mắt Khiêu, Phi đã phát triển như một người lớn” [24;111]. Giống như một nhà quay phim, tác giả để nhân vật xuất hiện từ xa, rồi dần dần ống kính máy quay rọi vào cận cảnh vẻ đẹp ngoại hình của Đường Phi: “Đôi lông mày đen, cặp môi đỏ và mái tóc màu hạt dẻ uốn lượn trước trán làm Khiêu lóa mắt…mái tóc Phi sao lại uốn lượn như sóng biển?... Đôi môi thắm, mái tóc xoăn làm cho Phi như người khách từ phương xa tới. Đôi mắt hơi xếch trông Phi vừa trang nghiêm vừa có vẻ đồi trụy…” [24;111]. Từng vẻ đẹp của người con gái này (đôi lông mày đen, cặp môi đỏ, mái tóc màu hạt dẻ) đều được tác giả so sánh rất tài tình, độc đáo.
Đối với Khiêu, Đường Phi là một cô gái có nét đẹp cuốn hút, vẻ đẹp của tuổi mới lớn mà khi ai nhìn vào cũng cảm thấy xao xuyến. Ngay lúc này, Khiêu đã nhìn ra vẻ đẹp khó kiếm tìm ấy, song cái đẹp đó cũng như mang tính dự báo về tương lai sau này của cô gái đẹp: “Đường Phi đồi trụy, sự đồi trụy không thể che giấu làm cho Khiêu xúc động. Trước khi gặp Phi, chưa một người con gái nào làm Khiêu xúc động đến thế” [24;112].
Những chi tiết miêu tả ngoại hình của Khiêu, Đường Phi rất ngắn gọn, chỉ khắc họa một vài chi tiết nhưng đủ gợi ra những ấn tượng nhất định về các nhân vật. Tác giả tiếp tục tập trung đi sâu miêu tả thế giới bên trong tâm hồn của họ. Bị ám ảnh bởi cái chết của bé Thuyên, Khiêu sống nội tâm, dè chừng với tất cả mọi người. Bất kể đi đâu, làm gì, tiếp xúc với ai, thậm chí cả khi làm tình, nỗi ám ảnh về kí ức đau buồn lại trỗi dậy nơi cô. Khiêu có ba mối tình với Phương Kăng, Mark và Trần Tại. Nhưng chỉ có Trần Tại mới thực sự hiểu và làm cho trái tim của cô đập loạn nhịp. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, những lúc cô đau buồn nhất, Trần Tại lại xuất hiện bên cô như một sự định mệnh. Trải qua biết bao khó khăn trong cuộc sống, cũng như chuyện tình
cảm, cuối cùng Khiêu mới nhận ra người luôn bên mình chính là Trần Tại.
Ấn tượng nhất trong tác phẩm là hình ảnh những cuộc làm tình của Khiêu và Trần Tại. Những cuộc làm tình được miêu tả rất ít nhưng được nhà văn miêu tả rất cụ thể, chi tiết. Trong khoảnh khắc này, chỉ có sự rung động về cả thể xác và tâm hồn mới thể hiện được hết sự cuồng nhiệt của hai tâm hồn: “Khiêu nằm ở giường nhưng vẫn giữ chặt tay Tại… Khiêu dần dần thoát khỏi nỗi bực dọc của má bên trái, còn anh thì cố làm Khiêu có cảm hứng, Khiêu phối hợp với các tiết tấu của anh, mong cho đỉnh cao khoái cảm cùng đến với thân thể Khiêu và thân thể anh” [24;384,385]. Từng chi tiết được miêu tả như một thước phim quay chậm, như để độc giả có thể cảm nhận được sự mãnh liệt, nồng nàn, đắm say của đôi tình nhân này. Đó có lẽ là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời Khiêu, “Khiêu than vãn tại sao ngày này lại đến quá muộn. Khiêu than vãn và cuối cùng hai người đã có ngày hôm nay. Khiêu khóc vì những niềm vui được anh đưa lại, những giọt nước mắt vui mừng kèm theo lòng biết ơn” [24;363]. Những câu văn được lặp đi lặp lại như xoáy sâu vào tim gan của chính nhân vật, đồng thời như để nói với mỗi độc giả. Có điều ngay cả khi hạnh phúc, đắm chìm trong tình yêu với Trần Tại, Khiêu vẫn không nguôi bị quá khứ tội lỗi ám ảnh. Hiện tại đang là niềm vui, hạnh phúc ngập tràn, thì quá khứ đau buồn cứ chập chờn trở lại hành hạ, giằng xé Khiêu. Đối với những người phụ nữ hiện đại như cô, ý thức làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân được thể hiện rõ ngay cả trong việc thể hiện sự chủ động trong sex.
Quá khứ đau buồn không chỉ là nỗi ám ảnh đối với Khiêu, mà còn tác động mạnh mẽ đến cả Đường Phi. Cô sinh ra không biết bố mình là ai, mẹ là cô giáo Đường Tân Tân vì “cách mạng văn hóa” đã phải tự vẫn. Từ khi sinh ra, Đường Phi đã phải chịu nỗi đau không có tình yêu thương của bố mẹ, bị mọi người hắt hủi, xa lánh. Hận chính bản thân, hận xã hội, cô lao vào để trả thù đời bằng việc bỏ mặc thân xác của mình cho những người đàn ông khác
nhau. Tuy nhiên, Đường Phi là người rất biết coi trọng tình bạn đẹp. Cô sẵn sàng từ chối “lên giường” cùng Phương Kăng vì nghĩ cho Khiêu, và cũng nguyện bán mình cho lão Phó thị trưởng để Khiêu được vào làm ở nhà xuất bản. Khi đọc những chi tiết về nhân vật Đường Phi, độc giả không còn thấy ơt cô sự đáng khinh, đáng chê trách; mà ngược lại, thấy thương cảm, xót xa cho người con gái đẹp này. Dường như sự nổi loạn, bất cần của Đường Phi ẩn chứa bên trong niềm khát khao hi vọng được “gột rửa” tâm hồn.
Bé Thuyên ra đời là sự không mong muốn của tất cả mọi người, trong đó có cả Khiêu và Đường Phi, bởi lẽ đó là mối tình vụng trộm giữa Chương Vũ và bác sĩ Đường. Và cái chết của Thuyên đã đảo lộn tất cả cuộc sống của các thành viên trong gia đình. Đối với Khiêu, hình ảnh cái chết của cô bé như nỗi ám ảnh dai dẳng kéo dài hơn hai mươi năm vì chính cô đã kéo tay Phàm để mặc cho bé Thuyên rơi xuống cống. Với tâm trạng: “Khiêu nén chặt nỗi sợ hãi trong lòng với mục đích quên đi nỗi sợ. Đó là một tâm tư không thể trao đổi với ai khác, nhất là trước sự thanh thản của Đường Phi. Vô hình trung Đường Phi đã trút bỏ nặng nề sang cho Khiêu, để Khiêu phải chịu đựng… Kẻ giết người, Khiêu nghìn lần nghĩ” [24;255].
Với nhân vật Đường Phi, tác giả đặc biệt chú ý đôi môi cô không có một người đàn ông nào được động vào. Cô hi sinh tất cả nhưng luôn giữ cho vành môi của mình trong sạch, thánh thiện. Giữ gìn vành môi “sạch sẽ”, không có chút dơ bẩn luôn là tâm niệm trong suốt cuộc đời của Đường Phi.
Cho đến khi sắp chết, vành môi đó vẫn luôn được Đường Phi trân trọng, giữ gìn. Cô muốn dành đôi vành môi của mình cho một người đàn ông có tên là Du Đại Thanh, mà cô lờ mờ đoán rằng đó chính là người cha chưa một lần được gặp. Nỗi cô đơn, buồn thương bao trùm lên cả cuộc đời của Đường Phi từ khi sinh ra cho đến khi chết. Chịu đựng bao nhiêu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, toàn thân cô như chịu hàng trăm, hàng ngàn thương tích, nhưng chỉ
duy nhất cô còn giữ được vành môi toàn vẹn. Để rồi cuối cùng, đến giây phút chuẩn bị lìa xa cõi đời, cô đã trao trọn nó cho người bạn thân thiết nhất của mình: “Khiêu, đến đây, đằng ấy đến đây, nghe tớ nói: miệng tớ sạch sẽ, đó là phần duy nhất còn lại. Cho tớ hôn đằng ấy đi, cho tớ hôn nào! Đường Phi cố gắng chống người lên ôm lấy Khiêu, hôn lên má bên trái Khiêu bằng cặp môi tái nhợt và giá lạnh” [24;381]. Nhà văn đi sâu miêu tả “Cặp môi tái nhợt và giá lạnh” của Đường Phi, phần vì do cô đang ốm sắp ra đi, nhưng mặt khác còn là do cuộc đời phải chịu nỗi cô đơn, lạnh giá, buồn đau suốt ngần ấy năm trời. Vẻ đẹp tiềm ẩn, nghị lực sống mạnh mẽ chất chứa bên trong con người của nhân vật này luôn cho người đọc cảm xúc đẹp xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm.
Hình ảnh “vành môi” được tác giả đặc biệt nhấn mạnh khi miêu tả nhân vật Đường Phi. Nét đẹp trong sáng, thánh thiện, cũng đầy sự đau đớn, xót xa in đậm trong vành môi của cô cũng đã khiến cho Khiêu không thể không bị ám ảnh: “Má bên trái Khiêu nóng dần lên, Khiêu cảm thấy bên má trái được in lên một vành môi, một vành môi. Mấy hôm sau khi đưa tang Đường Phi, Khiêu vẫn cảm thấy dấu ấn vành môi, vẫn còn dấu ấn vành môi… Khiêu nghĩ có thể ông đã trông thấy vành môi trên má Khiêu, đó là cái có hình hài, có dáng dấp, có cuộc sống, không mất đi cùng với Đường Phi, vẫn lưu lại, là vật thể sống Đường Phi gieo trồng trên má Khiêu, vật thể sống ấy cứ lớn dần bên má Khiêu” [24;381]. Cái chết của Đường Phi cũng như sự thức tỉnh đã ám ảnh Khiêu trong suốt thời gian dài vừa qua. Phi chết đi như một sự giải thoát nỗi đau cho bản thân Phi, và “Khiêu như đã hiểu hết ngọn ngành. Khiêu tin ở kí ức Trần Tại. Tuy Đường Phi đã chết, không biết lấy gì để chứng thực. Có thể vì không còn gì để chứng thực thì tất cả mới hiện lên rõ ràng. Vào giờ phút cuối cùng Đường Phi rất muốn nói cho Khiêu biết, nhưng bệnh ung thư đã cướp đi dũng khí của Phi, Phi chỉ còn để lại trên má Khiêu vành môi muốn nói rõ tất cả” [24;390].
Có thể coi, chi tiết vành môi của Đường Phi là một hình ảnh tưởng tượng vừa thể hiện tính trong sáng, thuần khiết của nhân vật, vừa thể hiện nỗi xót xa cho một thân phận cô gái cô đơn, bất hạnh. Vành môi đó không chỉ là sự “gột rửa” tâm hồn cho Đường Phi, còn đem lại sự thanh thản, thức tỉnh ở cả Khiêu và Trần Tại. Chi tiết vành môi thật đắt giá khi được Thiết Ngưng sử dụng như một biểu tượng. Chi tiết này cũng đã được đạo diễn Dương Á Châu đặc biệt chú ý khi đi vào khai thác trong cảnh phim Đường Phi bị ốm và phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Người con gái đó dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn cố gắng giữ gìn vành môi trong sạch để như dành riêng cho chính cuộc đời của cô, cho những người thương yêu.
Những người phụ nữ như Doãn Tiểu Khiêu, Đường Phi đều có vẻ đẹp thuần phác, với những dục vọng sinh tồn, mang trong mình nỗi đau, sự ám ảnh, giằng xé nội tâm mạnh mẽ. Cả cuộc đời của họ là quá trình trưởng thành về cả thể xác lẫn tâm hồn trong xã hội đầy sóng gió, biến động không ngừng.
Và đó là ý nghĩa nhan đề Đại dục nữ của nhà văn Thiết Ngưng.
Khi bộ phim Đại dục nữ được ra mắt vào năm 2006, khán giả có thể nhận diện ra hai nhân vật nữ chính là Doãn Tiểu Khiêu và Đường Phi. Cả hai cô gái đều được đạo diễn Dương Á Châu lựa chọn rất kĩ lưỡng để phù hợp với ngoại hình, tính cách, nội tâm của nhân vật theo đúng tác phẩm văn học. Nếu như Doãn Tiểu Khiêu được khắc họa thông qua chân dung một cô gái mang một vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng; thì Đường Phi hiện lên với vẻ đẹp quyến rũ, cá tính, ngang bướng, sắc sảo. Đạo diễn rất thành công khi cho người xem thấy được hai cô gái Tiểu Khiêu và Đường Phi đều có nỗi đau thầm kín, sự ám ảnh in dấu trên khuôn mặt của họ. Người xem có thể tận mắt nhìn thấy nhân vật của mình đang dần dần hiện ra mà không phải tưởng tượng, suy đoán.
Hầu như trong các sáng tác của Thiết Ngưng, nhà văn rất ưu ái viết về hình ảnh những người phụ nữ. Từ những trang viết trong các thiên truyện