1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1.1.2. Khái niệm bảo vệ môi trường
Mỗi cơ thể sống dù là cá nhân hay con người hay bất kỳ, một loại sinh vật tồn tại trên trái đất dù ở trạng thái nào đều bị bao quanh và chi phối bởi môi trường. Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “môi trường”. Tùy theo mục đích và nội dung nghiên cứu mà khái niệm “môi trường” được phân tách thành khái niệm hẹp như “môi trường tự nhiên”, “môi trường nhân tạo”, khái niệm môi trường còn mở rộng dần tùy thuộc vào trình độ phát triển của nền kinh tế, văn hóa và xã hội của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Mỗi quan điểm đều cố gắng diễn đạt để đưa ra những lập luận hợp lý có sức thuyết phục ở mức độ khác nhau. Trước khi có cái nhìn sâu sắc để nghiên cứu mối quan hệ giữa việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế ở nước ta, cần có một cái nhìn khái quát và tổng thể những quan điểm về môi trường. Về khái niệm môi trường, có năm quan điểm chính như sau:
Quan điểm thứ nhất, cho rằng môi trường là sinh quyển, sinh thái cần thiết cho sự sống tự nhiên của con người; là nơi chứa đựng những nguồn tài nguyên làm đối tượng của lao động sản xuất và hình thành nguồn lực cần thiết cho sản xuất ra của cải vât chất. Theo quan điểm này, tính không gian và chức năng của môi trường được nhấn mạnh, song vẫn chưa thể hiện được mối quan
hệ giữa con người với môi trường cũng như những yếu tố cấu thành của môi trường với nhau.
Quan điểm thứ hai, cho rằng môi trường là tổng hợp các điều kiện bên ngoài, điều kiện vật lý, hóa học, kinh tế, xã hội có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của một sự vật hay sự kiện nào đó, vì bất kỳ sự vật nào cũng tồn tại và phát triển trong môi trường nhất định. So với quan điểm thứ nhất, thì quan điểm này mang tính khái quát, bao quát hơn, môi trường được đề cập toàn diện với đầy đủ các yếu tố cấu thành của nó bao quanh mọi cơ thể sống. Cho dù khái niệm không nói cụ thể môi trường bao hàm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, song “tất cả những điều kiện bao quanh” đã hàm ý là cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Điểm nổi của quan điểm này chính là đã đặt môi trường trong quan hệ sự sống, vì bất kỳ một sự sống nào cũng đều cần phải gắn với một môi trường nhất định; bên cạnh đó quan điểm này còn nhấn mạnh mối quan hệ qua lại giữa các cơ thể sống với môi trường. Môi trường sống của con người chính là những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Môi trường đó bao gồm môi trường tự nhiên giúp con người tồn tại và phát triển về mặt thể chất và môi trường xã hội ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách đạo đức, phong cách và nếp sống mỗi cá nhân.
Quan điểm thứ ba, cho rằng môi trường ở một thời điểm nhất định là tập hợp các nhân tố vật lý, hóa học, sinh học và các nhân tố xã hội có thể là một hậu quả trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hay lâu dài tới các sinh vật sống, và các hoạt động của con người. Khái niệm này lại mang đến cho ta một cách tiếp cận từ cái nhìn của lăng kính khoa học, xuất phát từ những môn khoa học cụ thể định nghĩa về môi trường, khái niệm này hàm chứa tương đối đầy đủ các yếu tố cấu thành môi trường. Khác biệt với hai quan điểm trên, quan điểm này thể hiện rõ tính thời gian của môi trường “môi trường ở một thời điểm
nhất định là tập hợp”, nó không phải là yếu tố tĩnh, bất biến mà luôn thay đổi theo thời điểm. Đây là một quan điểm tương đối toàn diện về môi trường vì đã đề cập đến tính thời gian và không gian cũng như sự ảnh hưởng trực tiếp trước mắt và lâu dài của môi trường đối với đời sống con người. Nhưng quan điểm này lại có một hạn chế lớn nhất chính là chưa thể hiện được mối quan hệ hài hòa giữa các yếu tố cấu thành môi trường và quan hệ giữa môi trường với con người.
Quan điểm thứ tư, căn cứ trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về các yếu tố điều kiện địa lý, dân số và phương thức sản xuất quyết định đến sự tồn tại của xã hội loài người. Ba nhân tố này ứng với thời điểm hiện tại cũng chính là nhân tố môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường kinh tế. Với cách tiếp cận như vậy, quan điểm này cho rằng: Môi trường là khái niệm dùng để chỉ tổng thể các yếu tố vật chất, tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người có quan hệ mật thiết đến sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Như vậy, khái niệm môi trường ở đây không phải là thế giới tự nhiên nói chung mà là thế giới tự nhiên đặt trong mối quan hệ mật thiết với sự tồn tại và và phát triển của con người và xã hội loài người nói chung. Có thể thấy rằng khái niệm môi trường hiểu theo cách diễn đạt trên mang tính bao quát rộng và đầy đủ, bao hàm cả môi trường tự nhiên, xã hội và môi trường nhân tạo, thể hiện được mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố tự nhiên, xã hội và nhân tạo và nêu bật được vai trò của môi trường đối với đời sống của xã hội loài người cũng như mối quan hệ giữa con người và môi trường nói chung. Tuy nhiên quan điểm này lại thiên về cách phân loại môi trường mà chưa thể hiện được cấu trúc về môi trường.
Quan điểm thứ năm, trong Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam ban hành ngày 10 - 1 - 1994 thì môi trường được định nghĩa: “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với
nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên” [77, tr.5 - 6]. Như vậy, môi trường được đề cập ở đây chính là nơi hình thành và phát triển sự sống của con người và sinh vật. Các yếu tố tạo nên môi trường bao gồm: yếu tố tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người và yếu tố vật chất bao quanh con người do chính bản thân con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống như nhà ở, công sở, khu vực đô thị, khu du lịch sinh thái… Cho dù khái niệm trên có sự phân biệt giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo tạo nên thành phần môi trường sống, nhưng sự phân biệt hai yếu tố nói trên chỉ là sự phân biệt lý thuyết. Không ai có thể tách biệt hai loại yếu này trong môi trường tự nhiên, chúng hòa quyện vào nhau, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Quan điểm này nhấn mạnh yếu tố mang tính bản chất của môi trường bao gồm các yếu tố bao quanh con người, trong đó cấu trúc của nó cũng được thể hiện là yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất do con người tạo nên. Khái niệm đề cập nhiều hơn về góc độ môi trường tự nhiên có ảnh hưởng tới đời sống con người.
Bên cạnh năm quan điểm đã nêu trên đây, còn có những quan niệm về môi trường của Đỗ Ngọc Lan trong cuốn “Môi trường tự nhiên trong hoạt động sống của con người” cho rằng: “Môi trường tự nhiên là một tổng hòa những yếu tố tự nhiên vô cơ và hữu cơ, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển mọi sinh vật” [74, tr.20]. Còn trong cuốn “Môi trường và tài nguyên Việt Nam”, tác giả Nguyễn Ngọc Sinh quan niệm môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố tự nhiên và phi tự nhiên tồn tại vận động và phát triển gắn bó hữu cơ trong một cơ thể thống nhất, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, xấu hoặc tốt đến con người; và chính con người cũng là một yếu tố môi trường quan trọng tác động tới quá trình vận động và phát triển chủ thể của nó” [92, tr.7]. Tuy cách định nghĩa có khác nhau nhưng, nhưng các tác giả
đều đã khẳng định môi trường tự nhiên bao gồm các yếu tố tự nhiên, các hiện tượng tự nhiên, các tài nguyên thiên nhiên trong sự thống nhất với nền sản xuất xã hội. Trong môi trường tự nhiên giữa các yếu tố tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên thường xuyên có sự tác động qua lại với nhau và có ảnh hưởng nhất định đối với sự tồn tại và phát triển của mọi sinh vật. Một yếu tố thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến các yếu tố khác.
Tổng hợp tất cả các quan điểm trên đây về môi trường cho thấy các quan điểm đều thể hiện các nội dung: các khái niệm nêu rõ bản chất bao quanh của môi trường đối với các cơ thể sống; cấu trúc của môi trường và các yếu tố cấu thành môi trường; các mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành môi trường và quan hệ giữa sự sống của con người với môi trường cũng được đề cập đến rất rõ ràng. Có thể nói rằng, các định nghĩa môi trường tuy có khác nhau về quy mô, giới hạn, thành phần, nhưng đều thống nhất ở bản chất hệ thống của môi trường và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Từ những phân tích và nghiên cứu các quan điểm khác nhau và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về môi trường, ta có thể đưa ra một định nghĩa khái quát về môi trường như sau: Môi trường là khái niệm dùng để chỉ tất cả các yếu tố tự nhiên,vật chất nhân tạo, xã hội bao quanh con người, có liên quan mật thiết với nhau và quan hệ tới đời sống của con người. Môi trường là khái niêm “động”, luôn luôn vận động, biến đổi dưới tác động của các nhân tố tự nhiên, xã hội và nhân tạo. Môi trường là khái niệm rất rộng, tùy theo góc độ nghiên cứu mà có những cách phân loại môi trường khác nhau. Nhưng theo cách hiểu bao quát nhất dựa vào chức năng thì môi trường được phân thành:
Môi trường tự nhiên bao gồm toàn bộ các điều kiện tự nhiên như đất, nước, không khí, hệ sinh thái động thực vật và những điều kiện tự nhiên khác bao quanh con người và các cơ thể sống khác, giữa chúng có các mối quan hệ
hữu cơ, tác động qua lại gắn bó và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội trong những điều kiện nhất định.
Môi trường xã hội là tổng hợp tất cả các yếu tố về xã hội liên quan và tác động tới đời sống con người bao gồm những nhân tố liên quan tới việc hình thành nên nhân cách, lối sống, nếp sống sinh hoạt mỗi cá nhân. Môi trường xã hội chịu tác động của ý thức xã hội, hệ tư tưởng, kiến trúc thượng tầng; các yếu tố phong cách sinh hoạt và tập quán, lối sống của mỗi cá nhân. Các yếu tố cấu thành nên môi trường tự nhiên gắn liền với khái niệm hữu hình, mang tính vật thể như đất, nước, hệ sinh thái…và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe con người. Các yếu tố cấu thành môi trường xã hội thường gắn liền với những khái niệm phi vật thể như ý thức hệ tư tưởng, phong tục tập quán, sự giác ngộ pháp luật. Khác với môi trường tự nhiên thay đổi dưới tác động của tự nhiên và con người thì môi trường xã hội lại thay đổi dưới tác động chủ yếu của chính bản thân con người. Có thể hiểu đơn giản rằng, môi trường tự nhiên sẽ giúp con người lớn lên về thể xác và môi trường xã hội sẽ nuôi dưỡng về mặt tâm hồn của con người.
Môi trường nhân tạo là toàn bộ các yếu tố nhân tạo bao quanh con người như các công trình thủy lợi, những làng mạc được hình thành từ bao đời nay, hồ nước, hệ thống sông ngòi, vườn hoa, công viên…do con người tự tạo nên, các loài động vật do con người thuần dưỡng và phát triển qua nhiều thế hệ, có ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển cá nhân con người và nhiều cơ thể sống khác.
Xét một cách khái quát, môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo. Dù là môi trường nào chúng cũng đều là những yếu tố cấu thành nên môi trường chung, đều có vai trò và ảnh hưởng to lớn đối với sản xuất, đời sống và mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.
Trong giới hạn đề tài muốn nhấn mạnh đến môi trường chính là môi trường tự
nhiên. Từ nhiều thập kỷ qua con người đã nhận thức rằng môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng đảm bảo sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế và sự sống con người. Những chức năng của môi trường liên quan tới hoạt động kinh tế có mối tương tác chặt chẽ với nhau và trong trường hợp nhất định chúng có thể triệt tiêu lẫn nhau. Sự tồn tại của con người không chỉ gắn bó với môi trường tự nhiên mà còn gắn bó không tách rời với môi trường xã hội, vì chỉ có trong môi trường xã hội con người mới trở thành con người đích thực. Giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Môi trường sẽ cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhiên liệu phục vụ quá trình sản xuất, còn quá trình sản xuất tuy làm tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng nhanh, góp phần sử dụng, tái tạo tài nguyên thiên nhiên nhưng đồng thời nó cũng có thể hủy hoại, tàn phá môi trường một cách nghiêm trọng khi không được phát triển hợp lý. Hậu quả nghiêm trọng của quá trình sản xuất, tăng trưởng kinh tế chạy theo đà lợi nhuận dần làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm ô nhiễm môi trường sống của trái đất. Sản xuất xã hội với nền công nghiệp hiện đại nhưng chưa hoàn chỉnh đã gây tàn phá môi trường nghiêm trọng, các chất khí độc hại từ sản xuất công nghiệp, những vụ nổ hạt nhân, giao thông vận tải, làm ô nhiễm nghiêm trọng đất đai, không khí và nguồn nước. Sự bùng nổ dân số, quá trình đô thị hóa tràn lan làm cho diện tích đất canh tác bị thu hẹp. Chiến tranh tàn phá môi trương với những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng gây hậu quả lâu dài cho cuộc sống con người. Sự suy giảm tính đa dạng sinh học trên Trái Đất, sự suy giảm tầng ôzôn… Do đó, vấn đề môi trường sống hiện nay đã vượt ra ngoài phạm vi sinh thái học thông thường mà đã trở thành vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu. Để có thể ngăn ngừa, khắc phục sự tàn phá của thảm họa tự nhiên, ngăn ngừa sự hủy hoại của chính con người và giữ gìn môi
trường sống trong sạch, lành mạnh thì bảo vệ môi trường đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu, nhiệm vụ cấp bách với mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. Từ những phân tích trên, Bảo vệ môi trường là một khái niệm dùng để chỉ tập hợp các biện pháp giữ gìn, hạn chế, sử dụng hoặc khôi phục một cách hợp lý sinh giới (vi sinh vật, thực vật, động vật), môi sinh (đất nước, không khí, khí hậu, lòng đất…) và nghiên cứu thử nghiệm thiết bị sử dụng tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ ít có hoặc không có phế liệu nhằm tạo ra một không gian tối ưu cho cuộc sống của con người.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, sự phát triển của các thành phần kinh tế đã dẫn đến sự gia tăng khá lớn các doanh nghiệp dưới mọi hình thức, quy mô lớn nhỏ khác nhau. Sự đóng góp của các doanh nghiệp này tới sự phát triển của nền kinh tế là rất lớn.Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển của các doanh nghiệp lại gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Do đó trách nhiệm bảo vệ môi trường được đề cập đến trong các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Chỉ thị số 36 - CT/TW ngày 25 - 6 - 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói, giảm nghèo ở mỗi nước, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới”. Tiếp đến, Nghị quyết số 41 - NQ/TW ngày 15 - 11 - 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đưa ra quan điểm:
- Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mọi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên của ông cha ta.
- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa