CHƯƠNG 1 LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU CHỈNH GIÁ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG
1.3. Quy định về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng
1.3.4. Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng
Tùy theo tính chất của hợp đồng, loại giá hợp đồng mà các bên thỏa thuận điều chỉnh giá hợp đồng theo phương pháp dùng hệ số điều chỉnh giá hoặc phương pháp bù trừ trực tiếp.
1.3.4.1. Phương pháp dùng hệ số điều chỉnh giá
Phương pháp dùng hệ số điều chỉnh giá là phương pháp được các tổ chức xây dựng trên thế giới (FIDIC, WB, ADB,…) sử dụng để thực hiện việc quản lý chi phí xây dựng, điều chỉnh giá xây dựng. Đây là phương pháp thể hiện tính tổng hợp cao, áp dụng cho mọi yếu tố chi phí được điều chỉnh theo thỏa thuận hợp đồng, cụ thể hóa cách tính cho từng hệ số. Phương pháp điều chỉnh giá theo hệ số được quy định tại Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BXD và được hướng dẫn chi tiết tại Mục I Phụ lục đính kèm Thông tư này.
Trường hợp các bên thỏa thuận điều chỉnh giá hợp đồng theo phương pháp dùng hệ số điều chỉnh giá, thì việc điều chỉnh giá hợp đồng được thực hiện theo công thức sau:
GTT = GHĐ x Pn
Trong đó:
- GTT: Là giá thanh toán tương ứng với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu trong khoảng thời gian “n”. GTT có thể là giá thanh toán cho cả hợp đồng, hoặc giai đoạn thanh toán, hoặc của hạng mục công trình, hoặc loại công việc, hoặc yếu tố chi phí trong hợp đồng.
- GHĐ: Là giá trong hợp đồng đã ký tương ứng với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu trong khoảng thời gian “n”. GHĐ có thể là giá trị của cả hợp đồng, hoặc của giai đoạn thanh toán, hoặc của hạng mục, hoặc của loại công việc, hoặc của yếu tố chi phí trong hợp đồng.
- Pn: Là hệ số điều chỉnh giá (tăng hoặc giảm) được áp dụng cho thanh toán hợp đồng đối với các khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu của giai đoạn thanh toán, hoặc của hạng mục, hoặc của loại công việc, hoặc của yếu tố chi phí trong hợp đồng trong khoảng thời gian “n”,….
Ưu điểm
Công thức trên về cơ bản tương tự như công thức theo hướng dẫn FIDIC phiên bản 1999-2002. Việc sử dụng công thức trên vừa đảm bảo yếu tố hội nhập vừa đảm bảo tính đơn giản, dễ áp dụng, tính toán đơn giản và nhanh chóng. Việc sử dụng hệ số điều chỉnh sẽ tránh được những hạn chế của phương pháp tính bù trừ trực tiếp, như ít mất thời gian và nhân lực để tính toán cũng như chủ đầu tư có thể dễ dàng, minh bạch trong việc thẩm định phê duyệt hồ sơ dự toán chi phí bổ sung điều chỉnh giá. Giảm thiểu tranh chấp hợp đồng trong việc xác định giá trị điều chỉnh giá, tránh cơ chế “xin-cho”,…
Nhược điểm
Ở Việt Nam, phương pháp này mới chỉ phổ biến cho các công trình hạ tầng, giao thông sử dụng vốn vay. Các chỉ số giá cơ bản được quy định lấy tại thời điểm 28 ngày trước ngày “khởi công” là không phù hợp với thực tế, bởi lẽ giá hợp đồng đã được cố định từ thời điểm ký hợp đồng (hoặc từ thời điểm đóng thầu) trong khi nhiều gói thầu thi công xây dựng mặc dù đã được trúng thầu và ký hợp đồng nhưng thời điểm khởi công thường kéo dài từ ba tháng đến một năm do các nguyên nhân khách quan như chưa có mặt bằng thi công, chưa bố trí cân đối được vốn… trong khi biến động giá cả gần đây tính theo từng tháng, chế độ chính sách cũng thay đổi liên tục.
Đối với mỗi loại hợp đồng, tỷ trọng chi phí vật liệu cũng như tỷ trọng từng loại vật liệu chịu ảnh hưởng của biến động giá khác nhau, nếu cố định tỷ trọng chi phí vật liệu chung và chỉ có một số loại vật liệu chủ yếu được điều chỉnh giá thì chưa thể hiện được nguyên tắc tính đủ chi phí hợp lý cho nhà thầu.
1.3.4.2. Phương pháp điều chỉnh giá bù trừ trực tiếp
Phương pháp điều chỉnh giá bù trừ trực tiếp được quy định tại Điều 10 Thông tư 07/2016/TT-BXD và được hướng dẫn cụ thể tại Mục II Phụ lục đính kèm Thông tư này.
Trường hợp các bên thỏa thuận điều chỉnh giá hợp đồng theo phương pháp bù trừ trực tiếp, thì việc bù trừ giá trị chênh lệch khi điều chỉnh giá hợp đồng được thực hiện như sau:
Giá trị chênh lệch về giá vật liệu, nhân công và máy thi công tại thời điểm điều chỉnh (thời điểm 28 ngày trước ngày hết hạn nộp hồ sơ thanh toán quy định trong hợp đồng) của khối lượng công việc hoàn thành được nghiệm thu được phép điều chỉnh so với giá vật liệu, nhân công và máy thi công tại thời điểm gốc (thời Điểm 28 ngày trước ngày đóng thầu).
Giá tại thời điểm gốc được chọn là giá cao nhất trong các giá: giá trong hợp đồng, giá theo công bố của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc giá trong dự toán gói thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giá tại thời điểm điều chỉnh được chọn là giá theo công bố của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ưu điểm
Với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng (Microsoft Excel, Dự toán) phương pháp này trở nên đơn giản, dễ hiểu và dễ tính toán. Mặt khác các chủ thể có liên quan đến công tác dự toán đã trở nên quen thuộc và có bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực này. Phương pháp tính bù trừ trực tiếp thường cho độ chính xác cao hơn phương pháp dùng hệ số điều chỉnh, rõ ràng.
Nhược điểm
Việc lập lại đơn giá vật liệu, nhân công, đơn giá ca máy là rất tỉ mỉ, tốn kém nhiều thời gian và công sức cho người lập và thẩm tra phê duyệt. Mặt khác, Sự đa dạng của các loại vật liệu khá lớn, cùng một loại vật liệu nhưng có nhiều nhà sản xuất, cung cấp khác nhau dẫn đên có độ chênh lệch lớn về giá vật liệu chi phí nhân công mới chỉ tính đến sự chênh lệch do thay đổi mức lương tối thiểu chứ chưa đề cập đến yếu tố trượt giá, lạm phát.
Phương pháp bù trừ trực tiếp không thích hợp với các công trình có khối lượng công việc lớn và kéo dài theo tuyến vì việc thực hiện thường tỉ mỉ, nhiều công đoạn, tốn kém thời gian và nhân lực. Một lý do rất phổ biến trong thực tế là phương pháp này gây khó khăn và lúng túng cho chủ đầu tư khi thẩm tra (hoặc thẩm định),
phê duyệt dự toán chi phí bổ sung điều chỉnh giá do phải theo sát số lượng lớn các căn cứ pháp lý, các cơ chế chính sách, các hướng dẫn của Nhà nước và việc xác định tính hợp pháp, hợp lý giá trị ghi trên hoá đơn các yếu tố đầu vào (vật liệu, nhiên liệu, năng lượng) khi tính toán điều chỉnh giá do nhà thầu cung cấp là một việc làm rất khó khăn. Trong thực tế, cùng một loại vật liệu tại một thời điểm ở một địa phương, nhưng ở mỗi nhà cung cấp khác nhau lại báo một giá bán khác nhau, giá ghi trên hoá đơn cũng khác nhau
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Vấn đề điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng ngày càng được Nhà nước quan tâm và hoàn thiện thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề này.
Trong chương một của khóa luận tốt nghiệp, người viết nêu ra các quy định của pháp luật về điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng. Đồng thời, phân tích và so sánh các quy định pháp luật hiện hành về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng so với các quy định về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng trước đây. Từ đó, nêu lên những ưu điểm, nhược điểm của các quy định pháp luật hiện hành.
Mục tiêu của chương này là hệ thống được các quy định của pháp luật về điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng được quy định trong Nghị định 37/2015/NĐ- CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và thông tư 07/2016/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng. Thông qua các quy định pháp luật này, vấn đề điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng đã bước nào được làm rõ và cụ thể hơn. Từ việc phân tích quy định của luật, Chương 1 để những bất cập trong các quy định về điều chỉnh giá hợp đồng như sau:
Một là, chưa có pháp luật chuyên ngành về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng mang yếu tố tư nhân.
Hai là, sự không nhất quán trong các quy định pháp luật hiện hành về điều chỉnh giá hợp đồng trọn gói.
Ba là, đơn giá và hệ thống định mức xây dựng chưa phù hợp gây vướng mắc khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Bốn là, chưa quy định về những ảnh hưởng của điều chỉnh tiến độ đối với việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.
Và một số bất cập khác.
Thực trạng áp dụng các quy định pháp luật này vào thực tiễn sẽ được làm rõ ở Chương 2.