CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐIỆN BIÊN
2.2. Điều kiện tự nhiên
2.2.1. Địa hình và đất đai
Địa hình: Điện Biên có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu lớn; được cấu tạo bởi những dãy núi cao và các thung lũng, sông suối nhỏ, hẹp và dốc phân bố khắp nơi trong địa bàn tỉnh. Núi cao tập trung ở phía Nam, thuộc ranh giới huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và Tuần Giáo. Đó là các dãy núi thượng nguồn sông Mã và Nậm Rốm, đỉnh cao nhất là Pú Huổi Luông (2.178m), núi Pho Thông (1.908m), Nậm Khẩu Hú (1.747m), dãy núi Hồ Nậm Nghèn (1.395m). Xen giữa núi và cao nguyên là các thung lũng hoặc lòng chảo có bề mặt tương đối bằng phẳng, những dạng địa hình này chiếm phần diện tích không lớn. Đáng chú ý nhất là lòng chảo Điện Biên Phủ rộng khoảng 150.000 ha với bề mặt bằng phẳng, có nguồn gốc tích tụ trầm tích tạo nên cánh đồng Mường Thanh. Đây là cánh đồng rộng nhất trong 4 cánh đồng vùng Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc) với diện tích hơn 4.000 ha lúa nước, là vùng lúa trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện Tuần Giáo cũng có nhiều cánh đồng có khả năng thâm canh và tăng năng suất lúa nước. Các cao nguyên Si Pa Phìn (Mường Chà), Tả Phình (Tủa Chùa)... thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Nhìn chung địa hình ở Điện Biên khá hiểm trở, ngoài lòng chảo Điện Biên và một số khu vực thuộc thuộc huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, cao nguyên ở Mường Nhé, Tủa Chùa... địa hình tương đối bằng phẳng, còn hầu hết là địa hình đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, nhất là mạng giao thông kết nối và tổ chức các điểm dân cư xã hội.
Đất đai:
Tổng diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên là 956.290,37 ha. Trong đó hầu hết đất đai có độ dốc lớn, tầng canh tác mỏng. Do tác động chủ đạo của nhiều yếu tố như: địa hình, đá mẹ, khí hậu, thực vật, hoạt động sản xuất của con người… nên đã hình thành nhiều loại đất khác nhau. Cấu tạo địa chất đất của tỉnh được chia thành 5 nhóm chính như sau:
- Nhóm đất phù sa: Có diện tích 35.222,43 ha chiếm 3,7%, phân bố thành dải hẹp ven các con sông suối trong tỉnh như suối Nậm Rốm, Nậm Mức, Nậm Pồ.
Nhóm đất này được hình thành do quá trình bồi đắp của phù sa sông suối, quá trình thổ nhưỡng xảy ra yếu cho nên có đặc tính xếp lớp, địa hình khá bằng phẳng, ở thượng nguồn phần lớn có thành phần cơ giới nhẹ, phân lớp tương đối rõ, độ phì thấp, lẫn nhiều sỏi sạn, ở cuối nguồn thành phần cơ giới nặng hơn, ít sỏi sạn hơn.
- Nhóm đất đen: Nhóm đất đen có diện tích 126,66 ha chiếm 0,01% diện tích tự nhiên, phân bố ở huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo. Nhóm đất đen ở tỉnh Điện Biên có 2 loại: Đất nâu thẫm trên sản phẩm phong hóa của đá bazan, diện tích 36,59 ha và đất đen trên sản phẩm bồi tụ của các bon nát, diện tích 90,07 ha. Cả hai loại đất này đều ở độ dốc dưới 3o, có độ dày tầng đất mịn từ 70 - 100cm.
Các loại đất đen đều có ưu điểm là có độ phì tự nhiên cao, đất không chua thích hợp với các loại cây đậu đỗ, ngô, các loại cây ăn quả, ở địa hình thấp, thoát nước kém nên trồng lúa. Chú ý sử dụng các loại phân bón phù hợp trong môi trương trung tính và kiềm giàu Ca++, Mg++.
- Nhóm đất đỏ vàng: Nhóm đất đỏ vàng có diện tích 485.559,62 ha chiếm 50,8% diện tích tự nhiên, phân bố ở tất cả các huyện trong tỉnh. Đây cũng là
nhóm đất chiếm diện tích lớn nhất và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội.
- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi: Có diện tích 424.086,44 ha chiếm 44,4%
diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đất phát triển trên các loại đá mẹ khác nhau ở độ cao trên 900m. Phân bố trên địa hình đồi núi cao của tất cả các huyện. Loại đất này hàm lượng mùn trong đất khá cao.
Đất mùn vàng đỏ trên núi là loại đất tốt, có độ phì tự nhiên khá, nhưng đất ở cao, địa hình hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Vì vậy hướng sử dụng chính trên loại đất này là khoanh nuôi bảo vệ rừng.
- Nhóm đất thung lũng: Diện tích 1.966,07 ha chiếm 0,2% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đất được hình thành ở các thung lũng, xung quanh là đồi núi cao khép kín, địa hình khó thoát nước. Hàng năm được bồi tụ các sản phẩm từ các sườn đồi núi cao xung quanh đưa xuống.
Do địa hình thung lũng nên đặc điểm của loại đất này phụ thuộc nhiều vào tính chất đất đai của các vùng đồi núi xung quanh thung lũng như thành phần cơ giới độ chua, mức độ lẫn đá và sỏi sạn...
Hiện trạng sử dụng đất:
- Năm 2013 đất nông nghiệp của Điện Biên có 782.533,27 ha, chiếm 81,8%
diện tích tự nhiên của tỉnh; đất phi nông nghiệp là 25.194.99 ha, chiếm 2,6%; đất chưa sử dụng là 148.562,11 ha, chiếm 15,5%.
- Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp:
Bảng 2: Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp tỉnh Điện Biên năm 2013 Mục đích sử dụng Tổng số (ha) Cơ cấu (%) Đất sản xuất nông nghiệp 143.420,17 100
a. Đất trồng cây hàng năm 130.351,93 90,9
- Đất trồng lúa 56.690,68 39,5
- Đất cỏ dùng vào chăn nuôi 1.451,80 1,0
- Đất trồng cây hàng năm khác 72.209,45 50,3
b. Đất trồng cây lâu năm 13.068,24 9,1
(Nguồn: [1,8])
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Điện Biên là 143.420,17 ha, chiếm 18,3% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, 90,9% là đất trồng cây hàng năm (39,5% đất trồng lúa, 1% đất cỏ dùng vào chăn nuôi, 50,3% đất trồng cây hàng năm khác), 9,1% đất trồng cây lâu năm.