Cái “tôi” đồng cảm với những số phận con người

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong tuổi thơ im lặng của duy khán (Trang 28 - 33)

CHƯƠNG 2. TUỔI THƠ IM LẶNG – NHỮNG MIỀN HỒI ỨC

2.3. Cái “tôi” đồng cảm với những số phận con người

Thế giới trong hồi ức, hoài niệm luôn được thanh lọc qua trí nhớ, cuộc đời được phản chiếu qua tâm hồn và suy nghĩ của người nghệ sĩ nên nó thấm đẫm chất trữ tình, suy tư trải nghiệm. Đó có thể là sự tự ý thức sự suy ngẫm chân thực về cuộc sống của chính mình cũng như mọi người xung quanh. Khi nhà văn hồi tưởng về những con người đã đi qua cuộc đời mình cũng là nguồn dưỡng khí khơi gợi cảm xúc nhớ nhung trong họ lại mênh mông dâng trào.

Là con người của tầng lớp lao động nghèo khổ, lại được chứng kiến nhiều cảnh buồn đau của xã hội. Bao cảnh người, bao cảnh đời gắn bó neo đậu với tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng và có khi chỉ là thoảng qua như ánh nắng chiều đông nhưng tất cả đã hằn sâu vào trong tim Duy Khán về cái thời khủng hoảng, xã hội lụi tàn. Quê hương bé nhỏ của nhân vật tôi hiện lên với không khí nặng nề của những ngày sưu thuế, những ngày ảm đạm của cái thời đói khổ “Tuần phu đi rầm rập bắt thuế. Trống dồn sôi cả bụng, đập thình thịch vào cái ngực bé nhỏ của tôi… Ánh giăng màu đỏ úa úa, rồi đỏ lừ. Lợn giời lại éc…éc… bay qua. Bao nhiêu người chết.”[11,tr.44-113]. Từ bối cảnh hiện thực này nhà văn gợi lên cho chúng ta thấy cuộc sống của người dân Việt Nam, trong thời kì khắc nghiệt, trong bầu không khí ngột ngạt của nạn đói 1945. Con người tìm mọi cách để kiếm sống, để mưu sinh, để giành giật sự sống. Cái nghèo, cái đói đã làm biến hình, đổi dạng tha hóa phẩm chất con người: con người đôi khi còn ác hơn con vật. Nhưng trong tâm hồn sâu thẳm của một cậu bé nhạy cảm thì đó chỉ là “một vài sản phẩm” của xã hội tăm tối, lụi tàn mà thôi.

Tuổi thơ im lặng là một bức tranh dày đặc về số phận của những người nghèo khổ. Đó là thân phận đắng cay, cơ cực của bà nội. Với cái tuổi gần bảy mươi người bà đáng ra phải được nghỉ ngơi an nhàn nhưng trong cái chế độ xã hội sưu thuế chất chồng của bọn thực dân phong kiến thì bà của nhân vật tôi lại phải sống cảnh lam lũ, đói nghèo. Cả ngày “Bà tất bật, khi đi giồng sắn ở trại, lúc rẫy ràng, khi bắt cua bán, lúc cấy thuê”[11, tr.44], kể cả những lúc

ốm đau bà cũng không dám nghỉ ngơi và ăn uống. Thức ăn để bồi bổ trong những ngày đau ốm đó chỉ là bát cháo, bát canh cho qua ngày, ngay cả đến lúc mất bà cũng không ăn được một bữa ngon; quần áo của bà chỉ là vải diềm bâu, trúc bâu nhuộm bùn, nhuộm nước củ nâu với lá bàng rách lại vá. Cuộc sống của bà cơ cực là vậy, đói khổ là vậy nhưng tâm hồn bà lại vô cùng thanh cao. Bà như một bà tiên hiền lành, nhân hậu “tôi ít thấy bà đôi co với ai. Dân làng bảo bà hiền như đất… Nếu ai lành chanh lành chói bà rủ rỉ khuyên. Bà nói nhiều bằng ca dao, tục ngữ”[11, tr.44] nhưng “Bà tôi có học hành gì đâu, một chữ cắn đôi không biết, bà lặng lẽ cứ tưởng bà không biết gì. Bà thuộc như cháo hàng trăm nghìn câu ca dao”[11, tr.50]. Những bài học đạo đức về cách sống, về cách làm người của bà giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc, thấm thía. Người bà nhân hậu là thế, cao cả là thế đáng ra phải sống lâu hơn cùng con cháu, nhưng quy luật sinh tồn thì làm sao có thể chống lại được. Bà đã ra đi trong nỗi tiếc thương, xót xa của cả dân làng “Bà ơi, bà chết thật rồi!

Chúng tôi vừa khóc vừa gào thế… Chiều hôm sau con cháu, họ hàng, làng xóm đưa bà đi. Tiếng trống cái thì thùng, cái lệnh rè kêu phèng phèng. Giời mưa phùn gió bấc mà đám ma của bà đông quá. Nhẽ ra thì phải cúng tế, có kèn…”[11, tr.53], cuộc đời bà khổ cực đến lúc chết cũng vẫn khổ cực, ngay cả nghi lễ bình thường của người chết mà bà cũng không có, thật là quá đắng cay. Cả cuộc đời của bà đã hi sinh hết cho con, cháu. Từ một gia sản đồ sộ, đất đai, ruộng vườn bà đã bán hết để giữ lấy mạng sống cho chồng, con. Cuối cùng phải sống những ngày cơ cực, nhọc nhằn. Nhân vật nghĩ mình thật hạnh phúc đã được sống với bà một khoảng thời gian dài, được bà thương yêu.

Người bà như vì tinh tú chiếu sáng tâm hồn thơ dại của nhân vật, nhưng vì tinh tú ấy đã tắt trên bầu trời bao la của tình thương, của lòng nhân hậu. Sự ra đi của người bà là sự mất mát lớn lao tưởng chừng khó chấp nhận nổi đối nhân vật tôi “Ba gian nhà gianh gió lùa. Mấy cái ống tre ngoài hiên khóc vu vu cả ngày lẫn đêm. Tôi đi qua có lần tưởng bà còn sống vì bà mất vội quá.

Bà ơi! Bà! Bà vẫn hát đấy: Trèo lên cây khế nửa ngày..”[11, tr.54]. Những câu văn như dòng lệ trào dâng trong miền hồi ức xót thương về người bà dấu yêu của Duy Khán.

Xây dựng cái “tôi” đồng cảm, Duy Khán đã đặt nhân vật tôi trong sự nhìn nhận, suy nghĩ về số phận nghèo khổ của chính những người thân trong gia đình để thấy được cái chân thực của cuộc sống. Cái nghèo khổ in dấu trên bàn chân người cha “Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hòa muối, gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi”[11, tr.55]. Hằn trên đôi vai người mẹ “Đôi vai của mẹ thành chai từ bao giờ con không biết. Trên đôi vai ấy ai để chiếc bánh dày vào. Bánh dày màu nâu sẫm, có lúc nứt ra. Cái năm mẹ leo lên núi gánh “đá trăm” xuống thuyền cho người ta chở lên tỉnh, ấy là cái năm vai mẹ nứt to nhất, mất một lần da, rớm máu, dính cả vào đòn gánh”[11, tr.56]. Vì cuộc sống quá nghèo khổ nên bố mẹ của nhân vật tôi phải lam lũ khổ cực đến mức biến đổi hình dạng con người như vậy. Ở đây ta thấy, khi xây dựng ngoại hình những đấng sinh thành của nhân vật tôi thì Duy Khán chỉ miêu tả một chi tiết duy nhất đó là đôi chân cha và đôi vai mẹ. Nhưng chỉ một chi tiết đó thôi cũng đủ sức mạnh để nói lên những nhọc nhằn, vất vả, khổ cực của bố mẹ. Và chỉ nó mới có thể nói lên hết được tất cả sự xót thương, tấm lòng biết ơn sâu nặng của nhân vật tôi “Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy:

đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh… Nhưng chính đôi vai xương xẩu, bé nhỏ, mỏng manh ấy lại gánh được bao thứ mà người thường không thể gánh nổi”[11, tr.56-57].

Trong cảnh đất nước bị hết thực dân phong kiến bọc lột, đến phát xít vơ vét, đày đọa thì con người làm sao tránh khỏi những bất công không nói lên

lời. Hình ảnh một chú Ất già sống dưới tận cùng của đáy xã hội luôn bị người đời khinh bỉ, chửi rủa thậm tệ. Đó còn là số phận đắng cay của con gái chú mõ thôn Chiều bị quan huyện vô cớ bắt về làm thiếp. Hay đó là hình ảnh cô Phan bị ép duyên lấy chồng ba lần bảy lượt bỏ về nhà đều bị bố mẹ, hắt hủi đuổi đi,… Họ là hiện thân của những cảnh đời thấp hèn, khốn khổ. Những con người đó không có quyền tự do trong sự lựa chọn tình yêu và hạnh phúc.

Họ như một món đồ cho những kẻ cao sang, quyền thế chà đạp. Bằng ngòi bút hiện thực trực diện Duy Khán đã vẽ lên một xã có quá nhiều vô lí bất công, một xã hội mà nhân quyền và dân quyền của con người bị coi thường, khinh rẻ.

Một tuổi thơ sống trong cái xã hội tối tăm của nạn đói năm 1945, chứng kiến bao cảnh đời, bao số phận nghèo khổ, cay đắng, xót xa của con người, tất cả đã hằn sâu trong tâm trí của nhân vật tôi. Đó là khi phải chứng kiến người bạn thân chết trong tức tưởi chỉ vì cái đói, cái nghèo “Thằng Dị ốm nặng lắm… Nhẽ ra nó khỏi rồi, nhưng vì đã bị phù lại ăn thịt trâu chết… Đói quá nó không cần kiêng nữa. Nó ăn thịt trâu, nửa đêm ra vại nước tắm ào ào. Hôm sau nó ốm liệt dường rồi chết”[11, tr.120-121]. Một sự thật xót xa, nỗi nghẹn ngào trào dâng trong tâm hồn bé nhỏ của nhân vật. Đắng cay hơn nữa, nghiệt ngã hơn nữa, cái đói, cái nghèo còn hủy hoại cả nhân cách con người. Con người coi con người không bằng con vật: một thằng Khoèo bị gia đình, xã hội hắt hủi, bơ vơ nơi gốc đa sân đình trong đói rét “Lúc rét nhất nó vẫn cởi truồng đứng dưới gốc đa cửa đình. Không ai đến gần nó bao giờ cả… Chú mõ nói với nó hoàn toàn như nói với con chó nhà chú: - Này ăn đi! - Đi ra đường, chơi! - Xéo đi!”[11, tr.132-133], và đến lúc chết cũng không có chút thương cảm nhỏ nhoi “Hôm nhà chú mõ đưa nó ra đồng, không một ai khóc không kèn không trống” [11, tr.133]. Trước thảm cảnh của xã hội đó, tác giả đã để cho nhân vật tôi tự bộc lộ cảm xúc của mình để thấy rõ được sự xót xa, thương cảm cho số phận của đứa bé khốn cùng “Khoèo ơi! Khoèo không còn

ở cõi đời này nữa! Ừ, sống thế thà chết còn hơn”[11, tr.133]. Không chỉ có Dị, có Khoèo mà còn vô vàn những kiếp người sinh ra trong cái nạn đói khủng khiếp đều chung cái số phận khốn cùng này “Hàng trăm người chết đói được chôn ở đây. Họ không quê quán, không tên tuổi. Nhưng đây là những người tôi quen biết”[11, tr.175]. Kí thác qua cái nhìn chân thực của nhân vật, Duy Khán như đang trực tiếp chiếu cho chúng ta xem những thước phim tài liệu về thời kì khủng hoảng của đất những năm 40 của thế kỉ XX. Trong đó, người đọc có thể cảm nhận được cái đói đã đày đọa và chôn vùi nhân phẩm con người ta như thế nào. Họ là những nhân vật tiêu biểu cho hơn hai triệu đồng bào đã chết trong cảnh khốn cùng giai đoạn tăm tối của đất nước. Qua đây chúng ta có thể thấu hiểu được những hệ lụy, nỗi khốn khổ của người dân nghèo trong những khúc quanh đầy gai góc của lịch sử.

Như vậy, để xây dựng cái “tôi” đồng cảm với những số phận con người Duy Khán đã đặt nhân vật gắn bó với từng số phận con người trong vòng quay của những định mệnh. Với bút pháp tả chân bên cạnh những dòng suy nghĩ thấm đẫm cảm xúc nhà văn ta đã vẽ lên một bức tranh xã hội với biết bao cảnh đời nghèo khổ. Qua đó, tác giả muốn gửi đến thông điệp: tình yêu thương chính là cội nguồn của sức mạnh, là lẽ sống mà con người hướng tới;

tình yêu thương còn là động lực để cho để cho chúng ta vượt lên trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời mình. Nặng lòng yêu thương cuộc sống, trân trọng con người đã cho ta thấy được tấm lòng thổn thức của Duy Khán trước những cảnh đời cơ cực, những số phận oan nghiệt, đắng cay ngập tràn trên những trang văn.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong tuổi thơ im lặng của duy khán (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)