Tuổi thai: nghiên cứu trên 202 trẻ sơ sinh tại phường Hương Long, cho thấy có 8,4% trẻ sinh thiếu tháng (sinh trước tuần thứ 37) (bảng 3.1), kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Văn Quang Tân tại Bình Dương năm
2010-2012 (6,9%), thấp hơn nghiên cứu của Lê Thị Phương Nhi năm 2009 tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế (26,4%). Một nghiên cứu năm 2014, thực hiện tại 8 quốc gia (Brazil, Ý, Oman, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya) của José Villa, tỷ lệ sinh thiếu tháng là 5,5% [48]. Theo tác giả Tăng Chí Thượng và cộng sự năm 2004 sinh non tháng là nguyên nhân gây tử vong sơ sinh chiếm 46,7% tại 6 tỉnh phía nam: Bến Tre, Bình Thuận, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu [33].
Giới: kết quả bảng 3.1 trong 202 trẻ nghiên cứu: 54,5% là trẻ trai và 45,5% trẻ gái, tương đương tỷ số giới tính trẻ trai/trẻ gái khi sinh là 120, tỷ số này cao hơn mức bình thường và cao hơn mức chung của cả nước là 112 trẻ trai trên 100 trẻ gái năm 2014 và mức báo động tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh [36]. Trong công bố năm 2014 của Jose Villar thì tỷ lệ chung trẻ sinh tại 8 quốc gia là 51,2% trẻ trai, tại Ý là 49,7% trẻ trai và tại Mỹ 53,2%
trẻ trai [48].
Cách sinh trẻ: nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có 48% trẻ sinh cần can thiệp như phẫu thuật lấy thai hoặc sinh hỗ trợ thủ thuật (bảng 3.1), tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của Lê Đình Dương tại A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (5%) và nghiên cứu của Onesmus tại bệnh viện huyện Olkalou miền trung Kenya năm 2014 với sinh có can thiệp là 11,7%. Sự khác biệt này là do địa bàn nghiên cứu của chúng tôi thuộc thành phố Huế, nơi có điều kiện phát triển các phương tiện, kỹ thuật hỗ trợ sinh đẻ, đồng thời cũng cảnh báo một tỷ lệ cao sinh có can thiệp tại cộng đồng này [12].
Tình trạng lúc sinh của trẻ: có 88,1% trẻ sinh ra bình thường, 8,4% trẻ sinh non, 4,5% trẻ nhẹ cân và có 6 trẻ chiếm 3% có dị tật bẩm sinh (bảng 3.1).
Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thế Dũng năm 2006 tại Bình Thuận tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh là 1,4% [11], tác giả Trương Quang Đạt tại Bình Định năm 2011 với tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh là
1,83% [8], nghiên cứu của Hà Thị Mỹ Dung năm 2014 tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Sinh sản, Thừa Thiên Huế, tỷ lệ này là 2,4% [10]. Sở dĩ có sự khác biệt này có thể do tại cộng đồng nghiên cứu, các bà mẹ chưa chú trọng khám sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm dị tật bẩm sinh, đồng thời, phần lớn các dị tật không ảnh hưởng lớn đến sự sống của đứa trẻ như tật bàn chân khèo, bàn chân bẹt.
Nơi sinh trẻ: trong nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn trẻ được sinh ở bệnh viện huyện với 63,4% số trẻ, 28,7% trẻ sinh tại Bệnh viện Trung ương, vẫn còn tồn tại 1 trẻ (0,5%) sinh tại nhà (bảng 3.1). Điều này cũng phù hợp với thực tế là phường Hương Long gần trung tâm thành phố Huế, nên có điều kiện sinh tại các cơ sở y tế tuyến trên. Tuy nhiên một số bộ phận nhỏ dân số trình độ học vấn thấp, kinh tế gia đình khó khăn vẫn còn tự sinh tại nhà.
4.1.2. Thực trạng cân nặng sơ sinh
Kết quả nghiên cứu cho thấy CNSS của 202 trẻ tại phường Hương Long trong năm 2015 phân bố từ 1900g đến 4300g với mức cân nặng trung bình của các trẻ khi sinh trong thời điểm nghiên cứu là 3112 ± 417,2g (bảng 3.2a).
Kết quả cân nặng trung bình khi sinh này tương đương với tác giả Phan Bích Nga khi nghiên cứu trẻ sinh tại Bệnh viện phụ sản Trung ương năm 2010 là 3119 ± 520g [23] và thấp hơn kết quả nghiên cứu của Jose Villar thực hiên tại 8 thành phố tại 8 quốc gia trên thế giới thì CNSS trung bình của trẻ sinh đủ tháng là 3300g [48]. Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Hoàng Thu Nga thực hiện năm 2009 tại vùng nông thôn Phú Thọ có CNSS trung bình là 3028g [22], nghiên cứu của Nguyễn Thị Hợp là 2922g tại 4 xã miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2012 và nghiên cứu của Văn Quang Tân tại Bình Dương (năm 2010-2012) là 3082,6g [30]. Sở dĩ có sự khác biệt này là do nghiên cứu của chúng tôi tiến hành là nghiên cứu ngang trên mẫu nhỏ, địa bàn
nghiên cứu là một phường của thành phố Huế, nên có điều kiện tốt về chăm sóc thai sản hơn so với vùng nông thôn và miền núi tuy nhiên chưa thể so sánh với các đô thị lớn ở Việt Nam và trên thế giới.
Tỷ lệ SSNC (cân nặng thấp <2500g) trong nghiên cứu là 4,5% (bảng 3.2b). Đây là kết quả khá cao trong cộng đồng, với tỷ lệ sơ SSNC trong tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014 là 1,98%. Điều này cũng cảnh báo một nguy cơ về chăm sóc thai sản ở địa bàn nghiên cứu. Kết quả này thấp so với tỷ lệ trẻ sinh nhẹ cân chung của Việt Nam (5,7%) và các nước đang phát triển trên thế giới.
Theo thống kê của UNICEF năm 2013, tỷ lệ trẻ đẻ có CNSS thấp toàn cầu là 16%. Tỷ lệ trẻ có CNSS thấp cao nhất ở Nam Á (28%) [58]. Tỷ lệ này thấp hơn so với nghiên cứu của Văn Quang Tân tại Bình Dương năm 2010-2012 là 9,7% và Hoàng Thu Nga tại Phú Thọ năm 2009 (6,3%) thấp hơn nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hợp năm 2012 là 10,8% [22],[ 30]. So sánh tỷ lệ SSNC với một nghiên cứu cách đây hơn 10 năm cũng tại phường Hương Long, thành phố Huế của tác giả Đinh Thanh Huề năm 2002, tỷ lệ trẻ SSNC là 8,4%, cho thấy sau hơn 10 năm nỗ lực của ngành y tế và các bộ ngành liên quan, tỷ lệ này đã giảm đáng kể tuy nhiên hiện tại vẫn ở mức cao trong cộng đồng [14].