CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM VÀ VAI TRÒ CỦA TRÒ CHƠI DÂN
3.3. Vai trò của trò chơi dân gian trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em
Nói về lịch sử – văn hóa lâu đời của dân tộc, ai cũng phải thừa nhận rằng nền văn hóa nước ta được thể hiện một cách đầu đủ, chân thực và bản sắc nhất ở trong các yếu tố văn hoá dân gian. Văn hóa liên quan đến chữ viết ra đời muộn và có ảnh hưởng không rộng rãi do tuyệt đại đa số dân ta không biết chữ. Chính vậy, văn hoá dân gian luôn chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống sinh hoạt, lao dộng, đời sống tình cảm… của con người Việt Nam. Chỉ cần tìm hiểu kho văn
hoá dân gian thôi là chúng ta cũng có thể hiểu được những sự hiểu biết phong phú đa đạng, những tâm tư tình cảm trong sáng, nhẹ nhàng, e ấp, vui sướng hay đau khổ, cái bức tranh hiện thực xã hội… Suy xét như vậy, ta mới thấy rằng việc nhà nghiên cứu Merton (Anh) đã dùng chữ “lore” (trí tuệ) ghép với chữ
“folk” (quần chúng) để tạo thành folklore (văn hoá dân gian) mới có ý nghĩa biết bao.
Hàng nghìn năm nhân dân lao động thừa hưởng cách giáo dục truyền miệng. Việc giáo dục con em bằng chữ Hán, chữ Nôm không phổ biến bởi đây là thứ chữ khó viết, khó thuộc, nội dung đạo lý cao xa, khó hiểu. Chính vậy, văn hoá dân gian đã đảm nhiệm trọng trách này. Một kiến thức toàn diện về toán học, vật lí, mùa màng, thời tiết, thiên văn, địa lý, lịch sử, văn hóa, nghề
nghiệp…; những cách ứng xử trong mối quan hệ gia đình, vợ chồng, bạn bè…;
những biểu tượng nghệ thuật… đều được chứa đựng trong văn hoá dân gian như một tập bài giảng khổng lồ. Trò chơi là một cuốn trong tập bài giảng đó. “Học mà chơi, chơi mà học” – đó chính là một câu nói mà từ xưa đến nay vẫn thường nhắc đi nhắc lại không chỉ đối với việc giáo dục trẻ em mà ngay cả với việc học hành của tất cả những ai đi học.
- Về tác dụng giải trí:
Điều trước tiên mà chúng ta có thể thấy ngay được rằng trò chơi dân gian có tác dụng giải trí rất lớn không chỉ đối với trẻ em mà cả người lớn. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng việc chơi trò chơi dân gian là hoạt động phổ biến và chiếm phần lớn hoạt động giải trí của các em. Trò chơi dân gian giúp đầu óc các em thoải mái, tinh thần sảng khoái hơn nhiều sau những lúc làm việc nhà, đi phụ việc đồng áng giúp cha mẹ, hoặc có khi phải ở nhà một mình trông nhà – thật buồn chán, hay sau những tiết học kéo dài (2, 3 tiết) rất mệt mỏi và căng thẳng.
Không như người lớn, ngoài chơi các trò chơi ra, họ còn có rất nhiều hình thức giải trí khác như hát đối đáp, múa, xem diễn chèo, tuồng, thi đấu vật, thi võ, đua thuyền, đánh đu…; hay như ngày nay thì hát karaoke, đi picnic, đi leo núi, đi bơi biển, nghe ca nhạc, khiêu vũ, đi nhảy ở quán bar…
- Về tác dụng giáo dục thể chất:
Phần nhiều trò chơi dân gian là những trò vận động nên có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục thể chất cho trẻ em. “Ở lứa tuổi tiểu học từ 7 - 12 tuổi này có những biến đổi cơ bản về những đặc điểm giải phẫu sinh lí: bộ xương tiếp tục phát triển, trong đó cột sống có những biến đổi lớn: độ cong ở cổ, ở ngực, ở thắt lưng hình thành tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt hơn trong cử động.
Các dây chằng, cơ bắp được tăng cường. Sự cốt hóa các đốt ngón tay được hoàn thiện. Cơ tim của trẻ 10 – 11 tuổi phát triển mạnh và được cung cấp đủ máu nên trong não trẻ có sẵn năng lượng hoạt động khá hơn tuổi mẫu giáo.
Trọng lượng não tăng bằng người lớn, đặc biệt thùy trán rất phát triển, tạo điều kiện cho việc hình thành những chức năng tâm lý bậc cao. Có sự cân bằng hơn trong hoạt động của hai quá trình hưng phấn và ức chế (...) Đây là những tiền đề vật chất rất quan trọng tạo điều kiện cho trẻ chuyển sang hoạt động khác về chất so với hoạt động vui chơi ở tuổi mẫu giáo”56. Trong giai đoạn phát triển, biến đổi mạnh mẽ về thể chất của trẻ ở độ tuổi này cần phải có những hoạt động thể chất giúp các em luôn luôn hoạt động để tạo sự năng động, mềm dẻo, uyển chuyển cho hệ cơ, xương cũng như kích thích hoạt động cho hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hòa, bài tiết. Có hoạt động nhiều như vậy thì mới đáp ứng, mới bắt kịp được sự phát triển tất yếu của cơ thể. Nếu trẻ ở lứa tuổi này nhút nhát, ít vận động thì sẽ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt và yếu ớt vào những độ tuổi sau.
Chúng ta có thể liệt kê ra ở đây khá nhiều trò chơi có tác dụng cho thể chất của các em. Đó là những trò chơi thiên về thể lực - sự mạnh mẽ của thể chất như trò kéo co, nhảy dây tượng, đuổi bắt, rồng rắn lên mây, u, nhảy bước, bắt dí, keng quả, tả, xanh đỏ tím vàng…; những trò thiên về rèn luyện sự khéo léo, nhanh nhẹn, xử lý tình huống và phản ứng lại thật nhanh như trò chơi đổi màu, cò chẹp, hẩy đá, banh đũa, xả cẩu, tí sửu dần mẹo, đèn xanh đèn đỏ, tạt
56 Vũ Thị Nho (1999), Tâm lý học phát triển, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, HN, tr.67- 68.
hình, đập hình; trò rèn luyện sự mẫn cảm, tinh nhạy của các giác quan như trò đoán âm thanh, chuyền mũ, chi chi chành chành, bòn bon…. hay như trò ô ăn quan, cờ carô, cờ tướng giúp trí não tư duy thêm sắc sảo, tinh nhạy hơn. Những trò chơi dân gian này có cách chơi rất đơn giản, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ nên dễ lan rộng trong trẻ em. Chúng có tác dụng như môn thể dục trong nhà trường nhưng học được những động tác thể dục lại khó hơn học chơi trò chơi. Điều này không chỉ do những động tác thể dục khó tập, quá bài bản, khuôn mẫu mà theo chúng tôi còn do tâm lý các em là đang “học” (Phải đứng thẳng hàng lối, tuân thủ quy tắc của thầy cô, có giáo viên giám sát…). Những hạn chế này của môn học thể dục không thấy xuất hiện trong khi các em chơi trò chơi. Khi chơi, các em là chủ thể của trò chơi nên rất chủ động; những động tác trong trò chơi rất linh hoạt mà không phải y nguyên theo khuôn mẫu, khi chơi các em có tâm lý mình đang được “chơi” nên rất hào hứng, tích cực tham gia.
- Về tác dụng rèn luyện kĩ năng hoạt động tập thể:
Qua việc một nhóm bạn tụ hợp nhau lại cùng chơi các trò chơi dân gian này, các em sẽ ngày càng hiểu biết, hòa đồng, thân mật với nhau hơn, tạo nên sự đoàn kết trong một nhóm và mở rộng ra là một lớp học, đoàn kết giữa học sinh lớp này với học sinh lớp khác. Vui chơi không có nghĩa là vô nguyên tắc mà nó là một hoạt động tập thể nên đòi hỏi sự tôn trọng những quy tắc mà nhóm đề ra khi chơi. Qua việc chơi những trò chơi tập thể này, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm của các cá nhân với tập thể, ý chí thống nhất và tập trung cao về sức mạnh nhằm giải quyết tình huống một các tốt nhất để giành chiến thắng cho đội mình được rèn luyện. Khi chơi keo, các em trong đội chơi phải phối hợp nhịp nhàng với nhau, phải thật nhanh nhẹn khéo léo để tránh bị đối phương bắt vì nếu mình bị bắt thì cả đội sẽ thua; chơi nhảy bước thì khi đứng một chân, cả đội phải ôm hay cầm tay nhau lại tạo thành một khối cho vững bởi nếu đứng một mình thì dễ bị đội kia kéo (hay đẩy) ngã; chơi nhảy dây quay, xả cẩu thì phải nhảy cẩn thận sao cho không bị vướng chân vào dây, bởi nếu mình bị vướng thì những bạn cùng nhảy cũng sẽ “bị chết”; chơi u, chơi keng quả thì phải
cứu những người bạn của mình đã bị đội kia bắt hay đã “keng”… Mỗi em khi tham gia chơi các trò chơi tập thể này sẽ này ý thức được rằng nếu không chấp hành nghiêm chỉnh kỉ luật, không thống nhất với đồng đội, không có sự cố gắng đồng thời và chính xác của cá nhân mình cùng tập thể thì sẽ không giành được sự chiến thắng cho cả đội. Từ đó, những trò chơi dân gian này tạo cho các em một ý thức chung với cộng đồng ở bất cứ công việc nào trong cuộc sống hàng ngày. Điều này đúng với nhận định của các nhà Xã hội học khi cho rằng “hoạt động vui chơi của trẻ là sự tập dượt xã hội, tức là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình hình thành nên nhân cách xã hội. Thông qua vui chơi, đứa trẻ đóng những vai trò khác nhau và do đó nó đang thực hiện sự tập dượt các vai trò xã hội”57.
Theo các nghiên cứu tâm lý học phát triển thì trẻ em độ tuổi từ 11 - 12 tuổi (lớp 4, 5) bắt đầu xuất hiện và phát triển một hoạt động đặc biệt nhằm thiết lập các mối quan hệ giữa các em với nhau, dựa trên sự tin cậy, trên những sở thích, hứng thú, tình cảm bạn bè với nhau. Quan hệ giữa các cá nhân với nhóm, giữa cá nhân với tập thể được hình thành. Chính vì vậy, hoạt động giáo dục nhằm thiết lập và vận hành các mối quan hệ cá nhân - thân tình chiếm vị trí chủ đạo trong giai đoạn này. Chúng ta thấy rằng trò chơi dân gian hoàn toàn có thể lãnh trách nhiệm này. Việc tổ chức cho các em học sinh lứa tuổi này chơi các trò chơi dân gian mang tính tập thể sẽ giúp các em dần xây dựng được cho bản thân mình những mối quan hệ với tập thể, với cộng đồng và từ đó ngày càng thúc đẩy các mối quan hệ này phát triển hơn thêm. Sự giao tiếp của học sinh tiểu học thông qua việc chơi các trò chơi dân gian này nói riêng và qua các hoạt động khác nói chung rất phong phú và đa dạng: “Giao tiếp xúc cảm nghĩa là học sinh bày tỏ thái độ của mình với bạn bè xung quanh và tiếp nhận thái độ của các bạn đối với mình; giao tiếp nhận thức nhằm hiểu biết lẫn nhau; giao tiếp công việc nhằm phối hợp hành động để giải quyết nhiệm vụ chung nào đó. Giao tiếp của học sinh tiểu học với nhau có ý nghĩa sống còn đối với đời sống tinh thần của
57 Bùi Văn Huệ, Sđd, tr.116.
các em. Các em không thể sống thiếu bạn bè. Nhu cầu giao tiếp của học sinh tiểu học không được thỏa mãn sẽ dẫn đến sự phát triển không bình thường trong cuộc đời các
em”.
Về tác dụng rèn luyện kĩ năng hoạt động cá nhân:
Trò chơi dân gian không chỉ rèn luyện kĩ năng hoạt động tập thể mà còn rèn luyện cho trẻ em kĩ năng hoạt động cá nhân ngay từ nhỏ. Vai trò này được đặt vào những trò chơi cá nhân, những trò chơi nhiều người tham gia nhưng chỉ có một quản trò còn tất cả những người chơi khác độc lập với nhau, hoặc trò chơi chỉ gồm hai người. Đó là những trò tả, xanh đỏ tím vàng, nhảy dây quay cá nhân, lùa vịt, trốn tìm, banh đũa, cờ hùm, cờ carô… Lúc này, mỗi người phải ganh đua với nhau vượt lên những người khác để giành phần thắng về mình.
Những trò chơi này rèn luyện sự kiên trì, thông minh, khéo léo cho các em, đồng thời cũng tạo lên tinh thần độc lập trong công việc của mỗi người, tạo ra cái tôi của mỗi cá nhân, từ đó phát huy được tính sáng tạo, cá tính trong công việc.
- Về tác dụng giáo dục bản sắc dân tộc:
Đến đây thì có một vấn đề đặt ra là: có phải chăng chỉ những trò chơi dân gian mới có chức năng đó hay là những hình thức giáo dục khác cũng có? Theo chúng tôi, nếu không có những trò chơi dân gian này thì bằng những tiến bộ của thời đại (những phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới, những hoạt động thể chất, hoạt động trong tập thể khác), chúng ta cũng có thể hướng đến được cái đích là giáo dục toàn diện cho trẻ em (điều này không có nghĩa là chỉ bằng những tiến bộ của thời đại là có thể giáo dục toàn diện cho trẻ em. Ngoài chúng ra thì còn các những yếu tố văn hóa truyền thống như truyện cổ tích, ca dao, dân ca…). Vậy thì tại sao chúng ta lại phải sử dụng những trò chơi dân gian này làm phương tiện nhằm giáo dục toàn diện cho trẻ em mà không thay thế hoàn toàn bằng những nhân tố mới?
Thứ nhất, tính giáo dục của trò chơi dân gian vẫn luôn tồn tại từ xưa đến nay.
Điều này đã được minh chứng bằng chính sức sống mãnh liệt của nó trong suốt chiều dài phát triển của dân tộc cũng như sự yêu thích trong lòng bao lớp tuổi ngây thơ.
Thứ hai, những trò chơi dân gian này là một thành tố của văn hoá dân gian - nơi tập trung cao độ những giá trị truyền thống mang đầy bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong thời đại mở cửa, giao lưu toàn cầu hóa ngày nay, sự tiếp thu bên ngoài để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước là một việc làm tất yếu không riêng của nước ta mà còn là một nhiệm vụ của các nước đang phát triển khác trên thế giới. Sự văn minh, hiện đại chính là điều chúng ta mơ ước. Tuy nhiên, văn minh thì ở đâu cũng giống như nhau còn văn hóa chính là cái riêng, cái bản sắc của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Chúng ta hòa nhập vào thế giới, phát triển cùng thế giới nhưng chúng ta vẫn luôn là chúng ta với đặc trưng văn hóa mà dân tộc khác, quốc gia khác không có. Công việc giáo dục trẻ em bằng trò chơi dân gian nói riêng cũng như bằng các yếu tố thuộc truyền thống văn hóa dân tộc như truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, thi ca, âm nhạc, điệu múa, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước… nói chung cũng không nằm ngoài mục đích đó. Cái bản sắc, cái quốc hồn, quốc túy này của đất nước, của dân tộc sẽ thấm vào trong tư tưởng, tình cảm của các em và giúp các em tự ý thức được về dân tộc, đất nước mình; có trách nhiệm, có lòng tự hào, tình yêu thương quê hương, đất nước hơn. Đây sẽ là nguồn sức mạnh to lớn, cộng thêm sức mạnh của thời đại (sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ thông tin…) giúp cho những chủ tương lai này có thể đưa dân tộc lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” (Bác Hồ).
Khi nói về vai trò của hoạt động vui chơi, Macarenco cho rằng “trẻ em vui chơi như thế nào thì khi lớn lên sẽ làm việc như thế ấy. Vui chơi là trường học để vào đời, là hoạt động quan trọng để khuôn đúc, hình thành nên nhân cách của học sinh tiểu học”. Cũng nói về điều này, đồng thời khảng định vai trò giáo dục ý thức dân tộc của trò chơi dân gian đối với trẻ em, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy,
Giỏm đốc bảo tàng Dõn tộc học Viờùt Nam cho rằng “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Viêt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Trẻ em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi. Thiệt thòi hơn khi các em không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước - đang ngày càng bị mai một dần và quên lãng, không chỉ ở các thành phố mà còn ở các vùng nông thôn, nơi mà đang dần bị đô thị hóa mạnh mẽ. Vì thế, giúp các em hiểu và tìm hiểu về cội nguồn trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết”.
3.3. Những hạn chế của trò chơi dân gian của trẻ em đô thị
Sau khi nói về vai trò to lớn của trò chơi dân gian đối với việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em, chúng ta cũng không thể nào bỏ qua một số hạn chế, những điều chưa hoàn thiện của nó trong môi trường đô thị hiện nay. Do trò chơi dân gian mang tính linh hoạt cao nên khi chơi, các em có thể thêm vào đó những lời nói của sinh hoạt tự nhiên hàng ngày vào mà không phải tuân theo một cấu trúc, một “kịch bản” sắp sẵn. Mà cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nơi đô thị – đặc biệt là những nơi đang có mức độ đô thị hóa cao như phường Tân Phú thì rất phức tạp với nhiều thành phần dân cư nên các em dễ bị tiêm nhiễm những ngôn từ, những cách cư xử thiếu văn hóa. Và vì vậy, chuyện em học sinh trả lời câu hỏi: “Hỏi thăm ông chủ có nhà hay không?” (trò rồng rắn lên mây) bằng câu trả lời quá táo bạo: “Ông chủ đi chơi gái!” là điều dễ hiểu. Khi chơi trò chơi, một em nói như vậy thì các em khác thấy lạ mà lại bắt chước cách nói này sẽ khiến cho trờ chơi mất dần đi tính giáo dục mà thay vào đó lại là sự lan truyền của những câu từ xấu. Chính vì vậy, thầy cô và các bậc phụ huynh cần quan tâm để ý xem trong quá trình chơi của các em có xuất hiện các từ xấu không để kịp thời uốn nắn.