CHƯƠNG 3: CHẤT LIỆU ĐIỆN ẢNH TRONG NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TẮM
3.1. Ngôn ngữ hình ảnh
3.1.2. Những hình ảnh miêu tả thiên nhiên
Thiên nhiên hiện lên trong tác phẩm của Thiết Ngưng chủ yếu là bức tranh nông thôn Trung Quốc. Trong rất nhiều tác phẩm của mình, nhà văn đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về nông thôn với cuộc sống đầy rẫy đau buồn và mâu thuẫn. Đã có không ít các nhà văn Trung Quốc từng đưa những vùng quê một thời gắn bó mật thiết với mình vào trong những trang văn, như vùng quê Cao Mật của Mạc Ngôn, Sương Tây của Thẩm Tùng Văn, vùng nông thôn Tô Nam của Giả Bình Ao… và Phúc An chính là mảnh đất luôn gắn bó với cuộc sống và sự nghiệp viết văn của Thiết Ngưng.
Những người đàn bà tắm đi sâu miêu tả những con người đang sống và làm việc tại vùng nông trường Vĩ Hà ở tây nam Phúc An. Gia đình Doãn Xích Tầm – Chương Vũ là điển hình cho những gia đình ở nông trường này. Hai vợ chồng bị điều về từ Bắc Kinh vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Đây là vùng đất chua phèn, “nơi lao động tập trung khép kín của trí thức Viện Thiết kế Kiến trúc từ tỉnh khác đến” [24;63]. Nông trường Vĩ Hà hiện ra trước mắt độc giả với khung cảnh nhiên nhiên rộng lớn, “mênh mông xa vời. Hàng vạn mẫu lau sậy bao vây, lau sậy là của nông trường, giống như những cánh hoa dày sít và mềm mại chung quanh bông hướng dương, nông trường là một bông hoa hướng dương. Nhất là về mùa thu, lau vàng cao quá đầu người và hao trắng mịn như nhung trên ngọn bừng nở, hương thơm nhẹ nhàng, hiện lên một vẻ yên tĩnh thanh khiết chối bỏ trần thế. Nó che tầm mắt mà cũng ngăn cản mọi âm thanh, chỉ có những chú vịt trời màu nâu đậm chui lủi trong lau lách, vui đùa đẻ trứng không ai quấy rầy” [24;66]. Với thủ pháp so sánh, cùng với những cảnh quay tỉ mỉ từng chi tiết, nhà văn đã vẽ lên hình ảnh rất sống động và những cung bậc về trạng thái, cảm giác của cây lau sậy. Hình ảnh này đã thể hiện khá sắc nét không khí mênh mông, bát ngát, hoang vu của nông trường. Một đoạn văn tả cảnh ngắn mà vừa có hình ảnh, ánh sáng, màu sắc.
Tất cả hợp thành một bức tranh nông trường sống động, giàu chất tạo hình.
Từ những cảnh quay xa, rộng mênh mông, Thiết Ngưng đã đi tới thu hẹp lại với những cảnh quay gần, tạo điểm nhấn hơn: “nông trường càng tỏ ra bình lặng, đơn điệu. Từng dãy nhà gạch giống nhau đứng thẳng hàng. Chỉ có một nơi hấp dẫn người ta nhất đó là ngôi nhà nhỏ trên đồi kia. Nhưng đâu phải là đồi. Nơi này là đồng bằng không thấy đâu là cùng, cái gọi là đồi kia chỉ là khu đất cao hơn một chút nằm ở cuối ruộng rau của nông trường, gọi là gò đất cũng không đáng” [24;66]. Thiên nhiên Vĩ Hà vừa mênh mông, bát ngát, lại vừa heo hút, tĩnh lặng. Những hình ảnh về thiên nhiên Vĩ Hà như chuyển
động tạo được ấn tượng đối với độc giả. Thông qua thiên nhiên, cuộc sống con người nơi đây sẽ dần được hé mở và lộ diện.
Tác giả tiếp tục miêu tả về con người và cuộc sống ở nơi đó: “Họ ở trong các căn nhà tập thể lớn, đàn ông ở với đàn ông, đàn bà ở với đàn bà, nhà thì trống rỗng. Lao động cụ thể của họ là đóng gạch cho nông trường. Doãn Xích Tầm hàng ngày phải kéo xe bò nặng nề. Chương Vũ thì hai tay đeo găng vải to xù đứng xếp gạch lên xe” [24;65]. Đây toàn những con người trí thức do cuộc “cách mạng văn hóa”, bị đưa về nông trường lao động chân tay nặng nhọc, chịu cuộc sống thiếu thốn, khổ cực. Doãn Xích Tầm và Chương Vũ bỏ lại tất cả nhà cửa, cuộc sống đầy đủ, hai đứa con nhỏ Tiểu Khiêu và Tiểu Phàm để đến vùng đất mới. Ngay cả nhu cầu bản năng nhất của vợ chồng cũng bị ngăn cấm, bởi lẽ đàn ông và đàn bà bị phân ở nơi riêng, “Khi kết thúc một ngày lao động mồ hôi nhễ nhại, mặt mày nhem nhuốc, nam về nhà nam, nữ về nhà nữ, chồng khát khao vợ, vợ khát khao chồng” [24;65]. Nơi đây có một nơi khác biệt, khác thường mà đôi vợ chồng nào cũng mong đợi đến lượt,
“Trên đồi có ngôi nhà nhỏ, ngày chủ nhật, chỉ có ngày chủ nhật, cửa mới mở cho các đôi vợ chồng ở tập thể đến đây…vui vẻ. Còn ngày thường nó bị khóa chặt… Là vợ chồng ai cũng cần cái nhà nhỏ trên đồi kia, nhà chỉ có một gian, mà ngày cũng chỉ có một, bởi thế họ phải xếp hàng” [24;67]. Rồi tiếp tục, tác giả trần thuật chi tiết công việc “xếp hàng” vào các ngày chủ nhật của mỗi cặp vợ chồng: “…Vẻ mặt họ cũng bình thản thôi, nhưng mắt lại nhìn chằm chằm vào cánh cửa khép kín của ngôi nhà. Mỗi lần cửa mở là một đôi vợ chồng đã xong việc ra về, một đôi khác ngồi gần cửa lại vào, một đôi ngồi xa lại nhích lên một bước… Thế trận mỗi nhóm hai người, trinh sát tiếp cận ngôi nhà bằng những hướng khác nhau, lại giống với thế cờ mà người khác không thể hiểu nổi. Từng cặp vợ chồng mệt mỏi chờ đợi là những quân cờ trên bàn cờ…”
[24;67,68]. Nhà văn như thâm nhập vào bên trong cuộc sống, cũng như nhu cầu bình thường của những đôi vợ chồng ở nông trường. Nhu cầu tưởng như
bình thường giờ đây lại trở thành nỗi khát khao, đợi chờ nhiều nhất, “Chị chỉ muốn chồng mình mà thôi, nhưng giữa thanh thiên bạch nhật này, với dáng đi không lấy gì làm đẹp, chị đã nói với đất trời, nói với lau sậy, nói với cây cối, nói với gạch ngói không liên quan rằng, chị đang thèm khát được làm tình với chồng” [24;69]. Một trong những phương thức làm gia tăng tính trữ tình trong tác phẩm này là miêu tả con người trong mối quan hệ gắn bó với thiên nhiên, lấy thiên nhiên để miêu tả về con người, cuộc sống của con người. Thiên nhiên đã nói hộ con người về cuộc sống, những tâm tư, suy nghĩ rất riêng.
Khi trở thành tác phẩm điện ảnh, khán giả được tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh nông trường Vĩ Hà được miêu tả trong tiểu thuyết. Song, dưới bàn tay của đạo diễn Dương Á Châu, nông trường Vĩ Hà hiện lên không còn là thiên nhiên với hàng lau sậy, cỏ cây, hoa lá... mà là cảnh một vùng ven biển nghèo heo hút, lạnh lẽo, hoang vu chỉ toàn đá, sỏi và nước biển. Ngay từ đầu vào phim, người xem đã bắt gặp cảnh người người thu xếp hành lý vội vàng, họ để lại tất cả nhà cửa, con cái, đến vùng đất mới lao động và học tập theo tình thần của “cách mạng”. Công việc chính hàng ngày của hai vợ chồng Doãn Xích Tầm – Chương Vũ, cũng như của bao cặp vợ chồng khác là chài lưới vất vả. Đặc biệt, có chi tiết mà cả trong tiểu thuyết và điện ảnh đều khai thác, đó là cảnh các đôi vợ chồng xếp hàng chờ đến lượt vào “thỏa mãn” khao khát của mình. Đó không chỉ là niềm khao khát bình thường của các đôi vợ chồng, mà còn là sự xót xa, đau buồn cho cảnh ngộ của những con người trong một giai đoạn xã hội đầy ấu trĩ.
Thiên nhiên trong tác phẩm còn được miêu tả gắn với những giây phút của tình yêu đôi lứa: “Hai người men theo con đường bên cây hòe và ruộng lúa để đi vào nơi có cây hạnh đào, những trùm hoa hòe trắng xóa trên đầu tỏa hương thanh cao dịu nhẹ và trong lành. Khiêu đòi anh ngắt cho một cành hoa hòe, anh ngắt mấy cành liền, cười nhìn Khiêu tham lam cho hoa vào miệng…
Đã bao giờ em ăn lúa non chưa? Vừa nói anh vừa cúi xuống lúa ngắt mấy
bông để vào tay vò nhẹ, thổi sạch vỏ, nhón bỏ những hạt lúa non vào miệng Khiêu, những hạt còn lại cho vào miệng mình” [24;364]. Thiên nhiên gắn với những dục vọng của cơ thể con người: “Không phải hương hoa hòe nhưng lại nồng nàn hơn hương hoa hòe, một sức mạnh tác động con người mạnh hơn hương hoa hòe. Đó là mùi sinh thực, mùi sinh thực, trần trụi căng phồng, bản năng cuộc sống tráng lệ lan truyền” [24;364]; và có mặt ngay cả khi họ làm tình với nhau: “Khiêu kéo anh vào lòng mình, khẽ nói: em muốn ăn “lúa mạch” ngay bây giờ em muốn ăn “lúa mạch”. Hai người làm tình dưới gốc hạnh đào yên tĩnh, Khiêu mở toang thân mình dưới ánh mặt trời và trước anh, để ánh mặt trời và anh mơn man cửa mình. Khiêu để anh tận mắt kinh ngạc, anh nhớ mãi sắc màu tươi trẻ của con người Khiêu sáng rõ dưới mặt trời”
[24;364]. Thiên nhiên mang màu sắc của sự sống, tràn đầy ánh nắng mặt trời, của hương sắc cây cỏ, hoa lá. Tác giả miêu tả thiên nhiên nhưng chính lấy thiên nhiên để khắc họa tâm trạng, suy nghĩ của những người đang yêu. Thiên nhiên nở rộ như chính sự mở lòng, hạnh phúc, khát khao yêu thương của Khiêu và Trần Tại.
Như vậy, thiên nhiên hòa quyện, gắn bó với cuộc sống của con người.
Thiên nhiên trong tác phẩm, lúc là thiên nhiên hoang vu, đơn sơ nơi vùng nông trường Vĩ Hà, lúc là thiên nhiên căng tràn sự sống, tươi mới trong tình yêu của Khiêu và Trần Tại. Thiên nhiên được tái hiện thông qua lăng kính chủ quan của nhân vật, mang màu sắc tâm trạng của nhân vật.