CHƯƠNG 3. YẾU TỐ TỰ TRUYỆN TRONG TUỔI THƠ IM LẶNG –
3.2. Kết cấu văn bản
3.2.1. Kết cấu truyện theo những mảnh ghép kí ức
Một tác phẩm văn học dù dung lượng lớn hay nhỏ đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận,…Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định gọi là kết cấu. Nói cách khác kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học. Kết cấu tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Nếu những yếu tố kĩ thuật, thủ pháp là có giới hạn thì kết cấu là vô hạn, vì mỗi tác phẩm là một “sinh mệnh”, một “cơ thể sống” nên kết cấu tác phẩm là tổng quan các bộ phân cơ thể, phù hợp với nội dung của tác phẩm.
Kết cấu bộc lộ nhận thức, tài năng và phong cách của nhà văn. Bởi vậy, một nhà văn giỏi phải biết thiết kế một “cái áo vừa vặn” nhất cho tác phẩm của mình. Trong Tuổi thơ im lặng, với kết cấu theo những mảnh ghép kí ức Duy Khán đã làm tạo nên một nét riêng biệt trong phong cách sáng tác của mình, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Kết cấu mảnh ghép là kiểu kết cấu đối lập với kết cấu liền mạch. Đây là kiểu kết cấu nhiều truyện, nhiều mảnh nhỏ trong một truyện, mỗi mảnh nhỏ ấy là một kết cấu. Nếu trong kết cấu liền mạch, các sự kiện trong cốt truyện móc xích chặt chẽ với nhau, thì trong kết cấu này, các sự kiện trong cốt truyện không liền mạch mà rời rạc như những mảnh ghép chồng xếp lên nhau không theo một trật tự. Hai mảnh nào đó đặt cạnh nhau tất yếu sẽ tạo thành một biểu tượng mới, biểu tượng này nảy sinh từ sự đối sánh này chính là một phẩm
chất mới (S. Eisentein). Do vậy, chính những cái lộn xộn không kiền mạch ấy hợp lại tạo thành kết cấu chung của truyện.
Với cấu trúc là 46 truyện ngắn được chia ra theo những môtip khác nhau đã tái hiện một cách có trật tự những quãng đường đời đã qua của bản thân tác giả, đã dệt nên một câu chuyện dài thấm đẫm dư vị cảm xúc. Mở đầu tác phẩm là những câu chuyện miêu tả về cảnh quan miền quê núi Dạm nơi Khán sinh ra và lớn lên: Thế đất, Cổng chùa cụm cảnh quan địa lí văn hóa đa dạng trong thế giới thiên nhiên đa âm của lao xao; tiếp theo là chuyện về những người thân trong gia đình: bà nội hiền như đất sống cuộc đời cơ cưc, thầy với đôi chân dầm sương dãi nắng, u với đôi vai chai như bánh dày, anh Thả có đôi chân coi thường cả chông gai, em Bảng hát hay, em Tịch hay hờn hay dỗi, nhân vật tôi thì có đôi mắt toét,... Kế đến miêu tả lại những kỉ niệm về đồ vật, con vật: cái cối mẻ, cái cối tân, cái chăn ta vì của nước Nam, cái chăn Tây do xuất xứ từ Tây sang, con Vện hay ăn vụng cám lợn, con mèo Mãn màu đen,… Sau đó là hàng loạt câu chuyện kể về những số phận nghèo khổ con người trong xã hội: thằng Dị, bà Chùa, thằng Khoèo con giai chú mõ thôn Dương, con gái chú mõ thôn Chiều, chú Ất, ông Lập Đa Cấu, ông Đãng Đa Miệt, bà cả Tuệ, ông Cả Kiến, bà kép Hỉ, cô Phan,… Cuối cùng là những mẩu chuyện viết về động lực để hướng tới lí tưởng cách mạng của nhân vật:
đánh trận khao quân, ngày cờ đỏ, bị bắt, Tây càn, anh Thắng, tìm mộ anh Thả, lên đường. Như vậy, có thể thấy rằng, mỗi câu chuyện nhỏ ấy có một kết cấu riêng, có một chủ đề khác nhau, nhưng giữa chúng vẫn có sự liên kết, từ thời gian trước sau, các sự kiện vẫn có sự tác động lẫn nhau. Nó như những mảnh vỡ của chiếc gương, nếu thiếu một mảnh thì khuôn hình soi vào đó sẽ không trọn vẹn.
Thoát thai từ những nỗi lòng của mình, những câu chuyện, những mảnh ghép kí ức được tái hiện vào trang sách để dựng nên số phận những con người trong xã hội lụi tàn. Cuộc đời Duy Khán như nhan đề tác phẩm Tuổi
thơ im lặng, nhưng trong cái im lặng đó là cả vô vàn những dòng măcma nóng chảy chờ ngày phun trào. Tác giả đã trình bày sự thật của cuộc đời bằng chính tâm tư, tình cảm của mình, những gì thực sự đã diễn ra. Và đây cũng là cách mà tác giả đã bứt ra khỏi mô hình phản ánh hiện thực thông thường để tìm đến với một hiện thực khác, hiện thực đời sống nội tâm của những suy nghĩ, những nếm trải trong cuộc sống một cậu bé. Và chính nó đã làm nên cuộc đời một con người. Đồng hành cùng ý thức viết truyện là thuật lại cuộc đời mình, là những ý thức của Duy Khán “Bố viết. Bố viết cho các con. Bố thương cuốn sách này lắm”[11, tr.13]. Duy Khán đang kể cho chúng ta nghe câu chuyện đời tư, câu chuyện cá nhân ông nhưng câu chuyện ấy được dựng lên rất “truyện”, hay nói một cách hiển ngôn rằng đọc tác phẩm, chúng ta như cầm trên tay một cuốn tự truyện mà trong đó đầy đủ hội tụ các yếu tố nghệ thuật: hình tượng nhân vật chính, nội dung cốt truyện, mở đầu, kết thúc với các mẩu chuyện nhỏ cùng với những nhan đề gói gọn chủ đề được đề cập đến.
Sử dụng kiểu kết cấu mảnh ghép kí ức là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn Duy Khán. Đó là tác giả muốn độc giả tự xâu chuỗi những mảnh ghép, tự tìm ra bức tranh cuộc sống để rồi tri nhận về những giá trị của hiện thực. Bên cạnh đó tác giả còn đưa ra những quan niệm mới về nhận diện hiện thực đời sống. Thực tế hiện thực chúng ta đang sống là những mảnh ghép cũng có lúc ta có thể nhìn thấy nhiều thế giới khác nhau, cùng lúc chịu nhiều sự chi phối bởi hệ quy chiếu xã hội chứ không như chúng ta thường nghĩ cuộc sống là một khối đồng nhất, rất đơn giản chỉ là một kiếp sống tuần hoàn.
3.2.2. Kết cấu truyện lồng truyện
Kết cấu truyện lồng truyện ở góc độ một thủ pháp văn chương đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học thế giới. Một cách đơn giản đây là thủ pháp để lồng ghép một câu chuyện độc lập (có liên quan hoặc không về mặt nội
dung) vào tác phẩm chính trong quá trình diễn tiến của tác phẩm. Với văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, kết cấu truyện lồng trong truyện là một lối kết cấu mới mẻ, thể hiện việc chịu ảnh hưởng phương Tây rõ nét. Có nhiều nhà văn đã sử dụng kết cấu này để làm nên nét riêng biệt, độc đáo cho văn phẩm của mình.
Với Tuổi thơ im lặng bên cạnh kết cấu những mảnh ghép kí ức Duy Khán đã khéo léo vận dụng kết cấu truyện lồng truyện để làm tăng thêm sự hấp dẫn và tính khách quan tác phẩm. Kết cấu truyện lồng truyện được tác giả sử dụng chủ yếu trong các truyện ngắn gồm một tuyến truyện chính và một tuyến truyện phụ, trong đó tuyến truyện phụ đóng vai trò là đối tượng quy chiếu, liên tưởng, giải thích cho tuyến truyện chính. Câu chuyện trong tuyến truyện chính được thuật lại đầy đủ, còn câu chuyện trong tuyến truyện phụ thường chỉ là những trích đoạn ngắn được ghép vào câu chuyện chính. Khi kể về người bà của nhân vật tôi để đối sánh câu lời dạy của bà “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thì tác giả đã đưa thêm câu chuyện của bà thằng Tỏi làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp của người bà. Bà nhân vật tôi sống trong cảnh nghèo khổ không bao giờ có tiền cho cháu mua quà bánh nhưng chỉ bằng những phẩm chất thanh cao của mình bà cũng đã dạy con cháu bằng lời yêu thương, do đó những đứa cháu của bà ai cũng ngoan ngoãn, nghe lời “bà như thế chúng tôi hư làm sao được”[11, tr.44]. Trong khi đó bà thằng Tỏi lại quá chiều cháu mình nên đã làm hư nó “nó cầm ba cái kẹo ném vào bà. Lần này bà giận ứ cổ. Bà đánh liều, phát vào đít nó một cái. Nó kêu, nó khóc từ thông buổi đến trưa. Bà nựng nó. Bà sợ nó…”[11, tr.45], thật là khó có thể tin nổi bà lại sợ cháu bao giờ. Chính cái sự nuông chiều thái quá của người bà đã dần dần hủy hoại đạo đức của đứa cháu. Qua việc lồng ghép câu chuyện về người bà nhân vật khác, thì hình ảnh người bà của nhân vật tôi hiện lên rõ nét hơn, sống động hơn với những phẩm chất thật là đáng quý. Đó chính là bài học cho
nhân vật cũng như cho tất cả chúng ta sau này phải có một cách sống đúng đắn với các chuẩn mực đạo đức.
Trong câu chuyện kể về anh Thắng, người chiến sĩ kiên trung đang tản cư tại ngôi làng của nhân vật tôi để điều trị những vết thương do cuộc chiến tàn khốc gây ra. Khi nói về những hiểm nguy gian khổ và ý chí chiến đấu kiên trung của mình cho các em nhỏ trong làng nghe thì nhân vật Thắng cũng không quên kể cả những chiến công của đồng đội mình. Với việc lồng ghép những câu chuyện về tinh thần chiến đấu bất khuất của các anh chiến sĩ tác giả đã dựng lên được không khí đấu tranh quật cường của dân tộc. Anh Thắng, anh Thái chỉ là những đại diện cho cả thế hệ tuổi trẻ dân tộc luôn nuôi trong mình tâm huyết “quyết tử vì tổ quốc quyết sinh”.
Cùng với sự phối hợp linh hoạt của kết cấu truyện đã cho ta được thấy những trăn trở kiếm tìm lối viết của Duy Khán. Chỉ bằng một tác phẩm văn xuôi duy nhất những nhà văn đã biết tiếp thu những tinh hoa của nền văn học thế giới và dân tộc. Ông đã biết cách vận dụng một cách sáng tạo những kĩ xảo của ngành nghệ thuật điện ảnh, tạo nên những hình thức kết cấu độc đáo nhằm chuyển tải tối ưu chủ đề tư tưởng tác phẩm. Chúng ta tưởng chừng kiểu kết cấu truyện lồng truyện chỉ có thể áp dụng trong lĩnh vực tiểu thuyết nhưng cũng được các tác giả vận dụng linh hoạt trong tác phẩm của mình nó tạo ra được cái nhìn đa chiều về cuộc sống, hạn chế được điểm nhìn chủ quan ngôi thứ nhất và tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện được kể đến.