Hệ quả của chính sách cấm đạo

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp quá trình du nhập, phát triển của công giáo nhật bản và chính sách cấm đạo của chính quyền mạc phủ tokugawa (Trang 51 - 55)

CHƯƠNG 2: CHÍNH SÁCH CẤM ĐẠO CỦA CHÍNH QUYỀN

2.3. Hệ quả của chính sách cấm đạo

Chính sách cấm đạo của Nhà nước phong kiến Nhật Bản đã để lại nhiều hệ quả tích cực và tiêu cực trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Đặc biệt là những hệ quả về mặt chính trị và văn hóa.

Về mặt tích cực, đầu tiên đó là chính sách cấm Công giáo đã phần nào ngăn chặn được sự xung đột giữa tín ngưỡng, tôn giáo mới truyền vào với văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, bản địa. Như chúng ta đã biết, Nhật Bản là một đất nước rất coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống. Ngay bản thân Nobunaga, tuy có thái độ kì thị với một số giáo phái chống đối nhưng ông cũng không thể nào đi ngược lại truyền thống của tổ tiên mình. Ông luôn tôn sùng triết lý Thiền tông và rất kính trọng các giáo sĩ Thần đạo. Những người kế vị Nobunaga sau này cũng đều có quan niệm rằng “tôn giáo truyền thống là một bộ phận không thể tách rời trong cơ cấu chính trị để duy trì sự thống trị và bảo vệ dân tộc Nhật Bản. Nếu làm tổn hại tôn giáo truyền thống cũng có nghĩa là làm tổn hại lợi ích quốc gia” [18; 138]. Điều đó cho thấy, ngay cả các lãnh chúa, dù có tư tưởng cấp tiến cũng không thể nào đoạn tuyệt với môi trường chính trị - xã hội mà từ đó họ được sinh ra và đưa họ đến quyền lực. Với tư cách là lực lượng hội tụ sức mạnh, tinh thần dân tộc, giới cầm quyền Nhật Bản dù có tham vọng

chính trị đến đâu cũng không thể không đề cao những giá trị văn hóa, tư tưởng truyền thống. Đó chính là nền tảng để hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, tâm lí, thái độ ứng xử cũng như tạo ra cái nhìn nhân sinh và thế giới trong mỗi người Nhật. Trong khi đó, Công giáo vào Nhật Bản đã phá hủy các đền thờ Thần đạo và chùa chiền Phật giáo, làm cho người dân cải đạo theo tôn giáo của mình.

Được hậu thuẫn bởi một tư tưởng vững chắc đó, nên các nhà cầm quyền Nhật Bản không thể chấp nhận bất cứ một thế lực chống đối nào. Do đó, chính quyền phong kiến Nhật Bản đã đề ra các chính sách cấm Công giáo để ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ xâm hại tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Mặc dù, chính quyền Nhật Bản ra rất nhiều chính sách cấm đạo Công giáo rất quyết liệt, nhưng tôn giáo này vẫn được truyền bá vào Nhật Bản. Qua đó, đã đem lại một hệ thống luân lí mới, một niềm tin mới trong đời sống tâm linh, tinh thần của một bộ phận cư dân Nhật Bản. Công giáo cũng đóng góp to lớn để làm phong phú văn hóa bản địa như làm xuất hiện những ngôn ngữ mới, những ngày lễ hội mới và chính nó cũng được làm phong phú hơn bởi nền văn hóa bản địa.

Mặt khác, Công giáo chính là chiếc cầu nối giữa văn hóa phương Tây với văn hóa Nhật Bản. Qua Công giáo, người dân Nhật Bản đã tiếp thu được một số thành tựu của nền văn minh phương Tây trên các lĩnh vực nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, văn học, khoa học tự nhiên…

Hệ quả thứ hai là, với việc đề ra chính sách cấm đạo và thực hiện các biện pháp quyết liệt, triệt để, nhất quán, Nhật Bản đã thoát khỏi sự xâm lược và thống trị của các nước tư bản phương Tây, bảo vệ được nền độc lập của dân tộc.

Xét trong bối cảnh lịch sử khu vực lúc bấy giờ (từ đầu thế kỉ XVI), sau khi đặt được những cơ sở đầu tiên ở Goa rồi Malacca…các nước phương Tây bao gồm cả các nhà truyền đạo Công giáo bắt đầu thâm nhập và mở rộng dần phạm vi ảnh hưởng đến nhiều quốc gia châu Á. Trên bình diện quốc tế, đây là thời kì mà chủ nghĩa tư bản đang được xác lập và tìm đường đến nhiều châu lục để săn lung nguyên liệu, thị trường và thuộc địa. Chính vì vậy, mặc dù là một quốc đảo xa xôi, tương đối tách biệt với đại lục châu Âu nói chung, Công giáo nói riêng ở

Nhật Bản đúng vào thời điểm đất nước đang trải qua những biến chuyển chính trị lớn. Sau hơn một thế kỉ nội chiến, giữa các tập đoàn phong kiến cát cứ, Nhật Bản đang tiến nhanh đến quá trình thống nhất đất nước.

Sự truyền bá Công giáo vào Nhật Bản cùng với chủ nghĩa thực dân phương Tây, qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, giới cầm quyền Nhật Bản thấy được giữa họ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Do đó, các nhà cầm quyền phong kiến Nhật Bản đã ban hành các chỉ dụ cấm đạo và có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại với từng nước. Nhật Bản đã hoàn thành được sự nghiệp thống nhất đất nước. Nhờ đó mà nước Nhật đã không diễn ra một quá trình phân rã về ý thức dân tộc và chia cắt lãnh thổ. Trước những thách đố lịch sử gay gắt nhất, chủ quyền dân tộc được bảo vệ. Qua đó, đã tạo nên cách nhìn nhận của các nước phương Tây hình ảnh về một quốc gia Nhật hùng mạnh, có văn hiến, có tinh thần thống nhất, kỉ luật cao và dân tộc đó không thể dễ khuất phục.

Bên cạnh những nhân tố tích cực đó, chính sách cấm Công giáo của chính quyền phong kiến Nhật Bản đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đó là cuộc nổi dậy của nông dân ở một số địa phương mà đa phần là các tín đồ đạo Công giáo chống lại các lãnh chúa. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Shimabara tháng 12 năm 1637 đến tháng 4 năm 1638), cuộc phản loạn của nông dân ở Amakusa, nơi cứ điểm của Công giáo. Một trong những nguyên nhân quan trọng của cuộc khởi nghĩa này là do cuộc bách hại Kitô hữu tàn khốc nhất vào năm 1614 dưới thời Naozumi và từ 1627 đến 1633 dưới thời Matsukusa Shigenmasa (lãnh chúa sứ Shimabara). Con trai của Shigemasa là Shigeharu dồn nông dân vào tình cảnh sắp chết đói, mà nông dân ở đây chủ yếu là các Kitô hữu. Mặc dù phần lớn các Kitô hữu này dường như đã bỏ đạo, ít nhất là bên ngoài, họ vẫn giữ đức tin tại tâm. Nghèo khổ đã buộc họ trở thành nông dân, nhưng họ đã sử dụng vũ khí.

Những cựu samurai này sẽ trở thành những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa ban đầu không liên quan gì đến tôn giáo, đã mang đặc trưng tôn giáo sau khi nó bắt đầu. Những người nổi dậy công khai tuyên xưng đức tin bằng cách giương cao các cờ hiệu có những khẩu hiệu và biểu tượng tôn giáo. Những nông dân khốn khổ này, trong nhiều năm bị tước đi sự giúp đỡ của các linh mục,

có thể đã tin vào lời đồn đại rằng Đấng Cứu Thế đã đến như được tiên báo và chấm dứt những đau khổ của họ.

Tóm lại, chính sách cấm đạo đối với Công giáo của chính quyền Mạc Phủ Tokugawa đã để lại những hệ quả tích cực và tiêu cực. Và những hệ quả tiêu cực ấy để lại cho đến ngày nay vẫn không dễ gì xóa mờ. Tuy nhiên, với việc đề ra chính sách cấm đạo và thực hiện các chính sách này một cách triệt để, quyết liệt và nhất quán, Nhật Bản đã bảo toàn được nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp quá trình du nhập, phát triển của công giáo nhật bản và chính sách cấm đạo của chính quyền mạc phủ tokugawa (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(62 trang)
w