Chương 2: CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU GIS PHỤC VỤ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
2.4. Quản lý môi trường
"Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia".
Các mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý nhà nước về môi trường bao gồm:
- Khắc phục và phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường phát sinh trong hoạt động sống của con người.
- Phát triển bền vững kinh tế và xã hội quốc gia theo 9 nguyên tắc của một xã hội bền vững do hội nghị Rio-92 đề xuất. Các khía cạnh của phát triển bền vững bao gồm:
+ Phát triển bền vững kinh tế
+ Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên
+ Không tạo ra ô nhiễm và suy thoái chất lượng môi trường sống + Nâng cao sự văn minh và công bằng xã hội.
- Xây dựng các công cụ có hiệu lực quản lý môi trường quốc gia và các vùng lãnh thổ, các công cụ trên phải thích hợp cho từng ngành, từng địa phương và cộng đồng dân cư.
2.4.1. Nguyên tắc chủ yếu của công tác quản lý môi trường bao gồm:
- Hướng công tác quản lý môi trường với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế xã hội đất nước, giữ cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
- Kết hợp các mục tiêu quốc tế - quốc gia - vùng lãnh thổ và cộng đồng dân cư trong việc quản lý môi trường.
- Quản lý môi trường cần được thực hịên bằng nhiều biện pháp và công cụ tổng hợp thích hợp.
- Phòng chống, ngăn ngừa tai biến và suy thoái môi trường cần được ưu tiên hơn việc phải xử lý, hồi phục môi trường nếu để gây ra ô nhiễm môi trường.
- Người gây ô nhiễm phải trả tiền cho các tổn thất do nhiễm môi trường gây ra và các chi phí xử lý, hồi phục môi trường ô nhiễm. Người sử dụng các thành phần môi trường phải trả tiền cho việc sử dụng gây ra ô nhiễm đó.
2.4.2 Công cụ quản lý môi trường
- Công cụ luật pháp chính sách bao gồm các văn bản về luật quốc tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật, các kế hoạch và chính sách môi trường quốc gia, các ngành kinh tế, các địa phương.
- Các công cụ kinh tế gồm các loại thuế, chi phí đánh vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Các công cụ kỹ thuật quản lý thực hiện vai trò kiểm soát và giám sát về chất lượng và thành phần môi trường, về sự hình thành và phân bố chất ô nhiễm trong môi trường. Các công cụ kỹ thuật quản lý có thể đánh giá môi trường, xử lý chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải.
2.4.3. Cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý môi trường
Cùng với sự phát triển của công nghệ tin học, hệ thông tin địa lý GIS, thì việc xử lý thông tin và tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm quản lý tổng hợp môi trường thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết ở Việt Nam trong nhiều
năm qua. Những dữ liệu đầu ra ở dạng số liệu, trong các phần mềm máy tính khác nhau, khi được tích hợp trong một mô hình toán học, chúng sẽ giúp ích nhiều cho việc lưu trữ và quản lý, tiến tới những khả năng dự báo nguy cơ tai biến và hạn chế ô nhiễm môi trường. Khu vực thành phố Quy Nhơn thời gian qua có các vấn đề môi trường như tình trạng ô nhiễm các nguồn nước, không khí, đất đai, tiếng ồn do bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và các chất thải công nghiệp, sinh hoạt. Trước tình hìnhđó, UBND thành phố cũng đã chú ý tới việc bảo vệ môi trường. Tại các khu công nghiệp cũng đã tiến hành quan trắc môi trường nhằm theo dõi, giảm thiểu và ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, không khí trong khu vực, đòi hỏi sự nghiên cứu sâu về khả năng ứng dụng công nghệ mới cho truy cập, quản lý, theo dõi và đánh giá dự báo những biến động xấu trong tương lai. Việc ứng dụng một mô hình quản lý tổng thể có sự tham gia của dữ liệu viễn thám giúp ích nhiều cho khả năng dự báo và hạn chế các tác động gây ô nhiễm sau này.
Trên thế giới, đã có nhiều nước ứng dụng GIS trong phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, đánh giá tài nguyên thiên nhiên.
Tại Việt Nam, cũng có một số nghiên cứu khoa học về quản lý môi trường nhưng chủ yếu là đề xuất về xây dựng hệ thống thông tin và chuẩn dữ liệu. Những nghiên cứu mang tính thực nghiệm chủ yếu là sử dụng tư liệu viễn thám và GIS để giám sát biến động sử dụng đất, tính toán và dự báo lũ trong lưu vực sông…, mà chưa có hệ thống thông tin thống nhất chung cho các ngành, các địa phương.
Chương 3:
XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU GIS PHỤC VỤ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ KHU VỰC THÀNH PHỐ QUY NHƠN
Hệ cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý tài nguyên - môi trường đô thị thành phố Quy Nhơn được thiết kế thành hai phần: Hệ cơ sở dữ liệu nền địa lý như: ranh giới hành chính, địa hình, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy hệ, phủ bề mặt và hệ cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành tài nguyên - môi trường: tài nguyên môi trường nước, đất, không khí.
Cơ sở dữ liệu nền GIS bao gồm những dữ liệu mà các hệ thống thông tin địa lý trong cùng một địa bàn (vùng quản lý) đều cần đến và có thể sử dụng chung. Như vậy, tập dữ liệu nền địa lý của hệ thống thông tin địa lý là phần giao của các tập dữ liệu chuyên ngành trong cùng hệ thống.
Phương pháp được lựa chọn để xây dựng cơ sở dữ liệu GIS là theo kiểu kết nối trực tiếp giữa một đơn vị thông tin đồ họa với thật nhiều thông tin khác nhau trong cơ sở dữ liệu, phương pháp này thường được sử dụng để nắm bắt thông tin nhanh trên từng vùng lãnh thổ và phục vụ quản lý tài nguyên - môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cả các nhà quản lý và người sử dụng.
* Quy định phân lớp, nhóm lớp trong ArcGis.
- Tên của cơ sở dữ liệu: QUYNHON_TÀINGUYÊNMÔITRƯỜNG
- Tên của mỗi nhóm lớp chuyên đề bắt đầu bằng tên của cơ sở dữ liệu rồi đến tên của từng nhóm lớp chuyên đề:
+ Nhóm cơ sở dữ liệu nền 1: QUYNHON_Cơ sở
+ Nhóm cơ sở dữ liệu nền 2: QUYNHON_Biên giới địa giới + Nhóm cơ sở dữ liệu nền 3: QUYNHON_Dân cư cơ sở hạ tầng + Nhóm cơ sở dữ liệu nền 4: QUYNHON_Địa hình
+ Nhóm cơ sở dữ liệu nền 5: QUYNHON_Giao thông + Nhóm cơ sở dữ liệu nền 6: QUYNHON_Thủy hệ + Nhóm cơ sở dữ liệu nền 7: QUYNHON_Phủ bề mặt
+ Nhóm chuyên đề 1: QUYNHON_Môi trường và tài nguyên đất + Nhóm chuyên đề 2: QUYNHON_Môi trường và tài nguyên nước + Nhóm chuyên đề 3: QUYNHON_Môi trường không khí