Chương 3: DỰ BÁO VỀ NHÂN TỐ Ý THỨC HỆ TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ VÀ KHUYẾN NGHỊ
3.2.2. Các kịch bản quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ góc độ ý thức hệ
Từ những phân tích trên có thể dự báo chiều hướng tác động của nhân tố ý thức hệ tới sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ theo ba kịch bản như sau: (i) Kịch bản thứ nhất, ý thức hệ chi phối hoàn toàn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, tác động tiêu cực có chiều hướng gia tăng; (ii) Kịch bản thứ hai, ý thức hệ không quan trọng, không tác động đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; (iii) Kịch bản thứ ba, ý thức hệ có tác động nhưng tác động cản trở tiếp tục giảm và không chi phối dòng chính phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
3.2.2.1. Kịch bản ý thức hệ chi phối hoàn toàn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ Kịch bản này khó xảy ra vì một số nguyên nhân sau:
Chúng ta đang chứng kiến thế giới hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi hết sức sâu sắc, nhanh chóng, phức tạp và khó lường; tính bất ổn, bất định, bất an gia tăng. Mặc dù sự cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gia tăng về tính chất, mức độ, phạm vi, lĩnh vực; chạy đua vũ trang
87 Report to Congress on US-Vietnam, Congressional Research Service,
https://news.usni.org/2021/02/17/report-to-congress-on-u-s-vietnam-relations, 17/02/2021, truy cập ngày 22/2/2020.
ngày càng phổ biến; các thể chế quản trị toàn cầu và khu vực gặp nhiều thách thức..., song trong thời gian tới, khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện là khó, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.
Các quốc gia vừa phải đấu tranh, kiềm chế song vẫn phải hợp tác, thoả hiệp vì những lợi ích của chính mình. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra đã tác động mạnh mẽ và lâu dài đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Khủng hoảng y tế, bất ổn xã hội và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới cũng như của mỗi quốc gia đặt các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam trong nhu cầu cấp thiết phải hợp tác với nhau để xử lý các cuộc khủng hoảng chung và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Nhân tố ý thức hệ chỉ có thể chi phối hoàn toàn quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, hay bất kỳ cặp quốc gia khác ý thức hệ nào khác, khi hai nước hoàn toàn không có một sự song trùng về lợi ích nào. Trong khi đó, như đã phân tích ở trên, Hoa Kỳ và Việt Nam gắn bó về lợi ích kinh tế-thương mại, địa chiến lược.
Chừng nào Trung Quốc còn mạnh lên, còn có tham vọng bá quyền thì chừng đó Hoa Kỳ còn muốn lôi kéo Việt Nam vào tập hợp lực lượng của mình ở khu vực để cạnh tranh với Trung Quốc.
3.2.2.2. Kịch bản ý thức hệ không quan trọng, không tác động đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
Kịch bản này cũng khó có thể xảy ra. Hoa Kỳ là nước TBCN đề cao tự do cạnh tranh, thị trường, cá nhân, năng suất lao động, tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền. Sự phát triển của CNTB tự do ở Hoa Kỳ đã giúp Hoa Kỳ vươn lên trở thành siêu cường sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và là siêu cường duy nhất sau Chiến tranh Lạnh.
Trong quá trình phát triển, CNTB tự do ở Hoa Kỳ cũng gây ra nhiều vấn đề xã hội như bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo, thiếu các dịch vụ an sinh xã hội…. Ngay từ năm 2012, Đại học Harvard đã thành lập môn “Suy tưởng lại về CNTB” dành cho những sinh viên được kỳ vọng trở thành thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp tương lai. Trong đó, giảng viên, khách mời và sinh viên tranh luận sôi nổi về nguy cơ sụp đổ của CNTB, xuất phát từ chính những hệ quả tự thân của nó như làm gia tăng bất bình đẳng và bức xúc trong bộ phận lớn người dân. Những ví dụ điển hình thường được đề cập là đợt đại biểu tình chiếm phố Wall trong giai đoạn 2011 -
2012 nhằm chống lại “1% dân số nắm giữ hầu hết của cải” hay phong trào Áo vàng ở Pháp. Hiện nay 5 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ “điều khiển” cả Hoa Kỳ, đó là lý do vì sao nền chính trị Hoa Kỳ được gọi là nền “chính trị tập đoàn”.
Các quan điểm XNCH xuất hiện nhưng đó chỉ là sự phản kháng của người dân với những bất công trong xã hội, ước mong về những chính sách tốt hơn của chính quyền, và về bản chất vẫn là TBCN với vai trò lớn của nhà nước. Từ góc độ của Đảng Cộng hoà, đó là sự “dán nhãn” cho tất cả những gì thuộc về đảng Dân chủ nhằm phục vụ mục đích chính trị trước thềm bầu cử Tổng thống.
Vì vậy, với hai hệ thống chính trị TBCN và XHCN – hai ý thức hệ đối lập, chừng nào còn tồn tại, thì nhân tố ý thức hệ còn có vai trò chi phối chiếu hướng phát triển của quan hệ.
3.2.2.3. Kịch bản ý thức hệ có tác động song không chi phối, quyết định chiều hướng hay mức độ phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Đây là kịch bản có khả năng xảy ra lớn nhất. Nhân tố ý thức hệ là sự khác biệt về bản chất, sự khác biệt “hiển nhiên” không hề mất đi, nó sẽ vẫn tồn tại ở đó và có tác động nhất định đến quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, song hai nước sẽ “gác lại quá khứ” là lịch sử chiến tranh, “vượt qua khác biệt” về ý thức hệ và các giá trị mà mỗi bên theo đuổi, “phát huy tương đồng” là các lợi ích về kinh tế và chiến lược để thúc đẩy hợp tác, “hướng tới tương lai”
của một mối quan hệ thực chất hơn về nội hàm, rộng hơn về các lĩnh vực và các kênh tương tác và có lòng tin sâu sắc hơn.
Tổng thống Donald Trump là một doanh nhân chuyên nghiệp, có tư duy thực dụng hơn các Tổng thống Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay và có xu hướng không nhấn mạnh nhiều đến ý thức hệ. Thực tế cũng cho thấy vấn đề đối kháng về ý thức hệ, chống CNXH chưa phải là chính sách chung và ưu tiên mang tính hệ thống của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Khi chỉ trích CNXH, Chính quyền Donald Trump chủ yếu nhắm vào các cử tri trong nước, nhằm mục đích công kích các chính sách thiên hướng XHCN của một bộ phận ứng cử viên đảng Dân chủ.
Với các nước, Tổng thống Donald Trump chủ yếu dùng "con bài" chống CNXH với một vài quốc gia trong một số trường hợp nhất định như: một là, nước XHCN có chính sách chống Hoa Kỳ, gây phương hại tới lợi ích căn bản
của Hoa Kỳ; hai là, bản thân nước XHCN đó bị khủng hoảng nhiều mặt, nội bộ chia rẽ và suy yếu; ba là, có sự hưởng ứng nhất định của các nước liên quan đối với chính sách của Hoa Kỳ chống lại nước đó.
Trong giai đoạn trước bầu cử Tổng thống, Hoa Kỳ có gia tăng việc chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, song nhằm một mặt chia rẽ nội bộ Trung Quốc, mặt khác nhằm làm nổi bật sự khác biệt về ý thức hệ để phục vụ mục tiêu phân tách Trung Quốc trong tập hợp lực lượng các quốc gia đồng minh, cùng ý thức hệ, các đối tác quan trọng; nhằm giành lá phiếu của các cử tri trong nước.
Sau bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ (10/2020), dù người thắng cử là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden thì sự đồng thuận lưỡng đảng trong chủ trương quan hệ với Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì. Do chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ được chi phối bởi lợi ích và tính thực dụng, trong bối cảnh tương quan lực lượng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang có những bước chuyển biến theo hướng có lợi hơn cho Trung Quốc, trong chiến lược của Hoa Kỳ, Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng.
Hiện nay, nhân tố “lợi ích chiến lược” vẫn đang “nổi lên” và làm “mờ đi”
nhân tố ý thức hệ. Liệu trong tương lai, khi các yếu tố lợi ích chiến lược giảm đi, liệu nhân tố ý thức hệ có nổi lên hay không. Trong lý luận cũng như thực tiễn, lợi ích quốc gia vẫn là nhân tố quan trọng nhất tác động đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các nhân tố khác trong đó có nhân tố ý thức hệ, sẽ được chính quyền Hoa Kỳ sẽ sử dụng một cách linh hoạt, miễn là nó phục vụ cho lợi ích quốc gia của hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ tạm “xem nhẹ” nhân tố ý thức hệ hiện nay là vì Hoa Kỳ muốn tranh thủ Việt Nam, và việc tranh thủ đó là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Tóm lại, lợi ích quốc gia luôn quan trọng và chi phối mọi nhân tố khác, và các nhân tố khác cũng được sử dụng dưới nhãn quan lợi ích quốc gia, làm sao cho phù hợp và phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia. Việt Nam cũng như vậy, cũng đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết. Do đó, sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới có xu hướng không bị phụ thuộc vào sự khác biệt ý thức hệ, mà có khả năng tiếp tục ràng buộc lẫn nhau nhiều hơn do sự trùng hợp về lợi ích và những tính toán chiến lược của mỗi bên [101].
Tất nhiên do tình hình quốc tế, cục diện thế giới và khu vực, tính toán lợi ích của các nước, cũng không loại trừ những tình huống bất ngờ, không loại trừ
kịch bản thứ nhất và thứ hai, nhưng căn cứ vào thực tiễn và đà quan hệ trong thời gian vừa qua, cũng như nhìn vào chiều hướng và các phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn như trên có thể dự báo trong 10 năm tới kịch bản thứ ba là kịch bản có nhiều khả năng diễn ra nhất. Theo đó, sự khác biệt ý thức hệ giữa hai nước vẫn tồn tại, bởi chừng nào còn hai hệ thống chính trị TBCN và XHCN thì sự khác biệt ý thức hệ không thể mất đi, nhưng chỉ có vai trò và mức độ tác động vừa phải, không phải là nhân tố chi phối, quyết định chiều hướng hay mức độ phát triển của quan hệ.
3.3. Khuyến nghị nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới