Nguyên nhân cấm đạo

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp quá trình du nhập, phát triển của công giáo nhật bản và chính sách cấm đạo của chính quyền mạc phủ tokugawa (Trang 29 - 34)

CHƯƠNG 2: CHÍNH SÁCH CẤM ĐẠO CỦA CHÍNH QUYỀN

2.1. Nguyên nhân cấm đạo

Trong quá trình truyền bá Công giáo sang phương Đông, Nhật Bản là một trong những mảnh đất mà các giáo sĩ phương Tây tìm đến. Công giáo có một quá trình du nhập và phát triển lâu dài đầy thăng trầm ở đất nước này. Trong quá trình phát triển ấy, nhà nước phong kiến Nhật Bản cũng đã có nhiều những chính sách ngăn cấm đối với tôn giáo này, đặc biệt dưới thời trị vì của chính quyền Mạc Phủ Tokugawa. Vậy, nguyên nhân đưa đến những chính sách cấm đạo, giết đạo khắc nghiệt và kiên quyết chính là:

Thứ nhất, Công giáo ngay từ khi mới vào Nhật Bản đã gây ra sự xung đột phong – hóa (phong tục, tập quán, văn hóa).

Từ xa xưa, người Nhật đã hình thành cho mình những truyền thống văn hóa tín ngưỡng riêng, với những tôn giáo đã in sâu trong tiềm thức mỗi người dân. Người Nhật luôn luôn gắn bó đời sống của mình với lễ bái, thờ phụng thiên nhiên, các chư thần, tổ tiên… Nói chung, “việc lễ bái, thờ phụng ấy không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một tôn giáo nào”. Và đối với người Nhật, “thế giới thánh thần (Kami) là biểu hiện tình cảm cao quý của nhân dân Nhật Bản” [15; 22]. Do vậy, việc dung nạp một tôn giáo thuộc một hệ văn hóa khác là không dễ dàng.

Những giáo luật mà các giáo sĩ phương Tây rao giảng hoàn toàn đối lập với Kami của Nhật Bản. Công giáo đã phá hủy uy tín và danh dự của các lãnh chúa, trực tiếp xung đột với các lãnh chúa vì rằng lãnh chúa chính là Kami hiện thân. Kami được quý trọng bởi uy lực và uy lực đó đồng thời là tham vọng của các lãnh chúa. Có thể nói, tôn giáo truyền thống với chính trị Nhật Bản có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tôn giáo, chính trị, lòng tự tôn dân tộc đã hòa quyện vào nhau và làm nên cái gọi là “Tinh thần Nhật Bản”. Tinh thần đó được thể hiện rất mạnh mẽ từ sâu thẳm truyền thống văn hóa của một đất nước sớm có ý thức tự chủ trong việc lĩnh hội những giá trị, tri thức từ nền văn hóa khác lạ, vượt trội bên ngoài.

Quan niệm “ Nhật Bản là đất nước của Thần linh” [36; 365] được đề cao hơn bao giờ hết và được coi là nguyên tắc sống còn để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Điều đó đã được ghi rõ từ những lời mở đầu trong chính sách cấm đạo đầu tiên mà Hideyoshi ban hành năm 1587: “Nhật Bản là đất nước của các thần (Kami) và các linh mục đến đây để giảng dạy một lề luật tà vậy là điều đáng bị trừng trị và lên án… Nếu lãnh chúa Tenka cho phép các linh mục truyền bá giáo phái của họ như các Kito hữu mong muốn, điều này trái với các luật lệ của Nhật Bản, như đã trình bày trên đây. Vì hành động như thế là không thể dung thứ nên ta quyết định các linh mục không nên ở lại trên đất nước của Nhật Bản nữa. Do đó, ta ra lệnh, sau khi giải quyết xong công việc trong vòng 20 ngày, họ phải quay trở về đất nước của mình. Nếu bất cứ ai làm hại đến họ trong thời gian này, kẻ đó sẽ bị trừng trị…” [13; 96 – 97]. Được hậu thuẫn bởi cơ sở tư tưởng vững chắc đó, trong tiến trình vươn tới mục tiêu chính trị cao nhất của mình là giành đoạt quyền lực, giới lãnh đạo quân sự Nhật Bản không thể chấp nhận bất cứ một thế lực chống đối nào, cho dù là nguy cơ tiềm ẩn, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Sau khi giành lại được thực quyền ở Nhật Bản, Mạc Phủ Tokugawa vẫn lo sợ rằng những lãnh chúa chịu ảnh hưởng Công giáo, do thường xuyên có liên hệ mật thiết với bên ngoài, sẽ có được sức mạnh vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình. Quan hệ của các tín đồ Công giáo với các lãnh chúa địa phương và giữa lãnh chúa địa phương với các cường quốc phương Tây có thể dẫn đến việc hình thành các liên minh chính trị đe dọa an ninh của Nhật Bản. Với tư cách là người đứng đầu chính quyền, Ieyasu và những người kế nhiệm ông không thể cho phép các thừa sai ngoại quốc truyền đạo vào Nhật Bản một cách tự do như trước.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến chính sách cấm đạo của nhà nước Nhật Bản là các nhà cầm quyền lãnh đạo đất nước đã nhận thấy nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây đối với nước mình.

Chúng ta không thể không thừa nhận động cơ tôn giáo của hiện tượng lịch sử này. Truyền giáo là sứ mạng của bất kì tôn giáo nào ngay từ khi xuất hiện nhằm gây ảnh hưởng của mình trong dân chúng. Chính vì thế mà ngay từ khi

mới ra đời, Công giáo cũng đã đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử đó, từ một vùng đất nhỏ ở vùng đất Palestin thuộc Trung Cận Đông trở thành một tôn giáo thế giới, thống trị trên toàn bộ châu Âu trong suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, bắt đầu từ thế kỉ XV, sau các cuộc phát kiến địa lí, động cơ truyền giáo có sự thay đổi về cả mục đích lẫn tính chất. Động cơ truyền giáo giai đoạn này có thêm một yếu tố mới đó là sự dính líu giữa giáo hội và chủ nghĩa thực dân. Thông qua các cuộc phát kiến địa lí, người Tây Âu không chỉ với mong muốn khai phá những vùng đất mới, tìm kiếm nguyên liệu thị trường mà còn thông qua các giáo hội, nhà truyền giáo nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho công cuộc chinh phục, xâm chiếm thị trường, xâm lược thuộc địa.

Sự truyền bá và du nhập của Công giáo vào Nhật Bản trong bối cảnh như trên, với nhiều động cơ chi phối, không thể tránh khỏi bị thực dân lợi dụng làm công cụ phục vụ cho mưu đồ chính trị xâm chiếm thuộc địa. Chính vì vậy, ngay từ khi mới du nhập vào Nhật Bản, Công giáo đã gặp phải sức cản trở và những chính sách cấm đạo hết sức cứng rắn, nghiêm khắc của chính quyền Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, sau khi dòng họ Tokugawa xác lập được địa vị vững chắc của mình trên đất nước Nhật Bản, họ bắt đầu chú ý đến mối hiểm họa từ phía giáo sĩ. Chính xác hơn, các nhà cầm quyền ở Nhật Bản đã biết về mối nguy hiểm này từ khá sớm. Người đầu tiên thực hiện chính sách cấm đạo đối với Công giáo vì lí do này là tướng quân Toyotomi Hideyoshi. Không phải ngẫu nhiên ông lại đưa ra chính sách này. Ban đầu, ông là người có thiện cảm với Công giáo, bởi vì, ngoài việc truyền bá nền văn hóa phương Tây vào Nhật Bản, nhà nước của ông còn có quan hệ thương mại tốt đẹp với họ. Nếu như các giáo sĩ đến đất nước Nhật Bản chỉ với mục đích giao lưu, buôn bán và truyền đạo một cách thuần túy thì chắc Hideyoshi sẽ không cấm cách như vậy. Mặt khác, ông còn tạo điều kiện cho họ tự do truyền bá đức tin của mình. Nhưng các nhà truyền giáo có những biểu hiện khiến ông nghi ngờ rằng Công giáo và các thế lực ngoại bang có mối liên kết với nhau, ông phẫn nộ vì những hành động bạo ngược của họ như “phá bỏ đền thờ Shinto, chùa Phật giáo, chống lại luật pháp

quốc gia, hành hạ các nhà tu hành Phật giáo, mua bán người Nhật như nô lệ…” [18; 91]. Bên cạnh đó, sự kiện xảy ra ngày 19/10/1596 như giọt nước làm tràn ly dẫn đến chính sách cấm đạo của Hideyoshi. Đó là khi lãnh chúa địa phương phát hiện thấy chiếc tàu San Felipe của Tây Ban Nha đi từ Manina đến Mêxico bị bão đánh dạt khỏi hải trình và bị mắc cạn tại Urado trên bờ biển Tosa của Nhật Bản.

Người ta phát hiện thấy tàu này được trang bị vũ khí mạnh và có nhiều tu sĩ trên tàu. Thượng Thư Bộ Lại Nhật Bản là Maruda được Hideyoshi phái đến Tosa để tịch thu hàng hóa nhưng đã bị các sĩ quan trên tàu này chống cự lại và họ còn chỉ trên bản đồ cho ông thấy các thuộc địa của vua hùng mạnh Tây Ban Nha. Điều này khiến Maruda đặt câu hỏi: “làm thế nào mà người Tây Ban Nha có được những thuộc địa này và phải có các thừa sai là những người dọn đường không?

Một sĩ quan đã trả lời: Đúng như vậy” [13; 121]. Chính câu trả lời này là một khẳng định mới đối với nghi ngờ của Hideyoshi rằng các thừa sai Tây Ban Nha được phái đến để chuẩn bị cho việc chinh phục đất nước của ông. Không còn lí do gì để do dự nữa. Hideyoshi đã ban hành ngay sắc lệnh cấm đạo và trục xuất các thừa sai ra khỏi đất nước của mình.

Với lí do ngăn chặn nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây vào đất nước mình, Ieyasu, Hidetada và Iemitsu tiếp nối sự nghiệp của cha ông mình càng đề ra chính sách cấm đạo kiên quyết hơn, thậm chí còn thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, “tỏa quốc” (dưới thời Iemitsu).

Ở Nhật Bản, các nhà cầm quyền thực hiện chính sách cấm đạo còn là vì thái độ thù nghịch cá nhân. Tiêu biểu cho lí do này là tướng quân Ieyasu. Các Giám Mục và các thừa sai biết rõ thái độ chống Công giáo của Ieyasu chỉ được che đậy bằng những lí do thương mại, sẽ hiện nguyên hình một cách quyết liệt nhất vào một ngày nào đó. Điều này được thể hiện rõ trong một lá thư của ông gửi cho phó vương Mêxicô năm 1612 như sau: “Giáo lí được giảng dạy tại đất nước của ngài hoàn toàn khác với giáo lí của chúng tôi… Do đó, tốt nhất là nên chấm dứt việc truyền bá giáo lí của ngài trên đất nước của chúng tôi. Mặt khác, ngài có thể tăng thêm số lượng tàu buôn, như thế sẽ giúp tăng cường lợi ích và quan hệ lẫn nhau” [13; 176]. Tuy nhiên, người phương Tây vẫn gửi nhiều thừa

sai đến Nhật Bản thay vì các thợ mỏ hay thuyền buôn chở nhiều hàng hóa. Điều đó khiến Ieyasu nghi ngờ các thừa sai chính là những người tiên phong trong việc xâm lược đất nước của ông.

Thái độ thù ghét cá nhân của vị tướng này dần dần được phát triển mạnh hơn dưới sự ảnh hưởng của một số cố vấn của ông, họ là những người không có thiện cảm với các thừa sai. Thiền sư Suden, Tân Nho sĩ Hayashi Razan, Bugyo của Nagasaki Hasegawa Sahyoe và hoa tiêu người Anh William Adams, tất cả đều góp phần làm tăng lòng thù ghét của Ieyasu đối với đức tin Công giáo. Hơn nữa, một số sự kiện đã củng cố thêm quan điểm không ủng hộ của ông đối với Giáo hội. Việc người Hà Lan miêu tả cho Ieyashi thấy các thừa sai như là những người đi tiên phong trong việc xâm lược ngoại quốc; việc giáo sĩ người Tây Ban Nha khảo sát bờ biển phía Đông Nhật Bản, mặc dù được chính thức cho phép, cũng được xuyên tạc theo cách đó; sự kiện về các cuộc diễu hành tập thể của hàng ngàn Kitô hữu tại những nơi diễn ra các cuộc tử đạo của các tín hữu bị chôn sống trong cuộc bách hại của Arima Naozumi năm 1613. Trong cuộc diễu hành này, các tín đồ Công giáo đã “tôn kính” một tên tội phạm lúc người đó bị hành quyết. Ngoài ra, Sotelo (một giáo sĩ người Tây Ban Nha) còn cho tái thiết một nhà nguyện nhỏ tại Edo khi nhà thờ này đã bị phá hủy theo lệnh của tướng quân, khiến cho Ieyasu nghĩ rằng các Kitô hữu trên thực tế đã chống lại các luật lệ của Bakufu (Mạc phủ). Đó là các sự kiện làm tăng sự ngờ vực của Ieyasu, và có lẽ đã để lại cho ông ấn tượng rằng, nếu đất nước Tây Ban Nha hùng mạnh không có ý định xâm lăng thực sự nào, thì ít nhất họ cũng sẽ giúp đỡ quân sự cho một daimyo Công giáo nào đó có tham vọng quyền lực tối cao. Với các lí do trên, Ieyasu và những người kế nhiệm ông sau này đã quyết định cấm đạo đối với Công giáo và bách hại đạo này ngày một mạnh mẽ và quyết liệt.

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chính sách cấm đạo của Nhà nước phong kiến Nhật Bản, trong đó điều cốt yếu của vấn đề này là nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột phong – hóa và quá trình xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây vào nước mình. Và xét cho cùng, chính sách cấm đạo của nhà nước

phong kiến Nhật Bản xuất phát từ yêu cầu tự vệ chính đáng gắn liền với việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp quá trình du nhập, phát triển của công giáo nhật bản và chính sách cấm đạo của chính quyền mạc phủ tokugawa (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(62 trang)
w