Khái quát về huy ện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Một phần của tài liệu Vai trò của lực lượng vũ trang đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở huyện côn đảo tỉnh bà rịa vũng tàu hiện nay (Trang 61 - 67)

Chương 2: THỰC TRẠNG, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT

2.1. Khái quát về huyện Côn Đảo và lực lượng vũ trang ở huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

2.1.1. Khái quát về huy ện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm ở phía Đông Nam của tổ quốc. Tổng diện tích tự nhiên (phần đất liền) là 76km2. Tọa độ địa lý từ 106036’ đến 106045’ kinh độ Đông - cùng một kinh độ với thành phố Hồ Chí Minh, và từ 8034’ đến 8049’ vĩ độ Bắc - cùng một vĩ độ với tỉnh Minh Hải (Cà Mau). Côn Đảo cách Vũng Tàu 97 hải lý (khoảng 180km), cách thành phố Hồ Chí Minh 239 km, cách cửa sông Hậu (Cần Thơ) 47 hải lý (khoảng 83km). Côn Đảo nằm gần đường bờ biển quốc tế, nhiều đường bay quốc tế ngang khu vực.

Côn Đảo là một hòn đảo có tầm quan trọng về địa lý, lịch sử, kinh tế và quân sự. Nó bao gồm một hệ thống 16 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó Côn Đảo là hòn đảo lớn nhất của quần đảo (trước đây người Pháp gọi là Grande Condore, chính quyền cũ trước giải phóng đặt tên là Phú Hải) với diện tích 51,52 km2, chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả quần đảo, có chiều dài khoảng 15km, chiều ngang chỗ rộng nhất là 9km và chỗ hẹp nhất là 1km. Hòn đảo lớn nhất này cũng là nơi tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả quần đảo và cũng là nơi trước đây thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thiết lập hệ thống nhà tù. Mọi sự kiện lịch sử quan trọng của Côn Đảo đều diễn ra trên hòn đảo này.

Ngoài ra còn có một số hòn bao quanh như: hòn Côn Lôn nhỏ (Phú Sơn), hòn Bảy Cạnh (Phú Cường), hòn Cau (Phú Lệ), hòn Bông Lan (Phú Phong), hòn Vung (Phú Vinh), hòn Trọc (Phú Nghĩa), hòn Trứng (Phú Thọ), hòn Tài lớn (Phú Bình), hòn Tài nhỏ (Phú An), hòn Trác lớn (Phú Hưng), hòn Trác nhỏ (Phú Thịnh), hòn

Tre lớn (Phú Hòa), hòn Tre nhỏ (Phú Hội), hòn Anh (hòn Trứng lớn), hòn Em (hòn Trứng nhỏ).

Về tên gọi và lịch sử hành chính của Côn Đảo

Sử sách nước ta xưa gọi hòn đảo lớn nhất là đảo Côn Lôn, cả quần đảo cũng được gọi chung bằng địa danh ấy. Quần đảo Côn Lôn gọi tắt là Côn Đảo. Về nghĩa Hán văn, Côn Lôn thường dùng để chỉ biên địa xa xôi hẻo lánh.

Thời Mỹ - Diệm tiếp tục chế độ lao tù của thực dân Pháp đã đổi tên gọi của quần đảo này là hải đảo Côn Sơn. Đến ngày 22/10/1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn (một tỉnh ở trên một hòn đảo không có dân cư, chỉ có người tù và một bộ máy trị tù).

Sau Hiệp định Paris (1973), ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu muốn đánh lạc hướng dư luận quốc tế trong âm mưu ém giấu tù chính trị không trao trả nên đã một lần nữa đổi tên gọi của quần đảo. Tháng 11/1974, ngụy quyền đổi tên cơ sở hành chính ở khu trung tâm Côn Sơn thành thị trấn Phú Hải trực thuộc tỉnh Gia Định. Cái tên Phú Hải đó đã tồn tại cho đến tận ngày Côn Đảo giải phóng 1/5/1975.

Ngày 1/5/1975, Côn Đảo hoàn toàn được giải phóng trở thành tỉnh Côn Đảo trực thuộc Khu IX (Khu ủy Tây Nam bộ). Tháng 1/1977, Côn Đảo được đổi thành huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5/1979, Côn Đảo là một quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Tháng 10/1991 đến nay là huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, Côn Đảo là một huyện có chính quyền một cấp, là cấp huyện không có cấp xã mà dưới cấp huyện được tổ chức thành 10 khu dân cư.

Tuy trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và đơn vị hành chính nhưng đối với các thế hệ tù nhân và nhân dân cả nước, trước sau như một, quần đảo này chỉ có tên gọi quen thuộc là Côn Đảo.

Về địa chất địa hình: quần đảo Côn Lôn nguyên thủy do sự phun trào của núi lửa tạo thành. Đất ở đây phần lớn là nham thạch (mà chủ yếu là cường thạch granit) biến thể. Quần đảo này chủ yếu là đồi núi, diện tích núi đồi là 6.328 hecta, chiếm 88,4% tổng diện tích tự nhiên, phần lớn là núi đá. Những ngọn núi cao nhất đều nằm trên hòn Côn Lôn như núi Thánh Giá cao 577m, núi Chúa cao 515m, núi Nhà Bàn cao 356m, núi Tàu Bể cao 259m, đỉnh Tình Yêu ở hòn Bà cao 321m…

Thị trấn Côn Đảo nằm trên một thung lũng hình bán nguyệt, dài từ 8 - 10km, rộng từ 2 - 3km, ba bề có núi bao bọc, mặt trông ra vịnh Côn Lôn. Khu vực tương đối bằng phẳng thứ hai là làng Cỏ Ống. Hai thung lũng này đất đai bằng phẳng có nhiều chỗ trũng tạo thành hồ nước và ruộng trồng lúa. Đất trồng trọt chiếm khoảng 3,2% diện tích tự nhiên, trong đó đất thổ cư khoảng 100 hecta, nhà tù chiếm gần 30 hecta (thời Pháp 22,024 hecta, thời Mỹ tăng thêm 6,9 hecta).

Về sông ngòi, nguồn nước: Côn Đảo không có sông rạch mà chỉ có suối nhỏ từ trên núi chảy ra biển. Hai con suối đáng kể đều nằm ở khu vực thị trấn là dòng suối bắt nguồn từ Sở Tiêu, Sở Lò Gạch chảy vòng phía sau thị trấn và đổ ra vịnh Đông Nam gần Sở Muối An Hội, dòng thứ hai bắt nguồn từ khu vực Sở Ruộng dưới chân núi Chúa chảy ra cống Lò Bò gần mũi Lò Vôi. Nước ngầm là nguồn nước ngọt chủ yếu ở Côn Đảo để dùng trong sinh hoạt cũng như trong các hoạt động kinh tế, ước tính có thể khai thác được 18,4 triệu m3 nước ngọt trong lòng thung lũng Côn Đảo trong một năm; ngoài ra hiện nay Côn Đảo có hồ An Hải và hồ Quang Trung với tổng lượng nước khoảng 480.000m3 có thể khai thác khoảng 1000m3/ngày. Trên cao nguyên Sở Vani cũ cũng có một miệng giếng thiên nhiên chứa được khá nhiều nước mưa, đây là vết tích của một miệng núi lửa đã yên nghỉ.

Về khí hậu: Côn Đảo nằm trong khu vực Châu Á gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối mát mẻ, dễ chịu quanh năm. Trong một năm có hai loại gió mùa: gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 9; gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 về mùa này có nhiều cơn gió giật rất mạnh tới cấp 6, cấp 7 và trên cấp 7, do vậy mùa này còn được gọi là mùa gió chướng. Khí hậu có hai mùa phân biệt: mùa mưa từ hạ tuần tháng 4 đến thượng tuần tháng 12, mưa cao điểm vào các tháng 8 - 9, về mùa này, khí hậu khá ẩm ướt, lượng mưa trung bình là 2.200mm/năm;

mùa nắng từ trung tuần tháng 12 đến trung tuần tháng 4, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm là 270C. Tháng 2 là tháng mát mẻ nhất, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 220C, còn tháng 5 là tháng oi bức nhất, nhiệt độ có lúc lên tới 340C.

Về động thực vật: Côn Đảo có hệ thống động thực vật rất phong phú, đặc trưng cho nhiều vùng khác nhau. Động vật cũng như thực vật đều có những loài sống trên cạn và những loài sống dưới nước, đặc biệt có những lâm sản quý như gỗ

Giăng, Quăng… hải sản quý thì có DuGong, Vích, Đồi mồi, Yến sào, Trai ngọc…

Do tính phong phú và đa dạng và có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc nuôi trồng bảo dưỡng, nên tháng 3/1984, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định xây dựng ở Côn Đảo một khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 6.043 hecta đất rừng. Sau này, khu bảo tồn thiên nhiên chuyển thành Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Điều kin kinh tế - xã hi

Về dân số, dân tộc, tôn giáo: Trên địa bàn Côn Đảo hiện nay (đến năm 2014)

“có 1.809 hộ gia đình với 6.820 người thuộc 5 dân tộc khác nhau, trong đó phần lớn là dân tộc Kinh với 1.772 hộ tương đương 6.653 nhân khẩu chiếm khoảng 97,55%

tổng số nhân khẩu trên địa bàn huyện. Còn lại là dân tộc Khơme 30 hộ - 140 nhân khẩu, dân tộc Hoa 4 hộ - 15 nhân khẩu, dân tộc Stiêng 2 hộ - 9 nhân khẩu, dân tộc Tày 1 hộ - 3 nhân khẩu. Về tôn giáo, có 256 hộ gia đình tương đương 738 nhân khẩu theo 6 tôn giáo cụ thể như sau: đạo Phật 128 hộ - 412 nhân khẩu, đạo Công giáo116 hộ - 303 nhân khẩu, đạo Tin Lành 5 hộ - 11 nhân khẩu, đạo Cao Đài 5 hộ - 9 nhân khẩu, đạo Hòa Hảo 1 hộ - 2 nhân khẩu, đạo Hồi 1 hộ - 1 nhân khẩu” [68, 1].

Sau ngày giải phóng 1/5/1975, Côn Đảo từng là tỉnh trực thuộc Khu 9, là huyện thuộc tỉnh Hậu Giang, là quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và từ năm 1991 đến nay Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ với việc thay đổi đơn vị hành chính như trên cũng đã từng là nguyên nhân khiến cho Côn Đảo trong một thời gian dài thiếu hẳn sự ổn định để phát triển. Không những thế từ năm 1975 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp còn rất nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân Côn Đảo. Cùng với đó là phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền gặp rất nhiều khó khăn, việc đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho huyện kể cả cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với truyền thống kiên trung bất khuất, các thế hệ lãnh đạo đã cùng với nhân dân Côn Đảo đoàn kết, keo sơn, dốc sức, dốc lòng cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng, chính sách của nhà nước để tìm ra một đường hướng phát triển cho phù hợp với Côn Đảo. Thời kỳ từ năm 1991 cho đến nay được

coi là thời kỳ Côn Đảo bắt đầu phát triển, khắc phục dần tình trạng bao cấp nên kinh tế - xã hội của Côn Đảo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, Côn Đảo bắt đầu hòa nhập được với công cuộc đổi mới của đất nước.

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 trên địa bàn huyện Côn Đảo thì “thu nhập bình quân trên đầu người là 65,7 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.110 USD), cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện: dịch vụ - du lịch chiếm 86,95%; công nghiệp - xây dựng chiếm 7,95%; nông nghiệp chiếm 5,1%” [71, 1].

Như vậy nhờ vận dụng sáng tạo cơ chế thị trường có sự quản lý, điều hành của nhà nước trên địa bàn, ngành kinh tế dịch vụ của Côn Đảo đã vươn lên chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Đáng chú ý là dịch vụ du lịch đang thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư trên địa bàn, nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư nâng cấp và xây mới, năng lực phục vụ khách du lịch tăng đáng kể, mở ra triển vọng tốt cho nền kinh tế. Cũng theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 trên địa bàn huyện Côn Đảo: “tổng doanh thu của ngành dịch vụ du lịch 980,03 tỷ đồng. Trong đó doanh thu thương mại thực hiện được 527 tỷ đồng với các mặt hàng chủ yếu là hải sản, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật liệu xây dựng… Doanh thu các ngành dịch vụ thực hiện được 453,03 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch là 305,03 tỷ đồng; dịch vụ vận tải 36 tỷ đồng; dịch vụ bưu chính viễn thông 29 tỷ đồng; các dịch vụ khác 83 tỷ đồng” [71, 1-2].

Cùng với dịch vụ, lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện cũng đang phát triển nhanh. Liên tục trong nhiều năm liền, ngành điện, nước của Côn Đảo luôn gia tăng mạnh về sản lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất trên địa bàn. “Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được 124,04 tỷ đồng” [71, 1].

Lĩnh vực nông nghiệp đã thoát ra khỏi tình trạng tự cấp, tự túc và đang chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa, đáp ứng các nhu cầu của thị trường tại Côn Đảo.

“Giá trị sản xuất nông nghiệp thực hiện được 26,3 tỷ đồng, trong đó trồng trọt 3,3 tỷ đồng, chăn nuôi 23 tỷ đồng. Ngư nghiệp đang chuyển sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi các mú, ngọc trai và các loại cá nước ngọt. Giá trị sản xuất ngư nghiệp thực hiện được 31,87 tỷ đồng, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy

sản đạt 13 tấn, đánh bắt hải sản đạt 734 tấn” [71, 2]. Công tác quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt, phong trào quần chúng bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được duy trì thường xuyên, liên tục và phát triển rộng khắp. Các chương trình nghiên cứu động thực vật, bảo vệ môi tường sinh thái được thực hiện tốt.

Giao thông vận tải về cơ bản đến nay đã có những bước cải thiện đáng kể nhất là giao thông trên biển với sự đầu tư, đóng mới những con tàu chở khách chạy tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo. Giao thông bằng đường hàng không cũng không ngừng phát triển với việc nâng cấp mở rộng sân bay Cỏ Ống thành Cảng hàng không Côn Sơn, đưa tần suất các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến Côn Đảo và ngược lại tăng đều hàng năm, ngoài ra còn mở thêm đường bay từ Cần Thơ đến Côn Đảo và ngược lại. Những nỗ lực trên đã góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa Côn Đảo với đất liền. Bên cạnh đó hệ thống đường bộ của Côn Đảo đã được cải tạo và nâng cấp, nhiều tuyến đường được xây dựng mới, cùng với các công trình dân dụng, các vườn hoa, công viên, cây cảnh và các công trình phúc lợi công cộng khác… tất cả đã tạo cho Côn Đảo một diện mạo mới.

Hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện được quan tâm đúng mức. Đến năm 2013 duy trì phổ cập giáo dục bậc tiểu học và phổ cập giáo dục bậc THCS. Thực hiện dạy và học theo kế hoạch; tiếp tục thực hiện chương trình phổ cập giáo dục các cấp học. Tổ chức xét tốt nghiệp THCS và thi tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp bổ túc văn hóa tại huyện Côn Đảo. Đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân Côn Đảo được nâng cao với những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, huyện Côn Đảo đã được cấp trên công nhận đạt chuẩn huyện văn hóa từ đầu năm 2002. Việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị của hệ thống di tích lịch sử cách mạng được đảng bộ, chính quyền quân và dân Côn Đảo coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ là trách nhiệm mà nó còn là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Các hoạt động văn hóa được tổ chức với nhiều loại hình đa dạng, phong phú đã đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân, thu hút nhiều du khách đến tham quan Côn Đảo.

Trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đang triển khai đề án phát triển Côn Đảo theo hướng từng bước đưa Côn Đảo trở thành một khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu đó, Côn Đảo sẽ được quy hoạch lại cùng với đó là những cơ chế chính sách phù hợp, tạo được sự thu hút mạnh đối với các nhà đầu tư của mọi thành phần kinh tế, trước hết là thu hút vốn vào phát triển mạnh ngành kinh tế du lịch và dịch vụ. Việc thực hiện đề án phát triển huyện Côn Đảo sẽ tạo ra một cơ hội lớn để Côn Đảo phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời phía Đông Nam của tổ quốc và phát triển kinh tế đất nước. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm của toàn đảng bộ để lãnh đạo Côn Đảo vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, tạo bước ngoặt lớn đánh dấu sự chuyển mình của Côn Đảo.

Một phần của tài liệu Vai trò của lực lượng vũ trang đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở huyện côn đảo tỉnh bà rịa vũng tàu hiện nay (Trang 61 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)