Tiếp tục giảm thiểu tác động cản trở của nhân tố ý thức hệ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu Nhân tố ý thức hệ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ khi bình thường hoá đến nay. (The ideological factor in the Vietnam – US relations since normalization) (Trang 151 - 156)

Chương 3: DỰ BÁO VỀ NHÂN TỐ Ý THỨC HỆ TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM – HOA KỲ VÀ KHUYẾN NGHỊ

3.3.3. Tiếp tục giảm thiểu tác động cản trở của nhân tố ý thức hệ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Thứ nhất, để giảm thiểu tác động tiêu cực của nhân tố ý thức hệ và đạt được các mục tiêu trong quan hệ với Hoa Kỳ, một vấn đề bao trùm, quan trọng và mang ý nghĩa quyết định trước hết đó là Việt Nam phải mạnh, phải vững từ bên trong, phải có nguồn lực, chế độ chính trị phải vững mạnh, phải phòng chống tham nhũng một cách kiên quyết và triệt để. Nếu Việt Nam yếu thì các yếu tố bên ngoài sẽ gia tăng tác động chuyển hoá, các lợi thế về kinh tế-thương mại, địa chiến lược sẽ theo đó giảm đi, sự khác biệt về ý thức hệ sẽ “nổi” lên.

Việt Nam mạnh, có sức mạnh thực chất từ bên trong, nội lực vững thì sẽ có khả năng hấp thu các nguồn lực bên ngoài và không dễ dàng bị “chuyển hoá”, hay nói cách khác, một thể chế mạnh sẽ khiến Việt Nam có thể “miễn dịch” với tác động chuyển hoá.

Do đó, điều vô cùng quan trọng là Việt Nam cần gia tăng sức mạnh quốc gia tổng hợp, bao gồm cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm; từ phát triển các lĩnh vực cơ bản của đất nước như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; văn hoá, chính trị và đối ngoại nhằm phát huy tối đa mặt thuận lợi,

tận dụng tối ưu những cơ hội, giảm thiểu những khó khăn, đẩy lùi những nguy cơ

có thể đến trong quan hệ với một cường quốc như Hoa Kỳ. Do đặc điểm lịch sử và khác biệt về chế độ chính trị, ý thức hệ, quan hệ với Hoa Kỳ còn phức tạp, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lợi dụng việc mở rộng quan hệ để chống phá Việt Nam bằng thủ đoạn "diễn biến hòa bình". Bất luận tình hình thế nào, sức mạnh bên trong của Việt Nam là nhân tố quyết định. Việt Nam càng phát triển kinh tế thịnh vượng, chế độ chính trị càng vững mạnh thì càng phát huy được các “giá trị”

trong quan hệ với Hoa Kỳ, như lời Bác Hồ từng dạy “Phải trông ở thực lực.Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”

Thứ hai, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Điều này vốn luôn là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất trong hoạt động đối ngoại nói chung, song trong quan hệ với Hoa Kỳ, và nhất là khi đặt trong tương quan mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc thì càng cần chú trọng nguyên tắc này bởi đây là kim chỉ nam cho cách ứng xử trong quan hệ với hai đối tác này. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên làm yếu tố hàng đầu, hai bên sẽ nỗ lực tìm cách để “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt”, không để nhân tố ý thức hệ tác động cản trở sự phát triển của quan hệ, thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên những song trùng về lợi ích và sự chia sẻ các giá trị chung về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Và khi lợi ích quốc gia gắn liền với việc bảo vệ chế độ chính trị, thì càng cần đẩy yếu tố lợi ích quốc gia.

Thứ ba, gia tăng niềm tin chính trị giữa hai nước. Niềm tin trong quan hệ quốc tế rất quan trọng. Trên thực tế, không có một quốc gia nào luôn luôn và thực sự tin một quốc gia nào, kể cả các quốc gia có quan hệ đồng minh chiến lược. Tất cả đều vì lợi ích của mình. Trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, mặt tích cực của nhân tố ý thức hệ là ở chỗ khi hai bên “dám” vượt qua sự khác biệt về ý thức hệ và

“đã” vượt qua được, thì niềm tin được gia tăng. Tuy nhiên, do sự khác biệt về ý thức hệ là cố hữu, và mục tiêu của Hoa Kỳ vẫn là phổ biến các giá trị Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu, giữa hai nước vẫn tồn tại sự thiếu lòng tin và những nghi kỵ nhất định. Để gia tăng niềm tin, hai nước cần gia tăng hợp tác trên các lĩnh vực trụ cột trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện như kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng; tăng cường hợp tác trên khuôn khổ đa phương khu vực và quốc tế; đồng thời tích cực phối hợp xử lý hậu quả chiến tranh.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kênh đảng. Việc thiết lập và tăng cường quan hệ kênh đảng với Hoa Kỳ, tranh thủ tình cảm của các cá nhân có tiếng nói trong chính quyền và quốc hội Hoa Kỳ nhằm có thêm một kênh trao đổi thông tin để các đối tác Hoa Kỳ hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Việt Nam, về những vấn đề quốc tế quan trọng và về quan hệ song phương, từ đó góp phần điều chỉnh quan điểm, thái độ của hai Đảng theo ướng tích cực hơn đối với Việt Nam.

Về lâu dài, quan hệ kênh đảng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng chính trị cho ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, duy trì sự đồng thuận lưỡng đảng trong bộ máy chính quyền và quốc hội Hoa Kỳ trong chủ trương quan hệ với Việt Nam, giảm bớt sự nhạy cảm của yếu tố khác biệt về ý thức hệ trong quan hệ hai nước.

Về phương hướng, cần nghiên cứu phương án: (i) mở rộng các chủ đề trao đổi mà hai bên cùng quan tâm, nhấn mạnh đến các thách thức chung (biến đổi khí hậu, thương mại công bằng….), những thách thức đối với đảng cầm quyền, vai trò của truyền thông hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; (ii) mở rộng các đối tác kênh Đảng tại Hoa Kỳ như các think-tanks, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội, các nhân vật có tiếng nói trong hai đảng Dân chủ, Cộng hoà và trong Quốc hội; hoặc thúc đẩy quan hệ giữa Đảng ta hoặc các cơ quan của Đảng ta với các cơ quan Bộ trong chính quyền Hoa Kỳ. Ngoài đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, cần tăng cường vai trò của trụ cột đối ngoại nhân dân, trong đó có thể phát huy vai trò của các tổ chức và các nhóm như thanh niên, sinh viên, phụ nữ với vai trò của mô hình tổ chức “độc đáo” của ta như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội sinh viên, Hội Liên hiệp Thanh niên…

Tiểu kết

Soi chiếu vào trường hợp quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, có thể thấy nhân tố ý thức hệ tác động khá mờ nhạt kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1972 đến năm 2018. Hai nước thậm chí còn có quan hệ kênh Đảng với 11 phiên liên tiếp từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2019, khi cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế-thương mại, công nghệ, đến địa chiến lược, y tế, uy tín quốc tế, các vấn đề Hồng Công, Đài Loan…, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhân tố ý

thức hệ lại trở nên rõ nét. Hoa Kỳ chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc và CNXH một cách trực diện, lấy đó làm “công cụ” để kiềm chế Trung Quốc, phân tuyến tập hợp lực lượng chống Trung Quốc.

Hiện nay và trong thời gian tới, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục có những lợi ích song trùng về kinh tế, thương mại, an ninh, chiến lược… Dựa trên những điểm tương đồng về lợi ích chiến lược như nhu cầu duy trì một khu vực châu Á- Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, dựa trên luật lệ, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực; tranh thủ các lợi ích kinh tế, thương mại và đầu tư như là trụ cột trong tổng thể quan hệ song phương và là động lực thúc đẩy hợp tác song phương hiệu quả, thực chất…. khả năng trong thời gian tới, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì chính sách như hiện tại đối với Việt Nam, theo đó coi Việt Nam một đối tác quan trọng để tập hợp lực lượng, kiềm chế Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thách thức vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ ở khu vực và vai trò bá quyền của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Quan hệ song phương về tổng thể vẫn giữ được đà quan hệ từ chính quyền Barack Obama và Donald Trump.

Phân tích các xu hướng quốc tế và khu vực cũng cho thấy nhân tố ý thức hệ trong quan hệ quốc tế không còn là “mục tiêu” để phân tuyến giữa hai phe CNXH và CNTB như dưới thời chiến tranh lạnh. Toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua đã dẫn dến một thực trạng là các nước đều đan xen, ràng buộc với nhau về lợi ích. Nhân tố ý thức hệ có thể trở thành công cụ để tập hợp lực lượng, song nếu lợi ích quốc gia-dân tộc lớn hơn, các quốc gia có khả năng gia tăng mặt song trùng lợi ích mà tạm “xem nhẹ” nhân tố ý thức hệ.

Trên cơ sở đó, chiều hướng tác động của nhân tố ý thức hệ tới sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đặt ra ba kịch bản, song kịch bản thứ 3 (ý thức hệ có tác động nhưng không phi phối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ) kịch bản có khả năng xảy ra lớn nhất. Theo đó, sự khác biệt ý thức hệ giữa hai nước vẫn tồn tại, bởi chừng nào còn hai hệ thống chính trị TBCN và XHCN thì sự khác biệt ý thức hệ không thể mất đi, nhưng chỉ có vai trò và mức độ tác động vừa phải, không phải là nhân tố chi phối, quyết định chiều hướng hay mức độ phát triển của quan hệ.

Trên cơ sở xác định mục tiêu và lợi ích cơ bản trong quan hệ với Hoa Kỳ,

về tổng thể, Việt Nam cần giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, cân bằng quan hệ nước lớn; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; vận dụng đúng đắn quan điểm về “hợp tác – đấu tranh”, “đối tác – đối tượng”; kiên trì với mục tiêu, nguyên tắc nhưng trong sách lược lại sinh hoạt, mềm dẻo và khéo léo, theo đúng phương châm “dĩ bất biết, ứng vạn biến”, đồng thời cần thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực cụ thể. Trong tam giác quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ - Việt Nam, Việt Nam cần giữ thế cân bằng linh hoạt trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, khai thác hiệu quả thế mạnh trong quan hệ với từng nước trên cơ sở tính toán lợi ích của mỗi nước trong quan hệ với Việt Nam. Để gia tăng tác động thuận và giảm thiểu tác động nghịch của nhân tố ý thức hệ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cần chú trọng gia tăng sức mạnh quốc gia tổng hợp; gia tăng niềm tin chính trị trong quan hệ với Hoa Kỳ và luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Một phần của tài liệu Nhân tố ý thức hệ trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ khi bình thường hoá đến nay. (The ideological factor in the Vietnam – US relations since normalization) (Trang 151 - 156)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(217 trang)