Chương 2 DIỀU TRUNG QUỐC – SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO
2.3. Nghệ thuật làm diều Trung Quốc
2.3.3. Vẽ trang trí diều
Làm khung diều và dán bề mặt diều là hai khâu quan trọng để tạo hình cơ bản cho chiếc diều, kể đến khâu vẽ các họa tiết trang trí và tô màu là bước quyết định để hoàn chỉnh nội dung và hình tượng cho một tác phẩm diều.
Vẽ trang trí cho diều là thao tác quan trọng quyết định giá trị thẩm mỹ của chiếc diều và diễn đạt những ý nghĩa mà nghệ nhân muốn gửi gắm qua chiếc diều.
Những họa tiết trang trí, những màu sắc của chiếc diều khiến cho nó có sức hút mạnh mẽ khi bay trên trời cao. Thao tác này thực chất thuộc về nghệ thuật hội họa, do đó những nghệ nhân vẽ trang trí diều thực chất là những họa sĩ. Vẽ trang trí còn giúp tạo nên rất nhiều hình tượng khác nhau cho chiếc diều Trung Quốc. Hình tượng diều được định hình từ khâu vẽ trang trí. Bên cạnh đó, vẽ trang trí còn ảnh hưởng rất lớn đến phong cách thẩm mỹ của chiếc diều. Các công cụ chủ yếu cho việc trang trí diều là phẩm màu, mực và bút vẽ.
Do mục đích cuối cùng của một tác phẩm diều là thả lên không trung, hơn nữa, sau khi thả khoảng cách giữa diều và mặt đất là khá xa, nên một nguyên tắc quan trọng khi lựa chọn màu sắc trang trí cho diều là phải chọn những màu tươi, các đường nét trang trí trên thân diều phải thật nổi bật. Có như vậy, khi chiếc diều bay lượn giữa trời với một khoảng cách khá xa so với tầm mắt của con người, chiếc diều vẫn thể hiện được sự sinh động và người ta vẫn có thể phân biệt rõ các đường nét trang trí trên bề mặt diều.
Chỉ cần lưu ý một chút, ta có thể phát hiện một điều rằng, trong cách phối hợp các màu sắc trang trí của diều Trung Quốc có một điểm đặc biệt, hai mảng màu cạnh nhau sẽ không phải là những màu cùng tông mà đó là những màu tương phản.
Trong một mảng màu, nếu mảng màu tạo thành góc nhỏ hơn 90 độ thì các màu trong mảng cùng tông màu, nếu mảng màu tạo thành góc lớn hơn 90 độ thì các màu trong mảng là màu tương phản. Nếu mảng màu tạo thành góc 180 độ, các màu tương phản trong mảng màu được gọi là màu bổ sung. Mức độ tương phản giữa các màu bổ sung trong mảng màu rất cao. Hai màu bổ sung đứng cạnh nhau sẽ làm cho từng màu càng trở nờn nổi bật. Vớ du:ù hai màu đỏ và xanh lỏ cõy được tụ cạnh nhau, ta sẽ cảm thấy màu đỏ như càng đỏ hơn và màu xanh càng như xanh hơn.
Trong một mảng màu có trên sáu màu sắc thường có ba cặp màu bổ sung là: đỏ – xanh lá, vàng – tím và lam – cam. Vận dụng một cách hiệu quả các màu tương phản và các màu bổ sung sẽ khiến cho màu sắc của chiếc diều tươi sáng hơn, rực rỡ hơn và tăng thêm sự nổi bật cho các đường nét trang trí.
Tuy nhiên, các màu sắc trang trí cho diều không chỉ là những màu tương phản. Trong một số trường hợp có thể trang trí những màu liền nhau cùng tông màu, nhưng phải chú ý làm sao thể hiện được rõ ràng các lớp màu khác nhau. Có như vậy, người thưởng thức diều mới có thể phân biệt được những màu sắc khác nhau của chiếc diều ở độ cao cách mặt đất hàng ngàn mét. Bên cạnh đó, màu sắc trang trí cho diều phải có độ thuần khiết và độ sáng tương đối cao, đem đến cho những người đang dõi mắt theo những cánh diều bay lượn cảm giác thoải mái, rõ ràng.
“Độ thuần khiết” tức là mức bão hòa và sự thuần túy của màu sắc, “độ sáng” tức là mức độ đậm, nhạt, sáng, tối của màu sắc. Sở dĩ, màu sắc trang trí cho diều đòi hỏi phải có độ thuần khiết và độ sáng là vì: sau khi thả diều lên cao, diều cách tầm mắt của chúng ta tương đối xa, khi quan sát mắt sẽ bị phân tán bởi những tầng không khí tương đối dày, do đó màu sắc mà mắt thu nhận được sẽ dễ bị sai lệch. Nếu sử dụng những màu có độ thuần khiết và độ sáng tương đối thấp, màu sắc mà mắt thu nhận được thường bị nhoè, bị tối và rối tung.
Diều Trung Quốc đa phần đều thể hiện ý nghĩa may mắn, do đó màu sắc trang trí cho diều thường dùng nhất là những màu nóng như: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây. Màu nóng đem đến cho con người cảm giác rạo rực, sống động, rực rỡ, tươi vui, làm tăng sự nhiệt tình trong mỗi con người, do đó rất thích hợp để thể hiện sự may mắn. Trong các màu nóng, màu đỏ được các nghệ nhân làm diều Trung Quốc sử dụng nhiều nhất. Màu đỏ là màu của mặt trời, nên nó tạo cho ta cảm giác về sự
cao quí, ấm áp và rực rỡ. Màu đỏ là màu của lửa nên nó làm tăng lên tình cảm trong mỗi con người. Màu đỏ còn là màu của máu do đó nó làm dâng trào sức sống. Từ xưa đến nay, trong những sự kiện hoan hỉ như cưới hỏi hay để diễn tả sự may mắn, hạnh phúc, uy nghiêm, người Trung Quốc vẫn luôn sử dụng màu đỏ. Đó cũng là màu đặc trưng trong các ngày lễ tết của người Trung Quốc. Theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, màu đỏ là màu sắc thích hợp nhất để thể hiện sự may mắn. Mỗi năm vào dịp tết, trước cửa chính của từng gia đình đều có dán các câu đối đỏ; trong hôn lễ, kiệu của tân nương là màu đỏ, quần áo, phục sức đỏ, chữ Hỉ cũng được cắt bằng giấy đỏ; hai vợ chồng khi sanh con sẽ tặng những người hàng xóm quả trứng được nhuộm đỏ; các hoạt động lễ hội, mừng kỷ niệm đều được trang trí bằng những đèn lồng đỏ, pháo đỏ, lụa đỏ… Quan niệm màu sắc này đã ảnh hưởng một cách sâu sắc đến việc sử dụng màu sắc để trang trí cho diều Trung Quốc.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, những tác phẩm diều không sử dụng màu đỏ trong kho tàng diều truyền thống Trung Quốc là rất hiếm thấy.
Vẽ trang trí diều cũng là một hình thức của nghệ thuật hội họa, tuy nhiên nó không giống hội họa thông thường. Về mặt nội dung, hội họa trên những chiếc diều chủ yếu thể hiện sự tươi vui và những điều may mắn tốt đẹp, trong khi đó nghệ thuật hội họa thông thường có thể diễn đạt đủ mọi sắc thái tình cảm. Về mặt kết cấu, bố cục, đối với hội họa thông thường người họa sĩ được tự do xử lý các đường nét, không bị hạn chế bởi diện tích của bức vẽ và ý tưởng. Hội họa trong các tác phẩm diều hoàn toàn khác biệt, ngoài chủng loại diều bản, họa sĩ vẽ trang trí cho diều được thoải mái vẽ theo ý tưởng của mình, những loại diều khác đều bị hạn chế bởi kích thước và bố cục của diều. Đặc biệt là các loại diều hình các con vật. Ví dụ, diều bươm bướm, việc tạo hình chỉnh thể đã được hình thành qua công đoạn làm sườn diều và dán bề mặt diều, vẽ cho diều bị hạn chế chỉ còn là thêm vài đường nét và màu sắc, cho nên, vẽ trên những tác phẩm diều còn được gọi là “y hình họa tượng”, đây chính là đặc điểm nổi bật của vẽ trang trí cho diều. Màu sắc trang trí cho diều cũng bị hạn chế hơn so với việc chọn màu trong các tác phẩm hội họa thông thường khác. Màu trang trí cho diều phải là những màu sáng, rõ trong khi đó hội họa thông thường không yêu cầu khắt khe như vậy. Tuy chịu ràng buộc bởi
nhiều hạn chế, song vẽ trang trí diều vẫn đạt được giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật rất cao.
Do các chất liệu làm bề mặt diều rất dễ làm cho màu bị nhòe ra, rất khó tạo hình ổn định theo ý muốn, nên các nghệ nhân vẽ trang trí cho diều thường dùng cách vẽ khô, nghĩa là, khi vẽ phải phân thành từng đoạn nhỏ theo từng màu, sau khi vẽ xong màu này phải để màu thật khô mới tiếp tục vẽ tiếp đến màu khác. Ngày nay, các nghệ nhân làm diều Trung Quốc còn sử dụng cách in họa tiết và màu sắc trang trí lên các chất liệu làm bề mặt diều trước khi dán lên khung diều, cách này tuy tiện lợi nhưng giá trị thẩm mỹ không cao. Vẽ lên bề mặt diều trước, sau đó mới dán lên sườn diều hay ngược lại tùy thuộc vào nội dung của diều và thói quen của nghệ nhân làm diều. Diều Dương Gia Phụ ở Duy Phương, diều Dương Liễu Thanh của Thiên Tân, bề mặt diều thường được vẽ trang trí trước, sau đó mới dán lên khung diều, đặc biệt là đối với chủng loại diều bản. Riêng với loại diều cánh mềm, thân diều phải được dán trước sau đó mới vẽ trang trí, hai cánh thì có thể vẽ trước dán sau hay ngược lại tùy ý.
Hội họa là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm diều. Điều này vừa là hình thức, vừa là nội dung, vừa là những kỹ xảo thể hiện giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ngày nay, diều và thú chơi diều đã được lưu hành rộng rãi ở nhiều quốc gia, tuy nhiên, diều Trung Quốc vẫn giữ được sự độc đáo mà diều của các quốc gia khác khó có thể đạt được. Diều của một số nước khác thường chỉ được trang trí bằng cách in những khối hình ảnh, màu sắc. Trong khi đó, diều Trung Quốc rất chú trọng đến việc vẽ những họa tiết trang trí tinh xảo, công phu. Hội họa trong những tác phẩm diều vẫn mang đậm phong cách của hội họa truyền thống mà không bị lai tạp với phong cách hội họa của phương Tây và những quốc gia khác.