Lịch sử xây dựng và quá trình tồn tại của văn miếu Mao Điền

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về văn miếu mao điền huyện cẩm giàng tỉnh hải dương (Trang 32 - 36)

CHƯƠNG 2: VĂN MIẾU MAO ĐIỀN - HẢI DƯƠNG

2.2. Văn miếu Mao Điền

2.2.2. Lịch sử xây dựng và quá trình tồn tại của văn miếu Mao Điền

Là một tỉnh có truyền thống hiếu học trọng người hiền tài, Hải Dương sớm có một hệ thống di tích thờ tự Nho học tôn vinh những người đỗ đạt khoa bảng, đứng đầu hệ thống di tích thờ tự đó phải kể đến văn miếu Mao Điền. Tại miền Bắc Việt Nam

văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau văn miếu Quốc Tử Giám.

Văn miếu Mao Điền hiện nay nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn gọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, văn miếu nằm ở phía bắc quốc lộ 5 chừng 200m, cách thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Đông, cách thành phố Hải Dương 16km về phía Tây.

Việc đặt đô, định trấn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các mặt chính trị quân sự giáo dục, văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo của quốc gia hay một vùng đất nào đó. Chính vì vậy mà lị sở Hải Dương đặt ở Mao Điền trong khoảng thời gian thế kỉ XVIII thì nơi đây cũng xuất hiện công trình thờ tự Nho giáo với quy mô cấp xứ đó là văn miếu Mao Điền - văn miếu trấn Hải Dương.

Ở Việt Nam, hệ thống thờ tự Nho giáo thì chỉ có văn miếu Quốc Tử Giám có lịch sử xây dựng sớm nhất. Qua quá trình khảo cứu, nghiên cứu thư tịch tài liệu và thực tế cho thấy: Kể từ năm 1070 đến khi có lệnh của Thượng thư Hoàng Phúc vào tháng 9 năm Giáp Ngọ (1414) bắt các phủ châu huyện lập văn miếu và đền thờ xã tắc…trên địa bàn cả nước hầu như không có văn miếu nào được xây dựng. Nếu có một văn miếu nào được xây dựng ngoài văn miếu Quốc Tử Giám thì niên đại sớm nhất của nó cũng chắc chắn không vượt qua trước năm 1414. Văn miếu Mao Điền - văn miếu Hải Dương cũng không nằm ngoài mốc thời gian đó.

Việc truyền bá Nho học được thể hiện trước hết và tập trung nhất ở việc lập trường học và lập trường ti tuyển chọn nhân tài. Việc tôn vinh Nho giáo thể hiện ở việc lập văn miếu.

Qua khảo sát bước đầu hệ thống di tích thờ tự Nho học ở Việt Nam ta nhận thấy rằng: Mặc dù có lệnh của nhà Minh vào năm 1414 bắt các địa phương lập văn miếu ở các phủ châu huyện nhưng có lẽ lệnh này chưa được thực hiện triệt để bởi các lí do sau:

Nhà Minh phải lo đối phó với các cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, không đủ sức thực thi các chính sách, chính lệnh của chúng ban ra.

Nho giáo, Nho học đương thời phát triển chưa đủ mạnh trên tất cả các địa phương của chúng ta, vai trò uy tín của Nho giáo và giới học sĩ chưa thật có sức nặng đối với xã hội dẫn đến việc chậm đề cao Nho giáo - Nho học - Nho sĩ. Đằng sau vòng hào quang rực rỡ của Phật giáo thời Lí - Trần, người dân Việt vẫn còn “nặng lòng”

hoài cổ, đổi thay chính sự thì nhanh còn đổi thay tinh thần ý thức hệ thì chậm. Tính bền vững của văn hóa của tâm lí người Việt là vậy, do đó Nho giáo cũng phải chờ có thời gian, điều kiện.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông, triều đình cho mở thêm một số trường học nữa ngoài trường Quốc Tử Giám ở kinh thành để đẩy mạnh phát triển Nho giáo. Ở xứ Đông (gồm toàn bộ tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, huyện Đông Triều của Quảng Ninh) văn miếu Mao Điền được xây dựng vừa làm nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học vừa làm trường thi của vùng. Từ giữa thế kỷ XV cho đến khoa thi cuối cùng của nhà Nguyễn, nơi đây trở thành nơi thi hương của vùng trấn Hải Dương. Đặc biệt trong thời Mạc (1527 - 1593) đã bốn lần tổ chức thi đại khoa ở Mao Điền. Ngay từ khi mới xây dựng văn miếu Mao Điền đã là một công trình có kiến trúc văn hóa uy nghi, bề thế.

Xưa kia Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành nên gọi là xứ Đông, đây là vùng “đất học” vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràng phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người là con dân của Hải Dương đã tham dự và hiển đạt từ chính nơi đây. Trong đó có cả danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm, người mà trí tuệ và nhân cách đã tỏa sáng suốt qua bao thế kỉ.

Như vậy trong quá trình tồn tại, văn miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho cả giang sơn xã tắc. Nơi đây còn nhiều dấu tích của các sĩ tử, danh nhân đã chiếm bảng vàng trạng nguyên trong kỳ thi ở cấp cao hơn.

Nhiều người đã vinh hiển đã trở về thăm lại trường học xưa, xúc động viết lên những bài thơ còn in lại trên các bia đá cổ.

Văn miếu trấn Hải Dương ban đầu ở xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay thuộc xã Vĩnh Tuy huyện Bình Giang), có 3 gian chính tẩm và 5 gian bái đường. Đến thời vua Quang Trung thì chuyển về Mao Điền, hợp với trường học, trường thi ở đây, tạo thành một trung tâm văn hóa lớn, toạ lạc trên một diện tích rộng tới 36.000m2. Từ đây, việc tôn tạo được đẩy mạnh, nhất là vào các năm 1801, 1806, 1823, 1825, làm cho văn miếu Mao Điền trở thành một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, với hai toà (mỗi toà 7 gian) tiền bái và hậu cung xây theo kiểu chữ nhị, nhà khải thánh, nhà đông vu, nhà tây

vu, tháp bút, gác khuê văn, gác trống, gác khánh, tam quan...tất cả đều được tạo dựng bằng một nghệ thuật tinh xảo. Bên cạnh khuôn viên là cánh đồng Tràng, nơi dựng lều thi của sĩ tử ngày xưa. Văn miếu Mao Điền trở thành nơi tế lễ, học tập đông vui, một thắng cảnh được lưu danh sử sách, một công trình văn hoá lớn rất giá trị, biểu tượng đẹp về truyền thống hiếu học đáng tự hào của người Hải Dương. Đến năm 1947, các hạng mục công trình vẫn khá nguyên vẹn. Năm 1948 giặc Pháp đánh chiếm Mao Điền, chúng biến văn miếu thành khu căn cứ chiếm đóng, phá nhà, xây lô cốt, tường rào kẽm gai xung quanh, tiến hành tàn sát, chém giết những người dân vô tội. Đạn bom và những năm tháng chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Từ một di tích lịch sử có thắng cảnh đẹp, văn miếu trở thành một nơi hoang phế. Trận bão năm 1973 đã đánh sập 5 gian nhà giải vũ, tây vu.

Năm 2002 được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và các cấp Đảng bộ chính quyền tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng, tu bổ lại văn miếu. Sau hơn hai năm nỗ lực thi công, công trình đã khánh thành.

Giờ đây nhìn lại diện mạo rạng rỡ của văn miếu, mỗi người dân đều phấn chấn, tự hào. Nền văn hiến ngàn đời của xứ Đông, trung tâm truyền thống văn hoá giáo dục của cả vùng đã được khôi phục. Hàng năm, cứ đến tháng 2 âm lịch, Hải Dương lại mở hội văn miếu, những người con của quê hương ở khắp nơi lại tề tựu về đây dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước, chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy uy nghi của một di tích văn hoá như một toà thành cổ mọc lên giữa cánh đồng lúa xanh bạt ngàn của văn miếu, chắp tay đứng trước các vị vạn thế sư biểu:

Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…lòng càng thêm thành kính khâm phục, quyết tâm noi theo các bậc tiên hiền, tự rèn luyện, học hỏi để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với sự tàn phá của bom đạn, thời gian và cả sự thiếu ý thức của con người, văn miếu Mao Điền bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1992, văn miếu Mao Điền được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Hiểu rõ giá trị của di tích, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương quyết tâm tu bổ, tôn tạo và gìn giữ khu di tích để trở thành một địa điểm du lịch văn hoá, nơi tôn vinh truyền thống hiếu học và khuyến học của một vùng đất đã từng nổi tiếng “địa linh nhân kiệt” trong lịch sử.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về văn miếu mao điền huyện cẩm giàng tỉnh hải dương (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)