Điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng nước sinh hoạt trên địa bàn xã gia phù huyện phù yên tỉnh sơn la (Trang 33 - 38)

PHẦN 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

4.1.1 Điều kiện tự nhiên 4.1.1.1 Vị trí địa lý

Xã Gia Phù nằm ở phía Tây của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cách thị trấn Phù Yên 11km. Xã có vị trí giáp ranh như sau:

+ Phía Tây giáp xã Suối Bau + Phía Đông giáp xã Tường Phù + Phía Bắc giáp xã Huy Bắc

+ Phía Nam giáp xã Tường Thượng, xã Suối Bau

Hình 4.1. Bản đồ mô phỏng xã Gia Phù 4.1.1.2 Địa hình, địa mạo

Mang nét đặc trưng chung của địa hình miền núi, rất phức tạp, bị chia cắt nhiều bởi các dãy núi cao và các thung lung, khe suối sâu. Có thể chia thành 2 dạng địa hình sau:

Địa hình đồi núi cao: Bao gồm các dãy núi có độ cao trung bình khoảng từ 550m – 600m so với mực nước biển. Địa hình này tương đối thuận lợi cho phát triển những vùng sản xuất tập trung như trồng các loại cây công nghiệp như chè, lạc,… và các loại cây ăn quả như mơ, mận, chuối,…

Địa hình tương đối bằng phẳng: Có độ cao trung bình khoảng từ 250 – 300m so với mực nước biển. Địa hình này tập trung dọc 2 bên đường QL43, QL37 và tỉnh lộ 113.

4.1.1.3 Khí hậu

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, được chia 2 mùa rõ rệt trong năm:

Mùa mưa: kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9, lượng mưa chủ yếu tập trung vào các tháng 6,7,8 chiếm trên 80% tổng lượng mưa cả năm. Song cũng thời kỳ nay mưa nhiều, lượng mưa lớn tập trung gây ra hiện tượng xói mòn, rửa trôi, lũ lụt…

Mùa khô: Khéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau, lượng mưa nhỏ, lượng bốc hơi cao, khiến độ ẩm của tầng đất mặt thấp gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là ở khu vực núi cao.

Nhiệt độ trung bình năm từ 20oC- 24oC.

4.1.1.4. Thủy văn

Nằm trong vùng có hệ sống suối khá phong phú, xã Gia Phù có các suối Luồn, suối Công, suối Bùa, suối Dinh, suối Nhọt, suối Chát... chảy qua và còn nhiều các các khe, mạch ngầm chảy từ các thung lũng, chân núi ra các suối và đồng ruộng.

4.1.2. Các nguồn tài nguyên 4.1.2.1. Tài nguyên đất

Theo số liệu tổng kiểm kê đất đai năm 2010, tổng diện tích tự nhiên của xã theo địa giới hành chính 364 là 2.882 ha. Qua tài liệu nghiên cứu từ bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Sơn La tỷ lệ 1/100.000 có thể thấy rằng, trên địa bàn xã Gia Phù có các loại đất chính sau:

Đất nâu đỏ trên đá mac ma trung tính và bazơ (Ký hiệu Fk): Diện tích có khoảng 1.235 ha chiếm 43% tổng diện tích tự nhiên của xã.

Đất vàng nhạt trên đá cát (Ký hiệu Fq): Diện tích khoảng 718 ha, chiếm 25% diện tích tự nhiên.

Đất vàng đỏ trên đá sét (Ký hiệu Fs): Diện tích có khoảng 574 ha, chiếm 20% diện tích tự nhiên.

Đất đỏ vàng trên đá biến chất (Ký hiệu Fj): Diện tích có khoảng 287 ha chiếm 10% diện tích tự nhiên.

Ngoài ra còn có các loại đất khác có diện tích khoảng 57 ha, chiếm khoảng 2% diện tích tự nhiên.

4.1.2.2. Tài nguyên nước

Được lưu giữ ở các ao, hồ và hệ thống các suối trên địa bàn xã, với tổng diện tích khoảng 42,8 ha. Nhưng do địa hình dốc, chia cắt mạnh nên khả năng lưu giữ nguồn nước gặp nhiều khó khăn, nhiều khu vực không có nguồn nước dự trữ, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa, ngược lại có nhiều khu vực, nhất là vào mùa mưa thường xảy ra các hiện tượng xói lở, lũ lụt… ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

- Nước ngầm: Thực tế cho thấy việc khai thác nguồn nước ngầm đưa vào sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất ở các khu vực trên địa bàn xã khó khăn và tốn kém, hiệu quả sử dụng không cao.

4.1.2.3. Tài nguyên rừng

Tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng trên địa bàn xã hiện có 753,91 ha. Trong đó đất rừng sản xuất có diện tích 571,54 ha, bao gồm đất có rừng tự nhiên sản xuất 422,62 ha, đất có rừng trồng sản xuất 148,92 ha; Đất rừng phòng hộ có diện tích 182,37 ha, 100% là đất có rừng tự nhiên sản xuất. Song các vùng rừng này phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở những nơi hiểm trở, chủ yếu là rừng thông, lát, tếch, keo quế,…

4.1.4. Điều kiện kinh tế xã hội

4.1.4.1. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập a) Dân số

Theo kết quả điều tra dân số của xã Gia Phù hiện có 7.203 người với 1.663 hộ được phân chia như sau:

- Phân theo giới tính: Nam chiếm 49,90%, Nữ chiếm 50,10 % tổng dân số.

- Phân theo khu vực: Được phân thành 15 bản. Mật độ dân số trung bình là 222 người/km2, nhưng tập trung lớn ở những khu vực trung tâm xã và những khu vực thuận lợi cho phát triển nông nghiệp như bản Vi 603 nhân khẩu, bản Nhọt 1 với 692 nhân khẩu, bản Nhọt 2 với 612 nhân khẩu...

- Phân theo dân tộc: có các dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Dao, Hoa, Tày, trong đó dân tộc Thái chiếm tỷ lệ cao nhất 3.488 nhân khẩu, Mường 2.172 nhân khẩu, Kinh 632 nhân khẩu.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân của xã Gia Phù là 1,1 %.

Bảng 4.1: Tổng hợp dân cư của xã Gia Phù năm 2017

STT Cơ sở bản, phố Số hộ Số khẩu Nam Nữ

1 Bản Nhọt I 162 692 344 348

2 Bản Nhọt II 137 612 307 305

3 Bản Lìn 132 595 305 290

4 Bản Vi 137 603 301 302

5 Bản Tạo I 90 390 194 196

6 Bản Tạo II 125 564 285 279

7 Bản Nà Khằm I 81 384 206 178

8 Bản Nà Khằm II 106 486 232 254

9 Bản Chát 116 519 254 265

10 Phố Mới 77 296 145 151

11 Phố Ngã Ba 69 240 112 128

12 Phố Tân Lập 86 302 131 171

13 Bản Lá 124 529 269 260

14 Bản Nà Mạc I 111 500 259 241

15 Bản Nà Mạc II 110 491 250 241

Tổng: 1.663 7.203 3.594 3.609

(Nguồn: UBND xã Gia Phù, 2017) [12]

b) Lao động, việc làm và thu nhập - Lao động, việc làm

Nguồn lao động trên địa bàn xã khá dồi dào, có 4.177 người, chiếm 58% dân số của toàn xã. Song tỷ lệ lao động trong độ tuổi đang làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp hiện chiếm tỷ lệ cao nhất 92,8%, chất lượng lao động thấp hầu hết chưa qua đào tạo.

-Thu nhập

Trong mấy năm qua cùng với sự lãnh đạo của Đảng Uỷ, UBND và với sự cố gắng của bà con nhân dân, nền kinh tế của xã có những chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bình quân thu nhập trên người 5,7 triệu đồng/người/năm, Hộ nghèo (theo tiêu chí mới) chiếm 25,8%.

4.1.4.2. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã ổn định, bình quân năm đạt 9,6%/ năm. Cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông, lâm nghiệp là 77,8%, giảm dần và tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 22,2%, tăng dần.

4.1.4.3. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế a) Khu vực kinh tế nông nghiệp

Sản xuất nông, lâm nghiệp luôn được xác định là ngành sản xuất chủ đạo trong cơ cấu phát triển kinh tế chung của xã, tập trung chính vào trồng trọt (chiếm 75%), chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp không đáng kể (chiếm 25%).

*Về trồng trọt:

Đã có sự chuyển biến tích cực với việc đưa nhiều giống mới vào sản xuất có hiệu quả kinh tế. Lĩnh vực trồng trọt tập trung phát triển ở 1 số cây trồng chính như: trồng lúa với các giống LT2, lúa chất lượng cao BO 404, BC 15, lúa nếp.. với năng suất bình quân 70 tạ/ha, các loại cây trên nương: Ngô lai Bioxit 9698, ngô LVN10, sắn, dong riềng,...

* Về chăn nuôi:

Trong những năm qua đàn gia súc gia cầm tiếp tục được phát triển, tăng nhanh cả về số lượng và cơ cấu đàn, mở rộng được nhiều mô hình kết hợp giữa chăn nuôi với trồng trọt. Công tác phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, tổ chức kiếm tra chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm, kịp thời ngăn chặn các dịch bênh xảy ra.

*Về lâm nghiệp:

Công tác khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn xã mấy năm qua luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của các chương trình, dự án, do vậy diện tích đất lâm nghiệp tăng đáng kể. Đến nay tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã theo quy hoạch 3 loại rừng có 753,91 ha.

*Về nuôi trồng thủy sản:

Trên địa bàn xã hiện có 11,93 ha diện tích có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản được nhân dân đầu tư nuôi thả cá, sản lượng thu được hàng năm từ 6 - 7 tấn cá các loại. Đến nay nhiều hộ gia đình đã có đầu tư lớn vào phát triển nuôi trồng thủy sản, đầu tư về vốn, giống và quy trình kỹ thuật, do vậy nhiều hộ đã phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng thủy sản này.

b) Khu vực kinh tế dịch vụ- thương mại

Hoạt động dịch vụ thương mại ngày càng phát triển và mở rộng, hiện tại xã có 1 chợ ở trung tâm xã rộng khoảng 4.100 m2 và có các cửa hàng buôn bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt sản xuất của nhân dân như: vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm và các mặt hàng tiêu dùng khác như sách vở, quần, áo.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng nước sinh hoạt trên địa bàn xã gia phù huyện phù yên tỉnh sơn la (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(62 trang)