CNSS có liên quan mật thiết đến tình trạng dinh dưỡng trước và trong quá trình mang thai của người mẹ, bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác như điều kiện kinh tế, làm việc, môi trường sống, lao động, tuổi tác… Trong nghiên cứu của chúng tôi, có mối liên quan giữa CNSS của trẻ với tiền sử sản khoa của mẹ: sinh non, nạo/sẩy/lưu thai, tiền sử sinh trẻ nhẹ cân; tình trạng dinh dưỡng mẹ trước và trong thai kỳ như: cân nặng trước thai kỳ, BMI trước thai kỳ.
Tiền sử sinh non: tiền sử sinh non của mẹ ảnh hưởng đến CNSS của trẻ, kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng, những bà mẹ có tiền sử sinh non trước đây, tỷ lệ trẻ SSNC được sinh ra bởi các bà mẹ này là 27,8%, trong khi những bà mẹ không có tiền sử sinh non, chỉ số này là 2,2% (bảng 3.4). Phân tích hồi quy đa biến cũng cho thấy tiền sử sinh non của bà mẹ có liên quan với CNSS của trẻ (OR(95% CI) = 14,73 (2,92 - 74,37), p<0,05) (bảng 3.7).
Kết quả của chúng tôi tương tự nghiên cứu của Sclowitz năm 2013: Các bà mẹ có tiền sử sinh non làm tăng gấp bốn lần nguy cơ sinh con nhẹ cân trong các lần sinh tiếp theo [55]. Điều này có thể lý giải do bà mẹ từng sinh con non tháng trong quá khứ có khả năng cao sinh non trong các lần sinh tiếp theo, dẫn tới một khả năng nhẹ cân sơ sinh cao.
Tiền sử lưu/nạo/sẩy thai: nạo phá thai vẫn còn là những vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ mà còn ảnh hưởng đến những đứa con của họ sau này. Trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên quan giữa tiền sử lưu/nạo/sẩy thai của bà mẹ với CNSS của trẻ, những bà mẹ có tiền sử lưu/nạo/sẩy thai trước đó có tỷ lệ sinh trẻ nhẹ cân là 15,8%, trong khi tỷ lệ này là 2,2% ở những bà mẹ còn lại (bảng 3.4). Qua phân tích hồi quy đa biến, tiền sử lưu/nạo/sẩy thai của mẹ vẫn có liên quan đến CNSS của trẻ (OR (95%CI): 13,51 (1,83 - 99,98), p<0,05, bảng 3.7). Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Weijin Zhou ở Đan mạch năm 2000: tỷ lệ CNSS thấp trong những trẻ đẻ sống cao hơn ở những phụ nữ có một, hai hoặc nhiều ca nạo phá thai trước đó, so với phụ nữ không có bất kỳ lần nạo phá thai nào [62]. Và nghiên cứu của Raatikainen K năm 2006 tại Phần Lan: tỷ lệ SSNC ở nhóm phụ nữ có nạo phá thai trước đó cao hơn nhóm phụ nữ còn lại 1,54 lần (OR, 1,54; CI 95%, 1,02-2,32) [54].
Như vậy tiền sử lưu/nạo/sẩy thai của mẹ làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân trong thai kỳ tiếp theo.
Tiền sử sinh trẻ nhẹ cân: nhiều nghiên cứu chỉ ra thực tế rằng một số bà mẹ nhiều lần sinh trẻ nhẹ cân, điều này có thể do đặc tính di truyền hoặc những yếu tố nguy cơ khác từ bà mẹ như tuổi, cân nặng bà mẹ, khoảng cách sinh ngắn cũng như các thói quen của bà mẹ trong thai kỳ [55]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, bà mẹ có tiền sử sinh con nhẹ cân, tỷ lệ SSNC trong lần sinh này là 16,7%; tỷ lệ này ở bà mẹ có tiền sử sinh con bình thường là 3,3%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05, bảng 3.4). Kết quả này tương tự với nghiên cứu tại miền trung Kenya của Onesmus Maina Muchemi năm 2014, các bà mẹ đã sinh con nhẹ cân trong thai kỳ trước đó có khả năng sinh trẻ nhẹ cân cao hơn gấp 5 lần so với những người có tiền sử sinh con cân nặng bình thường (OR = 4,7, 95% CI = 1,53-14,24, p = 0,01) [41]. Tương tự, một nghiên cứu đoàn hệ ở thành phố Pelotas, Brazil của tác giả Sclowitz năm 2013 có 15,2% bà mẹ có tiền sử sinh trẻ nhẹ cân tiếp tục sinh trẻ nhẹ cân trong lần sinh tiếp theo [55].
BMI mẹ: chỉ số khối cơ thể (BMI) là chỉ số thể hiện trọng lượng và chiều cao của cơ thể. BMI của mẹ phản ánh nhiều về tình hình khối mỡ hơn là khối nạc, và do vậy liên quan chặt chẽ với cân nặng.
Ngày nay người ta đã chứng minh được rằng có một mối liên quan tác động qua lại giữa BMI của mẹ tại thời điểm thụ thai, sự lên cân trong quá trình có thai và CNSS. Cũng đã được xác định rất rõ rằng những phụ nữ có BMI thấp đồng thời không tăng cân đủ mức yêu cầu là những người có nguy cơ cao nhất về khả năng sinh con có CNSS thấp.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, mẹ có chỉ số khối dưới 18,5 trước thai kỳ có nguy cơ cao sinh trẻ nhẹ cân, tỷ lệ trẻ sinh có cân nặng dưới 2500g ở nhóm bà mẹ có BMI<18,5 là 8,5% và nhóm bà mẹ có BMI ≥18,5 là 1,4%
(p<0,05) (bảng 3.4). Qua phân tích hồi quy đa biến, BMI của bà mẹ khi có thai <18,5 vẫn là yếu tố nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân (OR (95% CI): 7,99 (1,32 –
48,3), p<0,05, bảng 3.7). Thông tin về chiều cao, cân nặng của bà mẹ trước khi mang thai trong nghiên cứu của chúng tôi được khai thác thông qua hỏi các bà mẹ không đảm bảo chính xác một cách hoàn toàn nhưng cũng cho phép đánh giá sơ bộ về mức độ nhẹ cân.
Kết quả của chúng tôi tương tự như kết quả của Văn Quang Tân tại Bình Dương (2010-2012) tỷ lệ trẻ sinh có cân nặng dưới 2500g ở nhóm bà mẹ có BMI<18,5 là 15,0% và nhóm bà mẹ có BMI ≥18,5 là 4,4% (p<0,05) [30].
Tương tự kết quả của Hoàng Thu Nga ở Phú Thọ năm 2009 chỉ số khối cơ thể BMI để tìm hiểu mối tương quan giữa mẹ và con thì ở phụ nữ có BMI dưới 18,5 sinh con có cân nặng trung bình là 1968 ± 387g và tỷ lệ trẻ có CNSS thấp là 7,7% trong khi con số này ở phụ nữ có BMI từ 18,5 trở lên là 3076 ± 377g và 5,1%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê [22]. Kết quả của Lê Thị Phương Nhi tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế năm 2009: mẹ có BMI dưới 18,5 nguy cơ sinh con cân nặng dưới 2500g gấp 2,73 lần so với bà mẹ có BMI từ 18,5 trở lên [25].
Các yếu tố khác: trong nghiên cứu của chúng tôi, các đặc điểm về dân số học, tình trạng sức khỏe và chăm sóc y tế trong thai kỳ và tình trạng tâm lý – lao động trong thai kỳ của bà mẹ không có liên quan cân nặng sơ sinh của trẻ.
Điều này có thể lý giải do, địa điểm nghiên cứu là một phường tại thành phố Huế, đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các phụ nữ trẻ, trình độ học vấn khá cao (51% từ trung học phổ thông trở lên), nghề nghiệp chủ yếu là dịch vụ buôn bán (29,7%) không quá vất vả và ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ lúc mang thai. Đồng thời, tại địa bàn nghiên cứu, gần các cơ sở y tế như: bệnh viện Kim Long, bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế, bệnh viện Trung ương Huế là các cơ sở y tế có chất lượng cùng với mạng lưới y tế tư nhân phát triển trong toàn thành phố Huế, cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho các
bà mẹ trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, cũng một phần do nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu cắt ngang, thực hiện trong thời gian 1 năm nên số lượng đối tượng nghiên cứu nhỏ: 202 trẻ, nên số trường hợp phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ tương đối thấp. Để khảo sát rõ hơn các yếu tố nguy cơ, cần thực hiện nghiên cứu trên diện rộng, số lượng đối tượng nghiên cứu lớn hơn.
4.2.2. Các yếu tố thuộc về trẻ liên quan đến cân nặng sơ sinh
Mối liên quan giữa tuổi thai khi sinh với cân nặng trẻ khi sinh: tuổi thai khi sinh có mối quan hệ chặt chẽ với CNSS, theo WHO, SSNC là kết quả của sinh non hoặc suy dinh dưỡng bào thai. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ trẻ sinh thiếu tháng là 8,4% (bảng 3.1) và có 41,2% trẻ sinh thiếu tháng có cân nặng dưới 2500g và 1,1% trẻ sinh thiếu tháng nhưng có cân nặng trên 2500g, sự khác biệt về tỷ lệ này có ý nghĩa thống kê (p<0,05) (bảng 3.8). Kết quả nghiên cứu này tương tự với tác giả Hoàng Ngọc Côn tại Thanh Hóa (2007) cũng cho thấy có sự kết hợp chặt chẽ giữa tuổi thai khi sinh <37 tuần với nguy cơ sinh con nhẹ cân cao gấp 3,31 lần so với các trẻ có tuổi thai khi sinh từ 37 tuần trở lên [6]. Tương tự, một nghiên cứu ở miền trung, Kenya cho thấy, có một sự khác biệt về mặt thống kê ở các trọng sinh giữa các bà mẹ sinh con dưới 37 tuần thai (OR = 3,68, 95% CI = 1,31-10,38, giá trị p = 0,02) và những trẻ sinh từ 37 tuần thai trở lên [51]. Như vậy, tuổi thai lúc sinh có liên quan đến cân nặng sơ sinh của trẻ.
Các yếu tố khác: trong nghiên cứu của chúng tôi, chưa tìm thấy mối liên quan giữa giới tính, tình trạng lúc sinh, cách sinh trẻ, thứ tự sinh của trẻ với cân nặng lúc sinh. Điều này có thể lý giải là do nghiên cứu của chúng tôi thực hiện với số lượng đối tượng nghiên cứu nhỏ (202 trẻ) nên chưa thể khảo sát chính xác đầy đủ các yếu tố liên quan tại cộng đồng.