Về sản xuất nông, lâm nghiệp

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Trang 42 - 45)

Chương 2. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.3. Về sản xuất nông, lâm nghiệp

a. Trồng trọt

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Mường Nhé chiếm 5,57% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó đất lúa và lúa màu chiếm 44,5% tổng quỹ đất nông nghiệp, còn lại là các diện tích đất nương rẫy cố định, nương rẫy luân canh và diện tích đất vườn tạp. Tập quán canh tác lạc hậu, cộng với điều kiện địa hình tương đối phức tạp, việc đầu tư về giống vốn kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nên việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao, năng suất cây trồng đạt thấp.

Trong khu vực vẫn còn tình trạng sử dụng đất theo cổ truyền không có các biện pháp cải tạo làm giàu và duy trì độ phì cho đất, chưa áp dụng biện pháp chống xói mòn để bảo vệ đất đai. Dẫn đến tình trạng đất chỉ canh tác

được 2 - 3 năm, năng suất giảm phải bỏ hoang. Diện tích đất nương rẫy, đất thoái hóa trên toàn khu vực chiếm tỷ lệ cao. Việc phát triển kinh tế vườn và xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, kinh tế trang trại của địa phương còn nhiều hạn chế. Một số ít các hộ đã tạo dựng mô hình vườn cây, vườn quả song vẫn còn manh mún, chưa tạo ra những mô hình chuẩn về nông lâm kết hợp, chưa tạo ra giá trị hàng hóa có giá trị cao.

Các loài cây trồng chủ yếu là lúa nước, lúa nương, ngô, sắn, đậu tương. Năng suất bình quân cho các loại cây trồng chính không cao, năng suất lúa 1 vụ là 2,5 tấn/ha; Lúa 2 vụ 3,8 tấn/ha; Lúa nương 1,4 tấn/ha; Ngô 1,3 tấn/ha; Sắn 5,4 tấn/ha; Đậu tương 1,0 tấn/ha. Tổng sản lượng lương thực quy thóc của vùng 6.133,0 tấn. Bình quân lương thực đạt 320 kg/người/năm.

b. Chăn nuôi

Số lượng đàn gia súc của khu vực bao gồm 15.980,0, gia cầm các loại là 34.320 con. Bình quân mỗi hộ có 1,7 con trâu; 0,8 con bò; 0,1 con ngựa;

0,1 con dê; 2,1 con lợn và 10,6 con gia cầm. Phần lớn các loài gia súc gia cầm được chăn thả tự do. Việc phòng chống dịch bệnh hàng năm chưa được chú trọng, chăn nuôi chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, chưa phát triển theo hình thức trang trại. Do vậy, sản lượng đạt thấp dẫn tới thu nhập từ chăn nuôi không cao.

3.3.2. Sản xuất lâm nghiệp

a. Tình hình giao đất giao rừng

Công tác giao đất khoán rừng mới chỉ được thực hiện trong mấy năm gần đây, tuy nhiên tốc độ triển khai còn chậm diện tích đã giao khoán là 7.150 ha cho 520 hộ gia đình (chiếm 9,8% rừng và đất trống đồi trọc). Phần diện tích được giao chủ yếu quanh vùng phân bố dân cư còn lại những nơi cao, xa do lực lượng kiểm lâm quản lý. Diện tích đất lâm nghiệp của khu vực là tương đối lớn do đó trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác giao khoán bảo vệ rừng.

b. Tình hình quản lý bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng

Công tác quản lý bảo vệ rừng đã được chính quyền các cấp ở địa phương, Hạt kiểm lâm kết hợp với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên và các đồn biên phòng tổ chức thực hiện tương đối tốt như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, do địa bàn quá rộng và phức tạp nên tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn lén lút xảy ra. Huyện Mường Nhé mới được thành lập nên nhu cầu sử dụng gỗ và các loại lâm sản phục vụ xây dựng tăng cao cũng là nguyên nhân làm cho một số diện tích rừng phòng hộ của khu vực bị chặt phá. Việc mở mới đường giao thông liên xã cũng làm mất đi một diện tích rừng có trữ lượng cao. Có thể nhận thấy rằng hiện tại sức ép đối với rừng Mường Nhé vẫn không ngừng gia tăng, nguy cơ mất rừng vẫn thường trực.

Trong thời gian tới cần thực hiện nhanh công tác quy hoạch ba loại rừng xác định rõ chủ quản lý, sử dụng đúng quy chế cho từng loại rừng. Đẩy mạnh việc phối kết hợp giữa các chủ quản lý và địa phương, các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng.

Việc sử dụng rừng vẫn còn mang tính lợi dụng tự nhiên, công tác trồng rừng, khôi phục rừng chưa được quan tâm đúng mức. Diện tích rừng trồng chỉ có 203,90 ha (chiếm 0,12% diện tích đất lâm nghiệp).

3.3.3. Các ngành kinh tế khác (Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ)

Nền kinh tế của cả khu vực còn mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu, cộng với điều kiện vùng cao xa xôi, tiềm năng về khoáng sản không có do vậy các ngành kinh tế khác của địa phương khó có điều kiện phát triển. Hiện tại chỉ có một số hộ đồng bào người Kinh kinh doanh buôn bán tạp hóa và ăn uống ở trung tâm huyện và các xã.

* Nhận xét chung

Kết quả điều tra cho thấy 05 xã vùng đệm huyện Mường Nhé tương đối đa dạng về thành phần dân tộc, với những phong tục, tập quán sinh hoạt khác

nhau, tỷ lệ lao động thấp, trình độ dân trí không cao dẫn tới chất lượng lao động cũng còn nhiều hạn chế. Các dân tộc sống trong khu vực đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, nặng về khai thác bóc lột tài nguyên đất, tài nguyên rừng. Dân tộc H’Mông chiếm tỷ lệ lớn (58,7%), nhiều hộ gia đình vẫn đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng, cộng với các hộ dân tộc H’Mông di dân tự do từ nơi khác đến là một nguyên nhân căn bản dẫn việc mất rừng và suy giảm giá trị đa dạng sinh học của rừng trong khu vực. Các dân tộc khác Hà Nhì, Thái, Xạ Phang, Cống có tập quán canh tác làm ruộng bậc thang, làm nương mầu, chăn nuôi gia súc gia cầm, định canh, định cư, tập trung sống ở dưới thấp, gần sông suối, do vậy ít gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng của khu vực. Đặc biệt là người Hà Nhì có ý thức bảo vệ rừng tương đối cao.

Ngoài ra hiện tượng bà con dân tộc của nước bạn Trung Quốc, Lào, cũng thường xuyên qua lại khai thác lâm sản, canh tác nương rẫy cũng tiềm ẩn nguy cơ suy giảm rừng và ảnh hưởng đến tình hình an ninh biên giới.

Như vậy, với những đặc điểm dân số lao động, sự đa dạng về thành phần dân tộc, cũng như trình độ văn hóa thấp kém, tập tục canh tác còn lạc hậu, phần đa đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là những khó khăn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương nói chung và công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng. Trong thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhà nước và UBND tỉnh Điện Biên cần xây dựng cơ chế chính sách và ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)