Chương 3 THẢ DIỀU – THÚ CHƠI NGHỆ THUẬT, LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC
3.1. Nghệ thuật thả diều
3.1.3. Phương pháp thả diều
Những chiếc diều cỡ nhỏ thường chỉ cần một người thả. Nhìn chung, gió càng gần mặt đất sức gió càng yếu. Do vậy, trong hầu hết các trường hợp người thả diều đều phải chạy lấy đà, tức là người thả một tay cầm diều, mặt đón gió của diều hướng lên trên, sau đó chạy lấy đà, khi thấy diều đã được gió nâng lên thì lập tức vừa chạy nhanh vừa buông thêm dây diều, làm như vậy trên thực tế là để tăng vận
tốc gió, khiến diều dễ dàng bay lên cao. Nếu như sức gió quá lớn, thì chỉ cần chạy thật chậm theo hướng gió. Hai người phối hợp thả diều thì việc thả diều lên cao sẽ dễ dàng hơn, một người cầm dây thả diều, người kia cầm diều đứng ở chỗ cuối chiều gió cách xa người cầm dây diều từ 20 – 30 m, diều nghiêng về trước 5 – 10 độ, sau đó trong cùng một lúc, người cầm diều sẽ buông diều ra và người cầm dây sẽ kéo diều chạy nhanh về phía trước, vừa chạy vừa thả thêm dây cho diều bay cao lên. Khi thả những chiếc diều loại xâu chuỗi, cần rất nhiều người cùng hỗ trợ, những người trợ giúp cùng cầm diều và đứng cách đều nhau thành một hàng theo hướng gió, sau đó khi người thả chính ra hiệu sẽ đồng loạt buông tay thả diều bay lên. Những chiếc diều cỡ lớn cũng cần rất nhiều người trợ giúp. Chẳng hạn chiếc diều “Lý ngư đào long môn” của Giải Hối Tuyền phải cần đến 24 người trợ giúp mới thả lên được. Chiếc diều này được coi là chiếc diều lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, diều cao 10 mét, rộng 7 mét, diện tích 74 m2.
Độ cao mà diều có thể bay lên được phải tùy thuộc vào kích thước và chủng loại của chiếc diều. Thông thường, diều cỡ nhỏ chỉ nên thả đến độ cao từ 30 – 40 mét, không nên vượt qua 60 mét; diều cỡ trung bình có thể thả đến độ cao 100 mét, diều cỡ lớn có thể thả lên đến độ cao 200 mét. Đây là độ cao tuyệt đối khi thả diều vì dây thả diều dài nhất chỉ khoảng 300 mét. Tuy nhiên, rất nhiều người yêu thích thú thả diều ở Trung Quốc đã vượt xa những con số thông thường này.
Thông thường khi thả, mỗi người sẽ chỉ thả một chiếc diều. Tuy nhiên ở Trung Quốc đã có những kỷ lục về thả nhiều chiếc diều trong cùng một lúc. Đó là kỷ lục được lập nên bởi nghệ nhân làm diều nổi tiếng của Duy Phương là Dương Liên Trung với chiếc diều “Lương Sơn Hảo Hán”. Một sợi dây diều rất dài liên kết 108 chiếc diều, những chiếc diều này được làm theo kết cấu của chủng loại diều cánh cứng, mỗi chiếc diều là hình ảnh của một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc – những nhân vật trong tác phẩm Thủy Hử – một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc. Mỗi chiếc diều cao 1 mét, rộng 1 mét, và để điều khiển 108 chiếc diều chao liệng thật đẹp trên bầu trời quả là một nghệ thuật độc đáo của những người đam mê thú chơi diều ở Trung Quốc.
Dựa vào những người thả diều có kinh nghiệm, khi thả diều cần phải chú ý khoảng cách với những người cùng thả diều khác, vì nếu không giữ khoảng cách
thích hợp, rất dễ xảy ra tình trạng dây của những chiếc diều bị quấn vào nhau.
Trong các cuộc thi diều, người ta thường qui định mỗi người thả diều sẽ có một khoảng đất dài từ 80 – 150 mét, rộng từ 80 – 100 mét. Thế nhưng trong thực tế còn phải tùy thuộc vào hướng gió và sức gió. Khi sức gió tương đối lớn, khoảng cách giữa những người thả diều nên được nới rộng ra. Khi hướng gió không ổn định, cũng nên gia tăng khoảng cách giữa những người thả diều nhằm hạn chế tối đa hiện tượng các dây diều bị xoắn vào nhau.
Người thả có thể tùy ý thu diều lại bất cứ lúc nào. Khi trời quang mây tạnh, hướng gió và sức gió ổn định, có thể kéo dài thời gian thả diều, nhưng nếu phát hiện trời có dấu hiệu chuyển mưa phải nhanh chóng thu diều lại. Khi thu dây diều cũng phải hết sức chú ý, vì càng xa mặt đất sức gió càng mạnh, do đó khi thu dây diều phải hết sức cẩn thận, động tác phải thật nhẹ nhàng, thong thả, không nên đột ngột thu dây quá nhanh hoặc kéo dây quá mạnh sẽ dễ làm cho dây diều bị đứt. Khi thả những chiếc diều có kích thước lớn, phải cần nhiều người trợ giúp trong quá trình thu dây. Diều càng hạ xuống gần mặt đất, sức gió tác động lên diều càng yếu, nên có thể tăng tốc độ thu dây. Khi diều đã hạ xuống cách mặt đất khoảng 3 mét, cần phải xác định chỗ diều đáp xuống để kịp thời đón lấy diều, tránh những hư hại đáng tiếc cho chiếc diều. Những chiếc diều cỡ lớn hay diều loại xâu chuỗi, khi thu diều lại càng cần nhiều người trợ giúp hơn. Sau khi đã hoàn thành việc thu diều, cần kiểm tra các mép dán có bị bong ra hay không, bề mặt diều có bị gió làm rách hay không, chân dây buộc vào diều có bị lỏng hay không và dây diều lúc thu diều có bị rối hay không, nếu có phải nhanh chóng sửa sang lại, nhằm đảm bảo diều vẫn có thể thả tiếp vào lần sau.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật thả diều sao cho diều bay cao và không bị ảnh hưởng nhiều bởi sức gió, nhiều vùng ở Trung Quốc đã nghĩ ra nhiều cách để thú thả diều thêm sinh động và thú vị.
Ở vùng Hoài An – Trung Quốc, thú thả diều của vùng này nổi tiếng với cách thả “tiết tiết cao” (节节高), khi chiếc diều đã được thả bay lên bầu trời xanh ngát, người thả diều sẽ giữ diều ở một độ cao vừa phải. Sau đó khéo léo gắn thêm một chiếc diều khác rồi buông thêm dây, cứ như vậy có thể tạo thành một nấc thang diều
cùng bay lượn rất đẹp. Vì vậy, mà cách thả này được gọi là “tiết tiết cao”, có nghĩa là từng nấc từng nấc diều bay cao lên.
Ở Quảng Đông – Trung Quốc, thú thả diều trở nên độc đáo hơn với cách thả
“lưu tinh cản nguyệt” (流星赶月). Người ta thả cùng với những chiếc diều là những con bướm bằng giấy nhiều màu sắc, giữa hai cánh bướm là những cánh hoa dại, hai cánh bướm được kẹp dính lại cho đến khi bay lên cao. Khi diều đã bay lên cao, người ta sẽ buông dây kẹp hai cánh bướm, bướm xòe cánh và những cánh hoa theo gió rơi xuống, tạo nên một cảnh tượng rất nên thơ và yên bình.
Ngoài ra, ở một số vùng của Trung Quốc, người ta thích thả diều vào buổi tối, diều sẽ được thả lên cùng những chiếc đèn lồng hoặc pháo sáng, làm cho cả một khỏang trời đêm trở nên lung linh, rất đẹp. Trước đây, ở nhiều vùng của Trung Quốc còn có phong tục “đấu diều”. Sau khi tất cả diều đã được thả lên, người ta sẽ dùng diều của mình để phá diều của người khác, lúc cuộc chơi kết thúc, chiếc diều nào vẫn còn an toàn bay được trên bầu trời thì chủ chiếc diều đó sẽ là người thắng cuộc.
Như vậy, thả diều tưởng chừng đơn giản, một đứa bé cũng làm được, nhưng thả diều thế nào để diều bay được cao nhất, ổn định nhất thì đó lại là cả một nghệ thuật.