Tập tục thả diều của người Trung Quốc

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về diều trung quốc công trình dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học euréka lần thứ 9 năm 2007 tp hồ chí minh đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh ban chấp hành tp hồ ch (Trang 59 - 62)

Chương 3 THẢ DIỀU – THÚ CHƠI NGHỆ THUẬT, LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

3.2. Tập tục thả diều của người Trung Quốc

Thả diều không chỉ là một trong những trò chơi dân gian rất được yêu thích ở Trung Quốc, mà nó còn rất gần gũi với tâm nguyện cầu may, cầu phúc của đông đảo nhân dân.

Người Trung Quốc quan niệm, thả diều là cách để cầu may. Vì người xưa cho rằng, khoảng cách giữa thượng đế và nhân gian là quá xa. Thượng đế, thần tiên không thể nghe được những lời cầu xin dưới hạ thế. Người ở hạ giới chỉ có thể thả những chiếc diều, với mong muốn qua những chiếc diều ấy sẽ được gần gũi hơn với thần tiên. Sợi dây thả diều trở thành cầu nối để người hạ thế gửi gắm những mong ước của mình, chiếc diều trở thành một sứ giả của nhân gian. Đặc biệt, dân gian Trung Quốc cho rằng, diều của ai đó nếu rơi xuống nóc nhà hay vườn nhà mình, sẽ mang đến điềm may cho chủ nhà, còn người chủ chiếc diều đó sẽ phải tìm mọi cách thương lượng với chủ nhà để xin lại chiếc diều, xin lại may mắn của mình. Nếu

người chủ nhà đồng ý trả diều sẽ khoét lên diều một lỗ nhỏ xem như là vận may đã ở lại nhà họ.

Nhiều vùng ở Trung Quốc, trước khi thả diều phải cử hành những nghi lễ long trọng, lập hương án, nhân dân trong vùng hàng ngũ chỉnh tề dâng hương, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Có vùng còn vẽ cả hình các thần thánh lên những chiếc diều, các bé trai sẽ thả những chiếc diều này. Vì nhân dân các vùng này quan niệm làm như vậy có thể diệt ma trừ tà, cuộc sống yên ổn. Ở vùng Triết Giang, trước đây, thả diều được xem là việc đại sự của tất cả mọi người dân trong vùng. Trước khi cho nhân dân trong vùng thả diều phải lựa chọn ngày giờ tốt. Và trước khi thả phải tổ chức lễ bái diều, sau đó sẽ có một nhóm nam cùng thả diều lên, vì theo cách nói mê tín của vùng này, phụ nữ và trẻ em không thể đến gần bàn tế lễ, nếu không sẽ đắc tội với thần linh, diều cũng sẽ không thể bay lên được. Sau khi chiếc diều mang ra tế lễ được thả lên bầu trời, mọi người từ khắp các gia đình trong vùng sẽ mang theo những món ăn đã chuẩn bị sẵn cùng nhau nhập tiệc, vừa ăn uống vui vẻ vừa thưởng thức những âm thanh vui nhộn phát ra từ chiếc diều đang bay lượn trên bầu trời.

Ngược lại với phong tục này, đó là thả diều để thả đi những xui xẻo. Người ta sẽ viết những chuyện không vui, không may, những buồn phiền, xui xẻo của mình lên chiếc diều. Sau khi chiếc diều được thả lên trời, người thả sẽ cố ý cắt đứt dây diều, để cho diều bay mất, như vậy có nghĩa là đã thả đi hết những xui xẻo của mình. Diều bay cao trên bầu trời lộng gió là dấu hiệu may mắn sẽ đến, mọi việc sẽ thuận lợi và thành công mỹ mãn. Âm thanh phát ra từ những ống sáo gắn trên thân diều sẽ xua đuổi ma quỉ, xua đuổi đi những điều không may mắn. Tuy nhiên, nếu diều không bay lên được hoặc rơi trúng vào nhà ai đó, tức là dấu hiệu cho sự rủi ro.

Thả diều kỵ nhất là diều bị đứt dây hoặc rơi xuống nóc nhà của người khác. Theo phong tục của người Trung Quốc xưa, người thả diều nếu không may để chiếc diều có ghi những điều không may của mình rơi vào nhà ai đó, thì họ phải mang rượu thịt, hương nến và ngựa giấy đến tạ lỗi vì họ đã vô tình đem xui xẻo của mình cho người khác. Hồng Lâu Mộng, hồi thứ 17 có đoạn viết về cảnh Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, Tiết Bảo Thoa cùng với một đám a hoàn thả diều để giải xui. Phong tục

này còn ảnh hưởng đến cả cung đình. Dân gian Trung Quốc kể lại rằng Từ Hi Thái Hậu cũng đã có lần thả diều để xả đi những điều không may của mình.

Thả diều còn là một hoạt động thể thao truyền thống rất được người Trung Quốc ưa thích. Ngày xuân thả diều không chỉ là một hoạt động giải trí văn hóa, mà nó còn là một hoạt động rất có lợi cho sức khỏe. Mùa đông lạnh lẽo, mọi người thường ở trong nhà, ít ra ngoài vận động, khí huyết lưu thông yếu. Đến mùa xuân, khí hậu ấm áp, ra khỏi nhà và đi thả diều, hít thở không khí trong lành, đầu óc sảng khoái, tỉnh táo. Khi thả diều, dù là bước những bước chậm rãi hay là chạy thật nhanh, lúc khoan thai, lúc vội vã, hoạt động các khớp xương toàn thân, kích thích tuần hoàn máu, là cách vận động toàn thân rất tốt. Khi thả diều, đầu ngẩng cao, mắt nhìn ra xa, có thể điều tiết các cơ mắt và các dây thần kinh trong mắt, giảm mỏi mắt, phòng ngừa bệnh cận thị, đạt được mục đích bảo vệ mắt.

Bên cạnh đó, thả diều còn có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Diều khi được thả lên cao giữa bầu trời lộng gió vẫn gắn bó với con người qua một sợi dây thả diều thật dài. Duyên nợ trong tình yêu của người con gái Trung Quốc thường được ví như sợi chỉ đỏ, chiếc diều cũng được đưa lên trời cao nhờ một sợi dây dài và nhỏ.

Có lẽ vì vậy mà qua hình ảnh sợi dây thả diều, diều Trung Quốc còn mang ngụ ý của tình yêu.

Nhà thơ Hồ Mộng Quế trong bài thơ “ Trúc Chi Từ”, viết:

Mãn hồ phong nguyệt dạ trầm trầm 满湖风月夜沉沉 Lang tỉ phong tranh nùng nguyệt cầm 郎比风筝侬月琴 Liễu tuyến khiên phong hệ lang ý 柳线牵风系郎意 Hà hoa tẩm nguyệt ấn nùng tâm. 荷花浸月印侬心。

Tạm dịch:

Hồ trong, trăng sáng, gió mơn man Thiếp thả diều bay, chàng đánh đàn Dây diều quyện ý chàng bên thiếp Sen hồng níu lấy thiếp bên chàng.

Trong những câu thơ trên, diều được nhân cách hóa thành người con trai, với chí hướng mạnh mẽ, hoa sen là tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sáng, được ví như tấm lòng son sắc thủy chung trong tình yêu của người con gái. Hình ảnh sợi dây

diều nói lên rằng tuy ở cách xa nhau nhưng tình cảm của họ vẫn luôn bền chặt. Như vậy có thể thấy, đối với người Trung Quốc thả diều không chỉ gắn bó như một loại hình trò chơi dân gian mà cao cả hơn nó còn chứa đựng tình yêu thương của con người.

Ngày nay, những nhận thức về việc thả diều đã thay đổi, những quan niệm mê tín về việc thả diều không còn phổ biến. Thả diều vẫn là cách để người ta gửi gắm những ước vọng tốt đẹp cho cuộc sống, nhưng nó không còn là cách để trừ xui, giải nạn, mà là một hoạt động giải trí, thư giãn, một cách để con người tìm về với thiên nhiên, gần gũi với tự nhiên và rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, cho dù người Trung Quốc thả diều với mục đích gì, thả diều mang ý nghĩa như thế nào, thì nó vẫn luôn là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong nền văn hóa dân gian Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về diều trung quốc công trình dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học euréka lần thứ 9 năm 2007 tp hồ chí minh đoàn thanh niên cộng sản hồ chí minh ban chấp hành tp hồ ch (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)